Trong bộ phim “Random Hearts”, giây phút lột bỏ chiếc mặt nạ hạnh phúc hôn nhân của mình, nhân vật nữ chính do Kristin Scott Thomas thủ vai đã thừa nhận: “Hạnh phúc của tôi được tính theo ngày, không phải theo năm!”.
Siu may mắn hơn chăng, khi hạnh phúc của chị được tính theo năm: 15 năm sau ngày cưới, Siu mới ly thân, dù trước đó đã nhiều lần rạn vỡ. Để đi qua 15 năm đó mà không phải làm một con họa mi ngưng tiếng, chị đã mạnh mẽ chọn sống bằng triết lý “buồn 5 phút”…
Tôi chọn cách sống cứng rắn
Nhìn chị, không thể hình dung chị là con người của sự tổn thương, chịu đựng. Rất dễ nghĩ, chị hẳn phải vô tư và hồn nhiên lắm!
Tôi chọn cách sống cứng rắn. Phải cứng rắn cả trong lẫn ngoài, chứ yếu đuối không vượt qua nổi. Nếu mình yếu mềm, trong lúc hai vợ chồng mâu thuẫn và li thân, hai đứa con rất buồn và mỗi đứa một nơi, cuộc đời ca sĩ thì nay đây mai đó, làm sao tôi có thể chịu đựng được. Đời sống bên trong tôi có nhiều uẩn khúc, nhưng bù lại, công việc khá suôn sẻ.
Nỗi buồn của mình quá nhỏ so với người khác. Dù sao mình còn hạnh phúc hơn những người không có gì. Người ta chịu được, sao mình không? Tôi vượt qua tất cả là nhờ vậy. Nhiều khi nỗi buồn của tôi chỉ 5 – 10 phút. Nếu tôi không cứng rắn, ngồi đó suy nghĩ hoài, sẽ đi tới đâu? Nhưng sau khi vượt qua được, lại thấy không khó lắm.
Yếu đuối, mong manh là đặc ân, đặc sản, và cũng là “vũ khí chết người” của đàn bà. Tại sao chị lại từ chối nó và rước vào thân sự mạnh mẽ, để rồi ngày càng tịnh tiến đến… thuộc tính của đàn ông?
Câu hỏi của chị quá phù phiếm so với cuộc đời tôi! Tôi phải mạnh mẽ từ khi mới ra đời. Bố mẹ mất sớm, tôi chỉ có thể nương tựa vào anh chị em, mà anh chị em thì nương tựa được bao lâu? Nên phải nương vào chính bản thân mình. Chị tôi nói một câu rất chí lí rằng: “Không ai có thể nuôi mình, kham nổi cuộc sống của mình lâu như bố mẹ.
Em phải tự quyết định, tự đi học, làm nghề gì đó và tự kiếm tiền, tự nuôi bản thân”. Vốn liếng không có, buôn bán không được, có một chút tài, tại sao tôi không làm? Nên tôi không theo nghề bố mẹ (dạy ngoại ngữ), mà xin đi hát. Chị tôi khuyên: “Nếu bố mẹ còn, em sẽ không được toại nguyện. Nếu em hát và kiếm tiền được bằng nghề này để có thể nuôi sống bản thân thì em cứ làm”.
Tôi cũng ráng thi đại học, cho bà ngoại vui. Tôi trượt đại học, ngoại thất vọng lắm. Khi đi thi hát, có một tờ báo viết về tôi thế này: “Một giọng hát tuy chưa được thuần hóa, nhưng cô này nổi bật nhất”. Đó là bài báo đầu tiên người ta viết về tôi. Tôi đưa cho ngoại, ngoại nói: “Tao không thích mày đi theo nghề này, mày đưa tao coi làm gì. Tao không thích coi. Tao không biết chữ”.
Tôi vẫn để tờ báo ở đó. Tuy ngoại không biết chữ, nhưng ngắm nghía hình, thấy cháu mình trên báo cũng mừng lắm. Rồi ngoại lẳng lặng cất tờ báo. Chính những tình cảm mộc mạc đó càng cho tôi một nghị lực mạnh mẽ.
Tôi không có thời gian để buồn
Có câu nói: Nỗi buồn không hạ gục được người mạnh mẽ, nhưng sự mệt mỏi, cô đơn sẽ đi theo cuộc đời họ. Là người mạnh mẽ từ “trong trứng nước” có khi nào chị cảm thấy cô đơn, mệt mỏi?
Đi hát nhiều, không có thời gian về với gia đình, với con. Đó là điều tôi suy nghĩ nhiều nhất. Về vật chất, con tôi không thiếu cái gì, nhưng nó thiếu thốn tình cảm, thiếu tình yêu của mẹ. Nhiều lúc nhìn con tội lắm. Nó nói: “Con cầm tiền, con không thấy vui. Mẹ mua cái này cái kia, con cũng thấy không vui”. Nghe thế biết con mình đã lớn. Tôi nói: “Công việc của mẹ là như vậy, từ hồi lâu rồi. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cho nên con ráng đi. Con phải biết được khi không gần mẹ, mình phải làm việc gì đó để khuây khỏa. Ví như con học thêm để không có khoảng trống, để đỡ nhớ mẹ hơn”.
Con tôi nói: “Con học rồi, nhưng con vẫn thấy thiếu cái gì đó mẹ ạ!”. Nghe lời con nói, mà tôi rớt nước mắt. Tuy nó là con trai, tự lo cho mình, nhưng trong lòng tôi vẫn không yên. Còn chuyện cô đơn trong tâm hồn người đàn bà ư? Nói thực với chị, tôi không nghĩ tới chồng từ lâu lắm rồi.
Chuyện đó đã ra khỏi đầu tôi lâu rồi. Việc này gối việc kia, công việc nhiều lúc không cho mình cô đơn nữa. Tôi không còn thời gian để nghĩ cho mình, không còn thời gian để suy nghĩ sao mình buồn quá, sao mình không yêu người này, người kia, sao mình không hưởng thụ…
Nỗi buồn thường đến khi gặp khoảng trống. Ai dám đảm bảo trong công việc, chị không gặp khoảng trống. Đó có thể là khi công việc không suôn sẻ, là những chặng về một mình sau đêm diễn… Khi đó, chị có thể luôn sắt đá?
Đó là lí do tôi không tìm công việc quá khó, mà làm việc đúng tầm của mình. Hơn nữa, tập hát và nghe nhạc là những việc tôi thích nhất khi ở nhà, thì làm sao tôi biết cô đơn là thế nào? Thực sự, tôi không suy nghĩ về chuyện của mình quá nhiều.
Nhiều người hỏi: “Sao chị cứ ngồi ở nhà hoài vậy? Ở nhà chán lắm”. Nhưng ở nhà là điều tôi thích nhất. Còn suy nghĩ về chuyện của mình thì nhiều lắm, nhưng để làm chi vậy? Chỉ thêm mệt xác, trong khi tôi còn phải lo toan cho gia đình của mình.
Tết, con cháu réo suốt ngày. Mỗi lần dì về chúng nó thích lắm. Chúng biết dì về là có Tết. Tội nghiệp lắm. Tết vừa rồi cháu giục về, tôi nói có khi dì phải đi xe đò, vì không mua được vé máy bay. Nó nói đừng đi xe đò, dì thuê xe đi. Tôi nói thuê xe mất 7 triệu, mắc quá, để tiền đó mua quà cho tụi bay.
Chồng tôi không nghĩ tôi có thể bỏ ông ấy
“Không nghĩ tới chồng từ lâu lắm rồi” – với người đàn bà, câu này nghe buồn quá!
Khi hai vợ chồng đã không còn gì thì tôi không nghĩ tới nữa. Trước khi ly thân, chúng tôi đã trải qua hai năm sống cùng một nhà mà không ngủ chung giường. Ông xã đã có người đàn bà khác. Với tôi, như vậy là xong rồi. Người ta nói đàn bà cần phải sống cân bằng mới trẻ lâu, nhưng sự cân bằng trong tôi đã không còn từ lâu, và tôi cũng đã quen với điều đó…
Ngày xưa chồng chị phải bỏ nghề để lấy chị, rồi đằng đăîng những năm dài một mình nuôi con để chị đi hát. Giờ danh tiếng, tiền bạc đầy đủ, hai người lại hai nơi. Có khi nào chị nghĩ lỗi đó cũng thuộc về mình, hoặc chí ít chị phạm vào lỗi không giữ được người từng rất yêu mình?
Không. Chồng tôi có tính trăng hoa từ lâu rồi. Khi lấy tôi, ông xã còn cặp với người ta. Những ngày ở bên tôi, ông xã âm thầm, tôi những tưởng ông xã bị đau, còn đưa tiền cho ông ấy đi chữa bệnh. Lúc đó tôi có bầu, đến mức dân làng thấy tôi cứ lủi thủi, bụng thì to, sáng nào cũng đi chợ, đi ăn sáng một mình.
Mang bầu đứa con thứ hai thì dắt đứa đầu đi theo. Họ nói sao em khổ quá vậy? Có người thương tôi, còn đề nghị chở mấy mẹ con đến tận nơi để ba mặt một lời làm cho ra lẽ. Nhưng tôi từ chối: “Giờ em có bầu. Em làm vậy cũng chẳng được gì. Tính chồng em như vậy không thay đổi được. Em có xuống đánh ghen, làm ầm lên cũng vậy, mà em còn mệt mỏi nữa”. Và tôi đã phải chịu đựng 15 năm như vậy.
15 năm đằng đẵng, không phản kháng. Tại sao chị có thể chịu đựng được, trong khi chị là người mạnh mẽ?
Vậy mà tôi đã chịu đựng được. Tôi nghĩ, hồi xưa ông ấy như vậy mình còn bỏ qua được, sao giờ không bỏ qua? Và cứ thế kéo dài. Bỏ qua, bỏ qua, lại bỏ qua lần nữa. Thật ra, trong cái làng tôi đang sống, cảnh bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ, người ta dị nghị nhiều lắm, và tôi không muốn điều đó xảy ra với mình. Tôi tự an ủi rằng, nếu mình bỏ qua, về nhà còn thấy chồng, miễn sao ông ấy đừng bỏ bê con là được.
Chồng tôi cũng khôn lắm. Mỗi lần biết tôi về, ông ấy làm cái này cái kia để tạo sự tin tưởng với mình, đến mức người ngoài nói tôi không tin, bỏ ngoài tai hết. Được cái, tôi đã nói bỏ ngoài tai là không nhớ tới. Nhưng rồi chị ở làng trên đi bán rau, nói hay thấy xe ông xã để ở nhà đó. Chị ấy tưởng nhà bạn bè. Nhưng thấy một cô hay bưng đồ ăn sáng, mà hai người ăn uống như vợ chồng. Lúc đó tôi mới tin. Vì chị này người Tây Nguyên, mà người Tây Nguyên không nhiều chuyện.
Chị làm gì sau khi nhận ra điều mà đáng lí phải nhận ra từ lâu?
Chồng tôi hứa sẽ không như vậy nữa. Bẵng đi một thời gian, ông ấy không dính dáng gì nữa. Nhưng công việc đưa đẩy, ông ấy lại quen người khác. Lấy lí do công việc, chồng tôi thường đi tiếp khách với sếp. Tôi thắc mắc sao cứ đi đến 1 – 2 giờ sáng, thậm chí suốt đêm? Ông ấy nói: “Giám đốc về lúc nào mình về lúc đó, mà tôi là người nắm tiền, giám đốc về mình phải thanh toán, chứ không lẽ tôi về trước?” Trước những lí lẽ quá ư hợp lí, làm sao tôi nghi ngờ được.
Tôi chỉ bực chồng đi nhậu, chứ đâu biết ông ấy có phụ nữ khác. Sau này, vô tình tôi biết chồng tôi giới thiệu người phụ nữ khác là vợ mình! Tôi nói một là tôi, hai là người phụ nữ đó, ông chọn ai? Tình yêu của ông đang độ nồng thắm, ông nên ly dị. Lúc đó ông xã nghĩ tôi ghen mà nói vậy, rồi mọi chuyện sẽ qua. Nhưng cộng nhiều yếu tố, tôi đề nghị chia tay. Tới giờ này, chồng tôi vẫn không nghĩ tôi có thể bỏ ông ấy.
Hiện chúng tôi sống ly thân. Ông ấy về lại Nha Trang. Tôi đã gửi đơn, nhưng ông ấy chưa chịu ký. Nghĩ mình cũng chẳng có ai, nên cứ sống tạm như vậy. Mấy năm nay tôi thấy cuộc sống rất vui. Tôi không còn phải suy nghĩ nhiều nữa. Trước tôi sợ mình đi làm, chồng dắt phụ nữ về nhà. Còn giờ không phải suy nghĩ nữa, tôi sướng lắm!
Chị có nghĩ một ngày nào đó, chị sẽ bao dung hơn và hai người sẽ trở về?
Tôi cũng nghĩ vậy đó! Nhưng không biết sẽ nhìn mặt nhau như thế nào?!
Xin cảm ơn chị, và chúc chị luôn cảm thấy hạnh phúc!
1. Từ khi sống một mình, tôi càng thấy rõ trong mình có 2 nửa: thứ nhất là của đàn ông và thứ hai là của đàn bà. Đàn bà ở đây là khi mình làm việc nhà nuôi con, đàn ông ở chỗ là mình xã giao và quyết định hết những công việc lớn lao và dự án của mình.
Bây giờ thì nhiều lúc tôi cảm thấy mình giống như đàn ông, phán quyết chuyện gì mình đều quyết được. Ngày trước cũng vậy, việc trong gia đình cũng là tôi quyết hết. Khi trên sân khấu, nam tính rất là nhiều (cười lớn), nếu như tôi không có sự nam tính thì không hát "máu lửa" được đến thế, hát như kiểu tôi phải rất nam tính mới thành công được! Tôi là một người thích sự sôi động, máu lửa, thích sự phóng khoáng để hát. Có thể khi mình nhìn ai đó để hát, người ta ngại nhìn lại mình vì có cảm giác mình đang muốn "nuốt sống" họ bằng âm nhạc. Khi tôi hát sự cháy bỏng nó khác, cháy bỏng âm nhạc hay lắm, quên hết luôn cả nỗi buồn. Ngược lại, tôi thấy mình phụ nữ nhất là khi tôi về nhà, gặp con, được chơi với con, làm được việc gì đó giúp cho chúng hiểu được công việc của mình. Tôi thích nhất những lần tôi đi chợ nấu cơm cho gia đình, con tôi gọi giật lại và dặn mẹ mua cho con cái này, mua cho con cái kia, đó là điều mà phụ nữ nào cũng trải qua nhưng có khi họ không làm được điều đó. Nếu mình làm được điều đó là mình đã hạnh phúc lắm rồi. 2. Tôi thích nhìn những người phụ nữ gợi cảm. Gợi cảm cũng hay lắm chứ, biết cách làm cho người khác phải nhìn xoáy vào mình cũng là một nghệ thuật, mà cái đó trời cho từng người phụ nữ khác nhau. Còn phụ nữ nam tính, cũng tùy trường hợp, nhưng chỉ một chút thôi, đừng làm quá thì tôi lại rất sợ. Tôi đang có ý định giảm cân nữa. Người ta cho rằng to quá mà ăn mặc gợi cảm sẽ không được đẹp cho lắm nhưng thực ra thì tôi mặc một bộ đồ sexy cũng ok lắm. Mấy bữa chấm Idol cũng có thử và được khen rồi! Có điều, bác sĩ khuyên giảm cân vì do sức khỏe chứ không phải do đẹp. Mình làm việc như thế này, mập quá sẽ rất mệt. Nếu tôi giữ được mức cân bình thường mà tôi đã có thì không cần giảm, đằng này nó tăng nhanh quá, lên hơn 6 kg rồi, nên sắp tới tính giảm luôn một lèo xem như thế nào. Ví dụ người ta bảo vẫn thích dáng hình cũ hơn, thì ok, 1 tuần tôi lên được 3 kg. 3. Đàn bà thường thích một người đàn ông năng nổ, sôi động, không được quá hiền lành, manly là đương nhiên rồi nhưng phải biết ý, ga lăng hết sức. Điều phụ nữ trông chờ nhất là chồng biết chăm sóc những thành viên trong gia đình, biết làm ăn để gia đình ấm no hạnh phúc. Đàn ông suốt ngày ăn chơi, rượu chè be bét thì người phụ nữ biết dựa vào đâu? Đàn ông thích những cô gái sexy nhưng phụ nữ bên cạnh họ chỉ sexy vừa phải thôi, phải dịu dàng, nhẹ nhàng và thông minh, hiểu ý nhau. Người đàn ông họ thích như vậy. Bản năng đàn bà là ghen tuông, nhưng tôi khuyến cáo các bạn đừng nên ghen tuông. Nếu đi bên cạnh người đàn ông cùng với bạn bè của họ mà bạn ghen ra mặt là người đàn ông đó đi luôn. Còn với những cô gái sexy họ chỉ thích nhìn vì táy máy, tò mò, người đàn bà dịu dàng bên cạnh họ mới là của họ. Phụ nữ về lý thuyết phải giỏi giang, chăm lo gia đình, xã giao rộng, đó là người phụ nữ đàn ông cần. Nhưng có người phụ nữ giỏi giang việc nhà thì họ không thể ra ngoài xã giao được, có người phụ nữ chăm lo cho chồng rất dở nhưng xã giao với bên ngoài rất tốt. Mỗi người có một thế mạnh khác nhau và rất hiếm người có đầy đủ được hết những bản năng đó.
Lương Trọng Nghĩa (ghi)
|