Đàn bà nói chung là những người ham đọc sách, có người đọc xong thì còn chăm chỉ viết, không phải ngẫu nhiên mà gần đây trên văn đàn của Tây của Tầu của Ta có rất nhiều lừng lẫy nữ sĩ. Thế nhưng theo một khảo sát nông nổi sinh viên, không hiểu sao rất ít, thậm chí tuyệt hiếm đàn bà bỏ công đi đọc trọn bộ “Tam Quốc diễn nghĩa”. Lý thì phức tạp nhưng lẽ thì đơn giản.
Với hầu hết nữ độc giả, đã là kiệt tác văn chương thì đương nhiên phải mang đậm đà thiên tính nữ. Thị trường đương đại văn đàn bà ở Trung Quốc, sách best-seller vẫn là “Hễ sướng thì hét lên” của Trì Lợi, hoặc “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” của Tào Đình. Ở ta điều này càng hiện rõ. Từ tủn mủn truyện ngắn đoản thi đến rộng dài trường ca tiểu thuyết, luôn luôn có ảnh hình của một người mẹ một người chị một người tình gái.
Sở dĩ tác phẩm kinh điển “Truyện Kiều” trở thành vĩ đại là một phần nhờ nhân vật chính vốn xuất thân tiểu thư kỹ nữ, nếu chẳng may Kiều mà là hảo hán thì chưa chắc 3564 câu lục bát ấy đã thành quốc bảo. Truyền thống ưu tú này vẫn được giữ tới ngày hôm nay, giải thưởng cao quý của hội nhà văn thường trao cho những tác phẩm phảng phất nồng nàn dịu dàng âm khí.
Với “Tam Quốc” thì mọi chuyện bỗng dưng ngược hẳn lại. Văn “Tam Quốc” là thứ văn thuần dương hằn đậm kiêu ngạo phóng khoáng nam tính. Suốt từ hồi 1 “Tiệc vườn đào anh hùng kết nghĩa” đến hồi 120 “Bắt Tôn Hạo hợp nhất tam phân”, người ta chỉ thấy toàn đàn ông là đàn ông. Hoặc cao thượng thông minh, hoặc đê tiện ngu xuẩn.
Hoặc chí lớn trùm trăng sao, hoặc hèn nhát hơn giun dế. Có lẽ do chiến tranh không mang khuôn mặt của đàn bà nên “Tam Quốc” hầm hập nóng mùi đàn ông. Nó liên miên đau đớn kể về những trận đánh ngùn ngụt binh đao sát khí, ở đấy chỉ có “Hạ hầu Đôn rút tên nuốt con ngươi. Quan Vân Trường cạo xương chữa thuốc”. Chữ nghĩa rừng rực lạnh lùng thẳng băng như mũi thương đầu giáo. Tuyệt không xếchxi, tuyệt không ướt mi, tuyệt không mếu máo đoan trang thề bồi, tuyệt không dùng dằng hẹn ước bịn rịn. Thảng thốt nếu có phụ nữ thì bét nhất cũng phải tiết phụ khả kính, liệt nữ phi thường.
Hoặc đấy là từ mẫu tuẫn tiết để rèn dạy nhân cách con trai, hoặc đấy là hiền thê trẫm mình để trinh bạch thủ nghĩa với chồng. Những thao tác sống mà những quý bà quý cô của thời bây giờ quen chơi cổ phiếu, quen đi xe hơi 3.0, quen tung tăng nghỉ “rì dọt” không sao hiểu và không thể chia sẻ. Đàn bà đương đại chán đọc “Tam Quốc” là vì vậy.
Tuy nhiên, không nên quá cao đạo hóa giới tính ở sự thích và không thích. Một nam đại gia phê bình của văn đàn Tầu là Kim Thánh Thán (ông này bị Thanh Thế Tổ chặt đầu vào năm 1661) cũng chưa bao giờ đánh giá cao tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”. Khi xếp chỗ cho văn chương, họ Kim có thuật ngữ “lục tài tử thư” (đại loại như kiểu Top 6) bỏ “Tam Quốc” mà thay vào đấy bằng truyện tình lâm lý “Tây sương ký”. Truyện này hao hao giống như đàn bầu ở ta chỉ có một dây nên mang vẻ thuần âm, tình thì đơn điệu rầu rĩ, tiếng thì day dứt nhu buồn. Có phải do vậy mà các cụ nhà ta đề nghị “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”.
Văn nghệ ở ta dạo này nhiều đàn bầu quá. Vì thế mà hơn tháng gần đây, để thêm tính cương mãnh, trên một kênh truyền hình thời thượng đã phát lại bộ phim dài tập “Tam Quốc diễn nghĩa”. So với phim nhựa “Xích Bích” của Ngô Vũ Sâm làm nịnh Tây thì phim tivi này cũng chẳng lỗi lạc hơn gì, đa phần chỉ minh họa cho tiểu thuyết. Nhưng với các chị em đang tò mò thèm hiểu biết thì thế là phấn khởi rồi. Đã vậy, sau mỗi tập lại còn có người bình. Một người trẻ xinh giai thì tung, một người già kháu lão thì hứng.
Bình ngựa Xích Thố thì khen là chạy nhanh, bình Gia Cát Lượng thì khen là lắm kế. Kỹ thuật tán học theo ca dao “Nửa đêm giờ tý canh ba. Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi”. Tam Quốc diễn nghĩa vốn là kỳ thư, mỗi hồi mỗi điển của nó là chắt lọc không biết bao nhiêu thăng hoa trải nghiệm của vất vả sống, nhiều kẻ sỹ đã nương vào nó mà thoát khỏi tuyệt lộ của dung tục.
Phi là kỳ nhân, người tử tế bình thường đọc nó xong là ngậm khẩu. Có phải thế chăng mà gian hùng Tào Tháo, lúc được các mưu sĩ vớ vẩn tán tụng, thường hay hô hố cười “Đúng là thứ kiến thức đàn bà”. Tào A Man ngược ngạo khinh rẻ phụ nữ như vậy nên khi xem phim xong, các quý bà quý cô đang phấn đấu khoe khôn mong thành doanh nhân đều cáu kỉnh bực mình căm ghét.
Cổ nhân bảo “Có trí hơn chim thì bắt được chim. Có trí hơn người thì bắt được người”. Đức Chúa Giê Su tuy ở gần biển nhưng không đánh lưới bắt cá mà đan lưới “bắt” người. Nhà văn La Quán Trung cũng làm một chuyện hao hao như thế. Vài trăm năm lại đây, vô số độc giả đã rơi vào lưới “Tam Quốc”, duy chỉ đám chị em hầu hết là thoát.
Điều này lý giải cho việc, tại sao đàn bà thường vô minh và văn minh hơn đàn ông.