Con người vốn là sinh vật nhiều tham vọng nhưng họ là những kẻ hay thua cuộc lắm. Tâm lý của một vị tướng bại trận hay anh khóa hỏng thi là gì? Giá mà ta tỉnh táo, giá mà ta không sai lầm…
Nhiều khi mấu chốt của thành bại chỉ là một nước cờ. “Đông phong bất dữ Chu lang tiện. Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều”. Nhưng ở bình diện nhỏ nhặt hàng ngày, chúng ta thường phải thỏa hiệp với “sự đã rồi” và trấn an mình bằng việc hướng đến tương lai.
Sự thỏa hiệp ấy xuất phát từ việc thân phận con sâu cái kiến của dân đi làm ăn lương chúng ta, lắm khi cho chúng ta làm lại, chắc gì đã thay đổi cục diện vấn đề.
Chẳng được những cái “giá mà” hoành tráng kiểu Napoléon không đưa quân tới nước Nga giá lạnh hay Hitler không trượt trường Mỹ thuật Viên – chúng ta nhẹ nhàng hơn với những cú giả định kiểu “giá đừng có giậu mồng tơi”. Dù cái việc bất thành chỉ là chưa “qua chơi thăm nàng” nhưng vì hậu quả lỡ dở của mối tình mà cái “giá đừng” kia mới trở nên đắt.
Vấn đề đặt ra là: Liệu cho chúng ta quay lại, thì chúng ta có tránh được vết xe đổ không? Cũng giống như ván bài, ăn nhau ở cái nước đi, nếu được dùng lệnh undo thì hẳn cuộc đời này sẽ là vô cùng nhàm chán với tất cả mọi sự đều được làm sai tóe loe mà tha hồ chỉnh sửa.
Với cách sống đầy rẫy khiếm khuyết của con người lúc đó chúng ta sẽ bớt sự chỉnh sửa đi, hay là giống như ngôi sao nhạc pop Michael Jackson, khuôn mặt đương thời không phải là khuôn mặt thật, bởi anh ta cứ mãi phẫu thuật sửa sang hàng bao nhiêu lần, mà kết quả của lần sau chỉ là chống đỡ cho hậu quả lần trước.
Chúng ta có chắc chắn mình sẽ “làm phát ăn ngay”, đúng ngay, hay chính xác hơn là chúng ta có yên chí với cái “đúng” đó, hay là chúng ta lại nghĩ, à hình như thử làm lại, biết đâu sẽ to hơn, hoành tráng hơn, đẹp đẽ hơn… Khéo lúc đó, chúng ta lại rơi vào sự hỗn loạn mới của việc tái sắp xếp, tái định vị những kết quả.
Căn bản là chúng ta cũng chẳng biết giá trị nào là tối hậu, như ở đời biết thế nào là đủ và sống sao là hạnh phúc. Chúng ta cứ theo đuổi những nấc thang cao hơn mà hiếm khi có thể phân tích rạch ròi các bước đã làm như chuỗi công thức lập trình “nếu… thì” trong ngôn ngữ tin học. Có lẽ là do cái sự duy tâm của chúng ta.
“Giá như” là một loại kháng thể sinh ra nhằm làm dịu những vết loét tinh thần sau những cú thất bại. |
Nguyên cái việc lăm le vặn ngược lại đồng hồ để làm lại cho tốt hơn cũng đã chứng tỏ điều ấy. Rồi chúng ta cứ phấp phỏng làm, thiết lập những hệ thống bảo hiểm để nhỡ có rủi ro thì nó cũng như là chơi trò chơi điện tử chẳng bao giờ bị game over.
Mong ước được làm lại là rất chính đáng, có gì tốt hơn là muốn sửa chữa sai lầm và hoàn thiện cho tốt hơn? Nhưng ta chịu không biết nếu làm lại, cái hướng khác kia có thật tốt hơn cái cũ. Tất nhiên, giá mà được nấu lại nồi cơm khê thì khả năng cơm ngon hơn khác với giá mà lấy một anh chồng hay chị vợ khác thì hạnh phúc hơn.
Vì thế, ước ao “cho đi lại từ đầu” rất phù phiếm, phần nào chỉ đủ sức lãng mạn hóa cái thời quá khứ luôn đẹp đẽ hơn thực tại. Dẫu vậy, nó cũng nuôi cái suy nghĩ đẹp cho ta, cũng đánh thức trong con người ta một cảm nhận rằng một thời mình cũng hay ho, cũng nên thơ và có tiếc nuối thì tiếc là mình không duy trì được phong độ hay ho như thế.
Cái gì mới mà chả hay! Rõ ràng là chỉ có những người không còn coi mình là trẻ nữa mới hay tiếc và nghĩ “giá như” nhiều. Vây bủa quanh cuộc sống của những người U30 là các loại “giá như”. Nhìn bọn trẻ hơn thập thò vào làm, ta ước giá như ngày xưa mình học ngành khác. Nhìn thân hình chắc lẳn của một em 20, ta ước giá như hồi năm 18 tuổi, mình năng tập thể thao hơn.
Cái khổ của tuổi 30 là ta mới ở giữa đường và còn nhiều việc sẽ phải làm. Cứ như các bậc U50 thì yên tâm với kinh nghiệm đang có mà vui vẻ chạy nốt đoạn đường đã chọn, cái giá như của họ nhiều khi mang màu sắc ôn cố tri tân kiểu “cựu chiến binh”.
Ba mươi tuổi, đụng vào đâu cũng thấy chông chênh. Đi tiếp ư, hình như mình chọn sai đường? Làm lại ư, liệu cái ý nghĩ “giá mà” hôm qua vừa nảy ra trong óc có phải là đúng không? Liệu mình làm lại thì có ngã rẽ tốt hơn không?
Cái gì cũng mờ mịt khoác lên màu xam xám, mắt ta chưa kém nhưng năng lực nhìn nhận vấn đề của ta không tài nào cân đo đong đếm cái lợi cái hại của việc ta làm. Ta như một nhà văn đến giữa cuốn tiểu thuyết, không biết cho nhân vật đi về đâu.
Cảm hứng “giá mà” này, ta thấy nó quen quá. Nó có cùng mẫu số tâm trạng với ngày xưa ta thổn thức đọc “Những người khốn khổ”, ta chỉ muốn giá mà Cosette hiểu Jan Valjean hơn, ta phẫn nộ giá mà Romeo đừng uống thuốc độc trước khi Juliet tỉnh dậy.
Cuộc sống của ba mươi năm dần tích tụ lại trong ta một danh sách những điều “giá mà”, rồi trở thành một gánh nặng của ký ức. Ta hay khuyên nhau đừng có tiếc nuối, cái gì đã qua thì cho qua. Nhưng cuộc sống nhọc nhằn hàng ngày lúc nào cũng hà hơi tiếp sức cho cái thói lãng mạn cày xới lại mảnh đất âm u cũ, chỉ toàn là dây leo chằng chịt của kỷ niệm và tầm gửi “giá mà”.
Hơi khó để ta đoạn tuyệt được thói quen này, cũng như là cả tỉ người biết thuốc lá, đồ uống có cồn hay những chất kích thích có hại cho sức khỏe mà có cai được đâu. Giá mà cuộc sống đơn giản mức ấy, chỉ cần cai được cái gì đó là hạnh phúc liền!
Giá như đừng có những “giá như”. Cứ đưa ra một lô xích xông “giá như”, giá mà, chúng ta sa vào mớ bòng bong duy tâm yếm thế. Thực tế thì giả định “giá như” là một loại kháng thể sinh ra nhằm làm dịu những vết loét tinh thần sau những cú thất bại. Nhưng lạm dụng quá, cũng nhờn.
Không phải vơ đũa cả nắm, nhưng hình như phụ nữ là chúa “giá như”. Tâm lý ham thích chỉnh sửa và rút kinh nghiệm của phụ nữ khiến cho họ có sự chu đáo và tỉ mỉ rất đáng yêu. Điều này khác với cánh đàn ông, vốn hay liều lĩnh, “được làm vua thua làm giặc”, họ có thất bại (nhiều là đằng khác!) nhưng thử hỏi họ xem, có anh đàn ông nào muốn nói nhiều về thất bại đã qua không, lại càng ít dây dưa với những cái “giá mà”.
Với họ, chỉ rút kinh nghiệm xoẹt một lần là xong và quân tử nhất ngôn, chớ bàn lui. Phụ nữ hay nghĩ giá như, vì qua chiêm nghiệm và lắng lại, họ thường sàng lọc ra nhiều mẩu tinh vi và uẩn khúc, vốn chính là những thế mạnh của họ.
Ừ, nhưng mà cái câu “giá đừng có giậu mồng tơi” là của đàn ông, của Nguyễn Bính đấy chứ? Vâng, nhưng ông nhà thơ này viện cớ lý do đó thôi, chứ đã mang cái giậu mồng tơi ra so với bức tường bảo vệ sự trinh trắng của hình tượng cô hàng xóm mỹ lệ thì đến chị em cũng hiểu, để làm duyên mà tán gái là chính. Mà cái mục tiêu đó chẳng bao giờ phải nói “giá mà”! Chị em nghĩ, có nên mắc bẫy “giá đừng” này không?