Theo dõi bảng thống kê những nguyên nhân tử vong của loài người, bệnh tim mạch đứng đầu, bỏ cách bệnh ung thư và vượt rất xa AIDS. Nước càng văn minh, nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch càng cao, ví dụ ở Mỹ lên tới trên 50%.
Thủ phạm gây bệnh tim mạch chủ yếu là cholesterol. Đáng buồn hơn, nó đến thăm nam giới khá sớm, từ lúc mới 35 (trong khi ở nữ giới là 45). Vậy thì nó cũng đáng để người ta sợ chứ!
Cái từ cholesterol lâu nay trở thành nỗi ám ảnh không nguôi. Vừa ngỏ ý muốn ăn bánh mì ốp-la buổi sáng với cốc sữa, bà xã xuỵt: “Cấm đấy, cholesterol!”. Gắp miếng thịt quay giòn tan của chú lợn sữa trong cỗ cưới, anh bạn ghé tai bảo: “Đừng, cholesterol đấy!”… Đến nhà quen, thấy họ vui vẻ “lòng, gan, dồi, tràng”, bạn thèm quá, định nhón một miếng thì bà xã giằng lấy đũa, tru chéo: “Giời ơi, không biết lục phủ ngũ tạng có lượng cholesterol cao nhất sao?”
Trăm món khoái khẩu đều vướng cholesterol. Cái “thằng” cholesterol là “thằng” nào mà như con ngáo ộp thường xuyên phá đám, đụng đến món gì cũng phải nghĩ đến nó…?
Cholesterol là gì?
Chẳng qua cholesterol chỉ là một chất dạng sáp mà cơ thể dùng để bảo vệ hệ thần kinh, làm nên những tế bào và sản sinh ra những hóc-môn. Toàn bộ cholesterol mà cơ thể cần đều do gan cung cấp. Dư thừa thì gì mà chẳng có hại. Do vậy cholesterol được “nhập khẩu” qua đường miệng, có tác động xấu đến sức khỏe của bạn và tác động xấu ấy chẳng may lại nhiều và nghiêm trọng.
Vì sao mức cholesterol cao là không tốt?
Cholesterol vào cơ thể một phần bị tiêu hóa trong quá trình đốt cháy để sinh năng lượng, một phần đi vào máu. Nếu nó tích tụ quá nhiều trong máu, bạn sẽ gặp nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ mà nặng dẫn đến bán thân bất toại thậm chí tử vong thì điều đó quả thật chẳng hay ho gì.
Lượng cholesterol dư thừa trong máu bị lơ lửng rồi bám chặt vào thành động mạch, tức mạng xa lộ để dẫn máu từ tim đi toàn cơ thể. Chúng cứ lớp nọ đè lên lớp kia, dày dần lên khiến cho các động mạch hẹp lại và bị cứng lên, mất đi tính đàn hồi làm xuất hiện một thứ bệnh gọi là sơ cứng động mạch (artherosclerosis). Những cặn bám cholesterol có thể làm tắc nghẽn động mạch, cản trở máu lưu thông. Vậy là có chuyện lớn rồi!
Nếu như một động mạch cung cấp máu cho các cơ trong tim bạn bị tắc nghẽn thì một cơn nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra. Nếu động mạch cung cấp cho não bị tắc nghẽn thì một cơn đột quỵ sẽ xảy ra.
Khi bạn đã trên 35 tuổi (nếu là phụ nữ thì chậm hơn, khoảng 45), hàng năm bạn phải đi kiểm tra cholesterol ít nhất mỗi năm 1-2 lần.
Những nguy cơ tim mạch có thể xảy ra nếu
• Bạn đã từng bị nhồi máu cơ tim.
• Bạn là một người đàn ông đã 45 tuổi trở lên.
• Bạn có một thành viên trực tiếp nào đó trong gia đình (bố mẹ hoặc anh chị em ruột) bị mắc bệnh tim mạch.
• Bạn nghiện thuốc lá.
• Bạn bị cao huyết áp hoặc bị tiểu đường.
• Bạn bị thừa cân hoặc béo phì.
• Bạn là người trì trệ, ít hoạt động.
• Bạn hay uống rượu.
“Thằng” cholesterol nguy hiểm đến thế sao? Người có người tốt kẻ xấu, chẳng lẽ cholesterol toàn những “thằng” xấu? Bạn sẽ thắc mắc thế, đúng không?
Kể ra thì chả ai lại áp dụng quy luật xã hội vào thiên nhiên. Nhưng lần này bạn đúng. Bản chất hóa học của cholesterol là lipoprotein. Chất này có hai loại: Lipoprotein tỷ trọng thấp (viết tắt là LDL) đưa cholesterol vào cơ thể – thằng này hại mình đây! – và Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) lấy đi cholesterol ra khỏi dòng máu, ngăn chặn sự hình thành chất kết bám – thằng này chơi được!
Vì thế, nếu có quá nhiều cholesterol LDL là điều xấu đối với cơ thể thì ngược lại nhiều HDL lại là điều tốt lành. Có một cân bằng giữa các loại, cho bạn biết ý nghĩa của cholesterol như thế nào…
Ví dụ, sở hữu mức cholesterol toàn phần của bạn cao vì mức LDL cao thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ của bạn là cao. Nhưng nếu mức cholesterol tổng của bạn cao do mức HDL cao thì nguy cơ mắc hai chứng bệnh ấy ở bạn chưa chắc đã cao.
Nếu bạn có mức cholesterol cao, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, cá… tránh ăn những loại bơ, mỡ đặc, tạm biệt những món rán, chiên… càng sớm càng tốt. |
Mức cholesterol toàn phần
• Dưới 200 là tốt nhất (mức mong muốn).
• 200 đến 239 là ở ranh giới cao (mức tới hạn).
• 240 hoặc hơn nữa là có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Phải hết sức đề phòng những biến chứng đột ngột của bệnh tim mạch do cholesterol gây ra (mức nguy hiểm).
Nói chung là thế, nhưng vẫn có thể xem thêm cho… chắc ăn.
Mức cholesterol LDL
• Dưới 100 là lý tưởng đối với những ai bị coi là có nguy cơ mắc bệnh tim cao.
• 100 đến 129 là gần như tối ưu.
• 130 đến 159 là ranh giới của cao.
• 160 hoặc hơn nữa là có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Mức cholesterol HDL
• Dưới 40 bạn có nguy cơ mắc bệnh tim cao.
• Trên con số này: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm xuống.
Làm thế nào để cải thiện mức cholesterol?
Nếu bạn có mức cholesterol cao, nhất thiết phải thay đổi lối sống. Nếu nghiện thuốc, hãy tìm cách cai ngay. Tập thể dục thường xuyên. Bị thừa cân thì hãy tìm cách giảm. Hãy giữ gìn trong việc ăn uống, đừng để những ham muốn chỉ huy mình. Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc và cá… đó là những thứ làm lợi cho tim.
Tránh ăn những loại bơ, mỡ đặc mà thay bằng dầu, vì những thứ này làm tăng cholesterol ghê gớm. Tạm biệt những món rán, chiên. Hãy tính toán sao cho chỉ “nhập” vào cơ thể tổng lượng cholesterol là dưới 300 miligam (và nếu bạn đã mắc bệnh tim thì chỉ 200 miligam) mỗi ngày.
Uống thuốc gì để hạ mức cholesterol?
Phụ thuộc vào nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở bạn. Nếu bạn đã thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm chỉnh, bạn đã tập thể dục đều đặn trong suốt sáu tháng liền hoặc lâu hơn nữa mà mức cholesterol của bạn vẫn không thuyên giảm thì hãy tìm đến bác sĩ họ sẽ cho bạn một số loại thuốc chống sự tăng cao của cholesterol. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra những phản ứng phụ không mong muốn như tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, buồn ngủ, đau cơ… nhưng không nghiêm trọng lắm.
Cuối cùng, dù đã dùng thuốc, bạn vẫn nên tiếp tục duy trì việc ăn kiêng và tập thể dục. Hai biện pháp này chỉ tăng hiệu quả của việc giảm cholesterol mà thôi.
Tuấn Hà