Cũng cần cay cú

Chúng ta sống trong một cuộc đời chẳng ra sao. Trong khi ta mơ ước vụt được một, dù chỉ một, đường bóng đầy uy lực trúng vào đường vạch biên khuất phục đối phương bên kia lưới, giống như Roger Federer, thì chính Roger Federer lại cứ liên tục chảy nước mắt uất hận vì không sao quay trở lại được vị trí tennisman số 1 thế giới đang bị Rafael Nadal nắm giữ.

Là cây vợt thứ nhì thế giới, nhưng Federer khổ sở hơn Novak Djokovic hay Andy Murray, và tất nhiên là khổ sở hơn các vận động viên hạng ruồi hay các thể loại tay mơ bu đầy các sân tennis trên khắp thế giới.

Đúng là không có chút công bằng nào cả. Người chơi dở thì tha hồ sung sướng, thậm chí là sung sướng với mấy giọt mồ hôi nhỏ ra được sau ngày làm việc bụng dính vào gờ bàn, người chơi giỏi thì phải tấm tức khóc, cảnh tượng đó nhiều người bảo là bi tráng nhưng tôi chỉ thấy thật là buồn.

Đã không công bằng, lại còn căng thẳng. Thể thao, mà người ta cứ gọi là “trò chơi”, nói là “chơi thể thao”, hóa ra chỉ mang lại khoái cảm sung sướng khi “căng thẳng đến nghẹt thở”. Kể từ khi ngài Nam tước Pierre de Courbetin sáng lập ra các kỳ Thế vận hội Olympic hiện đại thì tuy thể thao vẫn mang danh nghĩa là “trò chơi” nhưng phải là trò chơi sao cho “xa hơn, nhanh hơn, cao hơn”, mỗi phần nghìn mét cũng “làm nên lịch sử”.

Thể thao, tuy vẫn được xác định là để khỏe người, nhưng khỏe không phải là khỏe để tốt cho mình cho vợ hoặc chồng hoặc người yêu mình, mà là để về nhất. Khỏe, nhưng căng thẳng, thế thì cũng chẳng biết được là có khỏe thật hay không. Nếu không khỏe thật mà lại cứ muốn nhất thì thế nào cũng doping, mùa đua xe đạp Tour de France nào cũng thấy có phát hiện doping. Mà doping thì chắc chắn là không thể khỏe, không thể lành mạnh được.

Người ta cứ nói sinh ra trên đời ai cũng có một vị trí cho mình, và tất cả bình đẳng với nhau. Xin lỗi chứ, làm gì có bình đẳng, nếu không thì tại sao lại còn nảy sinh thứ nhất – và do đó là thứ hai, sinh ra Federer rồi tại sao nhất định cứ phải xuất hiện Nadal?

Thiếu công bằng như vậy, và căng thẳng như vậy, thành thử cũng dễ hiểu khi thế giới đổ xô đi tìm những cách sống mới. Người phương Tây đột nhiên phát hiện một từ kỳ diệu: slow (chậm), và thế là cả một trào lưu đi kèm: ăn chậm, uống chậm, đi chậm, sống chậm, tình ái chậm, thậm chí cả chạy chậm. Nguồn minh triết phương Đông lũ lượt đổ sang phương Tây và tìm thấy vô số tín đồ.

Trước đây cần phải chiến thắng, phải thành công, thì bây giờ biết sống là mỉm cười trước mọi sự, lúc nào cũng stay cool (kể cả khi trông khá là đờ đẫn). Phải “buông xả thanh thản”, và phải biết sống sao cho “đời không tâm điểm”.

James Dean may mà chết sớm, vì cứ cái kiểu tung hô sống gấp gáp, đốt cháy từng giây phút của cái hiện sinh nhọc nhằn, thế nào người hùng Hollywood chẳng bị các tờ tạp chí trendy nêu lên đầu bảng của sự quê mùa và quá đát. Cái trò “chickens run” lao xe về phía miệng vực, người thắng là người hãm phanh cuối cùng, nghe thì ghê gớm thế chứ cũng chỉ thu hút được các em gái miền núi, bây giờ ai thèm quan tâm.

New Age và hippy đã thế chỗ những chàng đẹp trai lúc nào cũng sẵn sàng đi ra đường tìm cách tự làm gãy cổ, giờ thì ở tuyệt đối đỉnh cao phong độ và đẳng cấp phải là người biết luôn miệng “om”, “cool” và “zen”.

Một nhà văn Pháp giờ đây đã bị lãng quên khá nhiều, Marcel Aymé (tác giả truyện ngắn “Người đi xuyên tường” một thời lừng danh), từng có một cảm nhận đi trước thời đại từ rất sớm.

Trong truyện ngắn “Người về bét” (Le Dernier) viết từ những năm 1930, Aymé miêu tả một tay cua-rơ xe đạp cả đời chỉ về bét, nhưng vẫn không bỏ cuộc, vẫn chăm chỉ và đều đặn tham gia những cuộc đua, với một trạng thái tâm lý rất thiền, thản nhiên và chấp nhận. Để lại vợ và con ở nhà, cứ khi nào có tiếng bánh xe lăn trên đường cái là anh lại ra đi – không “vui như ngày hội” nhưng hẳn là cũng phơi phới lắm, dù biết trước là mình sẽ chẳng được cái giải rút gì.

Có lẽ những con người như thế mới thực sự đông đảo ở trên cuộc đời này, cũng như trong thể thao. Danh hiệu và vinh quang thì ít ỏi, mà những người trên đường đuổi bắt chúng thì đông vô kể, mấy ai được thỏa mãn đâu.

Thế nhưng, nếu không cố gắng để trở thành người chiến thắng, nếu không có chút cay cú nào khi tham gia đua tranh, thì các cuộc đua Tour de France sẽ không khác gì chuyến đạp xe về quê picnic của một nhóm bạn, trận bóng bầu dục Mỹ giống như bữa barbecue trong sân nhà bà cụ tốt bụng.

Tôi, một người không biết chơi cả tennis lẫn đua xe, sẵn sàng cho Roger Federer những gì tôi có để anh ngừng khóc khi bị thua Nadal, nhưng nếu đến giải sau đó Federer “buông xả thanh thản” thì chắc chắn là tôi tắt vô tuyến ra sân tìm thầy khởi sự tập môn quần vợt.

Nhị Linh


From the same category