1. Con gái tôi 2 tuổi, bị viêm kết mạc. Bác sĩ chỉ định phải bóc giả mạc hình thành trong mắt. Xin bác sĩ cho biết giả mạc là gì và việc bóc ấy có nguy hiểm, nguy cơ gì không? Việc bóc này có chống chỉ định đối với những bệnh nhân nào không?
(Phan Dung, Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội)
Viêm kết mạc là tình trạng rất phổ biến, có thể do nhiễm trùng (vi trùng, siêu vi…), do dị ứng, hay do bệnh tự miễn. Dấu hiệu lâm sàng và các triệu thường gặp là đỏ mắt, xốn mắt, ngứa, chảy nước mắt, mắt có ghèn, và có thể kèm viêm giác mạc, gây mờ thị lực.
Trong một số trường hợp viêm kết mạc, một màng viêm dày được tạo ra trên bề mặt mắt, hình thành “giả mạc”. Giả mạc nên được lấy ra để giúp bề mặt mắt lành tốt hơn. Việc lấy giả mạc được thực hiện bằng cách nhỏ thuốc tê vào mắt, dùng que gòn ướt vô trùng hoặc nhíp lột đi lớp giả mạc, để lại bề mặt kết mạc lành.
Có thể có chảy máu nhẹ khi lột, cảm giác khó chịu hay cộm xốn trong vài ngày sau. Bệnh nhân được cho nhỏ thuốc kháng sinh và kháng viêm cho đến khi bề mặt mắt lành hoàn toàn. Trong đa số trường hợp, mắt sẽ lành hoàn toàn sau khi điều trị nên bạn đừng quá lo lắng và nên cho cháu được điều trị như bác sĩ chỉ định.
2. Con gái tôi 3 tuổi và có hiện tượng lác từ bé. Xin hỏi bác sĩ, tôi phải giải quyết như thế nào? Nếu để đến lớn, mắt cháu có tự khỏi không? Tôi nghe nói nếu lác để lâu sẽ không chữa khỏi, đúng không ạ? Hiện nay có những phương pháp nào chữa lác? Chi phí từng phương pháp và ưu – nhược điểm của từng phương pháp ra sao?
(Như Khuê, Nơ Trang Long, P.7, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM)
Lác mắt là tình trạng hai mắt không nhìn thẳng trục. Sự lệch trục nhìn là do các cơ mắt không hoạt động đồng bộ với nhau, và có nhiều nguyên nhân khác nhau (bẩm sinh, liệt cơ vì chấn thương, tật khúc xạ…). Lác mắt có thể xảy ra từng lúc hoặc luôn luôn.
Trong trường hợp bé có hiện tượng lác mắt, bạn nên cho bé đến khám với bác sĩ mắt ngay. Bạn cần lưu ý một số trẻ có biểu hiện như là lác mắt, nhưng thực ra là không lác. Tình trạng giả lác này thường do nếp gấp da góc trong mắt quá lớn, mũi to, dẹt hoặc do hai mắt quá gần nhau gây ra. Giả lác sẽ tự biến mất khi mặt trẻ phát triển hơn. Sau khi được bác sĩ mắt khám, mối lo lắng của cha mẹ sẽ mất đi nếu trẻ chỉ bị giả lác.
Nếu bị lác mắt thật sự, thì lác mắt không thể tự khỏi, cũng không thể tự cải thiện, mà cần thiết phải được điều trị. Các phương pháp điều trị có thể được phối hợp hay đơn thuần, tùy theo kiểu lác và nguyên nhân lác.
– Đeo kính điều chỉnh là phương pháp điều trị phổ biến giúp cải thiện khả năng tập trung và chỉnh lại sự lệch trục nhìn, có thể giúp mắt nhìn thẳng lại.
– Thuốc nhỏ hay thuốc mỡ tra mắt có thể được sử dụng, kèm hay không kèm đeo kính. Thuốc chích được dùng trong một số trường hợp cơ mắt bị yếu hay quá cường cơ.
– Phẫu thuật cơ mắt để làm thẳng trục nhìn nếu các biện pháp điều trị không phẫu thuật không có hiệu quả.
– Tập cơ mắt trước hoặc sau khi phẫu thuật.
Điều quan trọng là tình trạng lác mắt nên được chẩn đoán và điều trị sớm bởi vì trẻ lác mắt không được điều trị có thể dẫn đến nhược thị, thị lực mắt bị lác sẽ kém và không hồi phục được.
3. Con gái tôi năm nay đã 2 tuổi nhưng mắt cháu một bên hai mí rất rõ và bên kia có 1 mí. Thỉnh thoảng, khi cháu khóc hoặc mới ngủ dậy, mắt một mí mới thành hai mí. Xin hỏi bác sĩ, đến khoảng bao nhiêu tuổi thì hình dáng mắt cháu mới ổn định? Vì sao có hiện tượng hai mí mắt không đều nhau?
(Nguyễn Long, Sư Vạn Hạnh kéo dài, P.12, Q.10, Tp.HCM)
Nếp mi mắt chịu ảnh hưởng bởi nhiều cấu trúc. Quanh mắt, chiều cao của mũi và chân mày có thể ảnh hưởng, làm da phía trên mắt che phủ xuống mi, che lấp nếp mi. Nếp mi được hình thành bởi sự bám của cơ nhắm mở mắt và da mi. Ở người châu Á, hay người có nếp mí đơn, chỗ bám này thường yếu và thấp hơn.
Tuy nhiên, khi mi mắt sưng hay da mi dày, chỗ bám này có thể được nhìn thấy rõ hơn. Điều này giải thích vì sao sau khi con bạn khóc hoặc vào buổi sáng thức dậy (khi mi mắt sưng hơn), nếp mí đôi có thể thấy rõ hơn và biến mất sau đó trong ngày.
Khi cấu trúc mặt của trẻ trưởng thành và thay đổi, tất cả các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến hình dáng nếp mi sau cùng. Hầu hết hình dáng nếp mi sẽ ổn định khi trẻ ở tuổi dậy thì.
4. Tôi thấy báo chí hay giải thích nguyên nhân hiện nay tỉ lệ trẻ bị cận nhiều là do ngồi học không đúng tư thế, trẻ học quá nhiều… Tôi thì cho đó không phải là nguyên nhân chính bởi vì ngày xưa, thế hệ chúng tôi còn không có bàn mà ngồi học, toàn phải bò ra đất, ra giường. Chưa kể ngày xưa, bố mẹ không có nhiều kiến thức để rèn cho con ngồi đúng cách nhưng tỉ lệ cận ít hơn ngày nay rất nhiều. Xin hỏi bác sĩ, ngoài những nguyên nhân kể trên còn có nguyên nhân nào thuyết phục hơn, dẫn đến tình trạng cận tràn lan trong lứa tuổi mới lớn như hiện nay?
(Nguyễn Thái Hà, Trần Hưng Đạo, Hà Nội)
Bạn nói đúng rằng tình trạng cận thị đang tăng đáng kể trong vòng 20 năm nay ở trẻ em. Ví dụ ở Singapore, tỉ lệ cận thị ở trẻ đi học là 75%, so với 25% của 30 năm trước.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy tiền sử cận thị của cha mẹ là yếu tố nguy cơ cao nhất cho phát triển cận thị. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường cũng đóng một phần quan trọng. Ví dụ, 70% nam 18 tuổi có nguồn gốc Ấn Độ sống tại Singapore mắc cận thị, trong khi chỉ khoảng 10% bị cận thị trong nhóm sống tại Ấn. Một nghiên cứu ở Nepal cho thấy nhóm trẻ Tây Tạng có lối sống thôn quê có tần suất cận thị là 2,9% so với 21,7% nhóm trẻ có lối sống thành thị.
Cận thị thường xảy ra do sự dài ra quá mức của mắt trong lúc mắt đang phát triển ớ tuổi nhỏ. Một giả thuyết về sự tiến triển của cận thị liên quan nhiều tới kiểu sống hiện đại. Kiểu sống của con người cổ xưa là săn bắn hoặc làm vườn, với nhiều thời gian ở ngoài trời hơn trong nhà. Khi nhìn xa, mắt không cần điều tiết, do đó các cơ điều tiết mắt được nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, trong lối sống hiện đại, chúng ta sử dụng hầu hết thời gian ở trong nhà và làm những công việc nhìn gần (đọc sách, xem TV, chơi game trên máy tính, viết lách hoặc làm việc trên máy tính).
Làm việc gần kéo dài đòi hỏi cơ mắt điều tiết liên tục và dẫn đến co quắp. Trong tình trạng này, mắt được coi là cận thị điều tiết. Và nếu việc điều tiết kéo dài có thể dẫn đến làm dài trục nhìn của mắt. Hiện đang có những nghiên cứu dùng thuốc liệt điều tiết để làm chậm sự tiến triển của cận thị và kết quả chưa rõ ràng.
(Bệnh viện FV, Tp.HCM)