Thu Hương: “Pha chế” quá liều “công thức” chiều chồng - Tạp chí Đẹp

Thu Hương: “Pha chế” quá liều “công thức” chiều chồng

Bộ Sưu Tập

“Chỉ khi nào người đàn ông trong anh bật khóc – Em sẽ đến, để thấm những giọt tâm hồn trên đôi mắt của anh” – Thu Hương đã trở lại bên chồng cũ (diễn viên Hồng Sơn) như thế, vào những ngày anh hoang mang trên giường bệnh, sau tai nạn giao thông trên đường làm phim, sau cuộc giải thoát thần kỳ khỏi làn khói trắng từng cướp đi của anh tất cả: sự nghiệp, tiếng tăm, của cải, vợ đẹp con khôn…

Nỗi bất hạnh của người đàn ông hay gặp vận xui làm tốn kha khá giấy mực của báo giới phần nào đó che lấp nỗi bất hạnh của người phụ nữ vừa cay đắng nói với Đẹp: “Nếu như điều giúp tôi thành công trong kinh doanh là chiều khách thì cái khiến tôi thất bại trong hôn nhân lại là vì… chiều chồng”.

Câu chuyện với cựu diễn viên khả ái một thời của NH Kịch Hà Nội và là chủ hiệu áo cưới lớn ở Hà Nội làm người ta sợ… cưới chồng, sợ phải suốt đời đi “lau khô” nước mắt đàn ông…

“Người đàn ông đáng yêu không có nghĩa là một người chồng dễ chịu”

Đã bị ràng buộc bởi một cuộc hôn nhân khác sao chị có thể có mặt bên chồng cũ? Có giả thiết: “Đức lang quân” của chị hiện nay hẳn phải là một người đàn ông cao thượng?

Ừ, cứ cho là thế đi cho nó… lành, dù tiếc rằng tôi đã không có được may mắn thế, sự cao thượng ở người đàn ông đâu dễ tìm kiếm thế! Chỉ là đơn giản, bây giờ, tôi lại là người phụ nữ tự do.

Chị có nghĩ là khi biết điều này, sự thán phục của tôi đối với chị đã bị giảm bớt? Bởi trước đó, tôi đã nghĩ: Hẳn chị phải dũng cảm và khéo léo lắm, và cả được yêu nữa, mới có thể thuyết phục được “chủ sở hữu” cho chị được làm việc nghĩa…

Thế à? Vậy sao không thử nghĩ: kể cả là tôi đang yên bề, tôi cũng vẫn có mặt kia mà? Như tôi cũng đã từng, không ít lần, đánh đường lên trại cai nghiện để lo cho anh Sơn vào những năm tháng mà hạnh phúc mới của tôi vẫn hẵng còn “đượm lửa”. Tôi làm những việc đáng làm ấy đâu phải để cầu về sự thán phục của bất kỳ ai.

Thương Sơn đã đành, thương vô cùng, khi không hiểu nổi vì sao một người hiền lành bằng ấy, vô tư bằng ấy, mà lại cứ suốt ngày gặp vận xui, suốt ngày bị Trời “trêu” thế được. Từng thoát ra được thì chớ…

Và còn hơn thế, là thương con tôi, đứa con gái từ bé tới lớn suốt ngày phải “thót tim” vì những cơ sự không may thường xảy đến với bố nó và mỗi lúc như thế, nó chỉ còn biết trông mong vào mẹ. Chưa nói chuyện tình nghĩa, làm sao tôi có thể làm ngơ trước nỗi đau của con mình? Bố cháu dẫu thế nào thì vẫn luôn là bố của con tôi.

Huống hồ anh Sơn tuy từng có nhiều sự không phải với mẹ con tôi, nhưng một mặt, với tôi, anh vẫn là một người đàn ông có nhiều nét đáng yêu riêng của anh ấy: hiền lành ít nói, đầu óc trong sáng, hầu như luôn xa lạ với sự tính toán, thủ đoạn, tưởng như chuyện gì cũng cười tủm tỉm một cái là xong, không bao giờ lèm bèm, lẩm rẩm… – những giá trị nhân cách mà tận đến giờ tôi mới đủ từng trải và điềm tĩnh để nhận ra, khi đặt cạnh những so sánh khác.

Đáng yêu? Vậy mà sao tình yêu vẫn không đủ dùng?

Vì một người đàn ông đáng yêu không có nghĩa là một người chồng dễ chịu. Cứ sống với “người hiền” ấy đi thì biết, Sơn nhất định không thể là người đàn ông của gia đình. Có máu “tay chơi” từ trong trứng mà, con trai phố cổ, nhà giàu, mải chơi lười học… Những năm bảy mấy, tám mươi ở Hà Nội, thử hỏi, có mấy nhà có được cái máy quay đĩa, mấy thanh niên biết nhảy đầm, vậy mà anh Sơn đã được “nếm”.

Cái thời đi học, ai cũng đi bộ hoặc sang hơn thì là đi xe điện, đây Sơn cưỡi hẳn một quả Piagio yên da khóa cổ! Đám cưới Thu Hương – Hồng Sơn chơi nguyên cả… một cuốn ảnh màu. Thế nên, khi vào vai “người trụ cột” mới là mệt! Nhà đang đêm mất điện, giữa lúc tôi đang phải bò ra trang trí váy cưới để kịp sáng sớm mai giao cho khách. Thế mà Sơn không nói không rằng dắt xe đi. Thấy tôi cáu, Sơn nói nhẹ tênh: “Thế em bảo mất điện thế này, anh không ra đường thì ở nhà làm gì, TV thì không xem được?”.

Cái mái nhà bị xô ngói, dột đúng chỗ nằm, con thì ốm, sai chồng đi kiếm mảnh áo mưa che tạm, chồng gắt: “Ôi giời món đấy anh làm sao chơi được!”, rồi ôm chăn lăn xuống đất… ngủ tiếp. Sáng ra, đi gọi thợ không được, cực chẳng đã, tôi đành đi mượn thang, đánh quần đùi chồng, leo lên xếp ngói. Thế là xong! Xong cái mái ngói, nhưng không “xong” được với trái tim dễ tổn thương của một người đàn bà đang trong những năm tháng đầu kỳ vọng vào mái ấm, chẳng dễ gì có được đức hy sinh và sức chịu đựng dẻo dai như sau này.

Rất nhiều lần tự hỏi: Tại sao một người đàn bà trẻ đẹp như tôi, được biết như tôi, hết lòng vì gia đình như tôi, mà lại không được chồng thương yêu chăm sóc như bao người đàn bà bình thường khác.

Sao tôi từ một đứa con gái nhút nhát (và cũng là gái phố, cũng được gia đình yêu chiều không kém), lại bỗng dưng phải trở thành đàn ông trong cái nhà này, việc gì cũng đến tay, công lên buổi xuống gì cũng đến lượt. Đúng là “thời thế tạo anh hùng”! Nhưng “anh hùng” không chịu đựng nổi cái “thời thế” ấy. Nên một ngày nọ, tôi buộc phải nói lời chia tay.

Chia tay, chỉ vì chồng không phải là… thợ điện?

Cả vì anh ấy có số đào hoa và cũng phần nào có máu giăng hoa nữa. Đào hoa đến nỗi, ngay cả khi anh ấy trắng tay vì nghiện ngập, mà vẫn còn có khối cô theo (là con gái tôi về “mách” mẹ thế!). Hay như đợt nằm viện vừa rồi, cũng có không ít “đối tượng khả nghi” khi rất hay liếc trộm “vợ cũ của anh Sơn” và quà thăm bệnh nhân thì nhất quyết không thể là ở mức quan hệ thông thường. Nhưng ngày ấy làm sao mà tôi có được cái nhìn bình thản như lúc này!

Tôi ghen chứ, ngay cả khi đã tưởng trong lòng nhợt nhạt tình cảm lắm rồi. Khi phải đứng lặng người, nhìn chồng mình cười nói với người ta bên kia đường và sau đó, là dắt nhau đi đâu đến tận khuya. Và đấy cũng chưa phải là lần đầu, càng không là lần cuối. Nhưng vấn đề là Sơn luôn miệng chối, và không hề muốn ly hôn. Bản thân tôi cũng vậy, cũng đã cố bao lần trì níu cho đến khi “giọt nước tràn ly”. Thế nên, ly thân từ năm 1993, mà tận đến năm 1998, chúng tôi mới chính thức hầu tòa.

   

“Dễ gì quay lại, khi chỉ còn tình thương?”

Còn một nguyên nhân nữa hình như chị cố tình bỏ sót: Sơn nghiện, và chị phải lo cho đời chị?

Một thời, dư luận từng nghĩ oan cho tôi như thế. Tôi không chắc Sơn bắt đầu sa vào nghiện ngập ở thời điểm nào, nhưng hồi còn sống chung nhà, thì chắc chắn anh chưa. Nguyên nhân có lẽ vì Sơn hay giao du với nhiều bạn xấu.

Phần nữa (đây cũng chính là điều mà khiến nhiều năm sau đó, dù đã có được hạnh phúc mới, tôi vẫn còn day dứt không yên như một người mang tội): Có thể Sơn bị sốc sau cuộc đổ vỡ không hàn gắn được với tôi. Dù rằng, Sơn từng có lúc thèm muốn tự do để… đỡ bỏ phí cái kiếp đào hoa của mình. Nhưng bỏ vợ lại là chuyện khác. Như mọi đàn ông, Sơn không muốn.

Khi hay tin dữ, chị đã làm gì?

Lúc này, tôi chưa tái giá, và cũng chưa làm xong thủ tục ly hôn, nhưng cũng đã bắt đầu mối quan hệ mới. Tuy nhiên, tôi vẫn đi tìm Sơn để nói chuyện. Tôi nói hết mọi lẽ. Nhưng vẫn như những lần “giăng gió”, Sơn lại chối, và cáu: “Không mượn đến cô! Cô cứ về lo cái thân cô cho xong đi đã!”.

Thái độ của chồng làm tôi đâm ngờ hoặc, và hy vọng mong manh: Hay người ta nhầm, hay có kẻ ngứa mồm nỡ đồn ác về anh… Nhưng về sau, để ý những người bạn anh hay đi cùng hồi ấy (hầu hết là con nghiện), thì tôi đành cay đắng chấp nhận sự thật đau lòng ấy: rằng, bố của con tôi cũng là một con nghiện, rằng Sơn có thể mất tất cả, của cải, tiếng tăm, sự nghiệp… mà người từng đầu gối tay ấp với anh không có cách nào cứu anh được.

Vậy cuối cùng, ai cứu chồng chị?

Sơn nghiện được ít năm thì gia đình anh quyết định gửi anh vào trại. Được một năm thì trại người ta trả về theo quy định, vì “đất chật, người đông”. Buổi tối ngày 7.10, khi nghe con báo tin ngày kia Sơn ra trại, tôi bàng hoàng nghĩ: Chết thôi, mới được một năm, kiểu gì cũng tái nghiện! Thế là ngay sáng hôm sau, tôi tức tốc tìm lên trại, chờ gặp bằng được ông trưởng trại để xin cho anh được ở lại thêm năm nữa.

Để được “ưu tiên”, người ta yêu cầu tôi phải xin được một cái quyết định ban từ trên xuống. Tôi chỉ có một ngày để chạy khắp nơi lo thủ tục giấy tờ, trước khi lo chuyện tiền nong. Một ngày khốn khổ chạy đua với thời gian và bao rắc rối bởi thủ tục hành chính, nhất là khi đối tượng lại còn là một con nghiện.

Để tránh bị Sơn hiểu nhầm (và xét cho cùng, lúc đó, tôi cũng đâu có quyền để can thiệp vào đời tư của Sơn), cũng là để giấu chồng mới, tôi đã phải đứng tên con tôi cùng một người thân của anh. Nhưng cũng chính vì vậy mà khi biết anh Sơn chính là diễn viên Hồng Sơn mà mình mến mộ, ông Phó Uèy ban phòng chống tệ nạn xã hội lúc đó đã vô tình cứa dao vào tôi: “Khổ thân cậu này, nghe bảo hiền lắm mà không may vớ phải cô vợ đẹp, tới lúc sa cơ nó bỏ đi lấy chồng khác, lúc cần có mặt thì chả thấy đâu…”.

Không chỉ mình tôi, con tôi cũng bị chính bố cháu hiểu nhầm. Tôi nghe kể lại, buổi sáng ngày 10.10, anh Sơn sung sướng lắm vì nghĩ sắp được tháo cũi sổ lồng. Đến khi biết được “hung tin”, anh điên cuồng nổi đoá. Suốt một thời gian dài Sơn nhất định không chịu gặp mặt con, đến lúc gặp thì mắng sa sả vào mặt cháu: “Mày là đồ con bất hiếu, chỉ muốn nhốt bố trong tù”, làm cháu khóc tức tưởi mà vẫn không dám hé răng kêu oan vì đã hứa với mẹ…

Chị có chắc là mình làm thế chỉ vì lòng tốt? Mà không phải vì nỗi lo: Nếu Sơn ra trại, anh ấy có thể tìm đến quấy quả lên duyên mới của chị?

Nghĩ thế là oan cho tôi lẫn anh Sơn, vì lúc ở ngoài, Sơn có bao giờ đến “quấy” tôi theo kiểu “chơi xấu” ấy. Chỉ là thỉnh thoảng ghé cửa hàng hỏi vay tiền, vì đói thuốc. Hầu như lần nào tôi cũng cho. Thậm chí, còn cho cả tiền chuộc xe. Về sau mới ít dần.

Lần cuối cùng, tôi vừa đưa tiền vừa khóc, bảo: “Anh đã không nuôi được con, khiến tôi phải bươn chải làm ăn để thay anh lo cho con, nên giờ tôi không cần anh giúp gì hết, chỉ mong anh lo được cho bản thân anh tức là đã giúp đỡ mẹ con tôi rồi! Nếu anh còn đến đây, và tiếp tục làm tôi khó xử, tôi sẽ không tiếp anh nữa…”. Sau lần đó, không bao giờ tôi thấy anh quay lại nữa.

Nhưng chị thì quay lại, lúc Sơn trên giường bệnh và cũng là lúc chị có lại tự do. Chữ “quay lại” này có thể hiểu xa hơn không?

Tôi nghe mọi người kể, Sơn bảo: Vào cái phút giây nhìn thấy tôi có mặt bên giường bệnh của anh, Sơn tự dưng thấy nhẹ cả người và mọi đau đớn như tan biến. Ai vào thăm, anh cũng giới thiệu tôi là “bà xã, vợ em…”, tới lúc ngó sang tôi, nghĩ thế nào, anh lại thêm: “… nhưng giờ thì ghét em rồi!”.

Tôi cũng nghe con mách lại, là bố nó bảo: Thì cái chính là tuỳ thuộc vào mẹ con, chứ bố thì đương nhiên là đồng ý cả hai tay rồi… Nhưng tôi thì tôi vẫn nghi ngại: Dễ gì quay lại, khi một trong hai người chỉ còn tình thương?

Liệu tình thương có đủ để hâm nóng lại tất cả, hàn gắn lại tất cả? Tôi không biết và càng không dám nói trước. Chỉ biết là lúc này, tôi có thể giúp được anh Sơn cái gì thì tôi sẽ cố gắng hết lòng, hết sức có thể.


“Tôi từng bị xem như một cái “máy đẻ”

Chị nói: Lúc trẻ, chị không dễ gì có được “đức hy sinh và sức chịu đựng dẻo dai như sau này”. Vậy vì sao chị đã không dùng đến sợi dây đó, cho cuộc hôn nhân thứ hai?

Sợi dây nào dẻo mấy rồi cũng có lúc phải đứt, khi sức chịu đựng ở người phụ nữ là có hạn. Vào thời điểm tôi được đốc thúc tiến hành thủ tục ly hôn và làm đám cưới, với lý do: “Em cũng đã có tuổi rồi, cần sinh con cho anh”, tiệm áo cưới Thu Hương có ngày phải lo tới 41 đám cưới, đêm về mệt đứt hơi chỉ còn đủ sức ném tiền vào tủ, chưa buồn đếm. Và tôi đang trong độ tuổi sinh đẻ. Nhưng chồng tôi lại chủ động phòng tránh.

Gặng hỏi mãi thì anh ấy nói huỵch toẹt: “Em cũng đã có con riêng, anh cũng đã có con riêng, cần gì phải có con chung cho mệt?”. Rồi xảy ra chuyện cậu con trai của chồng không may đột tử. Năm đó tôi 42 tuổi, cái tuổi không còn an toàn cho việc sinh đẻ nữa và là một bác sỹ, hơn ai hết, chồng tôi biết rõ điều ấy. Nhưng không, trong nỗi lo phải có người nối dõi, anh ấy suốt ngày xoay vợ ra tiêm hết thuốc này đến thuốc khác để kích đẻ.

Tôi từng bị xem như một cái máy đẻ. Và rồi cuối cùng thì tôi cũng đậu thai. Nhưng chỉ tám tuần tuổi thai chết lưu. Bác sĩ khuyên tôi cần nghỉ dưỡng ít nhất mười tháng rồi hẵng tính chuyện có lại. Nhưng chồng tôi, ngay lúc đó, bảo: “Cần gì phải 10 tháng. Tháng sau thụ tinh luôn!”. Tôi có bầu lần hai, thì bị bắt nghỉ làm, và lại bị tiêm đủ loại thuốc vào người.

Áp lực phải sinh được con cho chồng đè nặng tôi. Và có lẽ đó là nguyên nhân chính khiến cả hai lần tôi bị sẩy thai đều sau tám tuần? Nhưng lần này, chồng tôi nhất quyết không cho tôi đi nạo, mà lại tiếp tục cho tiêm thuốc theo kiểu “còn nước còn tát”. Nước không còn, mà tình nghĩa cũng cạn dần vì tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc, phải chịu đựng cùng lúc quá nhiều nỗi đau…

Và chị lại đành quyết định chia tay?

Không, lần này thì tôi không đủ can đảm, vì nghĩ mình cũng đã có tuổi rồi, và hay ho gì chuyện suốt ngày cứ đi làm lại… Nên tôi cố chịu đựng. Nhưng vấn đề là chồng tôi không thể chấp nhận chuyện anh ấy không có con. Và thế là bắt đầu những cuộc tìm kiếm “đối tác” mới. Không ít lần tôi bắt được quả tang.

Tôi thậm chí đã cố nghĩ đến giải pháp: chấp nhận để chồng đi “gửi con” ở đâu đó, miễn không phải là chường mặt ra giữa Hà Nội này, rồi mang về nhà tôi nuôi và sẵn lòng coi nó như con đẻ. Còn hơn là phải chấp nhận cảnh chồng chung vợ chạ. Nhưng thực ra, đâu có giải pháp nào cho một cuộc hôn nhân đã cạn tình cạn nghĩa…

Không biết có phải là một “điềm báo”, khi mà trong “Bản tình ca màu xanh” – vở diễn đầu tiên tôi được đóng cặp đôi với anh Sơn và giúp chúng tôi “thành chuyện” cũng là nói về một người phụ nữ phải qua hai lần đò. Và trong đó, trớ trêu thay, anh Sơn lại vào vai người đàn ông có tính cách y như… người chồng thứ hai của tôi sau này. Khác chăng, là nhân vật tôi thủ vai gặp may mắn hơn tôi: chuyến đò thứ hai của cô ấy đã không gặp bão thêm lần nữa…

Những sóng gió trong hôn nhân đã bao giờ khiến công việc kinh doanh của chị bị chao đảo?

Cũng có năm áo cưới Thu Hương bị lỗ đấy chứ! Phần vì cạnh tranh ngày càng căng thẳng hơn. Phần vì có những giai đoạn, chủ nhân của nó buồn chán đến mức chỉ muốn nằm dài ở nhà, quên hết mọi chuyện.

Dù vẫn biết, cỗ máy nào vận hành lâu ngày cũng có thể vấp phải những chiếc ốc han gỉ, cần được tra dầu kịp thời. Huống hồ đây lại còn là cái nghề “làm dâu trăm họ”. Làm kinh doanh cũng như làm nghệ thuật, không đam mê không đi đường dài được!

Sắc sảo quá thì luôn khó mà hài lòng với những gì mình có – chị đã bao giờ tự trách mình vậy? Và như đàn ông vẫn thường nghi ngại: Phụ nữ vướng vào thương trường thì dễ “hư nết”, bỏ quên gia đình…

Sắc sảo? Tôi công nhận. Nhưng biết đâu cũng chính nhờ sắc sảo mà tôi luôn tự biết mình cần dừng lại ở đâu. Đàn bà thử hỏi mấy ai có đủ điềm tĩnh khi bắt quả tang chồng mình cặp bồ? Vậy mà tôi làm được, không chỉ một lần và cũng không chỉ ở cuộc đầu, dù trong người khi đó là điện giật.

Tôi có sắc sảo không, khi mà câu cửa miệng tôi luôn nói với người chồng thứ hai của mình là: “Em không dám nói với anh bằng sự hiểu biết, mà chỉ là bằng sự mong muốn. Vì trong mọi chuyện, em chỉ đáng làm học trò của anh, có chăng chỉ hơn được anh hai chuyện: diễn xuất và trang điểm”…

Sắc sảo bằng mấy, tôi cũng không “chừa” cái “bệnh” chiều chồng – gene di truyền hưởng từ mẹ. Tôi nhớ khi xưa, cái thời miếng ăn cao sang là thế, mẹ tôi rán con cá, lúc nào cũng chi chút để dành cho ba tôi cái đầu để nhấm rượu, và rượu thì phải là rượu thuốc…

Có tin là tay nghề làm bếp của tôi cũng không phải hạng xoàng không? Và vì sao nghệ sỹ Thu Hương phải bỏ nghề, nếu không phải là vì vun đắp cho cái tổ ấm mà đồng lương nghệ sỹ của hai vợ chồng không đủ trang trải…

Một quyết định hẳn khó khăn với chị. Vậy chị có bao giờ nhớ tiếc sàn diễn?

Vài năm trở lại đây, tôi đã băët đầu nghĩ đến chuyện tìm kiếm một cơ hội quay lại sàn diễn hoặc màn ảnh. Cũng lo lắm, nhưng lại nghĩ: Tay nghề có thể cùn mòn, nhưng bù lại, biết đâu, có thể nhờ vào vốn sống dày dặn…

“Tử vi xem số cho người” – Chị có lúc nào tự cười mình thế, mỗi khi chứng kiến những lứa đôi đang háo hức đứng ở chặng đầu hạnh phúc?

Đúng là tôi có cười thầm, nhưng không phải cười ai cả. Cái cười trung dung, thời thế thế thời, cái cười của người từng trải, vinh hạnh thì cũng đã vinh hạnh rồi, cay đắng thì cũng đã cay đắng vậy.

Đúng là quy luật cuộc đời, hạnh phúc không song hành cùng mình mãi, đau khổ cũng không bóp nghẹt được con người ta mãi… Tôi loay hoay giữa hai cuộc hôn nhân, chưa kịp hoàn hồn đã lại chuẩn bị làm… mẹ vợ, lại hồi hộp chứng kiến hành trình làm vợ, làm mẹ của con mình…

Và điều chị muốn nói với con gái trước ngày cháu lên xe hoa là gì? Có không, một “công thức hạnh phúc”, hay là… “biết chết liền”?

Ở mức tương đối thì tôi nghĩ có thể có, nhưng vấn đề là thời điểm nào thì mới cần trưng dụng đến nó, đấy cũng là cả một nghệ thuật. Nhưng có một công thức mà tôi đã từng “pha chế” quá liều: đó là “công thức chiều chồng”.

Chiều chồng quá chỉ tổ làm hư đàn ông, nhún nhường quá sẽ khiến đàn ông luôn cảm thấy họ lúc nào cũng là nhất, là trật tự ấy luôn luôn phải thế. Cả hai cuộc hôn nhân, tôi luôn là người đi xây bệ cho chồng, bệ bằng bê tông cốt thép hẳn hoi, tới khi mệt quá không buồn xây nữa thì cái bệ ấy đổ…

Thường thì khi “bệ thờ” bị đổ, thì những “mảng vữa” niềm tin cũng thi nhau rớt xuống! Chị có nghĩ mình cần một cái bay để trát lại?

Đúng là trong nhiều đổ vỡ, thì có lẽ không đổ vỡnào khiến người ta hoang mang nhất bằng sự đổ vỡ về lòng tin. Nhưng tôi nhớ, có một câu nói: “Tôi không thể sống nếu không tin vào con người” – Đấy, “cái bay” của tôi đấy!

Bài: Thư Quỳnh
Ảnh: Na sơn

Thực hiện: depweb

08/04/2009, 15:17