“Tôi không phải là cái WC công cộng”

Sở hữu đôi mắt vàng, đôi bàn tay phù thủy, luôn là cái tên được xướng lên trong các show diễn lớn, đồng thời cũng là cái tên mà nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu săn đón và muốn độc quyền nhất. Cứ tưởng đó sẽ là một người giàu có…

Nổi tiếng với những đặc điểm khó thương như “đanh đá cá cầy”, “ngôi sao chảnh chọe”, “nội soi từng milimét”. Cứ tưởng đó sẽ là một người ghê gớm…

Xin được “chảnh”!

Đầu tiên xin hỏi, anh có biết rất nhiều người… ghét anh không?

Tôi không quan tâm, nếu đó không phải người thân, bạn bè của tôi.

Vì anh không quan tâm, nên người ta lại càng ghét cay ghét đắng anh?

Tôi không quan tâm nên có ghét thế chứ ghét nữa cũng vậy thôi. Vấn đề là người ta ghét tôi vì cái gì? Tính tôi lơ đễnh, ra đường hay lơ ngơ, chứ tôi không chảnh chọe, không giành miếng cơm manh áo, không cướp vợ giật chồng của ai. Hay người ta ghét vì tôi thành công hơn, xung quanh tôi có nhiều người đẹp hơn? Nếu thế thì quá tầm thường để phải quan tâm! Không từ trên trời rơi xuống, miếng cơm manh áo không được bố thí hàng ngày.

Những gì có ngày hôm nay đều rất khó khăn, nên tôi quý cuộc sống của mình, và trân trọng những gì mình có. Tôi sẽ chẳng cần nhà lầu xe hơi, nếu phải vào vai cô hoa hậu thân thiện, đi đâu cũng tươi cười, giả lả. Nhiều lúc, nếu được phép, tôi sẵn sàng chửi thẳng vào mặt những cái thùng rỗng kêu to.

Có thể lí giải những yếu tố khiến nhiều người không thích anh như thế này: Thứ nhất, anh chảnh. Thứ hai, anh đanh đá. Thứ ba, anh hay hứa lèo?

Tại sao nói tôi hứa lèo? Lèo là thất hứa, là nhận mà không làm. Tôi chưa phạm phải điều đó. Có thể tôi hơi chậm trễ một chút. Vì với tôi, chất lượng là cái cuối cùng.

Còn sự kén chọn của tôi bị coi là chảnh? Vậy thì tôi xin được làm người chảnh, vì tôi không phải WC công cộng để nhét cái gì vào cũng nghiền! Trong ứng xử, những người có bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, đôi khi chỉ là người học nhiều, chứ chưa chắc đã là người có học bằng người chỉ học hết lớp 12.

Xem ra, anh cũng là người rất “có học” trong cách đối đáp chanh chua, mà người ta hay gọi là đanh đá?

(Cười) Khoản này tôi được thừa hưởng từ… bà nội – thần tượng của tôi trong cách đối đáp! Ông nội đi chống Pháp, một thân bà tôi cắp 5 đứa con bôn ba khắp các miền, trong khi bà xuất thân là con gái nhà giàu. Cái gì bà tôi cũng biết, trong đó có cả biết… chửi. Nhưng không bao giờ bà chửi tục, mà chửi rất văn học.

Ví như tôi về nhà càu nhàu, bà sẽ nói: “Này, có bao giờ nghe câu “Đất rắn trồng cây khẳng khiu – Những người thô tục nói lời phàm phu” chưa? Mà cây khẳng khiu thì chỉ để làm củi nhé!”. Hay gần nhà có người hàng xóm gốc Huế rất đanh đá, bà ấy chửi một hồi. Bà tôi bình thản lấy ghế ngồi chải tóc vấn trần.

Lúc sau hỏi: “Cô Cúc mệt chưa?”, cô Cúc lại rồ lên chửi. Bà tôi tiếp tục cầm quạt phe phẩy. Đến khi hàng xóm im, bà tôi lại nói: “Mệt rồi đúng không, bà vào bà lấy cho ly nước chè uống ngọt giọng chửi tiếp bà nghe!”. Họ lại rồ lên chửi, thì bà tôi “chốt”: “Người ta đã nói rồi, đồng chua nước mặn, gạo trắng nước trong, không sánh được với người Tràng An đâu, đừng chửi càng “lòi”!

Anh đã làm gì để không hổ danh bà anh?

Tôi rất hâm mộ cách chửi có bài, không thô tục mà vẫn đủ sức “gây thương tổn” ấy của bà tôi. Nói đi nói lại, người Hà Nội chửi có bài có bản, ra văn ra vẻ, chứ không chửi theo kiểu “tổ sư bố đứa nào ăn cắp gà nhà bà” như dân tứ chiếng. Mà tôi là Bắc kỳ chính gốc, mặt vuông răng vẩu.

Tôi tự hào không nói bậy, nhưng có thể chửi một người ba năm sau vẫn còn đau! Tuy nhiên, tôi mất thanh lịch hơn bà nội nhiều. Bà tôi rất thanh lịch. Ăn cơm bà thay áo cánh, chứ không mặc áo ba lỗ. Mỗi lần đi họp, tóc bà vấn trần, mặc áo cánh, tay cầm quạt, và luôn đi guốc có quai hậu. Hai anh em tôi cũng một tay bà dạy.

Các con của bà sống bôn ba khổ cực, nhưng đến lúc nhìn lại thấy mọi người đều có những thành quả nhất định. Tôi cũng tự hào vì đã làm được điều gì đó cho bà thấy trước khi bà mất.

Từng khóc như điên ở ngã ba đường

Với “đôi mắt vàng” của mình, anh không phải ngôi sao, mà là… sao của các ngôi sao. Đây lại đang là thời của anh. Cứ nghĩ anh phải có nhà cao cửa rộng, xe đưa ngựa rước. Nhưng thực tế là đối diện trước bài toán mua căn hộ, anh phải hì hục “cộng so”, mà vẫn chưa đủ. Tại sao vậy?

Mọi người cứ nhìn vào vị trí của tôi, nghĩ tôi kiếm được rất nhiều tiền, nhưng hãy hiểu thế này: mỗi buổi sáng tôi không nhận quá 3 cô dâu, và mỗi buổi chiều không nhận quá 5 cô dâu. Bản thân tôi không muốn bán tên mình cho một chất lượng không tốt, mặc dù một khóa đứng lớp tôi đã có 30% số tiền đặt cọc đang phải xoay xở.

Năng lực thực, thương hiệu thực, nhưng tiền thì… không thực. Vì anh sĩ diện hay tiêu xài bạt mạng?

Nhiều hiệp sĩ chết chỉ vì sự phong tước. Tôi không sĩ diện, mà chỉ làm đúng với mình thôi. Tuy nhiên, tôi chấp nhận nghèo hơn những người khác, nhưng có đẳng cấp hơn những người khác!

Anh không có nhiều tiền, còn vì anh vừa trải qua một sự cố lớn, mà trong đó anh là người bị lừa?

Nói lừa cũng không phải, chỉ là do mình dại. Nhưng thôi, đó là chuyện đã qua.

Một người đanh đá như anh, tại sao lại chấp nhận một cách… ngoan ngoãn như vậy?

Mất vẫn còn làm lại được. Mọi người cứ áp tôi đanh đá, chảnh chọe, trong khi tôi không có khái niệm này trong đầu. Cuộc sống của tôi là được lựa chọn. Hay vì tôi lựa chọn nhiều nên người ta nói tôi chảnh?

Anh cố tình né tránh câu chuyện tôi đang đề cập?

Vì đó là câu chuyện rất buồn, và không cần thiết phải nhắc lại.

Và còn vì anh vẫn còn đau?

Chắc chắn là vậy! Nếu chuyện đó không xảy ra thì bây giờ tôi đã thành ai rồi, chứ đâu phải đi chạy vạy từng đồng, để bị chị “lôi” lên báo như thế này! Sau chuyện đó, nói thật là tôi mất thăng bằng trong hơn hai năm. Hơn hai năm tôi đã làm những chuyện không giống ai.

Ví dụ?

“One night stand” (chuyện tình một đêm). Có bao nhiêu tiền đổ hết vào bar, vào rượu. Đi ăn nhậu và gào khóc ngoài đường…

Ai là người đứng bên cạnh nâng đỡ anh?

Rất nhiều người bên cạnh, trong đó có hai người phụ nữ làm điểm tựa. Chiều tôi khóc với một người, đêm khóc với một người. Cũng kì lạ lắm, đi bên cạnh tôi luôn là phụ nữ. Bà nội là người nuôi dạy tôi. Người làm tôi ngoan ngoãn, không ăn chơi là mẹ.

Người làm tôi có thăng bằng, nghĩ về gia đình ấm cúng, vui vẻ nhiều hơn là em dâu. Người giáo viên dạy tôi nhiều nhất, và cho tôi biết mình thông minh là cô Mai, người vét túi cho tôi 500 ngàn là một học trò nữ…

Nhắc đến nhiều người phụ nữ, nhưng sao không thấy anh nhắc đến người yêu?

Bây giờ lớn tuổi, tôi không còn mơ ước về tình yêu đẹp như ngày xưa. Tôi chỉ mong khi đi ngủ, đó là người bên cạnh mình. Khi mở mắt dậy, đó là người đầu tiên mình nhìn thấy. Với tôi như vậy là đủ rồi.

Còn nhớ, lúc rơi vào trạng thái tệ nhất, một người bạn nhìn thẳng vào mặt tôi và nói: Mọi năm tớ nghĩ nhiều lời chúc cho bạn. Năm nay tớ chỉ chúc bạn có một năm bình an. Đơn giản vì lúc đó tôi say xỉn, ngồi khóc như thằng điên ở ngã ba đường.

Với anh, đó đã là cái đáy của khủng hoảng?

Thực sự, bây giờ nhiều lúc tôi vẫn hốt hoảng, không biết đó đã là cái đáy chưa? Hay còn cái đáy nào sâu hơn nữa? Và mình có đủ sức để trèo lên hay không? Tôi không thể nào có được lòng tin tuyệt đối, ngây thơ như ngày xưa nữa.

Giữa lúc tối tăm nhất, đứng trên tầng 12 nhìn xuống, thấy ngắn lắm, giống như bước từ ban công ra là đã đến tầng 1 rồi. Tôi nghĩ chỉ cần một bước là xong. Không phải suy nghĩ nữa. Đúng lúc quyết định thì điện thoại reo, bác Nam (nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam) gọi! Bác Nam kéo tôi đi uống rượu và chửi quá trời.

Uống nhiều nhưng tôi không xỉn, nhưng cũng không tỉnh được. Kể ra thì sến, nhưng đúng là đêm đó tôi cởi trần, nằm úp trên giường, đưa lưng ra xin được… trời đánh để hết đau đớn. Tôi xin bị đánh vì nhớ như in chuyện ngày xưa bà nội nói: sinh ra kiếp này, sướng là do phúc, khổ là do chịu tội. Tự tử nghĩa là trốn, mình sẽ phải chịu tiếp kiếp nữa.

Điều gì làm anh đau đớn như thế, nếu đơn giản đó chỉ là một vụ lừa tiền, thậm chí lừa tình?

Lừa tiền hay lừa tình cũng không thể đau cùng cực như vậy. Đó là cảm giác mất sạch. Không biết tin vào ai, không biết đi về đâu. Lúc đó cố mà sống, cố mà không lầy lội, để bà nội, bố mẹ, em mình không bị nhục. Đi qua những đắng cay, tôi mới hiểu khủng khiếp nhất là sự buông xuôi, bế tắc.

Tôi thấy cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị, không nhìn thấy tương lai, mọi cánh cửa cuộc đời đều bít lại. Người ta nói cánh cửa này đóng lại, là khi sẽ có một cánh cửa khác mở ra cho bạn. Nhưng khi mất lòng tin thì tất cả cánh cửa đều đóng.

Không phòng thủ, biết đâu tôi lại mất thăng bằng

Bây giờ anh ổn chưa?

Tôi vẫn rùng mình mỗi khi gặp những dấu hiệu giống ngày xưa. Bây giờ tôi bớt điên đi rất nhiều. Chị nói tôi đằm hơn cũng là vì thế.

Anh sống hoảng loạn như vậy sẽ chẳng bao giờ có bình an?

Không, giờ tôi thăng bằng rồi!

Nhưng sống phòng thủ chắc gì đã hay hơn!

Ừ. Bây giờ tôi sống phòng thủ. Nhưng làm sao được? Chính sự phòng thủ cho tôi thăng bằng. Còn không phòng thủ, biết đâu tôi sẽ mất thăng bằng tiếp?

Anh nói ngày xưa anh tô điểm rất nhiều cho mẫu hình người yêu của mình. Còn bây giờ anh chỉ cần mỗi tối đi ngủ họ ở bên cạnh, sáng thức dậy họ… vẫn còn ở bên cạnh?

Trước đây, tôi cần một người mạnh mẽ, hoàn hảo, đặc biệt phải văn minh. Tất cả phải là hoàn hảo, đến mức cố gắng, chứ không phải chỉ ở mức có thể. Bây giờ hoàn hảo vẫn tốt, văn minh, hiểu biết càng tốt. Nhưng điều cuối cùng vẫn là sự bình an, an toàn. Nếu không có những thứ đó, thì tất cả chỉ giống như rèm cửa!

Anh đã tìm được sự bình an đó chưa?

Khó lắm! Nhưng kệ! Ai hỏi công việc, tôi sẽ nói rõ tiếp theo như thế nào. Còn ai hỏi tôi chuyện tình cảm, tôi sẽ nói mặc kệ…


Bài: Dương Thúy
Ảnh: Vietnam Vision (V Studio) 


From the same category