Kẻ ăn bám xảo quyệt

Đẹp số trước kể về loại ký sinh trùng đông hàng tỷ con mang tên “vi khuẩn” coi thân thể chúng ta là Thiên đường của chúng để “phè phỡn”. Đã hết đâu! Còn vài chục loại ký sinh trùng khác độc ác hơn, gian giảo hơn và quỷ quyệt hơn, biết cách chỉ huy, điều khiển hành vi, làm thay đổi tính cách của con người khi gặp dịp, thậm chí có thể tiễn chúng ta sang… thế giới bên kia.

Ngoài những vi khuẩn – loài ký sinh trùng chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi – tấm thân ngàn vàng của bạn còn là miếng mồi ngon cho những kẻ ăn bám khác, luôn luôn chờ đợi thời cơ để biến bạn thành kẻ cung phụng tận tụy cho chúng.

Nếu như vi khuẩn nhiều khi còn có ích, thì những loài ký sinh trùng này hầu như chẳng có “chủng tộc” nào có thể coi là “bạn” của con người.

Đó là những loài côn trùng, nhuyễn thể, ve bét, bọ mạt, giun sán, chấy rận… lợi dụng sự mất vệ sinh của chúng ta hoặc bằng mưu mẹo của chúng mà đột nhập vào con người.

Vào được cơ thể rồi, chúng không chỉ khéo léo thích nghi để tạo cho mình một cuộc sống vương giả bằng cách bóc lột chủ nhân một cách không thương tiếc mà còn dở thói ma lanh để sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống tiếp tục lan truyền.

Trước khi kể tội bọn ký sinh trùng làm hại người ra sao, xin vào đề bằng một câu chuyện để bạn khỏi ngạc nhiên về sự tinh quái của chúng.

Ghê gớm thay, bọn ăn bám!

TS. Federic Thomas – Trung Tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp – về nghỉ tại ngôi biệt thự ven rừng. Ông lấy làm lạ thấy những con dế cứ loạng choạng lao xuống bể bơi của ông mà… tự tử. Ông đặt máy quay phim theo dõi và tìm hiểu câu chuyện suốt hai mùa hè.

Ông phát hiện ra một hiện tượng ly kỳ như một vụ án hình sự: Những chú dế đáng thương kia không hề chán sống. Chẳng qua dế chỉ là nạn nhân của một loại sán ký sinh tên khoa học là Polymorphus paradoxus làm tổ trong tế bào thần kinh của dế mà thôi.

Bọn ăn bám này chẳng những sống sung sướng trên thân xác dế, biến dế thành nô lệ, chỉ biết mải miết ăn không ngưng nghỉ để lấy chất bổ nuôi bọn khách không mời hỗn hào, mà khi cần còn phải hy sinh tính mạng cho chúng.

Đến mùa sinh đẻ, cần môi trường nước làm “nhà hộ sinh”, chúng tiết ra những hoá chất điều khiển hành vi của dế làm dế không hề sợ hãi trước cái chết, đua nhau bay đi tìm nguồn nước lao xuống để kết liễu đời mình.

Thomas phát hiện tới 8 loại côn trùng có cánh khác bị loài sán Polymorphus paradosus chọn làm “vật chủ” rồi biến “chủ” thành “đầy tớ” và thực hiện những âm mưu tương tự.

Một chuyên gia ký sinh trùng khác là Carl Zimmer, người Mỹ đã kể ra vô số mánh lới mà bọn ăn bám từng áp dụng sau khi chiếm lĩnh được loài vật nào đó để đè đầu cưỡi cổ.

Tên “ăn bám” này “hoạn” chủ nhà thành gã độc thân để trung thành với hắn, tên “ở đậu” kia chiếm hữu mọi giác quan của chủ làm của riêng của mình. Rất nhiều ký sinh trùng đã điều khiển cách ứng xử của các chủ nhân đa dạng là côn trùng, cá, động vật có vú và cả “chúa tể của muôn loài” – con người.

Trong chu trình sống, ký sinh trùng phải phát triển qua nhiều giai đoạn: trứng, ấu trùng, trưởng thành và sinh đẻ. Mỗi giai đoạn trong vòng đời ấy chúng cần một môi trường riêng ở một vật chủ nào đó.

Từ lâu người ta đã phát hiện sự khôn ngoan của con ruồi trâu thường gặp, lợi dụng trâu ấp trứng cho mình: đẻ trứng trên da trâu ở vị trí nào mà mõm trâu có thể với đến, rồi chích một mũi đau nhói.

Trâu ngứa, lấy lưỡi liếm, mang theo trứng ruồi vào bụng. Gặp nhiệt độ thích hợp, trứng chín dần và khi trâu bài tiết, vừa đủ thời gian trứng nở thành ấu trùng. Sẵn thức ăn, ấu trùng lớn dần và vài ngày sau, mọc cánh, bay vù lên, bắt đầu cuốc sống mới.

Ký sinh trùng còn quỷ quyệt gấp bội. Chẳng hạn một loại sán lá gan có thói quen sống tuổi ấu thơ trong cơ thể ốc sên, tuổi thanh niên trong con kiến và thời giao phối trong con cừu. Mỗi lần “chuyển nhà”, chúng lại áp dụng một mẹo riêng.

Sống trong kiến, chúng chiếm hệ thần kinh trung ương của kiến, bắt kiến leo lên bám vào đầu những ngọn cỏ non, nằm yên đấy chờ cừu tới, để cừu gặm cả cỏ lẫn con kiến bụng chứa ký sinh trùng…

Lại thế này nữa chứ: một loại sán sống trong cá gai, vừa đẻ trứng muốn chuyển chỗ ở từ ruột cá sang bộ lòng của chim ăn thịt. Chúng bèn “phát minh” ra cách nhuộm cá gai thành màu da cam hoặc trắng bạc để chim có thể nhận ra từ xa, rồi ăn sạch những gì có trong bụng cá gai.

Phát điên lên vì đói, cá gai lao đi tìm thức ăn, kể cả rạch lên cạn bất chấp nguy hiểm, tự tìm đến cái chết và trở thành mồi ngon cho chim. Sán ta đã toại nguyện.
Các nhà khảo cổ còn đào được hóa thạch một bác khủng long nặng trên 4 tấn, có dấu vết bị ký sinh trùng xơi tái.

Ký sinh trùng là thế. Quen thói phàm ăn và đầy mưu mẹo, chúng luôn tìm cách đến với con người.

Tên “ở đậu” nham hiểm

Con người, dù có tiếng là thông minh, cũng không ngăn chặn được những kẻ xâm nhập nham hiểm này. Theo thống kê, có cả nghìn loại ký sinh trùng “thích” sống trong cơ thể người những thông thường chỉ khoảng 30 loài có mặt.

Có kẻ ăn bám loại bự, như sán dây dài cả mét, thân vài nghìn đốt nhưng không thấy được bằng mắt thường. Chúng có thể sống ở nhiều nơi trong cơ thể, bị “truy đuổi” chỗ nọ lẩn sang chỗ kia như giun chỉ, từ ruột vào máu, vào cơ.

Người ta thường quy kết chính sự mất vệ sinh đã mở một cánh cửa cho ký sinh trùng lọt vào. Vậy mà ở môt nước được coi là “văn minh hàng đầu” là Mỹ vẫn có đến 85% dân số (nhiều nhà khoa học Mỹ còn đưa ra con số 95%) bị ký sinh trùng “nằm vùng” trong cơ thể.

Cho nên chẳng ai nghi ngờ các kết luận gây sốc trong một điều tra của Viện Côn trùng và Ký sinh trùng Việt Nam: trên 60 triệu người Việt chứa chấp giun đũa, 40 triệu người – giun tóc, 20 triệu người – giun móc (tất nhiên có những người có vài loại sống đồng thời), vài triệu người bị sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, hàng triệu người mang trong mình ký sinh trùng sốt rét.

Ký sinh trùng phá phách gì?

Tìm được chỗ nhập cư rồi, ký sinh trùng biết cách tự thích nghi với điều kiện sống và biết giấu mình đến mức chủ nhân không hề cảm thấy chút gì khác lạ. Chúng bắt đầu ăn uống, sinh đẻ và bài tiết như bất cứ sinh vật nào, và cả ba hoạt động sống ấy đều gây hại cho chủ nhân là con người.

Chúng ăn kiêu kỳ lắm nhé. Sán lá chẳng hạn, chúng bám vào thành ruột, hút trực tiếp từ tế bào những chất bổ đã được bộ máy tiêu hóa “luyện” rất công phu để nuôi cơ thể chúng ta.

Kẻ sống nhờ thì béo tốt, chủ nhân thì gầy còm, kiệt quệ, xanh xao, suy dinh dưỡng, lúc nào cũng đói, cũng thèm ăn dù bụng đã căng phồng. Đã thế cuộc đời chúng lại quá dài, 10, 20, thậm chí đến 30 năm.

Ký sinh trùng không nhìn thấy được như amip và loài nguyên sinh protozoa lại thích chén lớp canxi phủ trên xương, gây viêm khớp, thích “gặm” vỏ protein của sợi thần kinh, làm tế bào não bị hủy hoại.

Ăn rồi… đẻ và đẻ. Một mụ sán là cứ đều đều mỗi ngày sòn sòn 1 triệu trứng để phát tán giống nòi. Nếu nở ra trong ruột, sán con theo gương bố mẹ, bám chặt ruột non hút chất bổ dưỡng mà trưởng thành.

Chất bài tiết của chúng là những chất độc đối với chủ nhân và cơ thể họ luôn luôn phải thực hiện quá trình khử độc, hệ miễn dịch bị suy yếu nên dễ bị mắc các loại bệnh tật, thêm nữa, các vị chủ nhân bất hạnh cứ chìm ngập trong trạng thái lừ khừ mà y học gọi là “hội chứng mệt mỏi mãn tính”.

Giun với họ hàng đông đúc (giun móc, giun tròn, giun kim, giun đũa…) gây hại không kém gì sán, đôi khi chúng chọc ngoáy ống mật làm chủ nhân điêu đứng vì những cơn đau khủng khiếp và có thể tử vong.

Giun móc đục thành ruột gây xuất huyết, hoại thư. Giun chỉ cuộn từng bó trên tĩnh mạch gây bệnh chân voi làm con người trở nên dị dạng, sán dây lợn gây những tổn thương ở não, động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực nội sọ và tử vong do tụt não.

Ký sinh trùng sốt rét có trong cơ thể hàng trăm triệu người và mỗi năm “được” bổ sung thêm vài chục triệu nữa. Người ta thống kê, cứ 30 giây lại một trẻ em châu Phi chết vì ký sinh trùng sốt rét.

Có thể kể một thí dụ về mánh khoé sinh tồn của loài ký sinh trùng qua loài giun quen thuộc vùng nhiệt đới có tên khoa học là Dracunculus medinensis thường gặp ở Bắc Phi. Chúng có thói quen tìm cua làm nơi sinh sống cho lũ con mới nở.

Thế là chúng đồng tâm hiệp mở một chiến dịch tấn công hệ miễn nhiễn của “chủ nhà”, làm chân cẳng của các vị nổi lên đầy mụn nhọt rất đau đớn. Bằng kinh nghiệm, các vị ngâm chân xuống nước để làm dịu nỗi đau. OK, đạt mục đích rồi! Hàng nghìn hàng vạn con giun con sẽ từ các vết mụn bơi ra nước để tìm miến đất hứa là những con cua sống dưới sông.

Phát hiện mới về một tên biệt kích

Các nhà ký sinh trùng học cho biết, một nửa nhân loại là nơi định cư của vị khách không mời nham hiểm, có thể tác động đến cả cá tính của con người có tên khoa học là Toxoplasma gondii.

Loài ký sinh này vốn xuất xứ từ cơ thể mèo (“chủ nhân” chính) và chuột (“chủ nhân” tạm thời mà có thể tạo hóa cho mèo dùng chúng để diệt chuột cũng nên).

Khi bị nhiễm Toxoplasma gondii, những chú chuột quên béng mèo là kẻ thù truyền kiếp của mình mà ngược lại ở chúng lại xuất hiện một hành vi nguy hiểm là “mê mẩn mèo”. Hành vi ấy đã đưa ký sinh trùng trở lại quê hương là ruột mèo.

Khi con người vuốt ve, âu yếm nựng mèo, thì cái con ký sinh trùng Toxo ấy tranh thủ cơ hội, bám vào cơ thể người và chọn não làm chốn định cư. Não là nguồn gốc của ý thức.

Liệu chúng có làm người thay đổi quan niệm sống không? Đó là đề tài nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Czech, Trường ĐH Karel (Praha) do Jaroslav Flegr đứng đầu. Họ chọn 170 nam, 224 nữ (đa số là sinh viên) và chia thành 2 nhóm: nhóm 1 có ký sinh trùng nói trên trong não và nhóm 2 thì không. Tất cả phải thành khẩn trả lời những câu hỏi liên quan tới… đạo đức.

Kết quả khiến những nhà xã hội học phải giật mình. Hai nhóm có tính cách khác hẳn nhau. Nam giới thuộc nhóm 1 (chiếm 27%) không chấp nhận những tiêu chuẩn đạo dức thông thường và có khuynh hướng “nổi loạn”. Nữ giới nhóm 1 (23,5%) thể hiện lối sống buông thả, tự do quá trớn. Và nhóm 2, tất cả có quan điểm giống với những quan niệm xưa nay người ta thường quy ước bất thành văn.

Sự khác nhau về quan niệm xã hội phải chăng do tác động của ký sinh trùng vào vùng tư duy nào đó của não? Câu hỏi chưa được trả lời dứt khoát nhưng người ta đều thống nhất nhận định “Ký sinh trùng Toxoplasma gondii có thể là một vấn đề quan trọng của y khoa”.


Ký sinh trùng làm thế nào để lọt vào cơ thể?

Có trường hợp rất trực tiếp. Trong chuyến du lịch Nam Mỹ, một cô gái bị chú nhặng xanh đốt vào đầu. Cô không biết rằng mình đã mang về một món quà lưu niệm khủng khiếp cho đến khi trên đầu cô nổi lên một cục u nhỏ, rất đau và lại… nhúc nhích.

Các bác sĩ lấy ra một con sâu (ấu trùng của nhặng) màu trắng bé xíu. Một trưa hè, nhảy xuống vùng vẫy dưới ao, mấy ngày sau cậu bé cứ chảy máu cam hoài. Cô y tá gắp ra một con đỉa sống trong khoang mũi, hút máu đến no kềnh. Nó còn tiết ra một cất gây tê để cậu bé không cảm thấy, nhằm ẩn náu lâu dài, lại “quên” kèm thao chất làm máu không đông…

Nhưng đáng trách nhất là trường hợp tự “rước kẻ ăn bám vào nhà” qua những thói quen ăn uống mất vệ sinh với những món tiết canh, rau sống, gỏi cá, bò tái, nem chua, tôm Tứ Xuyên… dù có sát trùng đến mấy cũng vẫn lúc nhúc những trứng và ấu trùng (nhiều khi không nhìn thấy được) của ký sinh trùng. Người miền núi thích ăn cua suối chỉ nướng qua cho “ngọt” thịt nên số nhiễm sán là phổi khá nhiều.

Đấy là chưa kể đến những mánh khoé đột nhập của một vài loại ký sinh trùng quỷ quyệt: giun gậy khi đang ngụ cư trong tuyến nước bọt của muỗi nhưng muốn chuyển chỗ ở sang người.

Chúng bèn dùng thủ đoạn chặn ruột muỗi lại khiến nó trở nên khát máu, hung hăng tìm người để đốt và bằng cách đó ký sinh trùng ào ạt chui qua vết chích để vào máu người. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng nhiều khi chúng ta bị hắt hơi, bị ho vô cớ cũng nằm trong âm mưu phát tán của ký sinh trùng.

Làm sao biết mình đã trở thành “nô lệ” của ký sinh trùng?

Ký sinh trùng liên quan tới biết bao nhiêu bệnh. Các nhà y học đã thống kê khá nhiều triệu chứng cho thấy một kẻ ăn bám nào đó đã biến bạn thành nô lệ của hắn rồi. Những triệu chứng đó là:
– Ngứa tai, ngứa mũi, ngứa hậu môn
– Hay quên
– Phản xạ chậm
– Suy nghĩ không rõ ràng
– Ăn mất ngon
– Mặt xanh xao, vàng vọt
– Tim đập nhanh, đôi khi đau nhói
– Đau nơi cổ, lưng, đùi và vai
– Ăn nhiều những không thấy no
– Tê tay, chân
– Chảy nước rãi khi ngủ
– Nghiến răng khi ngủ
– Môi ướt ban đêm, khô ban ngày
– Thấy nóng rát trong dạ dày


Thế nhưng thoát khỏi cú lừa của ký sinh trùng là khó đấy. Chỉ có thể hạn chế bằng cách giữ vệ sinh cá nhân mà thôi!

Bài: Bảo Châu


From the same category