Với một đống người lùng nhùng trong một chiếc bao lớn có những cách điệu hình dấu hỏi, theo tiếng nhạc, đống người không rõ mặt ấy dường như đang vật lộn, chen lấn nhau nhằm thoát ra khỏi đống bùng nhùng đó. Sau một thời gian chật vật, từng người một thoát ra. Qua các động tác hình thể, từng nhóm người lại vật lộn nhau, giành giật, bóc trần nhau ra, và cuối cùng, để lộ ra những dấu hỏi trên chính thân thể của con người.
Phạm Văn Trường đã giành giải Nhất do khán giả bình chọn trong cuộc thi tìm kiếm tài năng trình diễn nghệ thuật. Nhận được 3.000 đôla, nhưng vấp phải những lời khen, tiếng chê, Trường – người đã từng sống trong bệnh viện tâm thần – đã có cuộc gặp gỡ với Đẹp.
Những câu hỏi thì ngàn đời vẫn là câu hỏi, hầu như ai cũng có. Tại sao anh lại nghĩ đến chuyện trình diễn với những dấu hỏi?
Cái mà ngàn đời nay người ta vẫn hỏi, nó xưa hơn cả trái đất, vì theo cá nhân tôi, và cũng là mệnh đề tôi đưa ra là: “Có lẽ nào trước khi vũ trụ ra đời đã tồn tại những dấu hỏi?” Tôi cũng có phát cho khán giả những ý tưởng tác phẩm này ngay trong đêm chung kết. Nó là một phần trong tác phẩm không thể thiếu. Tuy nhiên hầu hết thì bài viết về đêm chung kết đã bỏ qua không nói hay bình luận về phần này.
Đây có lẽ là một thiếu sót do khả năng hiểu biết về các cách làm nghệ thuật còn mới mẻ này. Theo nghiên cứu của cá nhân tôi thì trên thế giới cũng chưa có một dự án nghệ thuật nào làm về những dấu hỏi. Hoặc nếu hiểu biết của tôi còn nông cạn thì tôi cũng dám nghĩ rằng không có ai làm giống cách thức của tôi. Bởi ẩn sâu xa đằng sau tác phẩm này là những vấn đề mà trước đây chắc chưa có họa sĩ nào từng trải qua như tôi.
Liệu đó có phải là do anh đã có một thời gian sống ở bệnh viện tâm thần?
Đúng. Đã có quãng thời gian tôi sống trong bệnh viện tâm thần, mà lí do đưa tôi tự giác xuống đó lại là cả một câu chuyện dài không thể kể một lúc được. Nhưng bây giờ tôi đã có câu trả lời rất rõ ràng qua những cơ duyên phải xảy ra ở đời. Tôi làm tác phẩm từ cái bao lớn với hai nửa đen trắng cho đến các bộ quần áo có hai màu đối lập nhằm biểu thị ngày và đêm, sự thật và giả dối. Nó còn có một ý nghĩa lớn nữa với cá nhân tôi: đó là sự không hiểu, không biết về thế giới âm và dương trong đời sống hiện đại này.
Tôi đã từng gặp rất nhiều linh hồn đã chết, mà một trong những linh hồn đó lại là họa sĩ lớn của thế giới đến từ châu Âu, hay rất nhiều linh hồn khác mà tôi được bật mí thì khi còn sống họ là những nhà tư tưởng vĩ đại, hoặc họ lại là những người sống cách tôi hàng thế kỷ trước. Tôi hoài nghi tất, hoài nghi về việc có người âm hay không? Việc chúng ta đang sống liệu có phải là sống không? Tôi hoài nghi, hoài nghi…
Có vẻ anh theo chủ nghĩa hoài nghi. Bản thân tôi cũng đang thấy cực kỳ hoài nghi theo những gì anh trả lời. Quay trở lại, anh thường hay “tự vấn” những vấn đề gì trong đời?
Tôi luôn mong muốn nói ra nhưng ý kiến của mình trước đám đông. Nhưng thú thực là tôi không hiểu sao ý kiến của tôi thường thì ở đám đông ít người hiểu và họ không đồng tình nên luôn tranh luận với tôi… Tôi cũng phải đặt ra những câu hỏi tại sao lại thế? Tại sao họ không nghĩ như mình? Và tại sao nhiều người cứ phải im lặng không đưa ra chính kiến của mình chỉ vì đôi khi nó không được sự đồng tình của đám đông?
Tôi cũng luôn hỏi tại sao tôi gặp được những linh hồn kia mà không phải chị Phan Bích Hằng hay những người mà đã được nhà nước công nhận khả năng ngoại cảm? (Thú thực tôi biết chuyện của chị Hằng, và những người tìm mộ liệt sĩ sau khi tôi gặp những linh hồn kia).
Tôi cũng không dám chắc anh có khả năng đó thực hay không, nhưng có lẽ nó ngoại phạm vi của bài phỏng vấn này. Chúng ta hãy quay lại câu chuyện, những dấu hỏi xuất hiện thường là lúc niềm tin đang lung lay, anh nghĩ sao?
Tôi nghĩ khác một chút. Hoài nghi chỉ là một phần trong cuộc sống cá nhân tôi và nó chỉ là mệnh đề đầu tiên để xây dựng một hệ tư tưởng, một niềm tin mới với những trải nghiệm của cá nhân về cuộc sống… Tôi đã từng hoài nghi rất nhiều về thế giới này, nó xuất phát từ việc mất niềm tin và từ đó tôi bắt đầu quyết định đi tìm và khám phá những niềm tin mới.
Dùng sức mạnh và nỗ lực của cá nhân để khám phá những điều tất yếu và tự nhiên trong cuộc sống… Đó là quãng thời gian tôi liên tục làm những động thái kì quặc để khám phá thế giới quan, nó diễn ra trong vòng mấy tháng trời, nó xuất phát từ cuộc sống thật của tôi.
Trong đó có việc tôi đã từng làm đó là ngồi trước cửa phòng đào tạo của Trường và hét rất to rất nhiều câu: “Mây đen mà đòi che phủ mặt trời”. Khi tôi hoài nghi và thử nghiệm cuộc sống của mình, tôi thấy vô cùng hoang mang.
Và sau đó?
Lúc đó trong tôi lại tự nảy sinh ra một niềm tin mãnh liệt để chống lại chính sự hoang mang đó. Rồi sau đó tôi tiếp tục làm những động thái kì quặc, sẵn sàng tự xuống bệnh viện tâm thần sống trong đó.
Mặc dù trước đó tôi cũng không biết là làm sao tôi có thể vào đó sống nhưng tôi cứ đi và thức nhiều đêm để nghiền ngẫm về thế giới quan. Từ đó tôi có thể hiểu hơn ngọn ngành mọi thứ và tự xây dựng cho mình một hệ tư tưởng, một niềm tin mới.
Anh có hỏi “Ngày mai chúng ta làm gì để xây dựng thế giới?”. Câu này có vẻ nhiều mùi của sự sáo rỗng, anh nghĩ sao?
Câu hỏi của bạn rất hay, đúng là câu hỏi đó nghe qua rất sáo rỗng. Nhưng cái gì cũng có mặt xấu, mặt tốt. Vậy câu hỏi của tôi đặt ra là để dành cho những người có tâm, những người thực sự quan tâm tới nó và cùng quan điểm với tôi. Tôi không sợ người khác bảo nó là sáo rỗng, mà nếu có bảo nó sáo rỗng lúc này thì lúc khác cũng phải nhìn lại mình thôi.
Sự nhìn lại mình ở anh đã diễn ra như nào?
Bỏ nhà ra đi không một miếng chăn vào dịp ra Tết với cái rét 8, 9 độ nằm ngủ nhờ dưới sàn phong kí túc xá. Đi ngồi mẫu kiếm tiền để sống và luyện thi vẽ, dám nghĩ dám làm, dám ngồi trước cửa phòng đào tạo mà thét lên, và đúng là mây đã tan ra và một đôi mắt thì nhìn thẳng vào mặt trời không chớp. Còn vô số các đôi mắt khác thì phải chảy cả nước mắt khi nhìn lên kiểm nghiệm, vào bệnh viện tâm thần.
Dám uống thuốc ngủ để quên luôn thế giới vì cảm thấy bất lực… Nhưng tôi đã nhìn lại và vượt qua hết. Tôi đã phải nhìn lại mình rất nhiều lần rồi đấy chứ. Tôi khác Huy Cận, tôi đã may mắn hơn là đã tìm ra câu trả lời của mình. Câu trả lời của tôi đã nằm ngay chính câu hỏi của tôi “Ngày mai chúng ta làm gì để xây dựng thế giới?”
Giành giải Nhất và 3.000 đôla, sau đó có những lời bình luận tốt xấu về tác phẩm của anh. Anh nghĩ sao?
Tham gia vào cuộc thi này tôi không nghĩ là thắng hay thua, bởi chúng tôi mỗi cá nhân có mặt ở đây theo tôi thiết nghĩ thì với mục đích cống hiến cho khán giả những cảm xúc và mong muốn biểu đạt cái tôi cá nhân và cái sự hiểu biết cũng như cách làm nghệ thuật của riêng mình. Nhưng theo bạn thì sao?
Tác phẩm của tôi có xứng đáng đoạt giải không khi tôi nghe thấy và nhìn thấy những người có tri thức cao như ông đại sứ Đan Mạch đã gọi tôi lại để hỏi và nói chuyện. Hầu hết mọi người đều tỏ ra quan tâm tới tác phẩm của tôi. Còn nếu có ai đó ganh ghét với tôi thì không nói làm gì. Những người trung lập thì có lẽ nên xem lại.
Theo anh, điều gì cần phải xem lại?
Từ lâu, nghệ thuật tự nó không có biên giới chính vì thế mà các trường phái mới được ra đời, các cách làm nghệ thuật tiên phong cùng thời thì đôi khi cũng chưa được chấp nhận ngay, bởi cái nhìn ngắn của một số ít những người có tư tưởng không tiến bộ, hoặc học thuật của họ về nghệ thuật chỉ là những thứ cũ kĩ mà họ chưa kịp cập nhật mới cho theo kịp với nghệ thuật. Nhưng theo tôi biết những lời phát biểu vậy chỉ là một số ít ỏi cá nhân.
Nghệ thuật tự nó sẽ là nó. Chẳng có cái khung nào bắt nó phải chui vào được cả. Như cái túi dấu hỏi, cứ vùng vẫy mãi thì rồi nó cũng đủ sức mạnh để xé toạc mọi ranh giới. Tôi muốn làm đạo diễn phim, thậm chí trở thành một nhà văn, múa đương đại cũng là việc tôi định làm. Cá nhân tôi, nghệ thuật chẳng có ranh giới nào. Và lúc đó, họ sẽ nói gì về tác phẩm của tôi nhỉ?
Ảnh: Lê Anh Dũng, Mai Trang, Vietku