Casting là một thành phần không thể tách rời của điện ảnh – truyền hình, hoặc nghệ thuật biểu diễn của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Không biết ở các nước – có nền điện ảnh – truyền hình chậm phát triển – khác thế nào, chứ ở Việt Nam, casting đã ngày càng biến tướng một cách… kỳ quặc!
Casting ở nước ngoài
Trong tiếng Anh, chữ Cast (danh từ) dùng trong điện ảnh – truyền hình hoặc nghệ thuật biểu diễn, được hiểu theo nghĩa chung là Dàn diễn viên (khi xem hết phim Mỹ ta thường thấy chữ Cast hiện lên, theo sau là toàn bộ danh sách diễn viên kèm theo tên vai diễn).
Còn chữ casting (động từ) hiểu cho chính xác nhất nghĩa là Phân vai hay là Chọn diễn viên. Vì thế casting là một công việc cực kỳ quan trọng trước khi triển khai một bộ phim. Chữ này thời bao cấp ở Việt Nam hầu như không thấy ai dùng.
Khoảng gần 20 năm trở lại đây, khi những công ty quảng cáo và các dự án phim nước ngoài đến Việt Nam, thì chữ casting mới được dùng tới. Và hiện nay casting đã trở thành một chữ được sử dụng phổ biến trong giới nghệ thuật biểu diễn.
Thật ra những người làm nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn mù mờ về ý nghĩa và những công việc của nghề casting, mà thật ra nó chỉ nằm trọn vẹn ở một triết lý duy nhất: Chọn đúng người cần tìm! Casting một nhân vật thường trải qua ba công đoạn chủ yếu: Chụp ảnh, trao đổi trò chuyện và thử vai.
Chụp ảnh để xem gương mặt và ngoại hình của diễn viên có ăn ảnh hoặc phù hợp với hình dung của đạo diễn về nhân vật không. Những cuộc trao đổi trò chuyện là cực kỳ cần thiết bởi những lúc như vậy, đạo diễn sẽ có thể tìm thêm ý tưởng mới, bỏ bớt hoặc khai thác đến tận cùng những ưu khuyết điểm của diễn viên đó.
Bước cuối cùng rất quan trọng là quay thử vai. Thử vai là dịp để các diễn viên thể hiện tài năng của mình, và các đạo diễn, nhà sản xuất sẽ biết được đây có phải là nhân vật mà mình cần tìm hay không. Bước này thường diễn ra với chỉ một vài ứng cử viên rút gọn sau cùng.
Rất nhiều người trong nghề thường hay thắc mắc: Casting những gương mặt mới phải trải qua những công đoạn như trên là chuyện dễ hiểu, nhưng tại sao cũng phải làm y hệt như thế với những tên tuổi đã thành danh?
Ở nước ngoài, khi đã casting thì ai cũng như ai, bất kể là sao lớn cỡ nào cũng phải đến thử vai. Chỉ có một khác biệt ở chế độ ưu đãi. Ngôi sao khi đến thử vai sẽ được tiếp đón rất chu đáo và nồng hậu, và trong buổi quay thử phải có sự hiện diện ít nhất của đạo diễn hoặc nhà sản xuất.
Đối với phim nước ngoài, nhân vật là quan trọng nhất, nên bất kể là ai, người đó phải hợp vai từ ngoại hình đến diễn xuất. Một ngôi sao có thể cả thế giới đã quen mặt, nhưng khi thử vai, khoác lên người bộ trang phục nhân vật với lớp hóa trang, có thể ngôi sao đó không còn giống với nhân vật mà đạo diễn đã hình dung nữa!
Nếu sự sáng tạo đó là xuất sắc, đủ để thuyết phục đạo diễn và nhà sản xuất thay đổi cách nhìn của diễn viên đối với nhân vật thì không nói làm gì. Nếu không đồng ý thì đành phải chọn một diễn viên khác.
Trong thế giới casting, ngôi sao và người thường không có ngoại lệ! Có điều trước khi muốn mời ngôi sao đó thử vai, đạo diễn và nhà sản xuất phải họp bàn kỹ lưỡng trước khi đưa ra lời mời, chứ không phải cứ ngôi sao nào cũng gọi!
Thông thường, 90% các ngôi sao trên thế giới thường biểu lộ sự chuyên nghiệp của mình, bằng cách đến thử vai rất nghiêm túc, nếu có lời mời. Đồng thời họ đón nhận sự từ chối, nếu không hợp vai, cũng bằng một thái độ rất chuyên nghiệp. Có rất nhiều ngôi sao vì quá thích vai diễn, hoặc là mong muốn được làm việc với đạo diễn đó đã gọi điện xin được thử vai, xin giảm thù lao hoặc hạn chế mọi đòi hỏi…
Phụ trách casting ở nước ngoài hoàn toàn do những công ty độc lập thực hiện. Họ nhận một khoản phí casting từ hãng phim, nếu là công ty casting danh tiếng, họ có thể đòi hỏi hưởng phần trăm từ tiền thù lao của diễn viên. Nhưng việc hưởng phần trăm này thường do công ty casting phát hiện được những gương mặt mới, và họ nhận tiền từ sự thỏa thuận với các diễn viên.
“Phát hiện được một gương mặt mới, và đưa họ trở thành ngôi sao là hạnh phúc lớn nhất của nghề casting, tất nhiên theo sau niềm vui đó là uy tín và tiền bạc”. Bà Christine King (Australia) – Giám đốc Casting của các phim “Ghost Rider”, “Star Wars III – Revenge of the Sith”, “The Quiet American”… đã từng phát biểu như vậy!
Casting ở nước ta!
Hồi 2001, bộ phim kinh dị Hàn Quốc R-Point (Điểm R) khi sang Việt Nam để chuẩn bị, họ đã cực kỳ vất vả trong việc chọn diễn viên – mặc dù phim này chỉ cần có một diễn viên nữ chính thủ vai hồn ma cô gái Việt Nam. Họ đi từ Bắc chí Nam mà không tìm đâu ra một công ty nào phụ trách casting!
Mãi đến khi vào Sài Gòn hỏi thăm lòng vòng mãi, họ mới tìm được một người đã từng có kinh nghiệm casting cho các phim nước ngoài. Lúc ấy các nhà sản xuất Hàn Quốc ngạc nhiên, không hiểu tại sao một đất nước có thâm niên điện ảnh mấy mươi năm và có dân số khá lớn như Việt Nam, lại không tồn tại một công ty casting nào cả!
Tất nhiên họ càng không thể biết ở Việt Nam mấy chục năm qua cho đến nay, casting từ lâu đã trở thành… quyền lực của đạo diễn! Thật ra khi casting, đạo diễn đúng là người quyết định cuối cùng, nhưng ở các nước khác, việc casting luôn được giao cho các công ty, bởi đạo diễn của người ta có trăm công nghìn việc phải lo.
Còn ở nước ta đạo diễn… chẳng có việc gì để làm, nên “ôm” phần việc casting, bởi mỗi lần có một phim triển khai là một dịp “bằng vàng” để các đạo diễn trổ tài… “kiếm chác”!
Thời bao cấp khốn khó, được xuất hiện trên phim là cả một vấn đề lớn, do đó mỗi lần có phim, đạo diễn nghiễm nhiên có quyền hành như vua chúa ngày xưa… trong việc phân vai. Thường thì để không ai nói ra nói vào, một hai nhân vật chính sẽ được giao cho các diễn viên tên tuổi, còn lại từ vai thứ trở xuống sẽ do đạo diễn toàn quyền “định đoạt”!
“Định đoạt” ở đây có khá nhiều nghĩa, theo “luật” bất thành văn mà những người trong giới hay tóm gọn trong một câu tục ngữ của giới làm phim… “trai thì đòi tiền, gái thì đòi tình”!
Những năm của thập niên 1980, những người làm điện ảnh Sài Gòn không ai không biết uy danh của đạo diễn L.H.H, một đạo diễn có tài làm phim hình sự ăn khách. Phim của ông chỉ cần một vài diễn viên tên tuổi, còn dàn bao 80% là diễn viên mới.
Những “diễn viên” tay ngang xuất hiện trong phim của ông hầu hết là dân buôn bán, chạy áp-phe ở ngoài nên tiền bạc dư dả. Mê đóng phim nên việc họ phải bỏ tiền ra để được góp mặt trên màn ảnh chỉ là chuyện nhỏ!
Vào thời cả nước khó khăn đó, mà đạo diễn L.H.H đã đến phim trường bằng xe hơi riêng, hút xì gà đắt tiền. Máy lạnh là thứ hàng quá xa xỉ lúc ấy, nhưng nhà ông hầu như tất cả các phòng đều có. Cái nào bị “hắt hơi sổ mũi” lập tức “có người” đến thay cái khác!
C – một người từng làm việc thân cận với ông trong nhiều phim còn kể lại, L.H.H mà biết trên thị trường hiện có món đồ đắt giá nào mình thích, chỉ cần ông nói một tiếng “có người” sẽ dâng đến tận nơi, tất nhiên người đó sẽ có nhiều cơ hội trong những bộ phim sắp tới. Khi hỏi C về… “khoản kia” của đạo diễn L.H.H thì anh chỉ lè lưỡi không nói kèm theo một nụ cười… bí hiểm!
Nhưng may mắn là đạo diễn L.H.H lại có biệt tài làm việc với các diễn viên tay ngang rất giỏi, hầu như phim nào của ông cũng ăn khách, nên những chuyện “ngoài lề” của ông ít bị ai soi mói nói ra nói vào, mà chỉ trở thành những giai thoại trong giới kể nhau nghe chơi!
Khác với các diễn viên nữ chủ yếu bị gạ gẫm về tình cảm, các diễn viên nam thường bị “đánh” về kinh tế, với những chiêu thức phổ biến như “gài” ăn nhậu, “bỏ nhỏ” mua quà đắt tiền, “hiến” từng phần hoặc… “tặng” toàn bộ cát-xê cho đạo diễn! Có khá nhiều nam diễn viên thành danh ngày hôm nay đã từng trải qua thời kỳ “đạo diễn kiêm casting” đầy gian truân, mệt mỏi và tốn kém!
Đến nay đa phần “đạo diễn kiêm casting” đều “bình an vô sự”, ít xảy ra scandal nào, bởi họ rất khôn ngoan, thường casting thông qua các trợ lý. Tất cả các “phán quyết” với các “con mồi diễn viên” đều do trợ lý truyền đạt lại. Thế là lại nảy sinh ra những tiêu cực khác đến từ mấy “ông” trợ lý “trời đánh”! Đã có nhiều trường hợp các đạo diễn bị mấy “ông” trợ lý “dẻo miệng” qua mặt hớt tay trên, tức căm gan mà chẳng làm được gì!
Còn một kiểu phân vai kỳ cục khác nữa là “casting theo băng nhóm” – nghĩa là đạo diễn và diễn viên kết thân với nhau thành một nhóm. Hễ phim của đạo diễn đó là nhắm mắt cũng có thể biết tên những diễn viên trong phim là ai, bất kể có hợp vai hay không.
Đó là chưa kể đến những “đạo diễn kiêm casting” lười biếng một cách thảm hại, khiến cho việc casting trở thành nỗi ngán ngẩm của tất cả mọi người. Mới đây nhất là vở hài kịch “cười ra nước mắt” của đạo diễn Q.Đ: Bấm máy 2 bộ phim truyền hình “Tường Vi cánh mỏng” và “Mây trắng ngang trời” với gần như cùng một ê-kíp diễn viên!
Trời xui đất khiến thế nào 2 bộ phim lại được xếp lịch phát sóng cùng một thời điểm, chỉ khác kênh và giờ chiếu. Khán giả theo dõi kêu trời loạn xạ, khi nhầm phim này với phim kia bởi các diễn viên y chang! Nhà đầu tư “đắng ngắt”, còn đơn vị sản xuất thì “quê độ” quay ra “dũa” đạo diễn tơi bời!
“Ngon ăn” và “nhiều lợi lộc” như vậy nên casting ở Việt Nam đến giờ vẫn là đặc quyền của các đạo diễn. Chỉ khổ cho khán giả và các diễn viên trẻ mới vào nghề! Tất nhiên, những gì nêu ra trên đây không phải là “vơ đũa cả nắm”. Vẫn có nhiều “đạo diễn kiêm casting” tận tâm và đầy trách nhiệm với nghề nghiệp – thú vị là những đạo diễn đó đa số là những người trẻ.
Nhưng vẫn còn một sự khó khăn khác thuộc về tính chuyên nghiệp của các diễn viên ở Việt Nam, khi 90% những người nổi tiếng không thích đến casting, không thích thử vai. Thậm chí có người còn xem việc “bị” mời đến thử vai là một sự sỉ nhục! Nếu thấy hợp thì mời, chứ hiếm ai xem việc thử vai là một trong những nghĩa vụ nghề nghiệp cao cả của người diễn viên!
Phần lớn người nổi tiếng thường mắc “bệnh sĩ” hoặc quan niệm về việc casting còn hạn hẹp. Điều này ít nhiều đã làm cản trở cơ hội của các đạo diễn cũng như của chính diễn viên đó!
Quả lừa casting mang tên… Chơi Vơi!
Những năm gần đây casting ít được xem là công cụ “kiếm chác” mà đã được nâng lên thành nghệ thuật P.R.
Khởi đầu cho việc này là sự ra đời của Vietcast – công ty Casting đầu tiên của Việt Nam – vào năm 2003. Dư âm tốt đẹp từ bộ phim “Dốc Tình” mà Vietcast chọn toàn bộ dàn diễn viên mới tinh chưa từng đóng phim, đã mở đầu cho phong trào đăng thông báo casting diễn viên rầm rộ trên báo đài của những bộ phim đang chuẩn bị bấm máy.
Tuy nhiên, sau một thời bùng phát, những bạn trẻ hồ hởi tham gia casting đã nhanh chóng chuyển sang thất vọng, bởi tất cả những thông tin rầm rộ đó chỉ đơn thuần là chiêu thức P.R tạo sự chú ý. Khi phim chiếu ra vẫn chỉ toàn những gương mặt cũ xì đơn điệu. Báo chí thời gian đầu còn nhiệt tình ủng hộ đăng tin, nhưng rồi sau đó cũng nản không còn hào hứng như trước nữa!
Các bạn trẻ gần như bị đóng sầm cửa trước niềm đam mê điện ảnh cháy bỏng, ước mơ được đổi đời giống dàn “sao mới tinh” của “Dốc Tình” ngày xưa đã không còn lặp lại với bất cứ phim nào sau đó. Mọi người thờ ơ trước những thông tin tuyển diễn viên của các bộ phim, vì họ đã tỉnh ngộ với thực tế là đạo diễn và các nhà sản xuất – trước tốc độ làm phim thần tốc và giảm giá thành bằng mọi giá – không hề muốn phiêu lưu với một “kẻ lạ mặt” nào của điện ảnh-truyền hình!
Gần đây trên các diễn đàn lại rộ lên những lời phàn nàn của các bạn trẻ, khi bộ phim “Chơi Vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã làm… chới với các bạn trẻ khi cho họ ăn “quả lừa casting”!
Đầu tiên đạo diễn mở blog tuyển diễn viên, rồi sau đó liên tục lên báo kêu than khó khăn trong khâu tìm diễn viên, mặc dù có cả mấy trăm người đến tuyển, nhưng không tìm được người ưng ý. Thậm chí Hãng Phim Truyện 1 còn vào hẳn Sài Gòn thuê công ty Vietcast tuyển chọn diễn viên ở miền Nam… nhưng vẫn không tìm được người nào đúng ý đạo diễn… Rồi sát đến ngày bấm máy, đoàn phim “Chơi Vơi” tổ chức họp báo và làm chới với mọi người khi giới thiệu một dàn “sao” hùng hậu!
Thực chất, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau dự án “Sống trong sợ hãi” đã thấm thía cảnh chợ chiều khi phim không có sao! Do đó, sự có mặt của Johnny Trí Nguyễn và anh chàng “sao mai” trẻ Duy Khoa không nằm ngoài mục đích phim phải bán được vé!
Cách đây 7, 8 năm khi Chuyên ấp ủ kịch bản này là anh đã có ý định mời Hải Yến, nhưng đã có những vấn đề tế nhị giữa Quang Hải và Thạc Chuyên, bên cạnh đó hào quang của “Người Mỹ trầm lặng” vẫn còn vương vấn, khiến Yến không thể nhận lời. Nay thời gian thay đổi kéo theo mọi chuyện đổi thay và Hải Yến đã là người của “Chơi Vơi”.
Chuyện mời Phạm Linh Đan hoàn toàn chỉ đơn thuần về góc độ kinh tế. Quỹ Fonds Sud Cinéma (Tài trợ chính của phim) của Pháp có luật bắt buộc: Dự án phim được tài trợ phải sử dụng phần lớn số tiền tại Pháp ở bất kỳ hạng mục nào. Phạm Linh Đan có quốc tịch Pháp, mời Linh Đan nghĩa là đã “tiêu tiền tại Pháp”. Nghĩa là nếu không mời Phạm Linh Đan, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sẽ phải tính toán nhiều cách khác vất vả hơn để lấy được tiền tài trợ của Quỹ này.
Nói dông dài như trên để thấy mọi chuyện đã được các nhà làm phim sắp đặt đâu vào đó từ trước, chuyện casting hoành tráng mất thời gian vừa qua chỉ là chiêu P.R cho bộ phim. Mãi mãi sẽ không có chuyện một gương mặt lạ hoắc nào đó được bước vào phim!
Chuyện P.R này thật ra cũng là bình thường, nhưng nói như N.D – một đạo diễn trẻ miền Bắc đang chuẩn bị làm phim ở Sài Gòn thì: “Kịch bản vấn đề xã hội như “Chơi Vơi”, và tên tuổi như anh Thạc Chuyên đâu cần thiết phải chơi chiêu casting P.R đó! Làm như vậy sẽ chỉ làm mất tình cảm của khán giả với bộ phim thôi”.
Casting ở Việt Nam đã biến thái muôn hình vạn trạng mà khuôn khổ bài viết này không thể kể hết được. Thật đáng tiếc là những “muôn hình vạn trạng” đó, không hề mang lại điều gì tốt đẹp hơn cho nền điện ảnh và truyền hình nước nhà còn ốm yếu, mà còn khiến cho lĩnh vực casting bị mất niềm tin nơi công chúng và phải chịu nhiều tai tiếng!