Từ thói quen chăm bẵm con cái quá mức, đã dẫn tới những hiện tượng xã hội điển hình ở phương Tây.
Thế hệ chuột túi (Kangaroo-Generation)
Như những con chuột túi con, họ không thể thoát khỏi cái túi bao bọc của mẹ mình. Tạp chí L’Express của Pháp năm 1998 đã dùng thuật ngữ “thế hệ Kăng-gu-ru” để chỉ những người trẻ lứa tuổi 20 thất nghiệp, họ hoàn toàn không có sự độc lập về cả mặt kinh tế lẫn suy nghĩ, sống phụ thuộc vào bố mẹ. Ở Nhật Bản, những người có việc làm mà vẫn phụ thuộc vào bố mẹ được gọi là “những kẻ độc thân ăn bám” (Parasite Singles).
Hội chứng Peter Pan (Peter Pan Syndrome)
Người đầu tiên định nghĩa hội chứng này là nhà tâm lý học Dan Kiley, trong cuốn sách “Hội chứng Peter Pan” xuất bản năm 1983. Hội chứng Peter Pan không được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận như một căn bệnh tâm lý, nhưng số người bị ảnh hưởng bởi nó tăng lên nhanh chóng trong xã hội phương Tây.
Những người mắc phải hội chứng này không có thể trưởng thành, không có khả năng hành xử như một người lớn, thậm chí kể cả trong trang phục. Họ ứng xử và giữ vẻ bề ngoài rất “teen” dù tuổi đã hơn 30.
Humbelina Robles Ortega, giáo sư Đại học Granada, chuyên nghiên cứu về các hội chứng cảm xúc, cho rằng sự bao bọc quá đáng của các bậc phụ huynh là một nguyên nhân dẫn đến hội chứng Peter Pan.
Hội chứng có thể gặp ở cả hai giới, nhưng lại thường thấy ở nam giới hơn. Họ không có khả năng gánh trách nhiệm cá nhân, thẳng thắn đưa ra ý kiến, hoặc giữ lời hứa. Họ đặc biệt quá quan tâm đến vẻ bề ngoài, đến sự thỏa mãn cá nhân của mình, và rất thiếu tự tin, mặc dù họ không thể hiện những điều đó ra bên ngoài.
Họ luôn sợ sự cô đơn và cần những người có thể đáp ứng nhu cầu của mình ở xung quanh. Họ trở nên lo âu khi bị đồng nghiệp hoặc cấp trên đánh giá, và họ không chấp nhận bất cứ sự phê bình nào. Đôi khi họ gặp những vấn đề nghiêm trọng trong việc thích nghi với công việc và quan hệ cá nhân.
Một đặc điểm khác của những người bị ảnh hưởng bởi hội chứng Peter Pan là họ liên tục thay đổi người tình và tìm kiếm những người trẻ tuổi hơn. Một khi mối quan hệ bắt đầu bước vào giai đoạn cần sự cam kết chắc chắn hơn, họ lại trở nên sợ hãi và phá vỡ nó. Mối quan hệ với những người phụ nữ trẻ tuổi hơn có thể cho họ những khoảng thời gian sống thoải mái không cần lo âu, không cần lên kế hoạch cho tương lai.
Giáo sư Robles nói rằng giải pháp duy nhất cho hội chứng này là các phương pháp điều trị tâm lý thích hợp, không chỉ đối với chính người đó, mà cả vợ/chồng/người yêu và gia đình họ.
Phụ huynh trực thăng (Helicopter parent)
Là cụm từ dùng để chỉ những ông bố bà mẹ dành sự quan tâm quá mức đối với con cái mình, hoặc can thiệp sâu vào cuộc sống của con.
Họ tìm mọi cách để không có bất cứ điều gì có thể gây hại, cản trở cuộc sống của con cái, không để con cái có cơ hội được trưởng thành từ chính những sai lầm của chúng, thậm chí nhiều khi còn đi ngược lại những mong muốn của con cái vì cho rằng đó là điều tốt cho chúng.
Như những chiếc máy bay trực thăng, họ lượn sát trên đầu con cái, hiếm khi để chúng tuột khỏi tầm kiểm soát, bất kể chúng có cần hay không.
Cụm từ này bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Mỹ những năm đầu thế kỷ 21, khi Thế hệ Thiên niên kỷ bắt đầu tới tuổi đi học.
Liên quan đến hiện tượng “Helicopter parent” còn có các Soccer mom và Hockey mom, những người phụ nữ trung lưu sống ở các vùng ven đô, đã dành hầu hết thời gian của mình vào việc đưa bọn trẻ tới các hoạt động thể thao hay các hoạt động ngoại khóa khác.