Mọi người có thể sẽ cho rằng chỉ những người già mới có định kiến. Một đứa trẻ non nớt thì làm gì biết có định kiến? Nhưng chắc hẳn ít nhất bạn đã từng gặp những đứa trẻ “khôn” bình luận về những đứa bé khác như: “Bạn này hư nhỉ, con gái mà lại chơi đá bóng như con trai”; “Con trai mà chơi đồ hàng” hay “hội chứng” thích màu hồng của các bé gái: “Bố cháu bảo con gái phải mặc váy hồng, đeo nơ hồng, đi dép hồng”. Báo hại bố cô bé đi mua kem cho con cũng phải chọn loại màu hồng, bé nhất quyết không ăn kem màu khác.
Đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống mà cha mẹ thường vô tình không để ý. Một cô bé được dạy dỗ từ nhỏ rằng việc bếp núc là việc của con gái thông qua những đồ hàng nấu nướng, lớn lên có thể bé sẽ không bao giờ biết yêu cầu người chồng vào bếp với vợ vì cho rằng đó không phải là việc của đàn ông. Một cô bé rất có năng khiếu thể thao có thể phải tự hạn chế khả năng vận động của mình vì bố mẹ dạy là con gái phải nhẹ nhàng…
Đó chính là những định kiến giới mà cha mẹ, do vô tình đã truyền đạt cho con cái. Chính cha mẹ nhiều khi cũng không nhận thức rõ về những định kiến của mình đã tạo nên sức ép tâm lí cho trẻ. Trẻ phải tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với những khuôn mẫu cụ thể của mỗi giới để khỏi bị chê cười, thậm chí là mắng mỏ.
Nếu bé trai đòi mẹ cặp tóc cho giống em gái, chắc chắn sẽ bị mẹ nhăn mặt và mắng át đi. Bé gái cầm súng bắn “bòm, bòm” như anh sẽ bị bố điều chỉnh ngay lập tức. Đồ chơi có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển tâm lý, nhân cách của trẻ.
Những hoạt động của trẻ với đồ chơi không chỉ góp phần kích thích tính sáng tạo, giúp trẻ phát triển trí tuệ, khả năng tư duy linh hoạt, nhạy bén, giúp trẻ tiếp cận và làm quen với thế giới xung quanh, trẻ dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống.
Ẩn chứa đằng sau những đồ chơi mà cha mẹ mua cho trẻ là những mong muốn hình thành ở con mình những tính cách, những năng lực đặc trưng cho mỗi giới.
Sự quy gán cho con trai và con gái những phẩm chất nhân cách mang đặc trưng của mỗi giới có ý nghĩa củng cố sự ổn định, nhưng hạn chế sự phát triển toàn diện nhân cách của trẻ, hạn chế vai trò của nam giới trong việc chăm sóc gia đình, vai trò của nữ giới trong hoạt động xã hội.
Định kiến giới là sự nhìn nhận không đúng về khả năng của nam giới và nữ giới, về phẩm chất nhân cách mà nam hoặc nữ nên có, về loại hình hoạt động và nghề nghiệp mà nam hoặc nữ có thể làm được hoặc không thể làm được. Các định kiến giới thường không phản ánh đúng khả năng thực của mỗi giới và thường giới hạn những gì mà xã hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện.
Giáo dục gia đình có sự ảnh hưởng sớm nhất, trực tiếp, liên tục nhất và tác động một cách có ý thức. Bởi gia đình luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Ở đó, những quan niệm, niềm tin, giá trị văn hóa, định kiến giới, khuôn mẫu hành vi… được chuyển tải từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Từ những hiểu biết về sự hạn chế của định kiến giới mang lại, cha mẹ cần thay đổi cách nhìn nhận và sinh hoạt gia đình để trang bị cho con cái những hiểu biết toàn diện về khả năng và sự phát triển của từng cá nhân theo đúng năng lực và sở thích.