Bạn nghĩ: Rõ ràng mình rất biết béo phì là “đầu mối” của nhiều bệnh tật từ tim mạch đến tiểu đường. Lại cực ghét cái dáng bệ vệ, oai đấy, nhưng có vẻ trì trệ, thiếu năng động, thậm chí trông “xôi thịt” thế nào ấy nên đã hết sức giữ gìn cái dáng dấp thanh mảnh trời cho này bằng cách hết sức kiêng khem: không bơ sữa, tránh thức ăn rán, xào, không bia rượu…
Nghĩa là, xa lánh những thức ăn nào cung cấp nhiều calo, lại đi bộ buổi sáng và tập thể dục nữa. Thế mà tháng nào đi cân, chiếc kim chỉ trọng lượng cũng lệch thêm một tí về phía bên phải. Sao vậy nhỉ?
Thực phẩm giàu năng lượng (nhất là khi chúng lại là món ăn khoái khẩu của bạn) luôn luôn là thủ phạm chính làm bạn phát phì và đồng phạm thân cận nhất của nó là sự ít vận động. Bạn ăn kiêng và tăng cường vận động là rất đúng. Thế nhưng cũng có những nguyên nhân bất ngờ xuất hiện mà ít người để ý đến, vì thế mất cảnh giác với chúng. Xin vạch mặt chỉ tên những tên giấu mặt này.
Do thiếu ngủ
Cơ thể hoạt động tốt nhất nếu được nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu bạn vì lý do nào đó mà mất ngủ thì bạn sẽ bị căng thẳng về mặt tâm lý và về mặt sinh hóa, cơ thể bạn sẽ tích lũy mỡ nhiều hơn. Vì khi ngủ, cơ thể sẽ giải phóng một chất là leptin có nhiệm vụ thông báo khi nào cơ thể tích lũy đủ mỡ và làm bạn chán ăn. Thiếu ngủ làm chất này suy giảm, cảm giác thèm ăn xuất hiện trở lại. Chính vì thế, người mất ngủ thường thích ăn vặt và thói quen này gây béo. Chỉ riêng việc nhấm nháp gói lạc rang cũng là một cách cung cấp thêm calo cho cơ thể đấy.
Nhu cầu ngủ tùy người nhưng nói chung thường 6 tiếng trở lên. Có nhiều cách chữa mất ngủ: lên giường vào giờ nhất định, tránh dùng các loại nước giải khát có tính kích thích, trước khi đi ngủ nên tắm nước ấm để tăng thân nhiệt, sau đó sự hạ nhiệt sẽ đưa bạn vào giấc ngủ. Mặc quần áo mỏng, uống một cốc nước lạnh, đọc một cuốn sách nhàm chán, xem tivi là những cách khác gọi “cái ngủ” đến theo kinh nghiệm của mỗi người.
Do stress
Những sự buồn bực, cáu giận, làm việc quá tải, lo nghĩ… dẫn đến stress. Stress có các triệu chứng như bị ám ảnh, tức ngực, khó thở, tăng huyết áp, chán ăn, đầy bụng, sống khép kín. Stress ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, vì nó làm cơ thể bị ứ đọng các hocmon như corticoid, gây hiện tượng tích lũy mỡ thừa khiến vùng đùi, bụng… cứ phát phì ra. Và béo là “bạn đường” của stress.
Để xả stress, người ta phải học cách thư giãn, thở sâu, tập thiền, không tham công tiếc việc, xen kẽ làm việc với nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường ăn rau quả, tránh các gia vị gây kích thích… Biện pháp tích cực là tìm hiểu điều gì đã làm mình bị stress để triệt tiêu nó đi và tìm đến chỗ đông người, những nơi giải trí, tăng cường giao lưu với bè bạn.
Do thuốc
Một số loại thuốc (thường là thuốc phải mua theo đơn) để chữa chứng bệnh khác cho bạn được bác sĩ chỉ định như trầm cảm, rối loạn hành vi, cao huyết áp, tiểu đường… cũng là những nguyên nhân làm tăng cân. Các nhóm thuốc có thể gây béo phì gồm:
– Thuốc thuộc loại steroid
– Thuốc chống trầm cảm, chữa bệnh tâm thần.
– Thuốc chống lên cơn (như động kinh)
– Thuốc trị tiểu đường, cao huyết áp, chữa ợ nóng (do khó tiêu)…
Béo phì do thuốc dễ nhận thấy vì có đặc điểm là tăng cân nhanh và nhiều. Khi dùng thuốc mà nghi là chúng làm tăng cân, bạn cần đến bác sĩ ngay để đổi thuốc thuộc nhóm chất khác có cùng mục đích. Không nên vì thấy béo lên mà ngừng uống thuốc vì thuốc chữa bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn hiệu ứng phụ là tăng cân. Trong trường hợp này vẫn cần duy trì chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
Do bệnh
Có một số bệnh làm bạn béo ra. Ví dụ bệnh thiểu năng tuyến giáp (hypothyrodism). Vì tuyến giáp hoạt động kém nên tiết ra không đủ hocmon chủ yếu là thyrosin, nên quá trình chuyển hóa của tế bào giảm hẳn, khiến bạn vừa mất cảm giác ăn ngon, đồng thời trọng lượng cơ thể lại tăng lên.
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đôi khi ở trạng thái hôn mê, phù nề, chịu lạnh kém, ngủ quá nhiều và đau đầu thì phải nghĩ đến bệnh này. Hãy đến bác sĩ và thực hiện những xét nghiệm để kiểm tra xem có phải mình mắc bệnh thiểu năng tuyến giáp không.
Một loại bệnh khác hiếm gặp hơn, y học gọi là hội chứng Crushing, gây ra do sự thừa hocmon cortisol cũng làm cho bạn phát phì.
Như vậy, với những nguyên nhân trên thì 2 biện pháp rất hiệu quả là ăn kiêng và rèn luyện thân thể vẫn chưa đủ để ngăn việc bạn trở nên đẫy đà. Cần tìm hiểu những nguyên nhân khác, xem xét xem chúng có rơi vào trường hợp của bạn không. Nếu phát hiện ra chúng, hãy đến bác sĩ để “cắt” đi sự đeo bám của chúng.