Quên – bị quên – bị quên lãng. Có thể, do tính cách, do hoàn cảnh, công việc của mỗi người. Nhưng cũng có thể, đó là trò chơi của định mệnh và số phận.
Bị quên
1. Nhà văn Kafka, trong tiểu thuyết “Hóa thân” đã viết về anh chàng Samsa một ngày kia bỗng nhiên bị biến thành một con bọ. Nếu trước kia, anh là một người lao động chính của gia đình, kiếm tiền lo cho bố mẹ và các em, thì nay anh lại biến thành một con bọ mà không chút thắc mắc vì sao mình bị biến thành bọ. Con bọ đó chỉ bị hóa thân nhưng suy nghĩ như người, vẫn tham gia vào việc của gia đình, thậm chí lao ra khen cô em gái chơi đàn hay làm cho cô em bẽ bàng với khách, liền bỏ đi.
Con bọ Samsa bị bố ném một cái vỏ vào thân chỉ vì không nhớ rằng mình đang là một con bọ. Và một ngày kia, Samsa chết điềm nhiên, trong căn phòng giờ bị biến thành nhà kho, trong sự quên lãng của gia đình, chết mà vẫn còn tràn đầy tình yêu thương trong tim. Sự quên lãng của Samsa cũng như những gì phi lý mà Kafka mang lại như những cái chết, những lời buộc tội chịu hình phạt, thậm chí chết bị con dao chọc ngoáy vào tim như một con chó mà chưa biết mình mắc tội gì…
Kafka lúc cuối đời, có di chúc lại cho một người bạn phải xóa đốt hết các tác phẩm của ông đi. Tại sao vậy? Tại sao lại đốt để tất cả thành tro bụi, để tiệt hết những gì ông đã viết? Đọc những dòng nhật ký, mới thấy ông là một người cô độc. Một người cả ngày nói không quá 20 từ với gia đình.
Một sự tuyệt vọng đến hoang vu trong ông. “Tôi là một người lầm lì, ít nói, trốn vào bản ngã, không thích giao thiệp với đời và bất mãn… Tôi sống trong gia đình, giữa những người thân yêu nhất, thế mà tôi vẫn cảm thấy còn xa lạ hơn là một kẻ xa lạ. Đối với mẹ tôi, trong những năm gần đây, tôi không nói trên hai mươi tiếng mỗi ngày; với cha tôi, tôi chỉ chào hỏi đôi lời thôi. Đối với mấy đứa em tôi, tôi không hề nói chuyện với chúng. Lý do rất giản dị: tôi chẳng có gì để nói”.
Thờ ơ cũng là một cấp độ tội ác
2. “Kẻ xa lạ” (A.Camus) – Meursault là một kẻ thờ ơ. Gã thờ ơ “Hôm nay mẹ tôi mất, hay hôm qua, tôi cũng không biết nữa”. Lạnh tanh như vậy, và nhìn những người đến đưa ma mẹ mình một cách lạnh lùng, thờ ơ và đôi chút chán chường. Không phải gã cố tình như vậy, mà là tính của gã đã như thế, đều đều như thế.
Chuyện yêu đương của gã cũng vậy, nó diễn ra bình thường, đương nhiên như nó đã là. Gã làm tình. Và bắn chết người trên bãi biển chỉ vì những cái nhìn và vì sức nóng của mặt trời. Lần đầu tiên một người bị tòa cáo buộc tử hình vì tội giết người và sự thờ ơ.
Không thể đối thoại
3. Gã là một kẻ cầm đồ giàu có. Gã lấy nàng vì khi nàng đến cầm những món đồ cuối cùng trong nhà. Sự khốn khó đã đem nàng đến với gã. Trở thành vợ một người giàu có, được coi là đặc ân mà gã đem tặng vợ, kèm theo những lời khinh miệt chì chiết, cho dù, gã rất yêu vợ.
Người vợ sau khi sống trong sự kỳ thị của chồng, một ngày bỗng phát hiện chồng mình là một kẻ hèn nhát, đào ngũ. Nàng cũng bắt đầu coi thường chồng. Mâu thuẫn giữa hai người tăng lên, đều bị dồn đuổi và cuối cùng, cả hai đều sống trong những nhục nhằn của quá khứ.
Họ không thể đối thoại để hiểu và yêu thương nhau, cảm thông, cùng quên đi để sống. Người vợ chọn giải pháp tự tử. Người chồng không bị kết tội gì, nhưng gã lại sống trong chìm đắm đau thương. Đó là một câu chuyện của Dotxtoiepxki.
Quên bằng dấn thân
4. Arthur Rimbaud – chàng thơ lãng tử của Pháp nổi đình nổi đám khi còn quá trẻ, chàng là tình nhân của Paul Verlaine – một cặp đồng tính đình đám của giới văn nghệ Paris. Sau này, Verlaine đã dùng súng bắn ông bị thương và phải vào tù hai năm. Quãng đời sau này, ông gần như lột xác, bỏ thơ, đi chu du thế giới bằng nhiều nghề.
Không phải như ta nghĩ, đã là người đi chu du, hẳn là phải lắm tiền nhiều của. Ngược lại, họ thường chấp nhận làm nhiều ngành nghề, tham gia các công việc cộng đồng, miễn là có cơ hội để đi. Cho dù là gian khổ, ốm đau, đi bộ, tham gia đi lính trong quân đội để đi bằng tàu chiến, khắp châu Âu, châu Á, và châu Phi.
Lăn lộn đủ các nghề như buôn súng, cafe, da thú… 37 tuổi, đã qua đời. Một quãng đời ngắn ngủi nhưng hoạt động và tác phẩm đủ để sống cả ngàn đời. Một cách quên mà không dễ lãng quên.
Lặng lẽ
5. Dương Bích Liên là một trong bốn họa sĩ nổi tiếng “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái”. Sinh thời, ông từ chối và chưa từng có cuộc triển lãm cá nhân nào. Ông vẽ ít, chậm, hầu như chỉ vẽ những gì ưa thích. Sống độc thân khép kín và ít khi lộ diện nơi đông người, ít nói, hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nghĩ tới Dương Bích Liên, là nghĩ tới “Cuộc dạo chơi của một người cô độc” của J.J. Rousseau – người khước từ thế giới để khép mình vào hòn đảo của tâm hồn.
Trước khi mất, Dương Bích Liên từ chối không ăn gì, chỉ uống rượu, và mất trên căn gác cũng là xưởng vẽ của mình, trên chiếc giường trắng muốt – nơi luôn sạch sẽ nhất của ông. Nhà thơ Ý Nhi đã viết về ông: “Họ đã nói bao điều họ không hề nghĩ /Ta đã nghĩ bao điều mà không nói/Kiêu ngạo chăng/Bất nhẫn chăng/Nhưng mà ta biết nói cùng ai/(…)/Có lẽ đây là giọt cuối cùng chăng/Rượu mới ngọt làm sao/Đắng làm sao/ Chua chát làm sao/Đời ta cũng đã cạn rồi/Có lẽ đây là giọt cuối cùng chăng”.
Chọn quên để sống
6. Hẳn nhiều bạn còn nhớ câu chuyện một họa sỹ ngày thường thì tác phẩm ế ẩm, không kiếm đủ tiền để nuôi thân. Trong khi từ bao đời trước, các họa sỹ tên tuổi cũng chỉ nổi đình đám, tác phẩm bán với giá ngút trời chỉ sau khi họ mất. Có lẽ, lúc đó nhân loại mới đủ tầm, tiền, tri thức để cảm nhận được tranh của các danh họa như Van Gogh.
Thế là chàng họa sỹ nghèo kia quyết định giả chết để tranh bán được. Giả chết, nghĩa là sẽ bị xóa sổ khỏi mặt đất, khỏi sự tồn tại để tất cả lắng xuống, về miền lãng quên. Nhưng, bao nhiêu bi kịch từ sau cái chết giả.
Tranh bán được nhiều tiền, nhưng sự nổi tiếng, lại là cái thanh danh, cái tên của ông, còn con người thực của ông lại bị thay đổi như tình cảm và buộc phải sống trong bóng tối. Vậy là từ bỏ cái này để vấp phải cái khác, chọn một cái tưởng như để tốt hơn, nhưng lại là bi kịch.
Trái ngược lại, có một nghệ sỹ mà các tác phẩm của ông luôn được thể hiện một cách tự do nhất theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là Banksy, nghệ sỹ đường phố, chuyên vẽ Graffiti trên các bức tường của London. Chẳng ai biết Banksy mặt mũi ra sao, chỉ tiếp xúc với người lạ qua điện thoại hoặc email. Banksy đã nói: “Làm nghệ thuật chỉ vì muốn nổi tiếng thì sẽ mãi mãi không thể nổi tiếng được”.
Quả vậy, dù hoạt động lén lút như thế nhưng chỉ sau 10 năm Banksy đã đạt được danh tiếng mà tất cả mọi họa sĩ đều muốn có. Vào trang web của Banksy, là hình ảnh hai kẻ bịt mặt, ăn mặc rất hit hop đang vẽ Graffiti lên thảm một chiếc tàu hỏa.
Mọi người cũng không biết tên thật của ông là gì, và chính xác về cuộc đời ông. Tất cả đều có người đại diện của ông giao dịch. Lúc đầu Banksy vẽ lén lút vào ban đêm lên các bức tường. Luật lệ cấm, nhưng trước những tác phẩm có giá trị, sâu sắc, hài hước châm biếm đầy chất nghệ thuật, nên chúng đã được giữ lại và được bảo vệ.
Đây cũng là một trường hợp ẩn mình, muốn lánh mình, để tạo thành thương hiệu và theo tính cách riêng của mình, làm được những điều mình muốn. Banksy trở thành một nghệ sỹ đường phố đương đại vĩ đại nhất, tác phẩm của Banksy hiện hữu trên các bức tường London nhưng chính Banksy lại là kẻ vô hình.
Giếng quên
7. Murakami – nhà văn Nhật Bản nổi tiếng với tác phẩm “Rừng Nauy” tự nhận mình bị ám ảnh bởi những cái giếng. Ông cũng thường cho những nhân vật của mình chui xuống… giếng. Những chiếc giếng cạn, nhưng rất sâu và tăm tối. Mỗi khi một cô gái, một chàng trai, muốn tìm chút quên lãng của sự sống, để suy ngẫm về bản thân, về thân phận, và những gì đang diễn ra, họ lại tìm đến những cái giếng.
Ở đó, là một thế giới khác. Thử hình dung xem, bạn đang đối mặt với những cái giếng cuộc đời. Nhưng thôi, nhiều nơi để dành cho bạn suy ngẫm, chớ có liều lĩnh mà thực hành theo các nhân vật của Murakami. Tuy biết rằng, một cái giếng không chỉ đơn thuần là một cái hố sâu có nước.
Minh họa: Tranh Graffiti của Banksy