Đừng coi thường răng sữa của trẻ

Những yếu tố tác động khiến một hàm răng có "bệnh" hay không, bên cạnh ý thức và sự bảo vệ của cá nhân từng người còn có yếu tố di truyền, tuyến nước bọt, vị trí mọc của răng…

Có thể bạn rất giữ gìn, nhưng tuyến nước bọt chuyển hóa quá nhiều phốt-phát và canxi cũng gây đóng cặn ở mặt răng. Răng mọc sai vị trí, mọc không thẳng nên lực nhai yếu cũng ảnh hưởng đến chất lượng răng, đến khả năng sâu, viêm chân răng…

Tuy nhiên, việc chải răng đúng cách sau ăn là cách bảo vệ răng miệng hữu hiệu nhất.

Bí quyết gần như là duy nhất để bác sĩ Dương giúp con cái bảo vệ răng miệng tốt là rèn luyện cho con có thói quen đánh răng sau ăn đúng phương pháp.

Cách chọn bàn chải: BS Dương chọn những loại bàn chải không quá mềm và không quá cứng.

Tư thế chải răng: Nghiêng 45 độ để đảm bảo sạch mặt răng và các khe, kẽ răng, lợi. Không được quên chải lưỡi, nơi vi khuẩn tập trung nhiều. Nếu quên làm sạch lưỡi sẽ không có môi trường răng miệng sạch khuẩn.

Sử dụng chỉ tơ nha khoa.

Chế độ ăn uống cũng được quan tâm đặc biệt. Tuyệt đối không ăn các thức ăn nóng chuyển sang thức ăn lạnh đột ngột. Không cho trẻ ăn đồ cứng, không cắn nước đá khiến mặt răng bị mài mòn, gây ê buốt răng. Phần lớn những người bị rạn răng đều do thói quen ăn đồ cứng. Không ăn nhiều các chất quá chua.

Sai lầm của cha mẹ:

– Không để ý kỹ và sát sao việc đánh răng của con. Do lực của trẻ yếu nên ngày nào trẻ cũng đánh răng đầy đủ nhưng vẫn không sạch.

– Quan điểm là hàm răng sữa đằng nào cũng thay nên không coi trọng. Thực tế, răng sữa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ những năm đầu, trước khi trẻ bước vào thời kỳ trưởng thành.

– Đem bác sĩ ra dọa con nên khi cần đi khám, trẻ sẵn tâm lý sợ, không hợp tác khám chữa bệnh.

– Men răng của trẻ yếu, rất dễ sâu nên cha mẹ chỉ cần lơ là việc đánh răng của con khoảng 1 tuần là trẻ có thể bị sâu răng tấn công.

BS. Bạch Dương
Trưởng khoa Nắn chỉnh răng – Viện Răng Hàm Mặt Quốc gia.


From the same category