Tôi thường tìm quên bằng cách đi du lịch
Quên là gì? Tôi không biết! Có lẽ là khi trái tim không còn nhớ, trí óc không tìm lại được nữa chăng? Khó quá!
Tôi thích sưu tập trải nghiệm và cảm xúc, dù vui dù buồn cũng cảm thấy nó rất có ý nghĩa với mình. Tôi cảm thấy cuộc sống rất nhiều màu sắc, càng có nhiều kỉ niệm thì ta càng giàu có nên tôi thường cố nhớ hơn là cố quên. Có lẽ cũng bởi tôi là người đãng trí nữa.
Có những kỉ niệm tuổi thơ, với bạn bè, người thân vì lâu quá rồi nên nhiều khi tôi không còn nhớ rõ nữa. Khi nhận ra mình đã quên chúng, tôi lại chợt thấy rất tiếc… Giống như lão hà tiện ki cóp từng xu một, đem chôn thật kỹ vậy mà lúc đào lên lại thấy của cải của mình đã biến mất tiêu.
Cũng có lúc nhủ lòng bảo mình quên đi tình cảm dành cho một ai đó, hay cố biến nó thành thứ tình cảm khác đi… những lúc đó tôi thường tìm quên bằng cách đi du lịch với bạn.
Tạm quên để không bị nuốt chửng
Cuộc sống hiện đại như một cỗ máy công nghiệp quay đều, quay đều, quên sẽ bị nuốt chửng trong đó! Trong cuộc sống, cũng như mọi người, đã nhiều lần, trong một số hoàn cảnh, tôi đã từng phải nhủ lòng như thế, là phải quên, phải gác lại một vài điều, tạm quên để không bị nuốt chửng bởi cỗ máy kia.
Xã hội hiện đại cần một con người hiện đại và tư duy hiện đại nên quên sẽ còn rất tệ nữa, và mọi tình cảm nhất thời sẽ được lấp phủ rất nhanh bằng lớp lớp tình cảm khác… Tôi thích lời bài hát trong ca khúc “Em và Tôi” của nhạc sỹ Thanh Tùng: Cách xa đâu là lãng quên – để nhớ thương nhuộm hồng trái tim…
Bây giờ quên cũng nhanh
Hồi còn là sinh viên, tôi yêu một nàng, chết mê chết mệt. Hai đứa yêu nhau đắm đuối lắm. Nàng ngày đó ở xa, ngày mới quen nhau (qua mạng), nàng bảo, anh phải viết đủ mười lá thư em mới trả lời. Thằng bé tôi cặm cụi viết mười lá thư trong một ngày, rồi yêu nhau. Tình yêu thật lãng mạn. Nàng có gọi điện, gặp bố mẹ tôi, chào hỏi và nhận làm con.
Bà cô của nàng thường hay ra Hà Nội, vào ngày 14-2 đầu tiên, bà mang theo món quà nàng gửi kèm theo những tấm ảnh của nàng. Cô cháu quý mến như nguời trong nhà mặc dầu lúc đầu có phản đối. Thế rồi, một ngày, tôi cất bước vào Sài Gòn, đi tìm tình yêu của mình. Khi chưa gặp nhau, thì tình cảm hai đứa đã rất nồng cháy rồi.
Nàng ra đón tôi ở bến xe cùng với một người bạn. Giây phút ấy, nàng ôm chầm lấy tôi. Nàng tặng tôi một chiếc lọ thủy tinh đựng những ngôi sao do nàng gấp khi đếm từng ngày tôi vào. Tôi ở Sài Gòn với nàng được ba ngày thì phải trở về Hà Nội. Sau đợt đó, nàng bị mẹ và anh trai cấm, bạn bè cũng nói nhiều vì xa xôi quá, không biết ai theo ai.
Nàng không chịu được áp lực nên ngậm ngùi. Chẳng nói lời chia tay, cứ im lặng thôi. Tôi gọi điện cũng không trả lời, không cách nào liên lạc được. Rồi cũng phải mất hơn một năm, tôi mới nhận ra rằng mọi chuyện thế là xong. Vào một đêm, tôi vẫn cố gọi điện, nàng vẫn không trả lời nhưng có nhắn tin kể vì sao nàng lại làm thế. Nàng bị gia đình mắng, gây sức ép, và nàng thương mẹ, nàng bảo em không muốn nói với anh lời chia tay, vì không nói được điều ấy. Nên em chọn cách im lặng, mong rằng anh sẽ quên và tìm người khác.
Lúc đó muốn khóc quá mà không khóc được. Rồi thời gian sau, nàng lấy chồng. Nàng lấy người mà tôi khi vào Sài Gòn cũng từng gặp. Lúc nào tôi cũng tâm niệm, thôi chuyện đã qua, coi như nó là một vết son trong tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt tình, lãng mạn của mình. Bà cô của nàng, đến giờ thi thoảng vẫn liên lạc với tôi, mỗi khi bà ra Hà Nội. Còn nàng, đã có con gái, tên đứa nhỏ đó là tên nàng ghép với tên tôi.
Sau này, thích cô gái nào được ba bữa nửa tháng, chia tay vì không hợp. Lúc đầu buồn đôi chút, nhưng tập trung làm cái khác, quên cũng nhanh. Tôi cũng vừa chia tay bạn gái, cứu vãn mãi không được, cũng mất ăn mất ngủ, nhưng rồi không gặp nhau một tuần, tôi thì bận việc, rồi nhiều thú vui khác, bây giờ tự nhiên không có cảm giác gì nữa. Giờ, đối mặt với cô ấy, thì còn chút dư âm vẫn gợi lại kỷ niệm buồn, nhưng mà phải chấp nhận vì đã không hợp nhau thì cố cũng chả được gì.
Tôi có dám bới tung thế giới này vì kí ức về một ai đó?
Khi đã kịch cái tuổi người ta cho là "già", tôi thấy họ thường lật lại những dấu tích của kí ức, bởi sự lưu luyến một hình ảnh quá xưa hay bởi nỗi sợ quên lãng? Đôi lúc tôi tự hỏi, để không quên những điều cần nhớ, liệu mình sẽ giữ lại gì trong cái rương kỉ vật riêng?
Nhiều năm trước đây, khi công nghệ lưu trữ số chưa bùng nổ, ảnh chụp phim phải tráng rửa chứ không sao chép vào ổ cứng, lời nói tâm sự chuyển tải qua thư tay chứ không đánh máy vào email, kỉ niệm chuyến đi xa là tờ bưu thiếp chứ không phải tấm hình đính kèm trong email hay blog, tôi là người cặm cụi cất giữ, sắp xếp những vui buồn ấy vào kho tủ nhỏ.
Tôi tách biệt chi li từng tấm thiệp sinh nhật, thiệp Noel, vài dòng nhắn gửi vội vàng trong mẩu giấy, cuốn lưu bút, chồng bưu thiếp. Những lặt vặt mang tính vật thể ấy níu giữ cảm xúc của tôi, không cho tôi quên bạn bè, gia đình, người quen. Đáng tiếc là quãng thời gian đó xảy ra lúc tôi còn quá nhỏ, chưa đủ "men nồng" để tích trữ độ chín của cảm xúc.
Và rồi thói quen số áp đảo mọi chu trình lưu trữ chậm chạp kia. Nó ồ ạt đổ sập vào. Nó ban cho tôi sự thoải mái đến mức phung phí số lần chụp ảnh. Tay cứ thế mà bấm không chút đắn đo; hỏng thì chụp lại, cả vạn lần chả sao. Ngón tay cũng không ngơi nghỉ bấm điện thoại nhắn tin, gõ bàn phím máy tính những lời lẽ yêu thương.
Tôi làm điều đó nhanh và thuần thục, có thể dàn hàng loạt mẫu tư thế chụp ảnh hay mẫu câu nhắn gửi sắp sẵn. Bởi nếu chán chường, tức tối, bực dọc, tôi có thể bấm nút "delete" xóa sạch mọi thứ hiện hữu trong hòm thư/ ổ cứng mà tôi muốn quên.
Dần dà, xuất hiện một thói quen mới: thỉnh thoảng tôi lại rà soát mọi công cụ lưu trữ cá nhân, xóa bớt dăm ba thứ. Tôi đặt cho mình một giới hạn số lượng, mà mình không bao giờ vượt quá. Chẳng hạn friendlist không quá 100, tôi tự cho phép mình cái quyền phán xét/lựa chọn bạn bè qua vài dòng nhật kí ảo; hay kể cả số lượng entry trong blog, không lố số 200; hay là xóa đi email của một số người đã từng thân thiết.
Điều đó giống như sự tự kiểm duyệt kí ức bản thân theo cảm xúc tạm thời. Kí ức cuối cùng trở thành một mảng nhờ nhờ với sự thêm thắt tưởng tượng không cơ sở.
Nếu tôi nhìn lại vài năm gần đây, lắm thứ bề mặt nổi lên mồn một như Bản lý lịch chính xác tháng năm; còn sa số vệt cảm xúc lại ngày một trôi dạt, vì làm gì còn lưu giữ hay nói cách khác, tôi đã tự cho phép bản thân mình quên đi?! Họa may, thỉnh thoảng sượt qua tôi mùi nước hoa cũ thân thuộc, hay bàn chân chạm vào bậc cầu thang mòn bước ngày nào.
Nhưng bài ôn tập kí ức đó không xảy ra thường xuyên, lằn nếp nhăn trí nhớ não bộ đã từ từ giãn ra phẳng phiu. Chợt, tôi nhớ tới cuốn "Ở lưng chừng thời gian" (David Bergen), tới con gái người một chiến binh Mĩ lục tìm manh mối ông bố trong mớ kí ức lộn xộn của người dân bản xứ. Lúc nào đó, tôi có dám bới tung thế giới này vì kí ức về một ai đó?
Quên để mà nhớ, nhớ để mà quên
Khi ai đó hỏi tôi về chữ quên, tôi sẽ liên tưởng tới nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chữ quên nghe đơn giản nhưng thực ra lại không hề đơn giản với tôi. Nói đến chữ quên có thể liên tưởng tới nhiều thứ…
Theo chiều hướng tích cực, đó có thể là sự quên mình để giúp đỡ một ai khác, hay quên đi những hoàn cảnh, khó khăn đang đối mặt để vượt lên chính bản thân mình. Nhưng cũng có chiều hướng ngược lại, đó là việc mình quên mất những công việc mình cần phải làm, quên cách thức làm việc… Đôi khi có thể là vô tình hay cố tình mà quên đi những tình cảm người khác trân trọng cho mình, điều đó thật tệ…
Trong cuộc sống, nhiều khi tôi cũng phải đánh vật với chữ quên… Đó là sự cố gắng quên đi những điều rủi ro đã đến với mình hay đơn giản chỉ là đi chụp ảnh mà lại quên sạc pin (tôi vốn mê nhiếp ảnh)… Hay như sự cố gắng quên đi trong tình cảm, đặc biệt trong tình yêu.
Tình yêu không đến đích, có người muốn nhớ như một kỷ niệm, còn tôi lại muốn quên, dù không thể quên… Tôi thường đi chụp ảnh với bạn bè vào những ngày cuối tuần, nó giúp chúng tôi quên đi những áp lực trong công việc cũng như cuộc sống, có một niềm đam mê cũng là cách để mình quên đi những điều muốn quên…
Đức Phật dạy rằng chỉ cần một chữ “Quên”
Ngày còn thơ, đến trường đứng trước thầy cô, sợ nhất chữ “quên”, khi trưởng thành, đi làm, đứng trước mặt sếp, sợ nhất nhắc từ “quên”. Lớn lên, thấy mình ở giữa bộn bề cái nhớ: nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ơn dạy dỗ của thầy cô (và xã hội), thanh niên thì nhớ người yêu, công chức thì nhớ công việc, nhớ nhiệm vụ, nhớ mã số thuế, pass word tài khoản cá nhân ở ngân hàng… làm sếp thì nhớ lịch công tác…
“Tam thập nhi lập” mới “nhớ” ra rằng thời gian của mỗi người hiện diện trên đời, tuy dài mà cũng rất ngắn. Nếu không biết tận dụng chữ “quên” thì sẽ sớm… phát điên bởi “Nhớ” quá nhiều. Thế nên, trong cuộc sống, rất cần phải nhớ để quên và quên để nhớ.
Học cách nhớ để cập nhật tri thức mới mỗi ngày, ghi dấu những gì cần ghi. Rồi lại phải học quên, để tạo cho mình những khoảng rỗng cần thiết, tự thanh lọc mình, tạo đủ chỗ nạp thêm những cái nhớ mới. Bộ não con người khác bộ vi xử lý của máy tính chính là ở chỗ computer chỉ biết nhớ mà không biết quên, cho nên nó nhanh đầy, “tuổi thọ” không cao. Cũng chính vì thế, máy tính và tất cả các thứ khác trong cuộc sống là do con người tạo ra chứ không có quy trình ngược lại.
Đức Phật dạy rằng chỉ cần một chữ “quên” – Quên mình, quên người, quên tình, quên cảnh, quên phải, quên quấy, quên có, quên không – Từ xưa đến nay chỉ một chữ quên này mà rất khó thực hành. Thật là đúng vậy.