Cha mẹ thường cho rằng việc học tập của trẻ mới là quan trọng, còn chơi đùa chỉ là giải trí. Thực tế, những trò chơi lại đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ. Nhưng ít bậc cha mẹ hiểu rõ gốc rễ của việc chơi đùa hữu ích và có giá trị với trẻ như thế nào.
Nhà tâm lý người Anh Stanley Hall đã quan sát các trò chơi và lịch sử của xã hội để phát hiện ra rằng, những trò chơi của trẻ con lần lượt diễn lại những hành động tương tự của loài người trong quá trình tiến hóa.
Còn nhà tâm lý người Mỹ, Reaney đã phân tích cụ thể những trò chơi của trẻ tương đương với những bước tiến hóa của loài người như sau: Thời kì thú vật tương đương với trẻ từ 0 – 7 tuổi, các bé chơi trò chơi vận động, trèo leo, xích đu; thời kì dã man tương đương với trẻ từ 7 – 9 tuổi chơi đuổi tìm nhau, bắn bia, chơi gậy; thời kì du mục tương đương từ 9 -12 tuổi, đua nhau khéo léo, sưu tập đồ vật, bắt đầu dùng trí tưởng tượng trong các trò chơi; đến thời kỳ bộ lạc tương đương 12 – 17 tuổi, biết kết đoàn mà chơi…
Đứng trước một cái gậy, vài mảnh gỗ, một đống đá, cát, một miếng vải… đứa trẻ 3 tuổi chơi khác đứa trẻ 8 tuổi. Nhưng cùng một lứa tuổi thì cách dùng chơi cũng tương tự.
Vì vậy, phải đứng về phương diện sinh trưởng mà xét hiểu trò chơi của trẻ con. Chơi đùa tiến hóa theo và vận dụng vào quá trình sinh trưởng, chơi đùa trong đời con trẻ không phải là một hoạt động vô ích, vô nghĩa.
Nhà tâm lý Thụy Sĩ Claparède nói rằng, có chơi lâu năm trẻ con mới lớn lên, thành người lớn được. Lúc mới sinh, những bản năng chưa thể hoạt động hoàn thiện, phải luyện tập ít hay nhiều. Loài người là sinh vật tối cao thì thời thơ ấu càng phải chơi nhiều cách và lâu năm.
Cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rút ra kết luận, không phải vì còn ít tuổi, chưa làm được gì nên chơi, mà chính vì còn ít tuổi, do đó cần phải chơi để sau này làm được việc gì đó. “Nghĩa” của “chơi” là ở đấy. Trong lúc chơi, trẻ con luyện tập những hành động sau này cần cho sinh hoạt, tức là những động tác của thân thể hay tâm trí sẽ áp dụng vào những việc làm về sau.
Từ việc thấy rõ tác dụng của chơi trong sự trưởng thành thì cha mẹ cần hiểu tầm quan trọng của trò chơi trong giáo dục, và cần phải giúp trẻ chơi đúng cách. Nhiều cha mẹ hay mắc phải sai sót là chơi với con nhưng lại can thiệp vào trò chơi của con với những ý tưởng của người lớn, không thích hợp với trình độ phát triển của trẻ.
Con xếp hình, cha mẹ nhất quyết bắt phải xếp thế này thế kia mới đúng. Con chơi ô tô điều khiển từ xa, cha lao ra mắng, con phải làm thế này thế nọ, không thì chả mấy chốc mà hỏng…
Những điều kiện đủ cho trẻ chơi
– Phải có đủ không gian chơi: Nếu không có vườn thì ít nhất cũng phải có một khoảnh sân hoặc một căn phòng trống. – Phải có đủ đồ chơi: Không nhất thiết là đồ chơi hiện đại, đắt tiền. Những đồ vật thông thường và gần với đời sống khiến trẻ phát huy trí tưởng tượng và chế ra được nhiều đồ chơi hơn hẳn một con robot tự động biết phát ra âm thanh, biết di chuyển nhưng trẻ chả biết làm gì với nó ngoài việc xem và… chán. – Phải có bạn chơi: Đây là yếu tố quan trọng vì chơi là một hoạt động xã hội. Bạn bè khiến trẻ phải ganh đua, đoàn kết, dạy dỗ, nhường nhịn, tuân theo kỷ luật chung… Không phải ngẫu nhiên mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã nhấn mạnh đến bổn phận của người lớn, của nhà giáo dục là gợi ý tổ chức trò chơi cho trẻ. Ông khẳng định, cả nền giáo dục trẻ em trước tuổi đi học chủ yếu là tổ chức trò chơi. |