Anh được người đời gắn cho nhiều cái tên, Sơn “nhà quê”, Sơn “điên”, Sơn “khùng”, Sơn “nổ”… – Tất cả đều do tính cách và âm nhạc của anh mà ra. Anh từng nhận mình là “gã trai quê” hiền lành chất phác và… ngố giữa cuộc đời đầy bon chen này. Tự nhận mình là “trai quê” âu cũng là một cách khoe “khéo” âm nhạc của mình.
Trong khi không ít nhạc sỹ trẻ mải mốt chạy theo những thứ mới mẻ của phương Tây thì Sơn vẫn cứ đắm đuối với “ruộng, vườn, ao, chuôm”, với những cánh cò, đồng lúa, yếm thắm, quang gánh của những bà mẹ răng đen đồng bằng Bắc Bộ… Và sự đắm đuối ấy của anh đã cho ra đời những sản phẩm âm nhạc đậm đà bản sắc Việt.
Chính vì vậy mà so với những đồng nghiệp cùng trang lứa, và cả thế hệ cuối 8X, đầu 9X trẻ trung, năng động thì rõ ràng, âm nhạc của anh có một tiếng nói riêng, nó thực sự gần gũi và đồng cảm với số đông công chúng Việt. Những “Ôi quê tôi”, “Người ở người về”, “À í a”, “Đá trông chồng”… đã trở thành câu hát cửa miệng của biết bao nhiêu người.
Sơn cũng từng thử nghiệm với pop ballad, thậm chí là cả semi classic… tuy nhiên, dòng nhạc dân gian mới chính là con người của Lê Minh Sơn. Những ca khúc anh viết về quê hương luôn chất chứa những hoài niệm, những tình cảm giản dị và chân thành. Cái bản chất “nhà quê” có vẻ ăn sâu vào tiềm thức của anh, một anh chàng “nhà quê” bụi bặm nhưng lại rất văn minh khi viết nhạc, tinh tế và đầy cảm xúc.
Hơn chục năm làm âm nhạc, khoảng 5 năm trở lại đây, anh được coi là “người nổi tiếng”. Với 11 CD anh làm cho bản thân cũng như các ca sỹ khác, cùng với gần chục liveshow, Lê Minh Sơn cho thấy một sức làm việc khỏe vào hạng đáng gờm. Tất cả các sản phẩm của anh đều được công chúng dành cho rất nhiều sự quan tâm, cả khen và… “chửi”.
Sơn “điên” ở chỗ, người khác mà bị chê là tỏ ra khó chịu, còn anh, anh thản nhiên và thậm chí còn “tự hào” về điều đó. Sơn từng hào hứng khoe với bạn bè rằng, có ai làm đĩa mà bị “chửi” te tua nhưng đĩa vẫn bán chạy như Sơn không? Đó là CD “Này em có nhớ” của Thanh Lam hát nhạc Trịnh Công Sơn. Hầu như tất cả fan Trịnh không chấp nhận cách hát và cách “làm mới” này của Sơn và Lam (ngay cả người viết bài này cũng vậy!).
Tuy nhiên, Sơn lại có niềm tự hào và sung sướng riêng. Anh bảo, chưa ai làm nhạc Trịnh như thế và cũng chưa ai hát Trịnh Công Sơn như Lam cả. Sơn từng khoái “điên đảo” những bản phối của Mạnh Hùng trong CD này, từng sướng “phát khóc” khi nghe Lam rành rọt, nắn nót từng câu chữ, vừa khoan thai, vừa kìm nén như chỉ chực bùng nổ.
“Điên” trong âm nhạc và lãng tử trong cuộc sống, thế nhưng Lê Minh Sơn lại khiến người đối diện phải ngạc nhiên những khi anh tâm sự thật lòng. Sơn là người đa cảm và đôi khi yếu đuối. Anh tự nhận mình là người đàn ông không hoàn hảo và khá nặng tình.
Người đàn ông bụi bặm và vẻ như tham công tiếc việc ấy hóa ra lại rất thích ngồi câu cá. Anh nói làm âm nhạc cũng như đi câu vậy. Có lúc thì được con cá to, khi chỉ là một con mè ranh tanh ngòm. Nhưng nếu như chỉ được con cá nhỏ, thì cũng đừng tiếc con cá đã bỏ lỡ, vì chắc gì, con cá mất đã là con cá to.
Chính vì vậy mà sự kết hợp của Lê Minh Sơn trong suốt thời gian qua cho thấy, anh rất khôn khéo và biết dừng lại đúng lúc với từng trường hợp. Nếu như Ngọc Khuê và Tùng Dương là những sự hợp tác mang tính “giới thiệu”, làm quen với công chúng, thì sự kết hợp giữa Lê Minh Sơn và Thanh Lam chính là lúc anh “thả bom tấn” vào nhạc Việt, và thực tế đã chứng minh điều đó.
Ngọc Khuê và Tùng Dương từng mang đến cho khán giả sự trong sáng, dễ thương với “Bên bờ ao nhà mình” và “Ôi quê tôi”. Với Ngọc Khuê, là sự lí lắc, “đỏng đảnh” của một cô thôn nữ mới lớn.
Còn với Tùng Dương, Lê Minh Sơn khắc họa một chàng trai trẻ nhưng đầy chiêm nghiệm và rất tình cảm với mảnh đất đã sinh ra mình. Tuy nhiên khi kết hợp với Thanh Lam, âm nhạc của Lê Minh Sơn biến sang một màu sắc khác. Khắc khoải và bùng nổ.
Có một điểm chung giữa Lê Minh Sơn và Ngọc Khuê, Tùng Dương, Thanh Lam đó là sự “điên” trong âm nhạc. Do vậy họ rất dễ hiểu ý nhau và sự hợp tác thường mang lại thành công nhanh chóng.
Hơn 10 CD và cũng gần bằng số đó những đêm nhạc riêng mình, Lê Minh Sơn cho thấy sự biến hóa đa dạng của mình. Người ta có thể thấy âm nhạc của anh trong sáng, tình cảm, hay một Lê Minh Sơn giản dị ôm đàn tự hát, nhưng khi anh đứng trong dàn nhạc flamenco chơi những vũ khúc Tây Ban Nha sôi động, lúc đó, cảm giác như anh thăng hoa theo từng nốt nhạc, say đắm, không vướng bận bụi trần.
Sau 3 liveshow của năm 2008, anh dường như muốn nghỉ ngơi để cuối năm nay, một dự án âm nhạc khác sẽ được triển khai, mà theo anh, đó là một sự khác lạ, bất ngờ với chính hình ảnh Lê Minh Sơn từng có.
Lời anh nói là như vậy, nhưng khán giả vẫn có quyền đặt dấu hỏi bởi người nghệ sỹ thường có “thời vận”, và những lúc thăng hoa là khi anh làm việc hiệu quả nhất. Còn với Sơn, suốt hơn 5 năm qua, dường như anh không có thời gian để ngơi nghỉ, tư duy của anh liên tục vận động và vì thế, không thể phủ nhận rằng nó có tác động đến âm nhạc của anh.
Một người nghệ sỹ thường có hai cách để “thể hiện”, một là “cháy hết mình” bừng sáng một giai đoạn rồi… tắt. Cách còn lại là “điều tiết” để luôn “cháy”, chỉ “sáng đủ dùng” nhưng lại “câu được giờ”. Nhưng hầu hết các nghệ sỹ trong làng giải trí thường chọn cách một, và Sơn, cũng đang phải “vân vi” giữa hai sự lựa chọn này.
Đứng ngoài mà nói, người ta có thể lo giúp Sơn: Sơn đã “cháy” hết mình trong suốt 5 năm qua, vậy phải chăng giờ là… leo lét? Nhưng đứng trong nói ra thì Sơn lại rất tự tin vào những gì thuộc về mình, là của mình.
Anh là người hiểu mình nhất và biết cách “nắn” con đường đi theo đúng khả năng của mình. Chính vì điều này mà năm 2008, khi showbiz rơi vào tình trạng “ế ẩm” thì liveshow của anh đã diễn ra 3 đêm, và đêm nào cũng hết vé, chứng tỏ Sơn có một sức hút không nhỏ với công chúng riêng của anh.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, Sơn nên “tĩnh” lại để đằm hơn. Cái gì dồn dập quá, vồn vã quá cũng có nhược điểm của nó. Việc CD “Này em có nhớ” tạo nên sự phản ứng khá quyết liệt của fan Trịnh cho thấy, đôi khi đừng quá chú trọng yếu tố cá nhân, dù đó là cá tính của người nghệ sỹ. Sản phẩm ra liên tục, chắc chắn sẽ khó đảm bảo về chất lượng, bởi nghệ thuật, luôn phải cần sự chiêm nghiệm và những cảm xúc thật, đến từ sự rung động của trái tim.
(Báo điện tử VN Media)