Có người khi đã trở thành ông chủ thành đạt mới nhận ra rằng bước ngoặt của đời mình là lúc quyết định không chịu đi làm thuê cho người khác dù với mức lương cao.
Những bước ngoặt trong đời
Bước ngoặt là sự thay đổi quan trọng, cơ bản và nhiều khi là đột ngột trong mỗi người. Với đàn ông, "mua xe, lấy vợ, làm nhà" có thể được coi là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt. Bước ngoặt là sự thay đổi góc nhìn, ý thức, tư duy, quan niệm hoặc đơn giản là thay đổi mình, thay đổi công việc, thay đổi thói quen của mình. Với nghĩa như thế, việc một người đàn ông bỏ thuốc cũng có thể được coi là một bước ngoặt nhưng ngoặt kiểu này thì ông bạn tôi ngoặt cả tỷ lần.
Một người mẫu chân dài nghe chồng khuyên làm mới mình bằng hình ảnh thật đặc biệt là nhuộm da nâu cũng là một bước ngoặt. Ca sỹ Quang Dũng lấy hoa hậu châu Á tại Mỹ Jennifer Phạm đã phát biểu "Jennifer là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi". Có người khi đã trở thành ông chủ thành đạt mới nhận ra rằng bước ngoặt của đời mình là lúc quyết định không chịu đi làm thuê cho người khác dù với mức lương cao.
Trong cuộc đời ai cũng có những bước ngoặt. Quan trọng là đừng ngoặt nhiều quá và đừng ngoặt về một phía để tránh ngoặt mãi rồi trở lại điểm xuất phát ban đầu mà dân tình vẫn hay gọi là “về mo”.
Trong đời tôi rất tiếc là chưa có những bước ngoặt cơ bản về nhận thức như lúc nhận ra là Các Mác chỉ là một ông hay V.I. Lê Nin không phải là ông Sáu Lê Nin. Trong đời tôi chỉ có những bước ngoặt bình thường như những bước ngoặt của nhiều người bình thường khác.
Học vẽ đổi sang văn
Những bước ngoặt hồi nhỏ ảnh hưởng khá quan trọng đến cuộc đời mỗi người. Hồi bé tôi cũng có vẽ vời tí ti, kiểu như chép hình chụp tượng khỏa thân của Rodin hay vẽ Tháp Rùa và cây dừa. Bố mẹ cho tôi đi học vẽ ở Nhà Văn hoá Hoàn Kiếm ở 88 Hàng Buồm, mỗi buổi đi học cho tôi 2 hào để đi tàu điện. Tất nhiên là tôi cũng đi tàu điện nhưng trốn vé, để dành 2 hào mua kem Tôn Đản. Lên cấp hai (mà bây giờ gọi là trung học cơ sở), bỗng nhiên tôi thi đậu vào lớp chuyên văn của quận Ba Đình đặt tại trường Chu Văn An.
Tôi đành phải từ bỏ thú vui tao nhã ăn kem và vẽ vời. Hình như tôi học văn tốt hơn là học vẽ? Hay có thể tôi viết văn cũng như vẽ cái tháp biểu tượng của Hà Nội và cái cây biểu tượng của Bến Tre? Nếu không có bước ngoặt chuyển từ học vẽ sang học văn, biết đâu trên đời có thêm một tôi là họa sỹ nửa mùa chuyên vẽ Tháp Rùa và cây dừa, hay tệ hơn, là chuyên vẽ quả bí đao có cuống? Kết luận rút ra là nên khám phá nguồn cảm xúc của bản thân, nên chọn làm cái gì mình có thể làm một cách bớt tệ hơn.
Khi cần đưa ra những quyết định quan trọng, những thay đổi bước ngoặt, người ta hay nhờ đến những người thân và thậm chí là nhờ đến internet để có được những lời khuyên. Cá nhân tôi nghĩ trong mỗi bước ngoặt, hãy lắng nghe chính mình đầu tiên.
Học luật ngoặt sang đi buôn
Khi được cử sang Kishinev, Moldova (một nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết) học luật, lúc đầu tôi cũng học hành khá chăm chỉ, quyết tâm được bằng đỏ. Khi bạn bè xung quanh chuyển sang đi buôn, tôi không chịu được cám dỗ và cũng đi buôn theo. Chỉ đến năm thứ ba, tôi đã không còn ở ký túc xá mà đi ra ngoài thuê căn hộ, nuôi một con chó to như trong phim. Tôi vẫn tốt nghiệp khoa Luật, Trường Tổng hợp nhưng tất nhiên không phải loại giỏi.
Kết luận rút ra là có những bước ngoặt xuất phát từ quan điểm "có thực mới vực được đạo". Nếu không có bước ngoặt do bạn bè rủ rê, trên đời có thể có thêm một sinh viên được bằng đỏ nhưng cũng có thể tôi sẽ như con mèo – mèo lại hoàn mèo và tôi nghèo vẫn hoàn nghèo. Có lúc chúng ta đi theo tiếng gọi của con tim nhưng có lúc chúng ta ngoặt theo tiếng gọi của dạ dày. Mà hình như dạ dày to hơn tim nên tiếng gọi của dạ dày thường to hơn tiếng gọi của con tim.
Từ trong chạy ra ngoài
Sau khi về nước, tôi vào làm ở một cơ quan nhà nước. Công việc nhẹ nhàng, thời gian thoải mái, thu nhập tàm tạm, lãnh đạo khá ưu ái nhưng đến một ngày tôi bỗng thấy bức bối vì nếu cứ tiếp tục cảnh "sáng cắp ô đi tối cắp về" như vậy cuộc đời mình sẽ đi đâu, về đâu. Nhân đọc trên báo thấy có đăng quảng cáo tuyển người vào làm ở văn phòng đại diện của một công ty Nga ở Việt Nam, tôi gọi điện và đến.
Lúc tôi chỉ nghĩ đơn giản "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm". Làm văn phòng đại diện tuy công việc vất vả và bấp bênh nhưng lương một tháng có khi bằng nửa năm lương nhà nước.
Hoá ra ở văn phòng đã có một bà chị ngày xưa học trên tôi một khoá ngồi đó nên tôi được nhận vào làm mà không mất một mũi tên, hòn đạn nào. Nghĩ lại, đôi khi tôi thấy những bước ngoặt dù bất ngờ nhưng dường như đã được sắp đặt từ trước, nếu buổi chiều hôm đó tôi không đọc báo, không gọi đúng số điện thoại đó, có lẽ bây giờ tôi đã lên đến chức Trưởng phòng, Phó giám đốc ở cơ quan nhà nước.
Khi đang làm trong cơ quan nhà nước ngoặt ra làm ngoài, tôi nghe theo tiếng gọi của con tim hay dạ dày? Thật ra cũng khó trả lời, cũng như phải trả lời một người đi uống bia là đi theo tiếng gọi của con tim hay dạ dày?
Từ Việt Nam sang Nga
Làm việc ở Việt Nam một thời gian, có lời đề nghị sang Nga công tác, tôi đồng ý ngay không ngần ngại. Lúc đó có lẽ tôi chỉ nghĩ đơn giản: "Đâu có tiền là ta cứ đi". Hình như tôi cũng thích thay đổi, tôi cũng thích những bước ngoặt. Thật ra tôi chỉ trở lại nước Nga nên cũng không có nhiều bỡ ngỡ, cũng không phải ngại ngùng nhiều. Ngoặt nhiều hay ngoặt ít dường như là ở trong máu của mỗi người, là do khả năng của bản thân.
Mỗi người có thể tự “test” mình bằng cách nhắm mặt lại, hít một hơi dài và đặt câu hỏi: Bây giờ nếu phải chuyển sang sống ở Úc hay ở Mỹ mình có sẵn sàng để đi không. Cá nhân tôi giống đội viên Thiếu niên Tiền phong là luôn sẵn sàng. Tất nhiên khi người ta ngoặt, nhiều khi theo bản năng, ngoặt để hướng tới những cái tốt đẹp hơn.
Từ Hà Nội tới Sài Gòn
Đang làm ở Hà Nội, thấy có thông tin ở Sài Gòn cũng có một công việc giống tôi đang làm, tôi làm đơn và được nhận. Một ngày đẹp trời, tôi thấy mình cũng như nhiều người, giống loài chim di trú đi từ Bắc vào Nam. Trước đây tôi nghĩ sầu riêng nào cũng như nhau nhưng sống ở trong Nam mới biết sầu riêng có loại dở, loại ngon và loại cực ngon. Hình như tôi ngoặt nhiều nên chuyện thay đổi góc nhìn, ý thức, tư duy, quan niệm là thường xuyên và dễ dàng. Tôi nghĩ cái làm tôi thay đổi là… chính tôi.
Có người coi mỗi sinh nhật là bước ngoặt trong đời, đặc biệt là những sinh nhật tròn chặn – khi 20 tuổi, 30 tuổi và 40 tuổi. Cá nhân tôi nghĩ như vậy thì thật buồn chán. Bước ngoặt trong đời mỗi người có thể tự đến, có thể do chính mình tạo ra. Người ta có thể nhận thức được ngay là mình vừa có bước ngoặt hoặc có thể mãi sau này mới biết cuộc đời mình đã ngoặt sang đường khác. Tôi nghĩ bước ngoặt đôi khi là sự biến đổi khi lượng chuyển hoá thành chất và đôi khi nên tự tạo cho mình những bước ngoặt.