Số phận của Số phận

Người ta hay mang Số Phận ra để hù dọa nhau: “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”. Sợ chưa? Đang yên đang lành mà bị “vồ” thì cũng khiếp lắm chứ. Mà cũng chỉ những con thú dữ có móng vuốt mới biết vồ, mà vồ xong rồi là đến màn xé xác ăn thịt. Ai chẳng hãi số phận.

Nó án ngữ ở phía tương lai của chúng ta. Cứ cộng bốn cái tứ trụ năm tháng ngày giờ là cả một số phận hiện lên trên trang giấy, mười hai ô rõ mồn một, từ hiền hòa phúc đức, lo âu tử tức đến mơ màng phu thê, phấn khởi tài bạch và hồi hộp quan lộc. Tử vi lỡ tốt thì được tin nhiều, lỡ xấu thì được tin theo kiểu “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, nhưng mấy ai dám mạnh miệng mà bảo chẳng tin chút nào.

Nghe rất báng bổ, nghe rất thiếu huyền bí, và đi ngược lại xu thế tìm về phương Đông ngày nay. Tử vi phương Tây (horoscope) thì cứ đàng hoàng chiếm chỗ trên mọi tờ báo muốn được tiếng nghiêm túc quan tâm đến bạn đọc (mà báo chí thì nhất định phải quan tâm đến bạn đọc, không tất thảy được thì cũng phải một phần nhân loại có đủ tiền… mua báo).

Tuy nhiên cũng cần chú ý là nhà phê bình văn học Roland Barthes từng nhận xét rằng các ngôi sao (Thiên Bình, Cự Giải vân vân) của “horoscope” cũng nghỉ cuối tuần như con người, và chúng miêu tả cuộc sống bình thường, ngày hôm nay của con người ta nhiều hơn là dự báo cho ngày mai (rất giống môn Dự báo thời tiết tại Việt Nam: thông báo ngày mai mưa ở mức 20mm thì hoàn toàn có thể nghĩ lượng mưa thực tế sẽ là 500mm).

Nó lại phong bế các ngả đường về phía quá khứ của chúng ta. Có biết bao nhiêu cô gái trẻ hoặc không còn trẻ lắm thực hành một món rất mù mờ về ý nghĩa và hiệu quả: cắt tiền duyên. Mà thậm chí cắt rồi chưa thấy ổn lại cắt tiếp một/vài lần nữa. Dứt đứt những hẹn hò nợ nần kiếp trước đặng lo cho kiếp này. Thì biết làm sao đây?

Thật ra thời nay để giải quyết vấn đề chậm muộn nan giải ấy người ta cũng đã nghĩ ra một số giải pháp khác rồi: chẳng hạn như đi thẩm mỹ viện nâng cái này gọt cái kia, bó chặt một bộ phận bung nở một bộ phận khác. Người không biết cứ tưởng tượng xấu xí, chứ sâu xa thẩm mỹ viện là nhằm để thay đổi một chút nhằm đánh lừa sự nhận biết của những dây dưa kiếp trước đấy thôi. Mới hay số phận cũng dễ đánh lừa, và dao kéo cũng nhân văn. Lo cho cuộc sống này đã đủ mệt lắm rồi, nói gì kiếp khác với đời sau.

Văn chương triết học cũng chẳng vừa trong địa hạt này. Ông vua Oedipus của một thành phố bên Hy Lạp ngủ với mẹ và giết bố là do Số mệnh dẫn dắt. Ông tự chọc mù mắt và đi lang thang khắp vùng núi đồi quanh thành phố Thebes, vì ông không phải là nạn nhân của một cá nhân ai, như vậy thì thường quá; ông là nạn nhân của Số mệnh, và khi đã là nạn nhân của nó, thì người ta đành phải cam chịu chung thân trong một cuộc chuộc tội: giống như Prometheus bị chim rỉa gan trên vách núi, và Sisyphus đẩy lên đẩy xuống tảng đá không thể dừng lại.

Cô Linda Lê nhà văn Pháp gốc Việt cũng thành danh từ lâu nay nhờ cuốn tiểu thuyết lấy hình tượng ba bà nữ thần già nua của Hy Lạp ngồi quay sợi, bà này dệt sợi thì bà kia cắt, bà này cho người ta cuộc sống thì bà kia lấy đi mất. Ấy là cuốn tiểu thuyết “Les trois Parques” nổi tiếng.

Triết học có riêng một trường phái gọi là “chủ nghĩa định mệnh” (fatalism), theo đó mọi điều xảy ra đều giải thích được bằng những nguyên nhân đi trước, và tất cả đều đã được an bài xong xuôi, được Cỗ máy vũ trụ lập trình sẵn, có làm gì thì cũng không thể thoát ra được khỏi dòng tiến triển sắp đặt ấy.

Các nhà văn thời Khai sáng đặc biệt quan tâm đến việc đả phá lối nghĩ này. Hai nhân vật đặc biệt lừng danh đã được sản sinh từ ngòi bút của hai nhân vật có đóng góp lớn cho bộ Bách khoa toàn thư, công trình chung của các nhà Khai sáng thế kỷ mười tám, Candide của Voltaire và Jacques của Diderot.

Candide, anh chàng lạc quan và ngây thơ (ở Việt Nam trước đây đã có một bản dịch miền Bắc, gần đây NXB Tri Thức ấn hành một bản dịch mới của Tế Xuyên) luôn tin là mọi việc sẽ tốt đẹp. Chàng tin tưởng mọi điều trên đời này đều tốt đẹp, vì cỗ máy trên cao kia đã quy định là mọi điều sẽ tốt đẹp, cho dù tận mắt chứng kiến bao nhiêu đau khổ của con người và chính chàng cũng phải trải qua không ít sóng gió cuộc đời.

Jacques, anh chàng theo thuyết định mệnh (nhan đề nguyên bản: “Jacques le fataliste et son maitre”) của Denis Diderot cũng rất vui nhộn nhưng không lạc quan như Candide. Tuyên ngôn của Jacques là như sau: “Jacques nói rằng viên đại úy của anh nói rằng mọi điều xảy đến với chúng ta dù tốt hay xấu ở dưới trần thế này đều đã được viết ra từ trước trên trời kia.”

Cuốn truyện kể về cuộc phiêu lưu bất tận của Jacques và ông chủ của anh ta, một dạng “Don Quichotte”, nhưng ở đây Jacques người hầu lại là Don Quichotte và ông chủ lại trở thành Sancho Pansa. Ở thời hiện đại của chúng ta Milan Kundera đã lấy rất nhiều cảm hứng từ tác phẩm này trong sự sáng tác văn chương của mình.

Dẫn dắt dài dòng vậy thôi, chứ thật ra chúng ta luôn có một chiến lược rất đồng nhất khi nói về số phận: số lượng lần tặc lưỡi: “Cái số nó thế” chắc hẳn không nhiều bằng số lần sử dụng những cụm từ đầy phẩm chất siêu vượt: “Vượt qua số phận”, “Chống lại sự hẩm hiu”, “Giấc mơ vươn tới một ngôi sao”, vân vân và vân vân.

Chúng ta học hành như trâu bò, chấp nhận học gạo cả đời để thoát khỏi một vùng đất cằn cỗi. Chúng ta ky cóp tiền bạc cống nộp cho một cuộc hôn nhân vờ để đổi lấy cái thẻ xanh của một chốn “Eldorado” nào đó. Chúng ta đêm hì hục mơ ngày miệt mài giải mộng mong trúng một con đề. Tựu trung lại là chúng ta mải miết trong cuộc chiến đấu đẩy lui số phận. Số phận của bản thân số phận tuyệt đối là không đáng thèm muốn.

Bài: Nhị Linh


From the same category