Sang hiện rõ là một ông bầu đúng nghĩa, tính toán rất kỹ lưỡng nhưng lại không hề chắt bóp chi li, không yêu cầu gì về nghệ thuật nhưng yêu cầu về ăn khách thì đặt ra rất rõ ràng.
Tác phong công nghiệp
Tôi cộng tác với Sang từ thời những năm 94, 95. Khi ấy tôi vừa đi học ở Nga về, Phước Sang cộng tác với trung tâm Làng Văn hải ngoại, nhờ tôi quay cả trăm video clip ca nhạc. Khi ấy tôi không tiếp xúc với Sang nhiều, chỉ thấy đấy là một ông bầu rất thương mại, ra dáng ông chủ Nam Bộ. Cách làm việc rất thị trường, “tàu nhanh”, không yêu cầu gì mấy về nội dung, chỉ cần nhìn đèm đẹp, nhanh chóng là được.
Bẵng đi một thời gian không qua lại gì, chỉ thỉnh thoảng gặp chỗ này chỗ kia chào nhau một tiếng. Thế rồi 2004, khi tôi chuẩn bị đi học ở Mỹ, Sang vác kịch bản “Khi đàn ông có bầu” đến nhờ tôi làm phim Tết. Hồi ấy chưa có khái niệm phim Tết ồ ạt như bây giờ, tôi cũng hứng thú nên nhận lời.
Qua lần làm việc chung này, Sang hiện rõ là một ông bầu đúng nghĩa, tính toán rất kỹ lưỡng, không yêu cầu gì về nghệ thuật nhưng yêu cầu về ăn khách thì đặt ra rất rõ ràng. Sang không phải dạng nhà sản xuất chắt bóp hầu bao, mà ngược lại những gì tôi đề nghị làm, Sang đều đáp ứng ngay với điều kiện là phải hợp lý, giúp mang lại hiệu quả tối đa cho bộ phim, đảm bảo thành công về thương mại. Như chi tiết “xích lô bay” trong phim phải làm kỹ xảo ở Thái rất tốn kém, chẳng hạn.
Đội khán giả lên đầu
Từ đó năm nào, Sang cũng mời tôi làm phim Tết. Mặc dù rất quý Sang trong vai trò nhà sản xuất, nhưng tôi tự thấy mình không hợp lắm với thể loại giải trí hài nên thôi. Thật sự tôi rất phục Sang trong vai trò nhà sản xuất. Đơn cử một chuyện nhỏ thế này, với sự cầm trịch của Sang, cả một đoàn làm phim phức tạp với nhiều thành phần, các ngôi sao… tất cả đều làm việc rất đúng giờ và nhiệt tình.
Điều đó chứng tỏ Sang rất được mọi người nể trọng, mối quan hệ ấy có được không chỉ nhờ vào tiền bạc mà còn nhiều điều khác… Tôi để ý thấy Sang chưa bao giờ tranh cãi gay gắt với ai và cũng ít ai tranh cãi với Sang. Sang tranh luận là để ra việc chứ không phải để bỏ việc. Còn nếu “căng” quá thì Sang sẽ rút lui để chọn phương án giải quyết khác. Đấy là tố chất của một nhà sản xuất giỏi.
Tôi chưa bao giờ thấy ai đặt yếu tố khán giả lên hàng đầu như Sang. Sang làm gì đều “test” thử hẳn hoi, không vừa ý phải sửa lại. Sang rất hiểu khán giả của mình, PR quảng bá rất chính xác và hiệu quả. Sang có thể quảng cáo một cách vỗ mặt, ào ạt và màu mè, gây tò mò, khó chịu… bất kỳ cách nào để tạo được chú ý.
Sang đặt ra mục đích và bằng mọi cách đạt được mục đích ấy, chẳng quan tâm ai khen chê. Đấy là đường lối riêng của Sang, không theo bài bản nào cả và cũng chẳng ai có thể bắt chước. Lúc đầu chính tôi cũng không quen lắm, nhưng sau thì thấy hiệu quả thực sự.
Chắc ăn mới chuyển hướng
Khi Sang chuyển hướng đầu tư bộ phim “Áo lụa Hà Đông” cùng đạo diễn Lưu Huỳnh và Trương Ngọc Ánh, hiện tại là “Huyền thoại bất tử”, nhiều người bất ngờ nhưng tôi thì không. Tôi thấy Sang không quay ngoắt 180 độ như mọi người nhận xét, mà đó là hành động mang tính logic thôi. Vì Sang hiểu việc đầu tư xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, dành cho lâu dài. Và nếu phim có lỗ thì Sang cũng chỉ phải chịu phần ít, trong khi lại được cái tiếng.
Với một người tính toán kỹ càng như Sang, điều ấy đã nằm trong dự liệu. Thực tế chứng minh, Sang và cộng sự đã thành công khi “Áo lụa Hà Đông” gây tiếng vang lớn trong nước, được đem đi thi khắp nơi. Dù còn nhiều lời khen tiếng chê, nhưng tôi rất quý những người dám “xả thân” như Sang, như Ánh…
Tôi vẫn cho rằng những phim hài thuần túy thương mại nói chung mới chính là của Sang, là cái mà Sang sở trường và nắm rõ nhất. Sang phục vụ rất tốt cho đối tượng khán giả mà Sang hiểu, nhưng Sang sẽ không thể lấn sân sang những lĩnh vực mà Sang không nắm chắc, nếu bước vào sẽ gặp vấn đề ngay.
Tôi thấy rằng Sang là người đam mê trong tỉnh táo. Có thể gọi Sang là nhà đầu tư giải trí tổng hợp. Vì không chỉ là nhà sản xuất phim ảnh, Sang còn đầu tư vào nhiều mảng khác, cái gì “ăn” thì Sang làm, chứ chẳng riêng gì phim.
Số một về sản xuất phim
Theo tôi, trong giai đoạn này Sang là cái tên số một về sản xuất phim điện ảnh, có thể nói là người tiên phong. Tôi nhớ Sang từng đầu tư làm phim “Vị đắng tình yêu 3” cùng “Em và Michael Jackson” vào đầu những năm 90, sau này chỉ là quay trở lại thôi.
Sang là nhà sản xuất thành công nhất trong mảng phim thương mại hài, nhưng về lâu dài không chắc sẽ như vậy, nếu Sang không chuyển hướng mà chỉ dẫm chân tại chỗ. Có vẻ “Huyền thoại bất tử” là một cách chuyển hướng của Sang, cũng là phim thương mại nhưng được làm một cách nghệ thuật.
Có một điểm tôi muốn góp ý với Sang rằng: công nghiệp điện ảnh không thể được làm bởi một người. Hạn chế của Sang là cái gì cũng ôm vào mình, làm việc theo kiểu cá nhân. Có thể Sang ôm vào mình vì không tìm ra nhân tố thích hợp để giao trọng trách, hoặc vì Sang đam mê, tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm, nhưng nói chung đấy không phải là cách làm bài bản. Vì nếu khi Sang “sụp” – như đợt đau ốm vừa rồi, thì cả hệ thống cũng “sụp” theo. Thế giới vẫn có một luật ngầm rằng: Hội đồng quản trị công ty khi đi họp xa phải chia ra đi máy bay riêng, không được ngồi chung một máy bay mà!