Tại sao lại phải học nhau cách nói miệt thị những người đàn ông có trách nhiệm với gia đình và tôn vinh những ai biết "sống chết" vì sự nghiệp?
Thất bại khi mất gia đình
Thường người đời vẫn cho rằng đàn ông thất bại nếu để mất sự nghiệp. Nhưng tôi nghĩ mất sự nghiệp chỉ là kém may mắn. Để mất gia đình mới là sự thất bại của đấng mày râu.
Với quan điểm kẻ để mất sự nghiệp là kẻ thất bại, giá trị của người đàn ông được đồng nhất với chức quyền, tiền bạc…, những thứ biểu hiện sự mạnh mẽ của giống đực. Nhưng tôi nghĩ, đàn ông hay con đực nếu có được nhiều sức mạnh thì chỉ là sự may mắn. May mắn theo ý nghĩa là có thì tốt, không có cũng chẳng sao.
Những người không tán đồng ý kiến này cho rằng, sự nghiệp thể hiện tài và trí của đàn ông. Chẳng sai. Nhưng không chỉ có sự nghiệp mới cần đến tài và trí. Việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển hạnh phúc gia đình mình cũng đòi hỏi tài trí nhiều không kém.
Tài và trí có hai mặt, cả xấu và tốt. Sự nghiệp có thể có được bằng tài-trí xấu hoặc tốt, còn hạnh phúc gia đình thì không thể có được bằng tài-trí xấu.
Cái cốt yếu để tôi cho người đàn ông thất bại khi để mất gia đình là ở chỗ, gia đình là phần quan trọng trong tâm hồn, là một món quà mang tính bản năng mà Thượng đế đã ban cho con người. Bạn sinh ra từ gia đình, lớn lên trong gia đình, đến tuổi lại có gia đình riêng, có con cái và chúng nó sẽ tiếp tục vòng quay đó. Chỉ có điều, gia đình của mỗi người hạnh phúc hay không tùy thuộc vào khả năng xây dựng, bảo vệ và phát triển nó của các thành viên.
Và đàn ông ơi, tại sao lại chối bỏ vai trò "ông chủ" gia đình của mình trong trường hợp này? Tại sao lại không nói về chuyện gia đình mình có hạnh phúc hay không mà lại nói quá nhiều về sự nghiệp? Tại sao lại phải học nhau cách nói miệt thị những người đàn ông có trách nhiệm với gia đình và tôn vinh những ai biết "sống chết" vì sự nghiệp?
Kẻ để mất gia đình tức là để mất viên ngọc minh châu quý báu của tâm hồn mình. Còn sự nghiệp lại là thứ bên ngoài tâm hồn. Bạn sinh ra không nhất thiết phải có sự nghiệp nào cả. Bạn vẫn đi làm và kiếm ăn bằng mọi cách. Bạn chẳng chết đói, gia đình bạn không thiếu thốn. Và thế là ổn.
Sự nghiệp không đồng nghĩa với có công việc để làm. Không ai nói về sự nghiệp của ông đóng than, ông xích lô, viên chức bình thường hoặc ai đó có chút chức vụ cỏn con. Mà những người này chiếm số đông trong xã hội, chỉ một số ít mới có sự nghiệp.
Nhiều người đàn ông đã bị "thổi" đến bờ cực đoan của cuộc sống là phải có sự nghiệp, phải là kẻ mạnh, là con đực đáng gờm nhất. Một con đực đáng gờm thì sẽ chiếm đoạt được nhiều tiền bạc, quyền lực, tài sản và thậm chí cả rất nhiều gái đẹp.
Hưởng thụ cũng là một kiểu thỏa mãn dẫn người ta đến cảm giác hạnh phúc. Mà cảm giác hạnh phúc có được từ hưởng thụ tài sản, tiền bạc, quyền lực và đàn bà đẹp lại dễ dẫn người ta đến sự sa đọa về tâm hồn hơn là giúp tâm hồn kẻ đó trưởng thành.
Tất nhiên có sự nghiệp thì không sai. Và cũng chẳng có gì sai nếu ai đó không có sự nghiệp.
Đàn ông cũng cần nước mắt
Thế thì, đàn ông biết làm việc gì nếu không vì sự nghiệp? Bạn đừng nhầm nhiều thế. Nếu bạn chuyển hướng sang gia đình của mình, bạn sẽ thấy cái "vía anh hùng" không dễ thành công đâu. Bạn đang dư sức lực, trí tuệ, thời gian? Hãy dồn cho gia đình. Bạn từ từ sẽ thấy, không dễ để có và giữ được một gia đình hạnh phúc, thế mà trước đây mình chẳng dành cho nó sự quan tâm cần thiết.
Đàn ông muốn có một gia đình hạnh phúc, bền vững thì cần có sự tâm huyết, ý chí, sức lực, trí tuệ, thời gian. Và còn cần gì nữa? Cần cả nước mắt, lòng bao dung của một tâm hồn lớn, tâm hồn của người đàn ông trưởng thành về nhân cách. Cái đó không nhất thiết phải có trong sự nghiệp, nhưng sự bền vững của gia đình lại đòi hỏi bạn phải có. Học ở trường lớp ra, cạnh tranh nhau, dẫm đạp nhau trong công việc để giành lợi thế về quyền chức, sự nghiệp cũng không đòi hỏi bạn nhiều tố chất cá nhân đến thế!
Nước mắt ư? Quá khó với những người đàn ông nông nổi hoặc bọn dũng tướng vô tâm. Và nếu gia đình bạn không dễ dàng có hạnh phúc, bạn sẽ khóc được bao nhiêu lần để giữ gìn nó, để nhẫn nại tìm giải pháp khác thay vì đơn giản và "yêng hùng" nổi giận và đạp tung nó? Với vợ con, bạn phải là người đàn ông vững vàng như bàn thạch để làm chỗ dựa.
Xưa nay người ta cứ hòâ nhau phấn đấu vì sự nghiệp. Hóa ra, theo sự nghiệp còn dễ hơn, còn sớm có cái để khoe khoang, tự mãn. Thảo nào mà đa phần bọn đàn ông thích mỉa mai những người chuyên chăm lo, gìn giữ gia đình. Khó quá, làm không được thì tìm cách hạ thấp giá trị xuống đó thôi, để đỡ thấy mình hèn thật!
Xây bức tường mới
Trong hôn nhân, phải chia tay nhau là một sự thất bại, nhưng trong thực tế không phải tất cả các cuộc ly hôn đều đáng lên án, nhiều khi ly hôn lại là yếu tố tích cực. Nếu đó là sự giải thoát, là sự lựa chọn cho chất lượng cuộc sống đích thực của mình và con cái trong quãng đời còn lại – bà Nguyễn Thị Thương, GĐ Trung tâm tư vấn FDC – Trực thuộc TƯ Hội KHHGDVN(86/26 Đường Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) nói. Trước khi ly hôn, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng, nếu sống như hiện tại thì bạn được gì và mất gì và nếu ly hôn thì bạn mất gì và được gì, và hãy quyết định theo hướng tích cực. 1. Bức tường đã sụp đổ thì nên đập đi và xây mới Một nhà hiền triết cổ Ấn Độ đã nói: Sự say mê về trí tuệ sẽ dẫn đến sự khâm phục tôn trọng, sự say mê về tâm hồn sẽ dẫn đến tình bạn tri kỷ trong sáng, say mê về thể xác dẫn đến ham muốn. Mà tình yêu trong hôn nhân là sự tổng hòa của ba yếu tố say mê đó. Khi không còn tình yêu, chẳng còn tình nghĩa, không còn ham muốn thì không còn nền tảng của hôn nhân, tốt nhất bạn nên giải thoát cho mình sớm. Nếu chỉ vì sĩ diện cố đóng một màn kịch gia đình hạnh phúc cho con cái có đầy đủ cha mẹ, những người chung quanh khỏi xì xào, thì thực ra bạn đang đóng kịch với đời, làm khổ mình, con cái cũng khổ. Hôn nhân như một ngôi nhà, nếu ngôi nhà mới bị rạn nứt, mái mới dột thì nên gia cố sửa tiếp. Còn nếu ngôi nhà ấy có nguy cơ sụp đổ có thể gây tai nạn, bạn hãy dũng cảm phá hẳn đi và xây mới. 2. Không nên ly hôn vì những lý do lãng nhách Cô vợ vốn được chiều chuộng, chưa bao giờ biết việc bếp núc, dọn dẹp. Khi về nhà chồng, cô không thể hòa nhập được, mẹ chồng khéo léo đảm đang bao nhiêu, cô lại vụng về bấy nhiêu. Cô cảm thấy mình lạc lõng trong gia đình chồng. Cô đòi chồng ra ở riêng, chồng là con một nên không đồng ý. Cô trách chồng không bênh vợ… nằng nặc đòi ra tòa ly dị. Những trường hợp này, theo tư vấn của bà Thương, đây chỉ là những lý do hết sức lãng nhách, hết sức trẻ con, cả vợ và chồng cần phải điều chỉnh cá nhân mình để vun đắp cái tổ do chính hai người xây lên. Giám đốc Trung tâm tư vấn Ly hôn & Gia đình ( TP.HCM ), bà Nguyễn Thị Thương, cho rằng: "Chúng tôi luôn tìm mọi cách hàn gắn mâu thuẫn cho những cặp vợ chồng không hòa thuận. Nhưng, có những mối quan hệ vợ chồng, trong cơ thể hôn nhân "ủ bệnh" quá lâu, không chữa chạy, dẫn đến giai đoạn cuối, đành phải bó tay. Lúc này, ly hôn được coi là một giải pháp. Có người nghĩ rằng, ly hôn là thất bại, là đổ vỡ, song hãy nhìn thấy mặt tích cực của nó: Giúp cho người trong cuộc "còn lại một mình" để suy xét bản thân. Những cuộc ly hôn có văn hóa, có hiểu biết, lại giúp cho con cái thoát được khỏi bầu không khí "nóng bức" hoặc "lạnh lùng" do các cặp vợ chồng không hợp tính tính gây ra". Tất nhiên, cũng như khi quyết định kết hôn, người ta cần sáng suốt bao nhiêu, thì khi quyết định ly hôn, cần sáng suốt hơn. Hãy lên một kế hoạch thật cụ thể những gì bạn sẽ thực hiện trước và sau ly hôn, để cuộc thay đổi của bạn thành công. |