MPK bây giờ

Hai năm trước, gặp MPK trong cái nắng tháng 4 của Hà Nội. Vừa rồi, nghe thông tin rằng MPK đã cưới vợ và hiện đang rao bán toàn bộ tác phẩm nhiếp ảnh trong 20 năm để có tiền mua nhà. Những người quen biết hoặc đã từng xem ảnh của gã không khỏi xôn xao.

Đến café Tùng (Đà Lạt) một cách ngẫu hứng, không chắc chắn có MPK ở đó. Ấy vậy mà lại gặp một gương mặt loáng thoáng sau khung cửa kính.

Cẩn trọng, tôi lấy máy điện thoại nhấn số Phước khùng. Đầu dây kia trả lời: “Hi, Khùng đây!”. Vậy là thay vì “Alo”, gã đã sài chữ “Hi” rất sành điệu. May quá, đúng thật là gã.

So với hồi gặp nhau ở Hà Nội cách đây hai năm, MPK vẫn thế, có chăng là chỉ khác đi đôi chút vì thời gian. Mùa đông Đà Lạt không làm gã cảm thấy cái lạnh.

Vẫn mái tóc dài, phong thanh, vẫn những ngón tay đeo đầy nhẫn, đặc biệt thêm chiếc nhẫn cưới lạ lẫm. Gã bảo: "Chiếc nhẫn cưới bị hỏng, tôi mới làm thêm đôi này, mỗi người đeo một chiếc". Rồi Phước khùng cười khùng khục.

Trong tiếng nhạc Lê Uyên Phương của quán café Tùng, gã vẫn hồn nhiên rít thuốc. Đây là quán café nơi lần đầu Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn, nơi đã mấy chục năm vẫn những chiếc ghế quen thuộc luôn có một chỗ riêng cho MPK. Tôi đọc được một số dòng viết của một cậu thanh niên trên Net.

Cậu ta viết về một buổi sáng café không có MPK ở Tùng café, và cậu đã ngồi vào chỗ của MPK. Cậu nhìn ra khung cửa kính, nơi dòng đời đang tấp nập với những người bán vé số, kẻ bán hàng rong.

Thấy cuộc sống đang vận động và trôi chảy, còn MPK? Cậu ta nghĩ, chắc gã đang long rong ở một nẻo đường nào đó của Đà Lạt. Bởi MPK sáng ra là xách máy đi trên đường rồi qua Tùng làm tách café.

MPK vốn là cái tên viết tắt từ Michael Phước Khùng. P: tên thật; M: tên thánh; K: tên "giang hồ" đặt cho. Gã bảo trước kia gã hư lắm, cũng lăn lộn đủ đường, kể cả con đường tù tội bởi ma túy. Gã nghiên cứu vũ trụ, thích đọc và thích đủ thứ. Thế nên đừng có ngạc nhiên khi sau 8 năm trong tù, gã thấy nơi tận cùng ấy đã dạy cho gã biết về cuộc sống, nơi bộc lộ rõ nhất bản chất của con người.

Gia đình gã theo đạo Thiên Chúa, nhưng gã lại mê Phật. Gã theo Phật trong tâm, và có lẽ rằng, giác ngộ đã đến sớm với gã, từ năm 13 tuổi, khi gã cảm nhận được "nỗi đau nhân thế đè nặng trên vai".

Mỗi ngày, gã vác máy đi chụp, rồi café, rồi làm ảnh lấy tiền sống. Gã cứ thích lang thang với mấy con sâu, cái kiến, mấy cọng cỏ, giọt sương, mấy nụ mầm mới nhú. Gã bảo: Cả vũ trụ trong giọt sương. Gã còn làm thơ, sáng tác nhạc, viết truyện ngắn. Gã cũng có cả band nhạc, đàng hoàng, và… vui vẻ.

Còn bây giờ, thì gã đã cưới vợ và sắp sửa có con, nhưng gã Đà Lạt, vợ Sài Gòn, mỗi người một nơi. Gã vẫn say mê với những mầm non cây cỏ, để thấy vũ trụ trong hạt sương, vẫn sáng sáng café Tùng.

Cô nhân viên trông triển lãm phía chếch đường bên kia, vẫn nhăn mặt hỏi gã đi gội đầu chưa. Gã gãi gãi tóc cười bảo: “Tí về gội, cứ quên. Chắc đến ngày phải gội rồi.” Hỏi đùa gã: “Anh ra hàng gội à?”. Gã lại hềnh hệch: “Không, tự gội thôi, tiền đâu mà ra hàng”.

 
 Tranh chấp -PMK


 
 Tỏ ngộ


MPK có nhiều bộ ảnh gây ấn tượng, trong đó có bộ “Hành trình tâm thức” 25 bức. Bắt đầu từ Tranh chấp -> Khát vọng -> Chối từ -> Hiện thể -> Tự thể -> Hiện hữu -> Thật có -> Vắng mặt trời -> Đón nhận -> Lắng -> Tỏ ngộ -> Tuồng -> Hỷ -> Nộ -> Ái -> Ố -> Bi -> Ai -> Dục -> Sinh -> Trụ -> Diệt -> Quy -> Chuyển -> Hóa.

Vợ là cộng nghiệp đồng tu

Không bán hết cơ nghiệp

Thấy anh rao bán ảnh trên báo, không biết tình hình đến đâu rồi?

Ôi trời, tôi nào có bán hết. Đang muốn điên cái đầu. (Gã lắc đầu quầy quậy). Đó là trong một cuộc nói chuyện với một bạn làm bên báo. Tôi đang có vấn đề về nhà cửa, nên cần tiền mua nhà. Tôi nói cần tiền. Bạn đó bảo: "Bán tác phẩm". Tôi hỏi: "Bán sao, tôi không biết cách". Bạn đó bảo: "Anh rao bán, bán được, sẽ mua được nhà". Thế rồi về viết lên báo rằng tôi bán hết tác phẩm. Ôi trời."

Nhưng nghe nói cũng có nhiều người muốn mua thật?

Có một vài nơi muốn mua, nhưng tôi cứ ừ hữ thôi.

Sao anh chưa bán?
 
Tôi chỉ muốn bán một ít thôi. Có những người đã trả giá cao, nhưng tôi còn suy nghĩ. Tự nhiên buồn à. Tôi trốn đi Buôn Mê Thuột suốt. Khỏi phải trả lời.

Mâu thuẫn không, khi muốn có tiền, nhưng lại không muốn bán?

Trời ơi, không phải. Tác phẩm thì cũng như đứa con. Con mình cũng lớn rồi, đến lúc phải gả chồng cho nó, nhưng gả cho ai thì cũng phải suy nghĩ, kẻo rơi vào tay người hàm hồ thì khổ cho nó. Tôi sợ nó.

Tưởng anh thuộc tuýp người ít biết cáu?

(Cười lớn). Vì bực quá. Tôi hồn nhiên, nhưng đấy là cái hồn nhiên của một người lớn tuổi đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, chứ không phải cái hồn nhiên nhăng nhít được nữa. Sáng tạo, chính là nằm trong sự hồn nhiên đó.

Tôi yêu sự hồn nhiên của thiên nhiên, vẻ trong trắng hoang sơ nên tôi chỉ là người bê nguyên cái thiên nhiên ấy vào ảnh thôi. Tôi chỉ là người ghi lại sự hồn nhiên đó, khi bản thân nó đã quá đẹp rồi. Còn thấy cái đẹp, còn thấy yêu được, là còn sống, còn làm, còn tồn tại.

Hiểu được Hỷ Nộ Ái Ố

Anh nghĩ thế nào về sự thay đổi?

Cuộc sống biến đổi hàng giờ, và từng satna. Đó là tính tất yếu của cuộc sống. Sự vận động của vật chất là tự nhiên, không bao giờ đứng lại, chúng luôn biến đổi. Nhiều cái tưởng chúng đứng im, hoặc bất động. Nhưng không, đừng có lầm, chúng vẫn đang chuyển động.

Anh có thuộc những người thích thay đổi không?

Con người luôn phải thay đổi. Lúc nãy tôi giận, giờ hết giận. Đó là cái Nộ. Nộ là điều cần thiết, không có Nộ thì nguy à? Trước một điều xấu, một cái đẹp, mà không cảm xúc? Có đấy. Cái giận của người thánh nhân biết cần thiết cho đời sống này, nó là tất yếu, nó chuyển tải được sự thật của con người. Lúc tôi ngồi im một mình, hay lúc tôi cười, tôi nói, lúc nằm rình chộp ảnh… Đó là sự biến đổi ý thức dữ dội, tôi đang làm việc khủng khiếp luôn.
 
Nhiều người ví von MPK như một vĩ nhân tỉnh lẻ, họ yêu cái vẻ hồn nhiên của MPK, sự vô tư và sống rất đỗi an nhiên. Nhưng gần đây, MPK thay đổi nhiều quá, đã bớt hồn nhiên đi rồi. Điều đó cần hay không cần?

Ôi trời. Nếu ai đó lầm tưởng, hay đúc khuôn mẫu của một cá nhân trở thành một hình tượng vĩ đại nào đó thì thật là oan ức. Họ – hay tôi thì cũng là con người. Phải luôn thay đổi chớ. Chứ đúc thành thần tượng thì là bi kịch cho tôi, cho tất cả. Có người nghĩ cứ xấu là phải ghét, phải giận, cứ tốt là phải đẹp phải yêu.

Có người sợ bóng đêm, coi nó là mầu u tối và chỉ có ánh sáng là minh bạch, nhưng nếu một ngày cứ sáng hoài, không có bóng đêm, thì chắc chúng ta chết mất còn đâu.

Anh có làm chủ được mình?

Tôi hiểu được tất cả hỷ nộ ái ố trong tôi. Hiểu nó đến nỗi tôi không ghét nó nữa, mà chuyển hóa nó, đó là sự cần thiết trong đời sống. Tại sao người ta cứ nghĩ tôi thay đổi là theo chiều hướng xấu nhỉ? Luận ngữ nói: “Tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh…” Huống hồ tôi đã hơn 50, khó mà thay đổi được. Nhưng thực ra tôi thấy mình còn trẻ con hoài. Vì người ta thích lý luận nhiều, tôi thấy đẹp, tôi chụp ảnh, tôi làm triển lãm cho vui. Xong. Tôi không có gì, nên tự do là phải.


Tự do

Tự do với anh là gì?

Tôi tự do. Sở dĩ con người đau khổ vì hay trụ lại cái gì người ta có. Sinh, trụ, dị, diệt, tất cả sự vật trong vũ trụ, đều phải qua những cái đó, gọi là vô thường. Tất cả những gì tôi có, đều không phải là của tôi. Tôi không có gì. Bất sinh, bất diệt. Tôi tự do. Không có gì là khó hết, chính chúng ta làm khó chúng ta. Nhìn lại tất cả, chính thân mình mai này chết đi, đừng có trụ làm chi.
 
Nghe anh nói, tôi lại càng thấy… đúng. Nhưng mà mấy ai làm được? Kể cả anh, người nói rằng tự do. Nhưng tôi chưa thấy thế, anh còn cô vợ trẻ, còn đủ thứ phải lo lắng, sao đã là tự do?
 
Ối đừng có hiểu tự do là một mình. Tuy rằng chính hồi xưa, có ai mà quan tâm đến công việc của tôi, tôi giận liền à. Tính tôi là thế. Cái giây phút đơn độc là giây phút tự do nhất để tôi làm việc. Ngày xưa mẹ tôi chỉ vì quan tâm đến tôi sao không ngưng đọc sách, sao không ngưng suy nghĩ…

Anh nghĩ gì mà lắm vậy?

Tôi nghĩ về vũ trụ, nghiên cứu, và viết về nó. Quên ăn quên uống. Mẹ tôi xót quá, vào hỏi sao con không ăn cái gì đi. Tôi điên lên, vì cho rằng mẹ đã phá vỡ không gian của tôi. Tội vậy đấy. Bây giờ tôi mới hiểu…

Có bao giờ anh cảm thấy vô vị, chán đời?

Không. Tôi cảm hết. Từ cái bé nhất. Thực bất tri kỳ vị, vô cảm thì chết. Lúc nào tôi cũng thấy đời sống mới mẻ. Với tôi, khi nào đạt được đến “Khuôn khổ” của chính mình thì Tự do sẽ đến!

Anh nói giống trong những cuốn sách về triết, về thiền, về đạo Phật quá? Anh làm tôi nhớ đến từ tri túc thường lạc (biết đủ [sống] thế nào cũng vui).

Tôi từng đọc nhiều cuốn sách. Người ta có thể đọc trong nhiều trạng thái, nhiều cách. Tôi đọc bằng máu. Trời ơi, có lúc một cuốn sách tôi đọc xuyên đêm, sáng hôm sau mang đi trả. Người ta hỏi có hiểu không. Trời, tôi đọc bằng máu. Đọc đến đâu, nó như bóc ra từ bản thân tôi đến đấy.


Vợ là nghiệp

Còn nàng của anh? Cái sự tự do khi có nàng, nó biến đổi thế nào?

Tôi sống, tôn trọng tự do của nàng và ngược lại, còn không thì thà ly dị. Cho nên vợ tôi sống ở Sài Gòn, muốn làm gì thì làm. Người ta bảo sao tôi không giữ cô lại, vợ trẻ, mà tôi thì già, nhưng tôi bảo: Con người là một cá thể riêng biệt. Muốn hạnh phúc, thì phải tự tôn trọng nhau, đừng có dính vào nhau quá, biết đâu đấy đó lại là một cái điều khó chịu.

Anh có sợ người đàn bà đó buồn không khi anh cứ khăng khăng với cái tự do của anh. Bởi đôi khi, cái sự thả lỏng nhau gần gũi lắm với sự không quan tâm đến nhau?

Không, cô ấy làm được điều đó.

Như vậy có ích kỷ không?

Không. Nó cần, vì tôi làm cho tha nhân, thì làm sao mà ích kỷ được. Tôi cần sự đơn độc, để làm cho tôi, cho mọi người.

Nhưng nàng cũng kéo anh về với thực tại nhiều?

Đừng kéo vợ tôi vào cuộc sống này. Hai người là hai chủ thể đơn độc khác nhau. Các lỗi lầm của nàng, của tôi, trong đời sống này. Mọi người đừng. Tôi chịu trách nhiệm hết. Cô ấy rất tội, đâu biết gì hết. Mọi người sống với tôi được mấy ngày mà biết? Đừng bao giờ đúc tôi thành cái tượng biết nói.

Anh có cảm giác mình thành cái tượng?

Vì họ cứ cho rằng tôi có vợ, là tôi thay đổi, mà thay đổi theo chiều xấu. Tôi là người. Tôi mong mọi người đừng áp đặt một cách cứng nhắc, đó là sự vị kỷ. Tôi là người, biến sự uyển chuyển duyên dáng của một cá nhân thành bé nhỏ và cứng nhắc, người ta đang áp đặt nhiều cách, đó là sự vị kỷ. Tự hỏi xem, chính chúng ta đã hiểu được chúng ta chưa? Quan điểm của tôi ngày hôm nay như thế này, nhưng mai đã là khác, là sai rồi.

Chính tôi chưa bao giờ áp đặt ý tưởng nào của tôi lên người khác, với vợ càng không. Với mầm lá, với hạt sương cũng thế. Tôi chỉ là người ghi dẫn lại, chứ không bao giờ làm bất kỳ động tác nào áp đặt, mặc định nó để phục vụ cho mục đích của mình. Tôi vẫn thế, khùng vẫn là khùng.

Chưa khùng mấy!

Cười. Quan điểm vợ chồng của tôi là Nghiệp. Duyên nghiệp, chứ không gì khác.

Anh giải thích thêm chút. Duyên số thì ai cũng nghĩ vậy.

Nghiệp, đó là người bình thường chúng ta thôi. Còn những người có duyên sinh ra để hành Bồ tát, để tu chuyển nghiệp thành nguyện. Chúng ta sinh ra là nghiệp, cộng nghiệp thành nguyện. Còn quan niệm lập gia đình sinh con cái nối dõi là quan điểm đời thường, nhưng chưa rốt ráo. Vợ chồng tôi là đồng tu, tu với nhau. Tôi vẫn thường bảo vợ tôi như vậy.

Vậy là anh và vợ, ai là người đã có thay đổi đáng kể, ai ảnh hưởng đến ai, sau khi kết hôn?

Đúng là trước khi có cô ấy, tôi có rất nhiều đàn bà. Nhưng khi người ta có ý định hôn nhân, là tôi… chạy thôi à. Vì tôi sợ. Đến cô ta, là tôi ok. Cô tấn công tôi trước. Yêu thì yêu, cô ấy phải ở với tôi thôi, không rút được. Lấy nhau luôn. Tôi chẳng giữ gì ai, với đàn bà, là phải thảm, đừng có ép uổng nhau.

Trời ơi không thích nhau nữa thì lấy gì mà ràng buộc nổi. Mà lấy nhau rồi, tôi không thay đổi gì cả. Vẫn thế. Cô bé thì thay đổi, biết yêu đời hơn, cả hai đều có tính độc lập, không ai xía vô ai. Cô ấy còn công việc ở Sài Gòn, tôi Đà Lạt, thi thoảng cứ gặp nhau vài bữa, đi đâu đó cùng nhau. Tôi thích Cộng Nghiệp Đồng Tu.
 
Tôi vẫn chưa hiểu vợ chồng anh đồng tu với nhau như thế nào. Nhưng thấy vợ anh vui tươi yêu đời thì tôi nghĩ chắc phương pháp của anh đúng. Anh có dự định có con không?

Tôi chưa biết. Chắc cũng có cho vui à. Thế là tạo nghiệp đó, nhưng nghiệp đến thì trả thôi. Trả trong vui, chứ không phải trả trong sợ.


Võ Thùy Minh – Chưa từng gặp điều tiếng gì

Người ta nói hôn nhân là số phận, là duyên kiếp, là định mệnh. Tôi thấy đúng vậy nhưng có lẽ nên bổ sung thêm là đối với phụ nữ hiện đại ngày nay, thì số phận hay duyên kiếp, đều do bản thân mình quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Bởi bất kỳ người phụ nữ nào cũng có rất nhiều cơ hội để lựa chọn và quyết định số phận của mình.  

Người ta thường thấy một MPK hoang dại, khó có thể là một người thuộc khuôn khổ gia đình, điều gì đã khiến tôi chọn con đường đi với MPK ư?

Đúng là từ xưa đến nay người ta vẫn hình dung MPK không phải là mẫu người có thể kết hôn, lấy vợ, nhưng rõ ràng một điều là bây giờ anh ấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, cưới vợ được gần hai năm và việc sáng tác vẫn tiến triển, có nghĩa là không có gì là không có thể!

Tôi không biết có bao giờ mọi người có cảm giác này chưa. Đó là cảm giác gặp một người và biết rằng mình có thể gắn bó cuộc đời mình với người đó. Và hoàn toàn không lý giải tại sao.

Tôi không muốn cuộc sống phức tạp và thiếu hạnh phúc cũng do băn khoăn nhiều quá, đắn đo nhiều quá. Thực ra, là một người phụ nữ – tôi lựa chọn một người đàn ông xứng đáng với mình – tôi cho rằng đó là điều hợp lý.

Tôi và MPK có những công việc riêng, tôi chỉ quan tâm những gì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tôi, nên kể cả khi người ta có nói tôi lấy MPK vì tiếng tăm thì tôi cũng chỉ nghe như nghe một chuyện vui, mà thật, đó cũng là chuyện tiếu lâm nếu sau gần hai năm tôi và MPK kết hôn người ta vẫn nói như vậy.

Tôi làm ngành giải trí, anh MPK là nghệ sĩ sáng tác, có thể nói là sống trong thế giới khá phức tạp, tuy nhiên chúng tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ gặp "điều tiếng" gì. Có lẽ sắp tới chúng tôi nên tạo scandal cho hợp thời chăng?  

Có thể cuộc sống của chúng tôi hơi khác mọi người một chút, nhưng đó là một gia đình nhỏ bình thường, mỗi người làm việc mình cần làm và yêu thương tôn trọng lẫn nhau.

Đơn giản chỉ là vậy! Tôi nghĩ rằng, người phụ nữ nào cũng sẽ thay đổi dần nhìn nhận của mình về tình yêu, về gia đình, về hạnh phúc không phải vì bạn lấy ai mà vì bạn phải trưởng thành theo thời gian và kinh nghiệm sống của chính mình. 

Bài: Codet – Ảnh: Quang Bảo, Minh Đức, Huỳnh Ngọc Dân, Tô Lai Quốc

From the same category