Vậy là cuối cùng, “Nơi bình yên” – album thứ 11 làm cùng Lê Minh Sơn cũng được phát hành, sau khá nhiều lần lui hẹn. Vì sao chị lại quyết định lui hẹn, dù Lê Minh Sơn bảo: album đã xong từ lâu?
Đúng là “Nơi bình yên” đã được làm xong từ đầu năm nay và đã bị lùi thời điểm phát hành muộn mất nửa năm. Chuyện đó tôi cho là bình thường. Bởi lựa chọn thời điểm phát hành album là rất quan trọng. Chọn nhầm thời điểm, rất dễ khiến nó bị rơi tõm, mất hút.
“Rơi tõm, mất hút” – mối lo ấy cũng có thể có ở diva số 1 được sao?
Có thể lắm chứ, tại sao không, cho dù cái tên của mình có thể rất lớn…
Album được hứa sẽ ra vào dịp 8.3. Tháng 3: không thấy album. Tháng 5: Thay vào “Nơi bình yên”, bất ngờ là “Thanh Lam Aucostic”, cùng live show “Echo of Love” (Tiếng vọng tình yêu) làm cùng Lê Thanh Hải. Tháng 6: Chị lên báo “kêu chán”. Chị nói thế, làm thế mà không ngại Lê Minh Sơn – cộng sự “đường dài” với mình phật ý sao?
Thực ra, tôi không hề có “thâm ý” gì – như người ta có thể suy diễn – ở thời điểm buột miệng kêu chán ấy. Chỉ là một cảm giác được gọi tên thôi, sau những áp lực thương hiệu lắm khi rất nặng nề. Đã từng có những lúc sợ hát, thấy cô độc, chơi vơi khi đứng hát, thấy bơ vơ, hoang mang giữa một thế giới lẫn lộn các giá trị thật giả…Đến vĩ đại như vua nhạc pop Michael Jackson mà còn từng nói một câu nghe rất thương (tôi nhớ đại ý), rằng: Khi ông ấy hát, là ông ấy muốn chạy trốn tất cả và chỉ ước lúc nào cũng đang đứng trên sân khấu…
Dường như bi kịch của người nổi tiếng luôn là vậy: càng ồn ào càng cô độc, càng dễ bị co cứng và luôn khát thèm một đời sống bình thường. Với “Thanh Lam Aucostic”, rõ ràng tôi chỉ là một “lính đánh thuê” và vì vậy, việc cần làm của tôi là chiều lòng nhà sản xuất. Tất nhiên ở vào tầm của tôi thì sự chiều lòng ấy không thể nói là dễ dãi.
Nhưng đồng thời, với một đơn đặt hàng, lẽ dĩ nhiên tôi cũng không thể tùy nghi áp đặt quá nhiều cá tính sáng tạo, nhiều thể nghiệm của mình lên nó được, như với “Nơi bình yên” hay những album trước đấy làm cùng Lê Minh Sơn…Những điều đấy, tôi nghĩ là Sơn thừa hiểu để không có gì phải chạnh lòng.
Đúng là không chỉ Lê Minh Sơn mà cả Anh Quân cũng đều “bênh” chị: Làm nghệ thuật ở ta, đến đàn ông còn có lúc thấy mệt mỏi, nản lòng, nữa là đàn bà…Nhưng vấn đề “đàn bà” ở đây là diva số 1 – người dường như không được quyền kêu chán?
Tại sao diva lại không được quyền kêu chán, nếu không muốn nói là càng được quyền? Áp lực thương hiệu từ đâu nếu không phải là nằm ở đó? Không thể vì tôi là diva, là “ngựa hay”, thì tôi phải suốt đời phi nước đại, giữa một thị trường tương đối dễ dãi, đến mức đôi khi không biết phi như bay là để…về đâu?
Ai bảo một con ngựa hay là không bao giờ được phi nước kiệu? Khác chăng cái chán ấy của họ, cái cách “phi nước kiệu” ấy ở họ là cái chán của một người có lòng tự trọng, chứ không phải là cái chán của một kẻ lười biếng.
Cảm giác chán đấy thực ra không hẳn quá nặng nề, đứng sau nó không hẳn là một dấu ba chấm dài lê thê mà có thể chỉ là một dấu chấm. Kêu chán hôm nay để có thể ngay hôm sau mình hết chán, để cái chán ấy chẳng qua chỉ là cơn gió thoảng…
Chị có nghĩ, lúc này mình buộc phải “phi nước kiệu”, cũng vì đã trót cùng Lê Minh Sơn “phi nước đại”, vắt kiệt mình: 5 năm – 11 album & 7 live show? Cái lúc phi như bay ấy, chị nghĩ chị và Lê Minh Sơn đang bay về đâu?
Chúng tôi bay về đâu thì … như các bạn đã thấy. Những nỗ lực, những cống hiến, không chỉ chất xám, công sức mà còn cả về tài chính. Tôi tự hào vì chúng tôi đã dám cháy hết mình như thế!
Hãy nhớ lại điểm xuất phát của hành trình tiếp lửa ấy. Có phải chị là người đã gọi điện mời Lê Minh Sơn cộng tác?
Đúng. Vì lúc đó, tôi thấy quý một người trẻ có tài, đầy lửa và đồng cảm với tôi về xu hướng âm nhạc! Chất xúc tác thật cần thiết cho tôi lúc đó!
Lửa được rót thêm dầu! Và sau đó, vì vậy là một cơn mưa live show, album. Trong đó, có cả album mà nói như Lê Minh Sơn là “được…cả nước chửi” (vì “tội” phá cách nhạc Trịnh). Vậy nếu cho làm lại, chị có…bấm điện thoại?
Vẫn! Không chỉ vì tôi luôn là người dám làm dám chịu. Mà quan trọng hơn, cho dù có chuyện gì xảy ra, trong ấn tượng của tôi, Lê Minh Sơn vẫn luôn là một con người giàu năng lượng – một phẩm chất tối cần ở người nghệ sĩ để giúp họ (cũng như cộng sự của họ) đi được đường dài.
Được mất song hành. Đã bao giờ chị thử làm một phép tính về sự “được – mất” trong 5 năm ấy?
Trong mọi chuyện, thường thì tôi không có thói quen cầm máy tính. Trừ khi là để trả lời câu hỏi này. Được? Được, là được cháy, được đi đến tận cùng mình, là những thành quả lao động đã được công chúng ghi nhận. Còn mất? Nếu “được” là thế thì làm sao còn có thể kêu “mất” được! Có chăng là cái bấc cháy mãi thì cũng có lúc phải cạn dầu, cạn nhiên liệu và cần có thêm thời gian để nạp nhiên liệu và cháy lại.
Cạn nhiệt huyết, đam mê thì còn dễ nạp, nhưng cạn duyên thì mệt đấy! – Chị có nghĩ thế? Có oan không, nếu ngờ rằng “Nơi bình yên” ra đời vào lúc đã diễn ra một sự không “bình yên” nào đó giữa Thanh Lam và “cộng sự ruột” Lê Minh Sơn? Và vì vậy, đây có thể là album cuối cùng đánh dấu sự hợp tác giữa hai người, là “xuống ngựa”, sau khi đã “phi nước đại” và “nước kiệu”?
Cuối cùng? Cũng có thể lắm – ai dám loại trừ? Bởi cuộc sống đâu có gì là mãi mãi, ngay cả những thứ tưởng như keo sơn nhất, như quan hệ vợ chồng, bè bạn… Quan trọng là cái dấu chấm xuống dòng ấy nó không lấy mất đi của hai người sự trân trọng lẫn nhau là được! Khó, nhưng tôi thì tôi luôn cố gắng nhìn mọi sự bình thường cho đời sống của mình được nhẹ nhàng.
Nhìn Đức Trí và Hồ Ngọc Hà vẫn tiếp tục “đỏ đèn”, kể cả khi đã “cạn duyên”, chị có thấy phục họ?
Đấy chính là chuyên nghiệp! Một hành xử văn minh giữa những người làm nghề chuyên nghiệp. Trong cuộc sống, tôi nghĩ, hạnh phúc nhất là tìm thấy được cái mình cần, để từ đó, phát huy sự cộng hưởng. Cái mình cần quan trọng lắm chứ! Bởi có khi, người ta không thể chung sống cả đời với người mình yêu, nhưng lại có thể sống cả đời với người mình cần, dù chưa chắc tình yêu đã còn nguyên vẹn…
Chị có nhớ đã từng nói: Sau khi chia tay Quốc Trung, cũng có lúc chị muốn duy trì sự cộng tác, nhưng cánh cửa đã khép. Chị có nghĩ, đó là do dân Bắc Kỳ, nhất là giới nghệ, thường hay giữ kẽ với nhau hơn, so với “người đàng trong”?
Cũng có thể! Vì đúng là người miền Bắc hơi giữ kẽ với nhau hơn thật! Hay cũng có thể gọi đó chính là “bệnh sĩ”…Nhưng về phần tôi, thì tôi vẫn luôn muốn cố gắng bình thường. Tôi biết anh Trung bận nhiều việc, nhưng vẫn hy vọng sẽ có lúc anh rảnh hơn và cùng tôi làm một album dành riêng cho các con.
Nhưng khi sự “bình yên” không đủ để song hành, liệu chị có đủ can đảm “xuống ngựa”?
Sống, thì nên tuân theo chữ “thuận”. Cái gì đến cứ để nó đến, đi phải để nó đi. Ép nhau làm gì cho mệt! Mà cũng đâu ép được! Nếu cần Sơn giúp cho mình album tiếp theo, tôi sẽ nhờ Sơn. Còn nếu như Sơn muốn chọn một con đường khác, một cộng sự khác, tôi cũng vẫn hoàn toàn tôn trọng lựa chọn đó.
Gần đây, chị có vẻ hay nói tới chữ “chiều” nhỉ? Làm “lính đánh thuê” trong “Thanh Lam Aucostic” là “chiều lòng nhà sản xuất”, hát tiết chế hơn trong “Nơi bình yên” là “chiều lòng khán giả”…Điều đó có sau chặng đường 5 năm cùng Lê Minh Sơn. Chị mệt mỏi, hoang mang hay đơn giản, chỉ là thời gian dễ làm đàn bà thay đổi tâm tính?
Nếu là trong tâm niệm, thì tôi luôn nghĩ: Làm nghệ thuật phải có sự cực đoan. Cái cực đoan của anh văn minh sẽ tạo nên thương hiệu. Nghệ sỹ, ai chẳng muốn được bay bổng, được đốt cháy mình! Không ít người bảo, tôi có kiểu hát “chơi trội”, “phô trương kỹ thuật”.
Kỳ thực, khi hát, tôi luôn đốt mình một cách vô thức, đến mức hầu như không còn quan tâm gì đến kỹ thuật, mà chỉ mải miết lần tìm, đuổi bắt những luồng xúc cảm mãnh liệt của mình. Chỉ đến khi sực tỉnh, tôi mới nhận ra: Dường như “cường độ âm” ấy, sức công phá dữ dội ấy là không được phù hợp cho lắm với thẩm mỹ nghe của người Việt mình, là hơi khó nghe chăng…
Người ta không thể suốt đời chỉ đi làm những điều mình thích, không thể chỉ chiều mình. Một người làm nghề chuyên nghiệp phải chăng lại càng nên cố gắng làm được điều ấy: cân bằng được sở thích của mình và thị hiếu của người nghe?!
Trong mẻ nung mình hơi quá lửa ấy, đã bao giờ chị coi Lê Minh Sơn là người …dập lửa?
Dập làm sao được khi cả hai đều cùng chất liệu, cùng nhiệt lượng? Phải như hoặc tôi, hoặc Sơn bớt đi được dù chỉ một chút lửa, biết đâu sẽ có được nhiều mẻ gốm vừa độ hơn chăng? Phải như một khi người hát đã dễ “lên đồng”, mà người biên tập có được chút “máu lạnh” để phanh lại, tiết chế bớt thì biết đâu, đã có được những bản phối khí mềm mại hơn và người hát, theo đó, cũng mềm mại hơn…
Thì “Nơi bình yên” chính là đã “mềm mại” đấy! Nhưng có khi nếu là chỉ cần “mềm”, chắc gì đã cần phải cậy đến Thanh Lam – Lê Minh Sơn! Có những căn chỉnh là cần thiết, nhưng cũng có những thay đổi là mất mát và rơi rớt. Thẳng thắn mà nói, so với những giai điệu và ca từ “nét như Sony”: “Ánh mắt như dao cau liếc vào mỏm đá, mài tuổi thơ tôi sắc ngọt…” 5 năm về trước của tác giả “Ôi quê tôi”, chị có thấy ca khúc Lê Minh Sơn đã ít nhiều mất đi những vẻ đẹp lấp lánh của ngôn từ, ít nhiều sa vào “văn nói”?
Đúng là cũng đã lác đác có những bài, những đoạn, khiến tôi không thấy ưng ý cho lắm….Làm nghệ thuật khó thế đấy: khi nó đến từ bản năng và những cảm xúc nguyên sơ, thì nó thường mang một vẻ đẹp rất dung dị, hồn hậu. Nhưng khi ta giỏi nghề hơn, thạo việc hơn, thì có lúc ta lại như bị lạc khỏi nó. Cần thêm thời gian để đằm lại và tìm lại chăng? Tôi chắc thế!
Đã bao giờ chị góp ý?
Nói được Sơn nghe đâu dễ!
Ai bảo chị nói: “Làm nghệ thuật cần có sự cực đoan”!
Không phủ nhận, nghệ sỹ cần cực đoan. Nhưng cũng có lúc cần phải biết tin tưởng những người xung quanh mình, nhất là khi họ lại còn là những người giỏi…
Có phải chị từng có lúc bảo Sơn hãy cho chị những bài dễ nghe hơn không? Sao dạo này khán giả được chị chiều thế?
Đúng! Vì vị trí thì với tôi đã quá đủ rồi, giờ là lúc cần thâm nhập sâu vào công chúng. Trong khi lối viết, ca từ của Sơn lại đặc thù cho nông thôn Bắc Bộ quá, ẩn dụ quá, nói bóng nói gió quá, đại loại kiểu như “ánh mắt như dao cau liếc vào mỏm đá”, khán giả miền Bắc nghe thì khoái, nhưng khán giả miền Nam thoạt nghe khó vào vì không quen… Thì cũng chỉ là vì muốn có một sự cân bằng thôi! Cân bằng quan trọng chứ?!