“Phận đàn bà” – cụm từ này dường như đã trở thành một câu thành ngữ kinh điển để chỉ chung thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thế nhưng, dù xã hội phong kiến đã trôi qua từ lâu, ý nghĩa nghiệt ngã của cụm từ đó dường như vẫn chưa mất đi…
Ngày còn nhỏ, cô giáo ra đề văn “em hãy miêu tả mẹ của mình”, tôi ngây thơ cứ viết thực tế những gì tôi thấy: mẹ hay cáu, mẹ vui tính, mẹ chạy xe máy rất nhanh, mẹ hay làm nũng bố, mẹ dạy nhạc hay nên có rất đông học trò, mẹ sợ con sâu… Thằng bạn ngồi cạnh tôi, mẹ nó làm nghề… buôn thịt heo, nên mẹ của nó còn độc đáo hơn nữa: mẹ mập và rất cộc cằn, mẹ hay chửi thề, mẹ hay đánh em, mẹ đi buôn hàng về hay mua quà cho em, người mẹ lúc nào cũng có mùi thịt heo…
Bài văn của cả hai đứa tôi đều chỉ được bốn điểm. Tôi hỏi tại sao, cô giáo nói, các em phải viết như bạn V. Và sau đó cô đọc bài văn của bạn V. làm mẫu cho cả lớp, tôi không nhớ kỹ, đại loại là: những đêm thâu, mẹ thường ngồi khâu áo cho con bên ánh đèn dầu tù mù, những ngón tay gầy guộc run run đơm từng cái cúc; những sớm tinh mơ gà chưa kịp gáy, mẹ đã khoác chiếc áo bà ba sờn rách để ra đồng cấy lúa…
Tôi thắc mắc, nhưng thưa cô, nhà em không trồng lúa, hơn nữa nhà em có máy may mà áo em lại không rách, sao em viết như bạn V. được? Cô trả lời, thì em phải tưởng tượng ra, viết như vậy mới là hình tượng người mẹ chứ!
Câu trả lời của cô giáo ám ảnh tôi cho tới tận bây giờ. Một người mẹ trong tưởng tượng? Một người mẹ của đám đông, hay nói cách khác, phải chăng đó là người mẹ mà đám đông muốn nhìn thấy, là phải gầy guộc, một nắng hai sương, phải thức thâu đêm, dậy từ sáng sớm…?
Lớn lên, tôi được giáo dục, làm thân con gái phải đầy đủ công dung ngôn hạnh, phải rành rẽ nữ công gia chánh, phải biết nhường nhịn hy sinh cho chồng cho con, phải… phải…
Và bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi thấy, quả thực những điều tôi được dạy rất hữu ích cho đời sống hiện tại. Nhưng, thử nhìn rộng hơn. Vì sao những điều đó có ích? Đơn giản bởi vì tôi đang sống trong một xã hội mà nhà nhà người người đều có một tư tưởng bám rễ rất sâu trong đầu: phụ nữ là thuộc về gia đình. Nếu không có những điều đó, thì sẽ như thế nào? Rõ ràng là chẳng thế nào cả. Có chăng chỉ là khó lấy chồng.
Vì sao khó lấy chồng? Vì đại đa số đàn ông Việt Nam không biết nấu ăn và rất sợ lấy phải một người phụ nữ không biết làm việc nhà. Vì sao họ lại sợ? Đơn giản là vì họ đã được giáo dục rằng đó là việc của phụ nữ, ai không biết làm thì coi như không đầy đủ chức năng một người vợ, bất kể người phụ nữ đó tài năng đến mức nào. Báo chí ca ngợi những người mẹ anh hùng, những phụ nữ đảm đang, có mấy khi thấy một phụ nữ được ca ngợi vì họ thành công trong sự nghiệp? Mà nếu có, chắc chắn khi nhìn vào sự thành công của họ, người đời sẽ đặt ngay một câu hỏi: “vậy thì chuyện gia đình chồng con của họ thế nào?”.
Dường như đó đã là một phản xạ cố hữu, người ta quen nhìn một người phụ nữ và đánh giá sự thành công của họ dựa vào chuyện gia đình, chứ không phải sự nghiệp.
Chỉ cần điểm sơ sơ qua vậy thôi, ta sẽ thấy được công thức sau: một người phụ nữ Việt Nam điển hình = hy sinh + nhường nhịn + đảm đang + cắm đầu vào lo cho chồng cho con. Chấm hết. Các chị em có muốn làm vương làm tướng gì ở ngoài đời, cũng phải lo cho êm thấm những điều kiện trên đã, thì mới được thừa nhận, mới được tôn vinh.
Thời đại của Khổng giáo đã qua lâu rồi. Bây giờ, đất nước đã mở cửa cả về văn hóa lẫn kinh tế, lớp trẻ được tiếp xúc với rất nhiều những tư tưởng hiện đại, nhưng cái công thức kia vẫn còn như một cây cổ thụ mà cái rễ nó ăn sâu vào tim óc người Việt đời này qua đời khác, cái bóng nó che phủ hết lớp người này đến lớp người khác.
Dù rằng thời nay, phụ nữ đã được tự do hơn rất nhiều, và thích lấn sân sang những công việc của đàn ông, nguyên nhân cũng vì muốn đánh tan cái tư tưởng phân biệt việc đàn ông việc đàn bà, nhưng vẫn chưa có chiều ngược lại. Tức là, đàn ông, vốn khôn ranh và bảo thủ nên nhất định không chịu lấn sân sang những công việc được cho là của phụ nữ, vì họ chẳng hơi đâu mà mua thêm việc vào mình.
Cho nên, việc nhà trước sau gì cũng về tay phụ nữ mà thôi. Xem ra, một bên thì công nhưng một bên chỉ thủ, vừa thủ lại còn vừa nói ngon nói ngọt, có lẽ cuộc chiến sẽ còn kéo dài lâu, rất lâu.
So với nhiều nước khác trên thế giới, phụ nữ Việt Nam có thể coi là được tôn trọng và có được sự bình đẳng tương đối. Nhưng chính điều này cũng là một sự nguy hiểm, vì đàn ông Việt Nam rất khôn ngoan, họ trói phụ nữ bằng những mỹ từ ngọt ngào. Họ xây dựng tượng đài cho phụ nữ, và dụ dỗ rằng, chỉ cần phụ nữ như thế này, như thế này, thì sẽ được tôn vinh.
Thực tế thì ngoài cái danh hiệu hão huyền đó, phụ nữ được gì? Hình như là chẳng được gì cả nếu chưa muốn nói là khổ sở trăm đường, nhưng họ vẫn cảm thấy thật hạnh phúc, thật hả hê. Đơn giản vì họ được giáo dục rằng hạnh phúc của họ là như thế.
Và chừng nào cách suy nghĩ kia vẫn còn, cụm từ “phận đàn bà” chắn chắn cũng còn bảo toàn được ý nghĩa của nó – một ý nghĩa không hay ho lắm nhưng lại rất được ưa chuộng. Đàn ông dùng nó với vẻ hả hê mang chút thương cảm, phụ nữ dùng nó với ý tự hào ngấm ngầm pha chút thương thân.
Con đường còn dài lắm, rồi sẽ đến một ngày, cái cụm từ tai hại ấy sẽ mất đi, đương nhiên không phải để thay vào đó bằng một “phận…” nào khác, mà là mất hẳn. Vì số phận con người vốn không phải là những giá trị ảo mà đám đông bày đặt ra, mà là do chính bản thân mình muốn và phấn đấu thành người như thế nào. Đó mới là hạnh phúc.
Minh họa: Tranh Destiny của Yvonne Zepeda