Vì mình là đàn ông

Tháng này, trong sổ liên lạc của con, cô giáo viết: "Con ăn ngoan, ngủ ngoan, nhưng có biểu hiện hơi yếu đuối, hay khóc nhè…"

… "Yếu đuối" hay "khóc nhè" là những cụm từ hoàn toàn bình thường dùng để nói về một đứa bé 5 tuổi, nhất là với bọn con gái hay ăn vạ, mỏng manh và phụ thuộc… thế nhưng con của mẹ lại là con trai!

Nhà mình chỉ toàn là phụ nữ. Mẹ Quỳnh. Dì Xinh. Bà ngoại. Chị Giang. Cụ ngoại. Cụ nội… Đến cả con Chimiu cũng mang cái mác "vịt giời". Chỉ có ông ngoại là "đẹp trai nhất nhà", và – may quá – mấy chục năm, ông mới có một người cạnh tranh: Con!

Và giữa "Tây Lương nữ quốc", Mẹ – khao khát một thế giới với những người đàn ông như ông ngoại: mạnh mẽ, chở che, săn sóc, yêu thương, và tôn trọng – chưa bao giờ ngừng lẩm nhẩm với con bài học sơ đẳng về giới, một bài "vè" đơn giản mà ngày nào hai mẹ con cũng đọc cùng nhau…

Mẹ: Vì mình là…
Mig: … đàn ông!
Mẹ: Nên đối với…
Mig: … phụ nữ.
Mẹ: Phải…
Mig: … che chở ga lăng!
Mẹ: Nâng…
Mig: … như nâng trứng.
Mẹ: Hứng…
Mig: … như hứng hoa!
Mẹ: Không bao giờ…
Mig: … được đánh phụ nữ.
Mẹ: Dù chỉ bằng…
Mig:… một cành hoa!

Là đàn ông – dù là một người đàn ông bé – cũng vẫn là trụ cột tinh thần mạnh mẽ, thế nhưng nhận xét về con của mẹ trong sổ liên lạc lại là "yếu đuối"!

Mẹ bặm môi hí húi viết trả lời, bản tính nghịch ngợm cố hữu bao nhiêu năm làm cho câu chữ chẳng để dịu dàng nghiêm túc như một người-làm-mẹ đúng ra phải thế: "… đề nghị cô cho con giao du với nhiều thành phần côn đồ trong lớp để tính cách đàn ông được nâng lên".

Trả lời: "Trong lớp có 4 anh thuộc thành phần côn đồ nhất rồi. Con là một trong 4. 4 anh thường xuyên tụ tập với nhau và trò chơi yêu thích nhất là nấu cơm"…

Mẹ chẳng biết nên khóc hay cười. Thế hệ của mẹ, trẻ con chơi trốn tìm, đánh trận giả, trèo cây, lội nước, nghịch cát… những vụ "đùa quá hoá thật" của những màn tranh chấp là thường xuyên!

Và kẻ tham gia thường về nhà với một bên mắt bầm tím hoặc đầu gối, khuỷu tay tươm trầy. Nước mắt là hiếm hoi, bởi dù đau – chẳng đứa nào muốn bị "ê ê" đến 3 ngày sau đó.

Bà ngoại bảo mẹ đối xử với con quá hà khắc. Con sợ mẹ, nên con không nghịch ngợm. Mẹ không ôm ấp cưng nựng con nhiều như với bé gái, cũng không dịu dàng khoan dung những lúc con mắc lỗi thông thường. Mẹ nghĩ nghiêm khắc sẽ làm con mạnh mẽ và rắn rỏi. Mẹ không chuẩn bị tinh thần có một ngày con mẹ "bị" nhận xét là yếu đuối.

Nhưng có thật là con yếu đuối không nhỉ?



Chiều qua mẹ đến lớp sớm, nhìn con qua cửa sổ, con vẫn đang ngồi chơi với bạn, say sưa với bộ đồ hàng, bạn Thùy Anh xinh xắn nhất lớp đang "nhặt rau", còn con thì mải mê vừa "rán thịt", vừa "trình bày": "Thùy Anh chỉ nhặt rau thôi cho mát, thịt phải là Mig rán, vì rán thịt nóng lắm, lại có cả mỡ bắn bỏng đấy, con gái không làm được đâu. Sau này Mig nấu hết, cho mẹ đi làm về đỡ mệt, mẹ ngủ cho khỏe để tối còn chơi."…

Chị Giang hỏi con tại sao ở lớp hay khóc, sao lại để bạn cấu vào tay thế kia, hả? Con thút thít “vì bạn Dung giành đồ chơi với em, bạn cấu em”. Chị Giang quát sao không cấu lại nó, lại khóc nhè thế kia, con trai kiểu gì thế?

Chị Giang cũng còn bé, chưa biết phải bảo em thế nào cho đúng, bản tính tranh chấp mặc nhiên của con người chỉ là biết xui con cấu lại bạn khi bị bạn chành choẹ.
Còn con, vừa thút thít, vừa trả lời: "Em không đánh bạn Dung, vì bạn ấy là con gái, đàn ông không đánh con gái".

Mẹ cứ bần thần suốt buổi chiều ngày hôm ấy… Bần thần cả lúc con rủ rỉ hỏi mẹ xem con đấm lưng cho mẹ nhé, mẹ có mỏi không?

Vì mình là đàn ông!
Nên đối với phụ nữ…
Phải che chở galăng…

"Người đàn ông đích thực" của mẹ!

Bài: Vũ Quỳnh Hương – Ảnh: Passion/361


From the same category