Ngôi sao dòng phim võ hiệp một thời và hiện đang trở lại với sở trường trong bộ phim hoành tráng “Tây Sơn hào kiệt” cũng góp lời về “người mới” Johnny Trí Nguyễn.
“Trí thấy được điểm yếu của mình”
Nói theo chiều hướng của anh, thì thế mạnh của Trí Nguyễn đã không hòa nhập được với môi trường điện ảnh Việt Nam?
Chúng ta sẽ phải xây dựng. Không phải anh không hòa nhập được thì nhảy ra nước ngoài. Chưa chắc ra nước ngoài anh đã hòa nhập được. Có thể cả đời Trí không làm được điều cậu ấy hài lòng, nhưng có thể Trí xây dựng được ý thức ngoài năng khiếu diễn xuất, phải đi tập thể hình và học võ ở một số diễn viên?
Không chỉ đóng phim, Trí Nguyễn còn viết kịch bản “Dòng máu anh hùng” và lên sườn kịch bản “Bẫy Rồng”. Ở góc độ này, anh đánh giá thế nào về khả năng của Trí Nguyễn? Liệu nó có bị rơi vào tình trạng ngô nghê hay gồng cho ra bản sắc Việt Nam như những Việt kiều khác?
Tôi và Trí cùng phát hiện ra một điều rất thú vị: Khi làm phim, hầu như Việt kiều nào cũng muốn làm sao cho giống Việt Nam. Còn những người làm phim Việt Nam lại cố gắng làm sao cho đừng giống Việt Nam, mà giống Hollywood, Hàn Quốc… Còn khán giả xem phim Việt Nam đã ngán, và chờ đợi những Việt kiều cho những món mới.
Nhưng họ lại cho những món mà người xem đã có rất lâu. May mắn là Trí thấy được điều đó và Trí khôn ngoan khi chọn phim hành động. Vì phim hành động cả thế giới đều xem được: mắt nhìn đã, âm thanh hấp dẫn, ngôn ngữ vượt qua được phim đối thoại. Điều này giải thích tại sao phim hành động luôn ăn khách nhất thế giới.
Trong khi phim hài, tâm lí xã hội mang tính địa phương hơn, mà mỗi địa phương cách nhau rất xa về văn hóa. Minh chứng là phim hài của Pháp, người Việt coi rất khó. Khi viết kịch bản, mời người khác làm phó đạo diễn, ngồi chỉnh thoại, điều đó chứng tỏ Trí đã thấy được điểm yếu của mình.
Còn Trí Nguyễn trong vai trò nhà sản xuất?
Hầu như nhà sản xuất nào cũng bị đi quá xa so với dự toán ban đầu. “Dòng máu anh hùng” lúc đầu tính 800 ngàn đôla, cuối cùng ra 1,5 triệu đôla. “Huyền thoại bất tử” lúc đầu tính 300 ngàn đôla, nhưng lại ra 800 ngàn đôla. Thị trường Việt Nam rất kì cục. Nếu anh không phải người trong thị trường sẽ rất khó. Ngay cả tôi đi làm chương trình ở Hà Nội cũng gặp vấn đề này.
Anh “chấm điểm” thế nào về diễn xuất của cặp đôi Ngô Thanh Vân – Johnny Trí Nguyễn trong “Dòng máu anh hùng” – những người có thể nói là “hậu duệ” của anh trong thể loại phim võ hiệp?
Tôi rất ấn tượng với những pha hành động trong “Dòng máu anh hùng”, đúng là không thua gì phim Mỹ, Hong Kong, Trung Quốc. Thật mừng vì điện ảnh Việt đã xuất hiện những diễn viên đóng phim hành động, võ thuật. Phải nói họ là những diễn viên kế tiếp thời của tôi chứ không thể gọi là “hậu duệ” được.
Tôi chỉ mong thế hệ đàn em cố gắng trau dồi thêm kỹ năng diễn xuất và đừng bao giờ ỷ lại vào khả năng võ thuật của mình. Bởi phim hành động không chỉ đòi hỏi diễn viên giỏi võ mà còn cần khả năng diễn xuất. Điều này thì các ngôi sao phim hành động trên thế giới đều làm được và làm rất giỏi. Tôi từng ở HongKong 6 tháng để đóng phim “Cảnh sát đặc khu”.
Tôi nhận thấy công nghệ hỗ trợ làm phim của họ quá tốt chứ không phải diễn viên nào của họ cũng siêu phàm. Nói chung họ có nền công nghiệp điện ảnh, còn ta thì chưa. Công nghệ đã giúp họ sản sinh ra nhiều ngôi sao nổi tiếng, trong khi ở Việt Nam, người diễn viên phải tự làm hết từ đấm đá cho tới bay nhảy… Tôi từng tiếp xúc với Thành Long, Lý Liên Kiệt.
Họ là võ sư thật nên mới xứng đáng là ngôi sao hành động nhưng họ cũng được hỗ trợ bởi công nghệ làm phim cực kỳ hiện đại. Phim võ thuật đòi hỏi đạo diễn và cả diễn viên phải am hiểu về võ. Nếu thiếu kỹ năng này, phim sẽ mất đi sự hấp dẫn.
Ngoài ra cũng cần có một kịch bản hay, tình tiết hấp dẫn để thu hút khán giả và trên hết phải có tiền để đủ sức “đập phá” thì mới hy vọng có được phim hay. Làm một bộ phim võ thuật, hành động khó khăn gấp nhiều lần so với phim tâm lý, tình cảm vì đòi hỏi thời gian quay lâu, do đó tốn kém kinh phí hơn.
Chỉ một cảnh đánh nhau vài phút thôi, diễn viên phải khổ luyện trong vài tuần, có khi cả tháng trời mới thực hiện đạt yêu cầu. So với 20 năm trước, tôi thấy phim võ thuật, hành động của Việt Nam nhìn chung có phát triển nhưng chưa được đồng bộ.
Johnny Trí Nguyễn nằm trong làn sóng các đạo diễn, diễn viên Việt kiều về nước làm phim. Sự cạnh tranh theo anh có đủ là sức ép?
Điện ảnh đã được Nhà nước xã hội hóa. Nhiều đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất Việt kiều về nước làm phim là chuyện đáng mừng. Họ sẽ tạo nên làn gió mới cho điện ảnh trong nước. Những người làm nghề có cơ hội học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm và quan trọng là sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất phim.
Tuy nhiên, theo tôi, các nghệ sĩ Việt kiều cần cố gắng am hiểu hơn nữa văn hóa cũng như suy nghĩ, lối sống của công chúng trong nước để có thể cho ra đời những bộ phim chân thực, gần gũi với cuộc sống hơn nữa.
Nhắc đến dòng phim võ thuật lúc này, người ta thường nhớ ngay đến Johnny Trí Nguyễn thay vì Lý Hùng, dù anh đang trở lại. Có lúc nào anh thấy chạnh buồn?
Như đã nói, tôi lấy làm mừng vì đang có sự tiếp nối. Tôi quay lại với điện ảnh không vì danh lợi mà vì đam mê. Năm tháng trôi qua, thời cực thịnh của sự nghiệp có thể đến rồi đi. Tôi không hề hụt hẫng và mất phương hướng.
Sau nhiều năm không đóng phim, tôi vẫn nhận được tình cảm của khán giả như xưa. Điều này là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Thời tôi, phim làm ra được gọi là phim thị trường nhưng so với tốc độ làm phim truyền hình bây giờ thì còn thua quá xa.
Với tôi chẳng có khái niệm phim thị trường hay nghệ thuật bởi phim phải vừa hay vừa đáp ứng được mong đợi của khán giả mới gọi là thành công. Chỉ có một trong hai yếu tố này thì chưa thể gọi là thắng lợi được.
Danh Nghi (Thực hiện)