Những người về nhì

Ở những giải thưởng tủn mủn của văn chương gần đây, không hiểu sao người ta hầu như chỉ trao có một giải. Nhà tài trợ đoàn kết cùng ban giám khảo đồng thanh cho đây là một cách thức rất văn minh, hoàn toàn không phải vì đang ở thời tài chính khủng hoảng mà là sự tập trung tôn vinh một giá trị độc sáng.

Đã là nhất thì đương nhiên vô nhị. Kiệt tác được giải tuyệt đối không phải dành cho đám đông, do vậy sau khi nhận thưởng xong, những kiệt tác này đem ra rộng rãi bán thường rất ế. Người mua trung thành đa phần là tứ thân nội ngoại của tác giả, may mắn thì có thêm vợ và người tình. Đã là số một thì chỉ dành cho hữu hạn số một.

Điều này hao hao giống như việc hôn nhau ở cái thời tình yêu còn trong trắng cổ điển. Môi của nàng là duy nhất chàng sở hữu, vì thế nó luôn luôn đậm đà tím chung thủy hình trái tim, chứ không phải như bây giờ, do công việc quảng giao phải đi hôn nhiều người quá, nên dù đã vất vả phẫu thuật thẩm mỹ, kha khá nhiều làn môi của các thương gia thiếu nữ đều phảng phất bàng bạc trắng mang hình quả cật.

Tuy nhiên cũng vẫn là nghệ thuật, bên điện ảnh lại khác hẳn. Liên tiếp trong hai năm liền, các nhà chấm giải cao quý của hội phim nhựa ở ta chỉ khăng khăng trao cho các tác phẩm đứng hàng thứ hai, danh xưng nôm na gọi là Cánh diều bạc. Những người lĩnh giải ngoài mặt cố vẫn tươi nhưng trong bụng chắc hẳn không khoái lắm.

Bởi cánh diều có đông tây bay lượn kiểu gì thì sâu xa mình vẫn chỉ là "thằng" về nhì chân chậm. Trên báo “Thanh Niên” ra ngày 02/03/09, một ông beo béo có ria, trông vừa sang trọng lại vừa phúc hậu chua chát than thở "Là những người làm phim chúng tôi không bao giờ ganh tỵ.

Tiếc thay ban tổ chức đã không làm thế. Giải cánh diều vàng mà không trao giải vàng thì tôi thấy rất buồn cười". Một nhà thơ chuyên viết văn xuôi thấy thế cũng buồn cười quá nên a dua mượn ca dao chia sẻ "Trông xa cứ tưởng là vàng. Lại gần mới biết làng nhàng bạc thôi".

Theo từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh, thì để chỉ những người về nhì, tiếng Tầu thường rất hay dùng chữ "Á". "Á thánh" là những vị xếp ngay dưới bậc chân thánh, ông Nhan Hồi, ông Tử Tư, ông Tăng Sâm, ông Mạnh Tử đang được thờ (tứ phối) trong văn miếu là ví dụ. "Á khôi" là những người đỗ cao chỉ dưới thủ khoa của kỳ thi Hương.

"Á hậu" là những mỹ nữ cực kỳ xinh, suýt tý nữa thì thành hoa hậu với lý do bị trượt xem ra vô cùng vớ vẩn. Khi mặc áo tắm ở vòng thi ứng xử do hùng biện nồng nhiệt quá, mảnh trên đã ngây thơ suýt tụt. Và cũng đọc như thế nhưng viết khác, chữ "á" còn có nghĩa là tuyệt không nói (á khẩu).

Qua đây thì thấy, việc hoa hậu hay hớn hở trả lời phỏng vấn hoàn toàn không phải do thói quen lắm mồm hay sướng quá hoá ba hoa mà là do xuất xứ có truyền thống từ học thuật.

Những người về nhì, đặc biệt là phụ nữ, thường là những người ôn nhu đoan trang, phía trong chứa chất rất nhiều chung thủy. Khác với đám ồn ào thiết tha về nhất, họ cam chịu nhường nhịn. Khi thua chứng khoán họ không hét tướng lên mà âm thầm nuốt lệ. Họ sống hướng nội, xem phim Lê Hoàng, nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng và đọc thơ Đỗ Trung Quân.

Thỉnh thoảng họ cũng hay mua báo "Đẹp", rồi nhỡ có giở phải trang quảng cáo Louis Vuitton thì họ khe khẽ thở dài, mắt ươn ướt nhìn xa xăm mông lung. Đôi khi trời mưa họ cũng bâng khuâng làm thơ, và nhất quyết chỉ chọn thể lục bát, sau đó lẳng lặng mở e-mail tự gửi. Phía thẳm sâu họ không ham giải nhất nhưng cũng hơi hơi hy vọng ở giải khuyến khích.

Do lá số Tử Vi cung Phúc có Khoa, Khúc, Lưu Hà, Thanh Long, cung Mệnh có Nhật sáng, Xương được Lương ở Ngọ chiếu nên họ thường e lệ chỉ yêu một lần rồi lưỡng lự lấy chính người ấy. Nếu chồng hoặc người yêu có "Le Xợt" thì càng tốt, còn không "Ci víc" cũng tạm đuợc. Đến khi có con, họ hy sinh vị tha, nhẫn nại làm lụng nhặt nhạnh buôn bán, tiết kiệm một món cho con đi du học nước người.

Họ rưng rưng tỉnh táo biết rằng, mình là người mẹ đang ở hạng nhì nhưng đứa con của mình kiểu gì cũng phải lên hạng nhất. Hạnh phúc thay cho những đàn ông lấy được vợ quen nếp về nhì.

So với đàn bà, đàn ông về nhì số lượng có vẻ ít hơn nhưng chất lượng bất hạnh lại lớn hơn. Rất nhiều kinh tế gia đang thua lỗ trên sàn giao dịch vàng đã đau đớn cho rằng, bi kịch về nhì ở đàn ông có nguồn gốc từ việc lên tục phải cạnh tranh rồi mù mờ hoang tưởng. Hoặc kiếm tiền hoặc kiếm danh, cái khát khao thèm về nhất triền miên dằn vặt không biết bao nhiêu bậc trượng phu chính nhân quân tử.

Ngập ngụa trong giấc mộng vô địch, họ bất chấp đạo giời đạo người nhắm mắt lao đầu co cẳng chạy nước rút về đích. Giống như Nhạc Bất Quần trong "Tiếu ngạo giang hồ", họ sẵn sàng cắt cụt của quý để luyện công phấn đấu thành thiên hạ đệ nhất cao thủ.

Hoặc bội bạc người tình hoặc sát hại gia thần kiểu như gã đẹp trai mặt người dạ thú Mộ Dung Phục trong "Lục mạch thần kiếm". Đáng thương thay, vô số kẻ cho tới lúc đến đích, mới bàng hoàng nhận thấy mình trắng tay tuyệt đối.

Vậy thế nào là nhất thế nào là nhì, rốt ráo cũng chỉ là sự lẫn lộn hư vọng của lòng tham con người. Phương ngữ miền Bắc gọi đại ca là anh Cả còn miền Nam lại gọi anh Hai. Cụ Lãng Nhân kể trong tập "Chơi chữ" về cuộc thi thời thực dân phong kiến, có vế đối ra "Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả".

Cho đến nay, đã rất nhiều vế đối lại, câu chữ thì đúng nhưng sự nhân hậu thì thua xa.

Nguyễn Việt Hà


From the same category