Phước Sang là ông bầu ca nhạc, ông bầu hài kịch, “chủ xị” công nghệ cưới Quốc Thanh, Nhân Đôi và nghe đâu còn “dính líu” đến bất động sản… Nhưng những năm gần đây, Phước Sang nổi bật nhất với vai trò nhà sản xuất phim nhiều chiêu trò, “bách phát bách trúng” (về mặt thị trường), dù phần lớn những phim Phước Sang sản xuất đều gây tranh cãi về mặt nghệ thuật.
Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, Phước Sang có gần 20 phút thuyết giảng về vai trò nhà sản xuất phim của mình với hàng 1001 khó khăn, gian truân. Cuối cùng Phước Sang “chốt”: Mỗi bộ phim là sự rủi ro, mạo hiểm, gian nan, chứ không đơn giản như hào quang mà mọi người thấy trên phim. Nên muốn làm nhà sản xuất, trước hết, anh phải là người có thần kinh thép.
Trước mắt, nên nhận định thế nào về nhà sản xuất Phước Sang?
Đó là người biết xác định khách hàng là thượng đế. Câu chuyện phim tôi làm là câu chuyện đồng hành cùng khán giả, để hiểu khán giả, để nắm tay nhau đi lên, chứ tôi không cao ngạo, dạy bảo khán giả theo kiểu đặt ra những câu chuyện giáo điều, bắt khán giả phải nghe, phải học.
Anh nói anh chỉ làm phim khi kịch bản làm “nhói tim” anh, nhưng “nhói tim” anh không có nghĩa “nhói tim” khán giả?
Đầu tiên làm phim phải thích. Bản thân anh không thích thì không thể làm được. Muốn thích thì phải… nhói tim. Nhói tim tôi, nhưng không phải tôi sướng mà là khán giả sướng. Khán giả không sướng thì các phim sau này của tôi đã không tồn tại được.
Ngoài kịch bản “nhói tim”, ngoài câu chuyện phim đồng hành với khán giả, thì chiêu trò cũng là “vốn liếng” không thể thiếu của anh?
Khi làm phim, có rất nhiều sự cố, tai biến, mạo hiểm rình rập. Đã là nhà sản xuất phim thì phải có chiêu, phải lắm trò! Vấn đề là cái trò làm sao để được khán giả chấp nhận, cái trò làm sao cho hấp dẫn, cái trò làm sao để mình vẫn tồn tại và tiếp tục đi lên, chứ không phải trò lừa gạt, trò gẩy đổ. 100 người sản xuất là 100 trò. Làm sản xuất phim mà không lắm trò thì sao gọi là sản xuất!
Tiền đầu tư, lợi nhuận (bị coi là con số khống), mời minh tinh Triệu Vy… cũng là một trong những chiêu trò?
Nếu trò nói ra thì không còn hấp dẫn nữa. Trò chỉ có chúng tôi và những người sản xuất biết với nhau.
Anh nghĩ sao khi tung ra thông tin mời Triệu Vy đóng phim của anh?
Đâu phải tôi tung tin, mà sự thật là như vậy. Lương Triệu Vy bao nhiêu? Liệu có cao hơn Dustin Nguyễn (diễn viên chính trong phim “Huyền thoại bất tử”)?
Dustin Nguyễn luôn khẳng định về Việt Nam đóng phim không phải vì cát xê. Tham gia “Huyền thoại bất tử” còn vì “nợ ân tình” giữa Dustin với đạo diễn Lưu Huỳnh. Còn chúng ta đều biết, ngôi sao cỡ Triệu Vy, thì không phải nhà sản xuất nào cũng mời được, dù có trả cát xê cao?
Làm sao biết Triệu Vy không quan tâm đến thị trường Việt Nam? 500 ngàn đô là có thể mời được Triệu Vy! Chuyện nhỏ! Tôi hứa luôn. Cứ đợi đó, kịch bản nào hấp dẫn tôi sẽ mời cho xem! Vấn đề là kịch bản hấp dẫn và đối tượng thị trường mà nhà sản xuất lựa chọn.
Trong khi nhiều nhà sản xuất chỉ nhắm rạp lớn trong thành phố thì anh vừa tranh rạp lớn, vừa “vét” thị trường tỉnh. Đó cũng là một trong những chiêu phát hành của anh?
Tại sao lại khai thác đề tài này? Nhà sản xuất chỉ nói về sản xuất, còn chuyện phát hành là cơ mật. Phát hành như thế nào tôi quyết không “khai”.
Thấy được sự béo bở của thị trường tỉnh, nên bằng nhiều con đường, anh đã nắm hơn 40% thị trường này?
Nắm 40, 30, 20 hay 100% là tùy mọi người suy đoán. Tôi chỉ có thể nói rằng, đối với nhà sản xuất phim hiện nay, đầu phát hành quan trọng nhất. Không phải cá nhân tôi, mà tất cả những người làm phim ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, khi sản xuất phim đều phải nghĩ đến đầu phát hành. Không tính được đầu phát hành phim, mình sẽ thất bại trước tiên. Còn phát hành như thế nào là thỏa thuận kinh doanh với nhau, trong đó, không loại trừ khả năng liên kết, bắt tay, cùng nhau có lợi.
Tôi không đề cao thị trường tỉnh, mà đề cao thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân. Tôi phải tính toán làm sao để sản phẩm của mình đến được người tiêu dùng bằng mọi cách, trong sự cho phép của pháp luật, với mục đích phim thu hồi vốn, có lãi và tiếp tục sản xuất. Với gần 100 triệu dân, nếu không làm được nghĩa là mình dở.
Tuy nhiên, gần đây hệ thống rạp được nâng cấp theo chiều hướng chuyên nghiệp hoá, nhất là khi nhiều rạp chọn con đường đi vào các trung tâm thương mại cao cấp. Vậy thì “vét” rạp tỉnh, rạp bình dân có còn là lựa chọn sáng suốt?
Xã hội ngày càng phát triển, hình thành nhiều cụm rạp phát triển, chiến lược của mình phải linh hoạt, chứ không phải chỉ có một. Mỗi bộ phim là một trận đánh, mình phải có chiến lược, chiến thuật đánh thế nào. Thực tế, đến nay, 5 bộ phim của tôi đều áp dụng một chiến lược phát hành riêng, chứ không thể rập khuôn một kiểu PR, phát hành. Người nào trong nghề tinh tế sẽ biết tôi phát hành như thế nào. Còn đó là cơ mật, tôi không nên nói ra.
Trước đây anh mua 10% cổ phần của một “đại gia” phát hành phim. Bây giờ các nhà sản xuất và chủ rạp liên kết với nhau chặt chẽ hơn và nắm nhiều cổ phần hơn. Nên có vẻ năm nay, rạp cũng là vấn đề đau đầu của anh, khi anh không còn nắm thế thượng phong như những năm trước?
Hãy đợi tôi phát hành sẽ biết thực tế như thế nào. Còn chuyện làm ăn, đương nhiên mỗi người có chiêu bài, đường đi nước bước khác nhau. Đến giờ phút này, tôi tự tin với “Huyền thoại bất tử” và tự tin với cách phát hành của tôi. Tôi tin nó sẽ là bộ phim Việt Nam “nóng” nhất trong mùa phim Tết 2009 này. Ngày 10.1.2009, 50 bản phim sẽ có mặt tại Việt Nam. Nếu cần tôi sẽ cho xem dấu hải quan. Đúng ngày 14.1.2009, 50 bản phim sẽ được lan tỏa khắp nước Việt Nam để chiếu như mọi năm.
Vì sức ép công việc, và vì… trọng lượng, anh đã bị đột quỵ một lần, chỉ cần thêm một lần nữa là coi như… xong! Trong khi đó công việc của anh – như anh nói – là phải có thần kinh thép. Không lẽ anh không lo cho sự an nguy của tính mạng?
Tôi làm việc với một đam mê mãnh liệt. Nếu tôi có ngã xuống trường quay, ngã xuống với bộ phim của tôi thì đó cũng là hãnh diện của tôi! Con người ta có một lần chết, nhưng chết như thế nào cho vinh dự.
Đàm Vĩnh Hưng chọn cái chết trên sân khấu (phát biểu trên báo), giờ lại đến Phước Sang chọn cái chết trên trường quay!
Đến giờ này “Huyền thoại bất tử” đã xong, sức khỏe của tôi bình thường. Tôi đang chuẩn bị làm chương trình hài Tết, đâu còn áp lực gì nữa. Mình tính không bằng trời tính, ông trời kêu là dạ! Còn vẫn sống thì làm đượcc cái gì cứ làm, chứ không lẽ tôi quay sang sống ủy mị, vui thú điền viên, an phận thủ thường để chờ đợi cái gì đó réo gọi mình? Dù sao thì tôi vẫn làm việc đến hơi thở cuối cùng!
Các tin liên quan khác:
Thái Hoà: "Phước Sang chỉ giỏi PR!"
Phạm Hoàng Nam: "Sang đam mê trong tỉnh táo"