Thị trường băng đĩa nhạc đi về đâu?

Khi nhà phát hành thành người bán hàng xén

Một nhà sản xuất âm nhạc trẻ tuổi, “máu mê”, hào hứng dốc tiền đầu tư cho một dự án âm nhạc dài hơi, chuyên nghiệp mang cái tên đầy hy vọng – Tình ca hồng – gồm cả series băng đĩa và liveshow. Nhưng vừa tung ra được một album đầu tay và một liveshow đầu tay thì màu hồng đã chuyển thành màu… xám: “thua lỗ toàn phần”, công ty gần như phá sản, nhà sản xuất định đóng cửa phòng thu bỏ về quê!.

“Ngông cuồng” – một nhà sản xuất âm nhạc kỳ cựu bình luận. Cái cụm từ “sản xuất âm nhạc” đối với tất cả các hãng băng đĩa, các nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp trên danh nghĩa, những cái tên từng là “đại gia” trên thị trường một thuở, như Bến Thành, Vafaco, Phương Nam Phim, Saigon Audio… giờ này đã trở thành xa xỉ, khi chính họ từ lâu đã an phận phát hành.

Thời oanh liệt nay còn đâu…

Từ cuối tháng 8, Phương Nam Phim, một “đại gia” trong làng băng đĩa phương Nam, bắt đầu nhập lô đĩa thành phẩm đầu tiên từ công ty Innoform (Singapore) gồm 30 chương trình, chủ yếu là đĩa hòa tấu và chương trình ca nhạc thiếu nhi.

Dù là đĩa “ngoại 100%”, nhưng giá còn thấp hơn cả một số chương trình đặc biệt trong nước, từ 60.000 đồng đến 65.000 đồng/chương trình, và mặc dù số lượng phát hành chỉ hạn chế ở mức dưới 1.000 bản/chương trình, song Phương Nam Phim đánh giá lợi nhuận từ thị trường khá tốt, do chỉ là nhà phát hành thuần túy nên không mất vốn sản xuất.

Thời gian sắp tới, hãng này sẽ tiếp tục nhập thêm các sản phẩm mới, tập trung vào hai mảng “suy dinh dưỡng” nặng của thị trường trong nước là nhạc hòa tấu và nhạc giao hưởng cổ điển, lâu nay gần như không sản xuất được gì. Trước đó, Phương Nam Phim cũng đã thỏa thuận được với công ty Victor Entertainment trong việc nhượng quyền phát hành 13 chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tại Việt Nam.

Thay vì nhập đĩa thành phẩm về bán, với các chương trình của nghệ sĩ họ Đặng, Phương Nam Phim được làm thêm công đoạn gia công in sang từ đĩa master (thôi thế cũng “sang” hơn, cũng có tiếng “sản xuất” hơn là chỉ nhập đĩa về bán).

Với động thái này, việc chuyển từ nhà sản xuất sang nhà phát hành của các hãng băng đĩa trong nước xem như đã được “danh chính ngôn thuận”, chứ trên thực tế, từ lâu họ đã chỉ làm nhà phát hành, thậm chí “nhà phát hành trên danh nghĩa” cho các ca sĩ, nhạc sĩ, thậm chí không cần là ca sĩ, nhạc sĩ, miễn có đĩa muốn bán!

Tại đại hội Hội công nghiệp ghi âm Việt Nam tháng 9 mới đây ở Tp.HCM, hơn 60 nhà sản xuất âm nhạc, thành viên Hiệp hội, gặp nhau để… thở than và nhớ tiếc một thời đã xa. Thời kỳ của Vafaco với series “Top Hit”, của Bến Thành với series “Nhạc trẻ Sài Gòn”, “Làn sóng xanh”, của Phương Nam Phim với “Môi hồng đào”…

Tuy không đạt tới kỷ lục mà Trung tâm băng nhạc Trẻ và Hãng phim Trẻ đã đoạt được với chương trình “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (audio và video, tiêu thụ gần 150.000 bản), song con số vài chục ngàn bản phát hành cho riêng từng thể loại cassette, CD lẫn video là “chuyện nhỏ”, đủ gây hứng khởi cho nhà sản xuất tập hợp những ê kíp riêng hùng hậu, có phong cách riêng cho từng “nhà”.

Vafaco có Nguyễn Hà và ban nhạc Hải Âu, cũng là người khởi xướng chuyện độc quyền ca sĩ với bộ ba độc quyền đầu tiên Mỹ Tâm – Nguyên Vũ -Anh Đức. Bến Thành có Đỗ Quang, Phương Uyên… và gắn kết với thương hiệu Top ten Làn sóng xanh ở thời điểm “đỉnh” nhất của bảng xếp hạng này.

Trung tâm băng nhạc Trẻ không chỉ làm mưa làm gió với dòng âm nhạc Hà Nội, nơi thực hiện album đầu tay của hai tài năng trẻ sau này là Bằng Kiều và Trần Thu Hà, mà còn khuấy động thị trường nhạc trẻ khi bắt tay với Kim Lợi studio – một trong những phòng thu kỳ cựu nhất của làng nhạc Tp.HCM lúc đó…

Đây chính là thời kỳ hoàng kim nhất của ca khúc Việt Nam, và cũng là thời kỳ sôi động nhất của thị trường âm nhạc trong vòng 20 năm trở lại đây. Nhưng sự phát triển sôi động “hồn nhiên” ấy không kéo dài.

Khi quyết định trở lại thị trường âm nhạc bằng một phong cách hoàn toàn mới, lạ lẫm so với “Trên đỉnh phù vân”, “Hà Nội đêm trở gió”, hay “Thì thầm mùa xuân”, ca sĩ Mỹ Linh và ê kíp của cô, ban nhạc Anh Em, khi ấy còn là một “dấu chấm hỏi” với công chúng nghe nhạc, đã tìm đến nhà sản xuất Viết Tân, khi đó đang rất có uy tín với album “Nghe mưa” của cặp tác giả Dương Thụ – Bảo Chấn.

Nhưng có lẽ dự án ‘Tóc ngắn” khá lạ lẫm với các nhà sản xuất đang bám chặt vào bảng xếp hạng Làn sóng xanh (thời kỳ này được coi là “phong vũ biểu” của thị trường ca nhạc), nói cách khác, đầu tư cho cái mới, khai phá thị trường mới là chuyện quá mạo hiểm với các nhà sản xuất Việt Nam đang ở hạng “cò con”, nên Viết Tân đã thoái thác bằng việc đưa ra lời khuyên Mỹ Linh và ê kíp của cô hãy đầu tư cho dự án này, còn Viết Tân sẽ làm nhà phát hành.

Mỹ Linh và ê kíp Anh Em đã trở thành nhà sản xuất âm nhạc cho chính mình từ lúc đó… Không mất vốn, không mất công nghiên cứu thăm dò thị trường, các nhà sản xuất bằng lòng với việc trở thành nhà phát hành album cho ca sĩ. Nhưng ngay cả điều đó cũng khó kéo dài.

Thời của album giỏ xách

Khi mỗi album phát hành chỉ tròm trèm một hai ngàn đĩa có dán tem (phát hành chính thức) thì vai trò của các nhà phát hành cũng nhẹ đi trông thấy. Giờ đây, cái tên nhà phát hành nhiều khi chỉ nằm trên… con tem, có khi ngay cả “vinh dự” ấy cũng không còn. Theo tiết lộ của một số hãng băng đĩa, hiện nay không ít ca sĩ quyết định phát hành album không tem (kiểm soát của Cục NTBD), có nghĩa phát hành theo kênh không chính thức.

“Vừa đỡ mất 5 triệu tiền tem, vừa hiệu quả hơn hẳn”, Th, một ca sĩ đã ra 3 album theo kiểu này tiết lộ. Không nói ra, nhưng những ca sĩ có sao, có hạng, bắt buộc phát hành album theo con đường chính thống, thường chỉ có cơ may dưới 5.000 bản/chương trình. Trong khi đó, nhiều tên tuổi không sao, không hạng, phát hành theo con đường “giỏ xách” (theo đúng nghĩa đen của từ này-nghĩa là ca sĩ cho đĩa vào giỏ mang theo các chương trình đi diễn tỉnh.

Trên sân khấu ca sĩ hát, dưới sân khấu người nhà xách giỏ bán đĩa, giá chỉ khoảng 10.000 đồng/đĩa. Ca sĩ hát xong thì đĩa bán cũng vừa hết!) thì số lượng đĩa phát hành đã leo lên con số… không tưởng.

“Bé L.T” là một cái tên “vô địch” trong làng bán đĩa, mặc dù tên “bé” hầu như không được báo chí nào nhắc tới, song con số gần 300.000 bản CD của “bé” được tiêu thụ thì chắc chắn không tên tuổi ngôi sao nào trên các báo địch nổi. H.T.T cũng là một cái tên kém được biết đến trong làng nhạc, thỉnh thoảng lên mấy trang báo học trò, nhưng nhờ “giỏ xách” mà trở thành sao trong các show hải ngoại. Ca sĩ này được bầu show “ở bển” mời đi qua đi lại như đi chợ, “ngon” hơn nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước.

Phát hành lậu đã gần như “thắng tuyệt đối” trên thị trường băng đĩa hiện nay, và nó mặc nhiên được xem là nguyên nhân bóp chết kênh phát hành chính thống của các nhà phát hành tên tuổi. Song đã từng tham gia thị trường băng đĩa vài album, một nhà sản xuất nhỏ khẳng định: chính việc phát hành kiểu hàng xén của các hãng băng đĩa đã “giết” họ và dọn đường cho phát hành lậu hoành hành.

Trong giới phát hành phía Nam thỉnh thoảng vẫn còn nhắc nhau chuyện ca sĩ N.A “chết” với một nhà phát hành tên tuổi. 1.000 đĩa được giao cho nhà phát hành này, sau 1 năm 990 đĩa được trả về cho khổ chủ, tức là chỉ có 10 đĩa được bán trong 12 tháng!

Sở dĩ có chuyện này, theo thông tin của giới phát hành, không phải vì đĩa của N.A dở quá không bán được, cũng không phải vì nhà phát hành kia yếu kém (ngược lại là đằng khác), nhưng vì họ nhận phát hành nhiều chương trình quá, nhất là khi N.A lại chưa phải tên tuổi gì, nên… quên trong kho! Sau vụ phát hành đau đớn ấy, về sau này N.A không còn dám giao con cho người khác như vậy nữa, mà đích thân phải cậy nhờ người quen, bạn bè, đi giao đĩa tận nơi, chẳng khác nào đi bỏ mối đồ gia công!

Còn gia công, hàng xén đến bao giờ?

Trong một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp, sản xuất và phát hành là hai kênh hoạt động độc lập, song lại gắn kết vô cùng chặt chẽ, không thể có cái này mà thiếu cái kia.

Điều ngạc nhiên là, trong khi các nhà sản xuất âm nhạc trong nước ngày càng thể hiện rõ con đường chuyên nghiệp, từ trang thiết bị phòng thu tối tân, đắt tiền, đến chi phí cho một album, từ việc xây dựng những ê kíp âm nhạc riêng đến những concept riêng cho từng album, tính thể loại của các album cũng ngày một rõ nét hơn… để tạo nên một sản phẩm âm nhạc hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế (bằng chứng rõ nhất và việc 3 album của Mỹ Linh đã được phát hành tại Nhật, một thị trường cao cấp, theo kênh phát hành chính thống mà chỉ cần làm lại bìa), thì các nhà phát hành lại lùi về điểm âm của sự chuyên nghiệp.

Hãy nhìn vào cách 3 album của Mỹ Linh được phát hành tại Nhật như thế nào để biết về sự chuyên nghiệp của một nhà phát hành băng đĩa nhạc là gì. Nên nhớ việc phát hành 3 album này chỉ là một dự án rất nhỏ của hãng đĩa M&I record và hệ thống phát hành của Pony Canyon (một trong ba hệ thống phát hành CD lớn nhất tại Nhật Bản), nhưng Mỹ Linh đã liên tục có những chuyến biểu diễn quảng bá album này tại Nhật cũng như trả lời các phỏng vấn báo chí, phát thanh, truyền hình tại đây.

3 album được làm lại bìa đĩa với hình ảnh Mỹ Linh do nhiếp ảnh gia Nhật và chuyên gia trang điểm Nhật thực hiện (có lẽ) để phù hợp với thị hiếu của thị trường này. Trong năm vừa qua, Mỹ Linh và ê kíp của mình vẫn nhận được thông báo của đối tác về tình hình phát hành, dù nó chỉ là “một lời chào”, song chỉ riêng việc nó có mặt trên kệ đĩa của hệ thống Pony Canyon đã là một thành công, chứ không lo bị… xếp kho!

Và hãy thử một lần mua đĩa nhạc ở một trong những cửa hàng băng đĩa nhạc thuộc những hệ thống phát hành chuyên nghiệp nước ngoài, nơi băng đĩa được phân loại thành những khu vực khác nhau: phòng của nhạc cổ điển, khu vực của jazz, của pop, của dance, của những album mới ra lò… đến cả khu vực nghe thử của khách hàng.

Không chỉ bày bán băng đĩa, những cửa hàng đúng nghĩa những “home music” này còn là nơi ra mắt hoặc giới thiệu album mới… Phát hành chuyên nghiệp không đơn giản là bán hàng, mà là một công nghệ bán hàng và phát triển thị trường.
Bói không ra một “home music” như vậy ở ta, thay vì cả ngàn cửa hàng có kinh doanh băng đĩa chỉ riêng ở TP.HCM.

Ở đây, băng đĩa nhạc không chỉ “nằm chung” với nhau đủ thể loại, đủ đẳng cấp, chung với cả băng đĩa lậu, mà còn “nằm chung” với phim, sách và văn hóa phẩm, hoặc rất nhiều thứ linh tinh khác. Và kiếm cũng khó ra một nhà phát hành có chiến lược phát hành chuyên nghiệp thay vì bày bán theo kiểu hàng xén được chăng hay chớ.

Mới đây, sau khi kỳ công và tốn kém làm cho ra một album nhạc hòa tấu chất lượng “Hi-End”, nhà sản xuất kiêm nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải cho hay anh rất đau đầu trong việc tìm nhà phát hành và “nghĩ kế” phát hành. Không thể để album xuất hiện lặng lẽ trên kệ đĩa rồi lặng lẽ biến mất khi công chúng còn chưa kịp biết tới nó, mặc dầu hết lời ca thán cảnh phát hành hàng xén hiện nay, song nhà sản xuất này cũng buộc phải “chơi chiêu” hàng xén với giao kèo mỗi đĩa bán được nhà phân phối ăn thẳng “N” đồng và đích thân anh phải chạy lo từ họp báo đến quảng bá.

Có một chuyện hơi ngoài âm nhạc, ấy là trong cuộc gặp gỡ mới đây với báo giới TP.HCM nhân sự kiện Toàn cảnh điện ảnh Pháp tại Việt Nam, các nhà sản xuất phim Pháp cho biết họ tìm thấy phim của mình bày bán gần cụm rạp Megastar (chuyện cũ rích!), và đấy chính là lý do không bao giờ họ muốn đưa phim vào thị trường Việt Nam! Nhưng người Mỹ và Hollywood thì nghĩ khác và hệ thống cụm rạp Megastar cùng phim Hollywood giờ này đã là câu trả lời cho những nghi ngại… kiểu Pháp: bất chấp đĩa lậu, Megastar đang hình thành một chuẩn xem phim kiểu mới cho giới trẻ (và cả những người không còn trẻ nhưng chịu thay đổi) Việt Nam theo chuẩn toàn cầu.

Và cùng với Megastar, thị trường chiếu bóng Việt Nam, từ chỗ chẳng là gì trong khu vực, phải đi mua lại bản quyền chiếu bóng của nước láng giềng, nay đường hoàng trở thành một thị trường tiềm năng của khu vực, thường xuyên đón những bộ phim bom tấn cùng thời điểm với các thị trường lớn khác.

Thị trường băng đĩa nhạc cũng đang rất cần một Megastar như vậy.


Thủy Phạm


From the same category