Gọi đúng tên

“Tôi gọi con lợn là con lợn…” Không, bạn đừng vội lo, con lợn ở đây đúng là con lợn (biết kêu ủn ỉn) không hàm ý không nghĩa bóng, và tên của người phát ngôn ra câu đó có thể làm yên tâm bất kỳ vị phụ huynh khó tính luôn lo ngại về cái sự đọc của con em mình.

Đề tài tình dục trong văn học cũng từa tựa vậy, người ta sẽ bớt lo khi phải đối diện nếu tình dục ấy được bảo chứng bằng lời giải thích là chỉ được dùng “để nói cái khác”, tức là tình dục sẽ bớt gây những cơn đỏ mặt vô cớ và các vụ chụm đầu thì thụt đi kèm với cười hí hí nếu được khẳng định chỉ là “phương tiện” chứ không phải “mục đích”. Lẽ dĩ nhiên là các nhà văn đương sự khi trả lời phỏng vấn sẽ tùy ý mà ngọt nhạt biến tấu trên chủ đề “Tôi không câu khách bằng sex”.

Trong các trường hợp tốt đẹp nhất những lời ngợi khen của dư luận sẽ tới tấp được gửi đến cho các tác giả biết cách chế biến món tình dục sao cho “hợp lý”, không để cho bạn đọc rơi vào tình huống khó coi như phải kẹp cuốn sách mình đang đọc vào tờ báo nhằm vừa được thưởng thức hết trường đoạn ly kỳ lại vừa không bị người khác dòm thấy nhan đề và tên tác giả.

Rõ ràng câu chuyện văn chương có những lúc không trùng hợp gì với câu chuyện của cuộc sống, đe dọa làm phá sản các lý thuyết về phản ánh hiện thực: trong thực tế người có đầu óc bình thường không ai tự dưng đi đánh nhau ngoài phố vì sẽ rất dễ bị cảnh sát nhốt vào đồn, trong khi tình ái thì… muốn hôn nhau và hơn thế một chút ở chỗ đông người thì cứ việc, rồi những công đoạn khác cứ tiến hành ở đâu đó có cửa, dù là nhà mình hay không phải nhà mình.

Thế nhưng tác phẩm văn học hoặc điện ảnh nhất quyết không vậy được: người ta có thể để đứa con chưa đầy mười tuổi xem phim Hollywood không một phút nào ngừng tiếng súng, người chết kẻ bị thương như sung, còn phim nào truyện nào có một chút “tình tính tang” là không ok đâu nhé, kênh HBO phiên bản tiếng Việt vẫn cứ thường xuyên làm khán giả phải đi lùng sục đĩa DVD lậu để xem cho đã mấy cái đoạn bị cúp mất ngang xương.

Nhân vật cứ việc tận lực đâm chém nhau và số người chết có thể lên đến vô hạn (như trong tiểu thuyết chiến tranh chẳng hạn), thì nhà văn cũng chẳng hề hấn gì (bối rối lương tâm một chút cũng đã là nhiều), thế nhưng sách của D. H. Lawrence bị cấm suốt nhiều năm, James Joyce phải ra hầu tòa, cả hai đều là nạn nhân cho chính cái sau này họ sẽ được xưng tụng: tình dục, và phải nửa thế kỷ sau khi được viết ra các tiểu thuyết theo dòng huê tình nặng đô của Apollinaire mới được chính thức xuất bản (đến lúc này thì các nhà hàn lâm cũng xung phong vào công cuộc phân tích cái hay cái đẹp của mấy cuốn sách từng một thời phải lén lút truyền tay nhau này).

Thế nên dường như không thể trách được nhà văn có lối giải thích nhìn rõ là bao biện cho các trường đoạn nóng bỏng trong sách của mình. Lịch sử đã như vậy thì phải học thôi, phong tục đã như vậy thì phải tránh đi thôi, ngôn ngữ cũng luôn thừa thãi các lối nói giảm nói tránh, ẩn dụ uyển ngữ vân vân làm đau đầu người nước ngoài học tiếng.

Nhưng xét cho đến cùng thì đâu có được: vấn đề vẫn còn nguyên ở đó, nhiếp ảnh khỏa thân đâu có trở thành nghệ thuật chỉ vì một cái đùi co lại đúng chỗ, và lời giải thích nghe ra đầy nhân văn tính cũng chỉ là một cách bọc thêm một lớp ny-lông trong suốt ra bên ngoài thứ quả kỳ dị của cái cây thần bí có cùng một lúc hai chức năng: hiểu biết và tội lỗi.

Sự thật vẫn cứ là tuy cánh cửa đã đóng lại nhưng trải nghiệm phía sau nó thì cứ hiện hữu, và văn chương nghệ thuật có đi được đến tận cùng khả năng biểu đạt của mình hay không chính là nhờ thái độ không né tránh ở những nơi không thể né tránh.

Thời gian là một phương thuốc hay, nó làm “nguội” bớt sức nóng của những Lawrence, Joyce hay Apollinaire để vừa tay cầm của người đọc hơn, nhưng thời gian không phải là thứ thuốc tiên chữa được tiệt nọc căn bệnh sáng tạo.

Sự chấp nhận của xã hội chắc chắn không nằm ngoài cách phán xét về liều lượng (tình dục ở dạng kéo rèm cửa sổ và tắt phụt ngọn đèn thì đời nào cũng được ý thức cộng đồng hoan nghênh), nhưng nếu cái liều lượng đó không tương hợp với bản năng sáng tạo của người nghệ sĩ? Mâu thuẫn ở khía cạnh này của thời hiện tại còn trở nên phức tạp bội phần với sự tham gia của các hiện tượng như tình dục đồng giới, tình dục của hơn hai cá thể, hoặc tình dục lẩn quất trong sự bay bổng của một số thứ khói trắng nguy hại.

Văn học hiện đại Nhật Bản của những Haruki Murakami (Rừng Na-uy, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời), Ryu Murakami (Màu xanh trong suốt) hay Amy Yamada (Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường) rõ ràng đã biến thành “tiền sử” những ngượng ngùng e ấp của các tiểu thuyết Trung Quốc mới chỉ gần đây thôi đã làm náo động tâm tư người Việt Nam, như Trương Hiền Lượng của Một nửa đàn ông là đàn bà, hay cái hình ảnh đầy sức khai phá về bông hoa như bộ phận sinh dục của mặt đất (Giả Bình Ao).

Văn chương gọi đúng tên tình dục là tình dục rõ ràng đã bắt đầu có độc giả riêng của mình, trong khi vẫn tuyệt đối tôn trọng giới độc giả của văn chương gọi tên tình dục bằng nhiều cách nói đa dạng khác (xin nhắc rằng các đại gia thực thụ của tâm hồn bạn đọc đại chúng ở Việt Nam kể từ khi có Quốc ngữ lần lượt là Từ Trẩm Á, Quỳnh Dao, Sydney Sheldon và Marc Levy). Thậm chí độc giả cao cường còn có thể cùng một lúc thưởng thức phong vị của cả hai loại ấy.

Lời dạy về việc “gọi con lợn là con lợn” quả thực hữu ích. Điều này cũng dễ hiểu, vì nó được rút ra từ một bài thơ của Victor Hugo. Nguyên văn câu thơ là “Je nommai le cochon par son nom; pourquoi pas?” (Tôi đã gọi con lợn bằng đúng tên của nó; tại sao không?), rút từ tập thơ nổi tiếng của đại văn hào, Les Contemplations (Các chiêm ngưỡng), sau khi thi sĩ kiêu hãnh tự nhận mình là một ngọn gió cách mạng.


Bài: Nhị Linh
Ảnh: Sơn photo


From the same category