Anh định nghĩa thế nào bốn chữ “dân gian đương đại” mà dăm năm trở lại đây, thường được gắn liền với Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn, Bài hát Việt… và… Lê Minh Sơn?
Như không ít thuật ngữ âm nhạc từng và đang có ở ta, tôi thấy sự phân chia khái niệm ở ta nhìn chung thường hơi mơ hồ, vội vàng, người này gọi hùa theo người kia mà có khi… chả hiểu gì. Dù đúng là, trên thực tế, không phải trong vòng dăm năm trở lại đây, mà từ trước đó khá lâu, đã hình thành khá đậm nét một mảng sáng tác dựa theo âm hưởng dân ca Việt Nam.
Có nhiều bài trong số đúng là có thể tạm gọi là phong cách dân gian đương đại. Những người đến sau vì vậy mà luôn có thể phải chịu áp lực từ thói quen ưa so sánh của công chúng.
Với dân gian đương đại chẳng hạn, luôn luôn anh có thể gặp phải lời thách thức: Anh “về quê” bằng được thế nào với Phó Đức Phương? Hay như với “ca” của tôi, thì từng bị kêu là giống Tây, sính ngoại, vì những thể loại mình lựa chọn có thời điểm là hơi bị lạ tai đối với công chúng Việt.
Có khi nếu tôi bảo: “Đây là pop!”, chỉ là pop thôi mà, có khi lại chả bị ai nói gì! Thế vậy cho nên, làm nghệ thuật ở ta, theo tôi, có lẽ tốt nhất là cứ im lặng mà làm, đừng dại mà đi… gọi tên khái niệm!
Mỹ Linh nói: Không nghe được Thanh Lam thời “hậu Quốc Trung”. Anh có vậy?
Không được nhiều, nhưng tôi cũng có nghe thử vài bài.
Anh có thích?
Tôi chả thích.
Vì nó không cùng “style” nhạc với anh sao?
Chả phải! Tôi vẫn mê rock như thường đấy thôi, hay kể cả cái cách Nguyên Lê khai thác dân gian, hay chứ, mình còn lâu mới làm được thế! Đây, chỉ đơn giản là mình thấy không hay, thì không vào tai, thế thôi!
Cũng có thể, vì Lam & Sơn ra đĩa sòn sòn, nên người nghe dễ bội thực?
Lại càng không phải! Chắc chắn không phải thế! Không phải vì nhiều mà chán. Mà chán là chán. Một cũng chán!
Chẳng phải hội đồng thẩm định Bài hát Việt từng tán thưởng “À í á” của Lê Minh Sơn đấy sao!
Nhưng lúc đấy tôi đâu đã ngồi ghế hội đồng thẩm định. Vả lại, một lá phiếu thì có là gì!
Quốc Trung từng nói: Tầm cỡ đến như Elton John hay Celine Dion và ở một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp như Mỹ mà 1- 2 năm người ta mới tính ra một CD, trong khi mình lại tính chuyện đẻ sòn sòn. Anh có thấy, một tần suất 5 năm 11 album & 7 live show là những ca đẻ quá dày, và số lượng – vì thế – luôn có nguy cơ đè bẹp chất lượng?
Tôi không nghĩ thế. Vấn đề là thị trường âm nhạc của ta còn quá bé. Các ca sĩ tầm cỡ thế giới họ có gan chờ được 2 năm, 5 năm thậm chí 10 năm mới ra đĩa tiếp một phần cũng bởi mỗi cái đĩa làm ra, họ bán được tới hàng triệu bản, không bị đĩa lậu cướp cơm và dễ dàng thu được tiền về.
Đây người làm đĩa ở mình suốt đời bị trói buộc trong một thị trường nhỏ hẹp, bị nạn đĩa lậu bóp chết từ trong trứng nước. Vì thế, càng là thị trường thiếu chuyên nghiệp, lại càng cần những người giỏi làm nhiều, để giúp thị trường ấy dần dần chuyên nghiệp lên.
Ai làm được gì thì cứ để yên cho họ làm, nhất là người giỏi. Làm ít hay nhiều không quan trọng mà quan trọng là chất lượng sản phẩm. Cũ hay mới cũng không quan trọng, chỉ cần hay.
Nhưng nếu thử định lượng, theo anh, một tần suất ra đĩa như thế nào là “hợp tình, hợp lý” ở ta?
Ô, tôi thực sự không nghĩ lại cần có một tỷ lệ trung bình ở đây!
Cả anh và Mỹ Linh đều không khoái Thanh Lam thời Lê Minh Sơn. Nhưng anh có thấy chính vì được “đảm bảo bằng vàng” là lời mời cộng tác từ diva số 1 mà cái tên Lê Minh Sơn đã lên như “diều gặp gió”?
Nói vậy, tôi e là không phải với Sơn. Bởi theo như tôi nhớ Sơn nổi là từ “Sao Mai điểm hẹn” trước đó cơ mà, lúc Tùng Dương, Ngọc Khuê mê đắm nhạc Lê Minh Sơn, chứ đâu phải từ lúc cộng tác với Thanh Lam. Còn chuyện một ai đó được tung hô, cũng có thể vì người ta có duyên với… báo chí chăng?
Không chỉ anh và Mỹ Linh, mà không ít người cũng bảo: thích Thanh Lam nhất ở “Mây trắng bay về”. Biết đâu, vì đó là thời điểm diva số 1 phong độ nhất mà không hề là “lỗi” của Lê Minh Sơn? Hãy tưởng tượng, “mây trắng” có thể “bay về” đâu, nếu như không đỗ xuống “bên bờ ao nhà mình”?
Có cần thiết phải quay ngược vấn đề như thế không? Đúng là tôi không thích nhạc của Sơn nhưng tôi nghĩ Sơn vẫn có những khán giả riêng của cậu ấy và cậu ấy luôn đủ sức đáp ứng được họ, thế là quý rồi, là cần thiết! Đâu có gì sai trái ở đây? Làm nghệ thuật ở Việt Nam đã đủ mệt rồi, nên theo tôi ai làm được cái gì, làm được đến đâu thì cứ để họ làm.
Nhất là người giỏi, người yêu nghề. Tất nhiên, nghệ sỹ, mỗi người một cá tính, chả dễ gì thừa nhận nhau. Nhưng nếu là vùi dập nhau một cách không đàng hoàng, thì tôi nghĩ, đó lại đã là sang một chuyện khác.
Thanh Lam gần đây “kêu chán”, và đó là thời điểm tròn 5 năm hợp tác cùng Lê Minh Sơn. Anh nghĩ hai chuyện đó có “link” với nhau không?
Cần gì phải “link”? Con người ta thi thoảng kêu chán là chuyện bình thường, lúc nào cũng hăng tiết như đang cưỡi trên lửa thì mới là lạ! Đến vô tư như đứa trẻ con, mà một ngày không may bị điểm kém, về nhà có khi còn không nuốt nổi bát cơm nữa là, còn chả buồn học bài! Hay như tôi, đàn ông đàn ang, mà cũng có lúc nản hết cả lòng. Nhưng làm cái nghề này, được cái, có chán mấy cũng đố anh dứt nổi! Đã trót dây vào thì chớ! Huống hồ, đó mới chỉ là cái chán thoảng qua!