Sự biến đổi khó lường của thời tiết trong thời điểm chuyển mùa đang khiến không ít người khó chịu. Theo quan niệm Đông y, thời tiết hanh khô luôn tiềm ẩn những nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, gồm miệng, mũi, khí quản, phổi và những hiện tượng nứt nẻ, khô ráp trên da mặt, tay chân.
“Phổi khô” không chỉ dẫn đến những hiện tượng như ho khan, khô họng, môi nứt nẻ, chảy máu mũi mà còn khiến làn da mất sự đàn hồi. Vì vậy, ngoài việc sử dụng sản phẩm dưỡng da, giữ ẩm, chúng ta còn có thể sử dụng thức uống bổ sung để vừa giữ được làn da mềm mại, vừa bảo vệ phổi khỏi sự khắc nghiệt của những ngày tiết trời hanh khô.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi những ngày cuối năm đang đến gần và hẳn ai cũng nhớ cảm giác được ngồi quanh tách trà ấm nóng cùng bạn bè, người thân.
Đẹp xin giới nhiệu với bạn công hiệu của các loại đồ uống thông dụng để biết cách chọn và uống đúng để vừa đẹp, vừa khỏe.
1. Trà hoa cúc, mật ong
Hoa cúc có thể làm mát gan, giảm nhiệt nhưng mang tính hàn. Vì vậy, những người hay bị lạnh bụng, thiếu máu không nên dùng nhiều.
2. Trà La Hán
Gồm quả La Hán, hoa cúc, chanh, đường phèn, trà đen. Quả La Hán có tác dụng tiêu viêm, trị ho, mát gan, bổ phổi, chống khát. Bạn uống quả La Hán trong mùa hè còn có thể trị say nắng, giảm nhiệt. Mùa đông, bạn dùng món này sẽ làm mềm và giữ ẩm cổ họng.
Hơn nữa, vì nhiệt lượng thấp nên trà La Hán rất thích hợp cho những bệnh nhân bị tiểu đường hay người đang trong thời kỳ giảm béo.
3. Sữa đậu nành nóng
Loại này không có tác dụng giữ ẩm nhiều nhưng lượng chất dinh dưỡng khá cao, giàu protein và vitamin A, B…, rất tốt cho phụ nữ. Tuy nhiên, nhìn theo khía cạnh Đông y thì đậu nành mang tính hàn, dễ gây tình trạng khó tiêu. Những người bị bệnh dạ dày và thận yếu không nên uống nhiều.
4. Trà tuyết nhĩ, hạnh nhân
Gồm hạnh nhân long hoàng, hạnh nhân nam bắc, trân châu nhỏ, đường phèn, nấm tuyết.
Hạnh nhân nam mang vị ngọt, có thể làm nhuận cổ họng và trị ho. Hạnh nhân bắc có vị đắng, rất tốt cho việc tiêu viêm, trị ho. Thành phần dầu trong hạnh nhận khá nhiều nên nó có tác dụng làm mềm da. Dùng nó với nấm tuyết sẽ tăng thêm tính đàn hồi của làn da.
5. Nhân sâm Hoa Kỳ với mật ong
Gồm nhân sâm lát và mật ong.
Nhân sâm Hoa Kỳ có tác dụng bổ âm, dưỡng thể, giảm nóng trong người.
6. Trà đen, gừng
Gừng tươi xay lấy nước, trà đen, đường đỏ.
Tránh cảm gió, bổ máu. Trà đen với gừng có thể giúp bạn tránh cảm gió hoặc vừa bị cảm nhẹ. Tuy nhiên, món này không thích hợp trong trường hợp bạn đã bị cảm nặng.
7. Nước mía nóng
Giải khát, ra mồ hôi, chữa viêm họng. Trên thực tế, hầu hết các thực phẩm chứa thành phần đường cao thì lại có tác dụng bổ dưỡng. Không những thế, mía là nguyên liệu chế biến ra đường nên tác dụng của nó càng hữu hiệu
8. Trà hồng táo, nhãn lồng
Gồm: Nhãn khô, hồng táo, đường đỏ.
Công dụng an thần, bổ máu, cho bạn khuôn mặt hồng hào, làn da căng mịn, nhưng không có tác dụng bổ dưỡng nhiều. Ngoài ra, những người bị ho hoặc cảm thì không nên uống loại trà này.
Mua nguyên liệu chế biến các loại thức uống trên tại:
– Phố Lãn Ông và Thuốc Bắc, Hà Nội.
– Khu Hải Thượng Lãn Ông, Q.5, Tp.HCM.