Là một người vợ, người mẹ lúc nào cũng đặt mục tiêu chăm sóc gia đình lên hàng đầu, lại may mắn có kiến thức về y tế, sức khỏe và dinh dưỡng nên tôi luôn áp dụng những hiểu biết cập nhật nhất trong việc thực hành các chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình ba thế hệ và luôn chú trọng uốn nắn con cái theo những thói quen sống có lợi cho sức khỏe.
Do thời gian không bao giờ dư dả (vì công việc chuyên môn đòi hỏi chuyên tâm) nên tôi luôn thích áp dụng những phương pháp chăm sóc gia đình đạt hiệu quả cao mà vẫn tốn ít nhất thời gian.
Gia đình tôi sống ba thế hệ và nhu cầu dinh dưỡng rất khác nhau. Ông bà đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng tôi được xếp vào lứa người trưởng thành cần giữ một “form” người chuẩn nhưng vẫn phải có chế độ ăn đủ năng lượng để đảm bảo công việc và chăm sóc gia đình.
Hai cháu bé đang tuổi lớn nhưng thói quen ăn uống lại khác nhau: con trai lớn của tôi bản chất rất biếng ăn nên phải được người lớn theo dõi tương đối khắt khe để đảm bảo hoàn thành định mức, phải có chế độ ăn đặc biệt giàu năng lượng. Còn bé út lại rất ham ăn nên lại phải luôn để ý đến số lượng thực phẩm và theo dõi cân nặng để có chế độ kiêng khem hợp lý.
Đối với ông bà đã lớn tuổi nên cần ăn nhiều chất xơ, ăn thật ít đạm động vật, tăng đạm thực vật để tránh nguy cơ táo bón, ung thư đại trực tràng. Đối với hai trẻ thì ngược lại, dung tích dạ dày bé nhưng nhu cầu năng lượng nhiều để hoạt động và phát triển thể chất, nếu trẻ ăn quá nhiều chất xơ sẽ không đủ cung cấp năng lượng.
Trẻ cũng cần ăn đủ đạm động vật và những đạm quý có các axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được và có tỉ lệ hấp thu cao hơn hẳn đạm thực vật. Đặc biệt, trẻ cần ăn trứng vì trứng nhiều cholesterol để làm vững bền thành mạch của trẻ còn non yếu (hơn nữa trẻ nhỏ không bao giờ có nguy cơ cholesterol máu cao), nhưng người có tuổi lại cần hạn chế trứng vì sợ nguy cơ cholesterol máu cao…
Trẻ cần ăn cả mỡ vì cần cả cholesterol và các axit béo no cho chuyển hóa. Bữa sáng rất quan trọng nhưng con trai lớn của tôi lười ăn nên ngoài chuyện thay đổi thực đơn như phở, mì, cháo, bánh mì, pho mát, có bữa tôi thay đổi chỉ với một cốc sữa 300 ml (sữa bột nguyên kem hoặc sữa năng lượng cao, không dùng sữa tươi vì năng lượng thấp).
Sở dĩ có thể dùng sữa bột pha thay thế cho bữa ăn bởi sữa là loại thực phẩm có thành phần hóa học hoàn hảo để cung cấp năng lượng với hàm lượng các chất sinh năng lượng rất cân đối gồm năng lượng từ protein chiếm 22%- 26%, lipid chiếm 30 – 47% (phụ thuộc vào loại sữa nguyên kem hay tách bơ một phần), glucid chiếm 31%.
Ngoài ra, tôi luôn duy trì hàng tuần có tối thiểu hai bữa cá trong đó có một bữa cá béo (cá bông lau, cá chép, cá chim…), cung cấp nhiều DHA, ARA để giúp trí thông minh của con phát triển tốt.
PGĐ Trung tâm Tư vấn phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng Việt Nam