Thủy Hương – Thăng trầm làm nên số phận

Thủy Hương có giọng cười như “ngọc khua mâm vàng”, xông xênh đẹp. Chẳng phải cố gắng cũng ra được lạnh lùng, biết thi vị hóa những “sự biến” nhặt được từ đời mình, khéo léo đơn giản đi những chuyện quanh mình.

Kiêu hãnh hay tử tế

Đôi khi con người vẫn thường ngẫm lại và tự nhủ, hoặc cho rằng có thể là ta đã sai, có thể ta làm chưa tốt, nên ước giá như được làm lại, ta sẽ làm cho tốt hơn. Còn chị, ra sao với những chìm nổi của mình?

Ý bạn nói là người kiêu hãnh thì cả quyết những điều tôi đã buông chẳng bao giờ thay đổi được? Nó phải thế và tôi đã hết sức. Tất nhiên tử tế hay kiêu hãnh ở đây cùng nhìn theo nghĩa an toàn.

Thực ra, lâu lâu vấp một lần còn xoay xở được chứ nhiều quá cũng mệt. Như tôi đã nói, chuyện sai lầm cũng chỉ được nhận ra sau đó, thậm chí cái giá trị của sự tròn trịa hay đổ nát cũng biến thiên không vì một hoàn cảnh nào cả. Hôm nay thấy thế này là hạnh phúc, ngày mai vẫn vậy bảo bất hạnh cũng là… đương nhiên.

Đến đây thì tôi thấy “làm lại” là một hệ quả từ những đòi hỏi mà mình đặt ra rất không vừa sức. Có đôi lần tôi cũng bảo là chẳng bao giờ tôi hối tiếc về những gì đã xảy ra, nhưng nếu tôi biết tôi sai thì tôi cũng… kín đáo sửa chữa.

Cực đoan và cứng nhắc là không phải tôi. Đôi khi, vẫn nghi ngờ hình thức “âm trầm” Thủy Hương mà gán vào một khái niệm kiêu hãnh hay tử tế thì cũng giống như việc cho Paris vào một cái lọ.

Quá khó vì không biết phải kiêu hãnh để tự tin với những quyết định của mình hay tử tế để thú nhận là chị cũng có những sai lầm để sửa chữa?

Ai đã trải qua một điều gì, có một kết quả gì mà chưa kịp hài lòng thì lại cũng muốn được làm đi làm lại, đó như là cách hiểu cơ hội để rèn kỹ năng để tiến gần một cái perfect (hoàn hảo).

Điều đó là để khẳng định thêm mục đích của mình. Nhưng chỉ có sự vật, hiện tượng, hay cùng lắm là lời nói, hành động đã “lỡ” thì mới có thể sữa chữa nó bằng một hình thức khác tương đối hơn, chứ như cảm xúc mà làm lại là hỏng. Vậy thì theo tôi, cái không thể quay lại, đó chính là cảm xúc.

Với một người nhan sắc như chị, lại có cuộc sống cũng phong phú, phải chăng không có chi để nhìn lại, để cần phải “đôi khi ta muốn quên”?

Có lần tôi đã phát biểu là “Người ta có thể làm lại tất cả từ sự đổ vỡ, nhưng không thể làm lại từ sự khinh thường”. Một cô bé đã hỏi tôi về tâm thế khi nói câu này và tâm thế hiện tại. Khi ấy tôi biết tôi sai, tôi cứng đầu khi phát ngôn như đinh đóng cột như vậy.

Bây giờ, tôi cám ơn em ấy bao dung vì hỏi ngược lại tôi mà không quy chụp một nhận xét nào. Tôi có dịp nói thêm rằng, “nhưng rất có thể vẫn cải thiện được một cách tốt nhất, không phải tốt hơn”. Chẳng thế mà, những điên cuồng vẫn trở thành thân hữu bạn bè!

Nghĩa là…?

Là tôi vẫn muốn khẳng định lại, khi một người đàn bà tỏ ra khinh thường một người đàn ông nào đấy thì việc hòa bình trở lại là chuyện bất khả thi. Như biết, hành xử của đàn ông khác lắm, bản năng và ý chí gần như ít liên quan. Nên, khi có những chuyện xảy đến làm mình phải “bung lời” vì… không chịu nổi.

Áo rách khó lành, vá rồi thì còn vết

Nếu nói về tình yêu đi, thì qua rồi vẫn tiếc, khi cũng hay là thế, thông minh thế, xứng đôi thế. Rồi vì những cái rất văn minh là “không vì những lý do đáng kể” để xa nhau, cũng phí?

Tiếc một hình nhân đẹp nhưng lại giữ được một hình dung đẹp thì sao. Thôi, cứ rút kinh nghiệm cho những cuộc tình sau vậy. Áo rách khó lành, vá rồi thì còn vết. Ông bà xưa có bảo “Gương cũ lại lành” nhưng thật ra đó chỉ là cách nói xoa dịu lẫn nhau, chấp nhận, bằng mặt không bằng lòng.

… Tôi yêu người đàn bà
quay lưng lại với tôi…
(Trần Huy Hoan)

Lời khuyên cho người trẻ khi đang phải đối mặt với những “hoàn cảnh” của mình cho người trẻ không bi quan, người trẻ an lòng. Chứ, nếu có muốn “lành” mà chỉ đơn phương thì cũng khó, giả sử 50 phần trăm anh ta/cô ta rất thiện chí mà “đối tác” bình chân như vại, muôn đời không thay đổi thì phải… bó tay không!

Có bao giờ chị cần đến một ước muốn giá như được quay trở lại, được làm lại không? Hay một nhan sắc như chị, lụa là như chị phải được êm đềm?

Ngày trước có bài viết về chuyện người mẫu Thủy Hương đã từng đi bán phở, dạy học rất bi đát. Mà sau đấy anh Dương Thụ “đỡ” cho một bài là “Lụa về với lụa”. Nhà báo hỏi tôi đại loại là có ngượng ngùng về một quá khứ đi bán phở hay cô giáo làng hay không.

Tại sao tôi phải ngượng, nếu khi xưa tôi là hoa hậu mà bây giờ tôi đi làm nhân viên tiếp khách thì mới hơi-có-vấn-đề chứ. Vâng, ước muốn của tôi nó cũng chẳng xa xôi gì, tôi vẫn sẽ có một nhà hàng tươm tất và một lớp trẻ để tôi dạy dỗ. Nói vậy để thấy, không lên rừng xuống biển thì làm sao biết trong rừng đâu chỉ có cây và biển kia đâu chỉ có… cá.

Và sự thăng trầm của một đời người cũng chỉ là cái làm nên số phận trước hay sau thôi. Không ai hơn ai để đáng tự hào mà cũng không có gì bi thiết đến mức phải che đậy đi.

Nhưng có những mối quan hệ cứ không phải thế này cũng không phải thế kia, cứ úp mở, cứ khó trả lời, rồi cuối cùng đó là “một mối quan hệ không biết để làm gì” như với một nhiếp ảnh gia mà chị hay “lui tới”. Có thời gian là tình bạn thân quý và có không gian vợ chồng?

(Suy nghĩ rất lâu) Xu hướng hiện đại làm đảo lộn mọi chân giá trị, xã hội tiêu dùng làm Tây hóa, fastfood – hóa mọi thứ kể cả các mối quan hệ. Xúc cảm và số phận có thể thử rồi quay lại, rồi lại undo để cứu vãn tình hình, xem như chưa có gì. Cái gì cũng được, cũng dễ, lại theo trào lưu hiện đại và “cá tính”.

Tôi theo truyền thống và không theo thuyết trung dung. Chỉ là có hoặc không. Tôi đánh giá cao sự hy sinh cũng như xúc cảm luôn có thật. Chẳng qua, có những chuyện có ít người biết là đuợc, chứ không cần… nhiều người biết để làm chi. Đời sống nhanh, mọi thay đổi, biến chuyển cũng nhanh.

Xuân Diệu thúc giục: “Em, em ơi, tình non sắp già rồi”, chỉ là một cách háo hức son trẻ của một chàng trai trong một tình trong sáng. Nhưng chúng ta cứ lầm tưởng đấy là “sống là không chờ đợi” rồi vội vàng, rồi nô nức lên.

Sao mà được, nấu nồi cơm cũng cần phải vừa lửa, canh sôi rồi mới chờ chín. Phun thuốc… trừ sâu cũng cần phải ngấm đã chứ. Có nuôi nấng một cái gì đấy thì mới là ước vọng.

Đạo diễn Lê Hoàng từng bảo “Các bạn cứ sống đi, sai lầm đi” hay như đạo diễn Đức Thịnh bảo “Còn trẻ là còn được tha thứ”, còn chị?

Đó cũng là một cách nói động viên và khuyến khích sống năng động. Nhưng không có nghĩa không biết lắng đọng. Cơ hội gõ cửa khẽ thì mình cũng phải biết lắng nghe, sau đấy mới… tóm lấy và tận dụng.

Không vì trẻ mà không cần chỉn chu, quyền có thể chểnh mảng, quyền có một thông hành đáng kể là tuổi trẻ để sai lầm nối tiếp vấp ngã nối tiếp những phát ngôn “bởi vì khi ấy tôi còn quá trẻ nên mới như thế này, thế kia”.

Dù không cổ súy lắm cho những kinh nghiệm làm lại theo kiểu giáo điều là thế, nhưng thỉnh thoảng cứ ước ao giá như… để mà… Và tuy nhiên, lại tuy nhiên, nói theo kiểu của tôi, thì ta cứ “nằm trong giới hạn của bản năng” thôi, biết đâu được như vậy mới kịp với thế giới!

 
 Không lên rừng xuống biển thì làm sao biết trong rừng đâu chỉ có cây và biển kia đâu chỉ có… cá.

Bài: Thanh Xuân – Ảnh: Trọng Đức – Lê Thanh Hải


From the same category