“Cứ bảo: Sân khấu muốn đổi mới phải trẻ hóa đội ngũ, người trẻ muốn thành tài thì phải đi học, muốn đi học thì phải cho cơ chế, nhưng đến khi cơ chế có rồi thì chắc gì đã tìm được người chịu đi học!” – Nghệ sỹ Khánh Hoàng, Giám đốc NH Kịch TP.HCM ngao ngán “vẽ vòng tròn”. Không phải chuyện mệt nhoài đưa cái chữ lên vùng sâu vùng xa, mà cũng vẫn phải mỏi mắt tìm người đi học!
Học nước ngoài – Vướng ngoại ngữ!
Hai suất học, cuối cùng, để đỡ phí của giời, đã được chuyển qua NH Kịch VN – vốn cũng là nhà hát nằm “dưới trướng” của NSND Lê Hùng, giám đốc cả 2 nhà hát, đồng thời là Giám đốc ASSITEJ Việt Nam. Hai cái tên không hẳn sáng giá của làng kịch phía Bắc, nhưng lại dễ dàng được lựa chọn, vì chỉ cần giơ tay ứng cử và hơn thua, bất ngờ là họ… có ngoại ngữ – cái đấy mới gọi là “của hiếm”, với giới kịch.
Trong khi đó, những người được coi là “chăm học”, và là những tên tuổi sáng giá của NH Tuổi Trẻ, cũng là của làng kịch Thủ đô, đồng thời là lớp đạo diễn trẻ kế cận sau Lê Hùng như Anh Tú, Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung… lại đành lỡ hẹn với cơ hội này.
NSND Lê Khanh – trước khi quyết định đi học đạo diễn (phải thi lần thứ hai mới đỗ, đủ biết chị quyết tâm đi học thế nào!), cũng từng nói: “Đi học luôn là cảm hứng thường trực của tôi!”. Nhưng thôi thì “lọt sàng xuống nia”, dẫu sao cũng đỡ hoài của!
“Lý do thì có nhiều: người thì vì bận rộn, người thì vướng víu gia đình, và không ngoại trừ, một lý do phổ biến khác: rào cản ngoại ngữ” – ông Trương Nhuận – Phó Giám đốc NH Tuổi Trẻ nói: “Khác với trước, các học bổng tu nghiệp hiện nay không dành ra 1, 2 năm học tiếng như thời chúng ta cử người đi học tại Liên Xô (cũ) hay các nước Đông Âu, vì tiếng Anh lúc này đã được mặc nhiên coi là hành trang không thể thiếu”.
Cơ hội thực ra không hẳn lớn, để đến mức phải xuýt xoa tiếc rẻ? Khóa học ngắn ngày, lại chỉ tại một nước châu Á vốn không hẳn mạnh về kịch nghệ? Nhầm! Đúng là so với phim truyền hình, kịch Hàn Quốc chưa mấy lộ diện ở VN.
Nhưng chỉ cần ở lần xuất hiện đầu tiên tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ nhất năm 2002, đại diện đến từ Hàn Quốc với vở kịch ngắn “Nghiệp chướng” đã đủ khiến bạn nghề VN sững sờ vì những giá trị của sáng tạo, vì cách họ đi trước ta một bước bằng cách quay về dùng chính vốn cổ.
“Đó thực sự là một đỉnh điểm của sáng tạo!” – 6 năm sau đó, trước thềm Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần hai, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang vẫn chưa thôi tấm tắc. Báo giới VN cũng không tiếc lời khen ngợi vở kịch và gọi đó là vẻ đẹp “tinh khiết, lung linh và trang nghiêm như một bản thánh ca”.
Đi trước VN, Hàn Quốc “từng làm quen với kịch thể nghiệm từ những năm 70 của thế kỷ trước” – Bà Yang Hye Sook, Chủ tịch Hiệp hội Sân khấu châu Á – Thái Bình Dương cho biết.
Bấy nhiêu cũng đã đủ để phần nào đo đếm được, ba tháng tu nghiệp tại Hàn Quốc, nếu được đặt đúng chỗ, và gặp được người có nghề, sẵn nhiệt huyết và có ngoại ngữ nữa thì sẽ có tác dụng mở mang tầm mắt, nâng cao tay nghề tới mức nào.
Thay vì, ngồi một chỗ chờ đoàn vào, đoàn ra – vốn là chuyện “năm thì, mười họa”, mà không phải lúc nào nước bạn cũng cử đến đại diện giỏi nhất, chưa nói, còn có những cái là bất cập khác như hạ tầng sân khấu, điều kiện di chuyển…
“Dĩ nhiên, trên bản đồ sân khấu thế giới, Hàn Quốc chưa phải là một trong những cái tên sáng giá nhất, nhưng trong tương quan với các nước châu Á, thì đó thực sự là một nền sân khấu đáng học hỏi – ông Nhuận đánh giá – Nhất là trong điều kiện, việc gửi người đi đào tạo ở nước ngoài với ngành sân khấu ở ta trong gần ba thập kỷ qua đã gần như bị đứt gãy hoàn toàn, kể từ sau thế hệ đạo diễn, diễn viên tài năng được đào tạo tại Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu từ những năm 80, đến nay hầu hết đều đã trên dưới 60.
Không với được sang châu Âu, thì ngó sang “nhà hàng xóm”, thông qua những suất học bổng tu nghiệp ngắn ngày – thế cũng đã là quý lắm! Thế nhưng, có một thực tế đáng tiếc: không phải nghệ sỹ nào cũng ôm khát vọng đi học!”
Sử dụng ngôn ngữ tổng hợp với mục đích thể nghiệm, kịch hình thể luôn vắt kiệt người diễn, bắt họ phải học đủ thứ (từ kịch câm đến múa ballet, thậm chí, vũ đạo của tuồng… ) nhưng ít khi mang đến cho họ sự nổi tiếng. Đó là lý do vì sao Đoàn Kịch thể nghiệm – NH Tuổi Trẻ sau hơn 5 năm thành lập đã bị “rụng” mất 1/2 quân số. Trong ảnh là những người kiên trì ở lại (trong vở “Hamlet”, tham dự “Ngày hội Shakespears toàn cầu”, tháng 10/2009).
|
Học trong nước, có thành tài?
Không đi Tây được thì học ở nhà, sân khấu kịch VN thi thoảng cũng vẫn có được vở lớn do người trẻ dàn dựng đấy thôi! HCV Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc hồi tháng 9/2009 cùng giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho “Nỏ thần” của Sân khấu Phú Nhuận do nghệ sỹ trẻ Đức Thịnh làm đạo diễn là một ví dụ cho thấy “của nhà giồng được” cũng là oách đấy thôi!
Tốt nghiệp khoa Đạo diễn – Trường CĐ Sân khấu và điện ảnh TP.HCM năm 2005, nhưng trước đó, năm 2004, đạo diễn chưa ra trường này đã kịp có trong tay 5 vở diễn bán vé cho hai sân khấu chuyên nghiệp ở thành phố là vở “Người đàn ông của trời”, “Giấc mơ điện ảnh” ở sân khấu nhỏ 5B và “Sâm đắng sâm ngọt”, “Tứ hỷ lâm môn”, “Em và ngôi sao” ở sân khấu kịch Hồng Vân. Còn tính từ đấy đến nay, Thịnh hiếm hoi là đạo diễn trẻ sở hữu trên dưới 20 vở diễn, chỉ sau chưa đầy 7 năm theo nghề.
Trong đó, vở “Em và ngôi sao” đoạt giải Mai Vàng báo Người Lao Động, vở “Cánh Đồng Gió” đoạt giải đạo diễn xuất sắc Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006, vở “Nhân Danh Công Lý” đoạt giải C Liên hoan Đạo diễn trẻ 2007… Tài năng, lòng yêu nghề là một chuyện, nhưng thành công của Thịnh cũng còn được lý giải: Thịnh may mắn là đứa con lành lặn của nền sân khấu xã hội hóa – nơi dạy anh cách làm kịch bán vé, thay vì bị làm cho thui chột bởi nền sân khấu bao cấp – nơi thường “xui dại” người ta làm kịch “xếp kho”.
Chạy sô với hài kịch và thi thoảng quay về với chính kịch, liệu những cây hài số 1 phía Bắc như Xuân Bắc, Công Lý, Quốc Khánh… có lúc nào “cạn vốn”? |
“Vấn đề rất sòng phẳng và minh bạch. Tôi không biết anh bao nhiêu tuổi, đã có bao nhiêu năm trong nghề. Thấy anh có khả năng, tôi muốn cộng tác với anh. Còn anh, hãy chứng tỏ năng lực của mình, cho tôi xem anh làm được gì và làm tốt như thế nào – Thịnh nói về sân khấu xã hội hóa – Điều này cũng giống như bóng đá chuyên nghiệp.
Ronaldo đã mang về cho Brazil chiếc cúp vô địch thế giới năm 2002, nhưng nay, dù anh chỉ mới 32, anh vẫn không được gọi vào đội tuyển nữa, cũng chẳng CLB châu Âu nào chịu mua anh… Đơn giản anh không luyện tập để quá béo, quá ục ịch, đánh mất phong độ.
Thật phi lí, nếu không gọi những người phong độ hơn, khỏe hơn, giỏi hơn anh lúc này vào đội tuyển. Sân khấu xã hội hóa cũng như vậy. Sòng phẳng đấy! Nhưng theo tôi, đấy là sự sòng phẳng hợp lý và thúc đẩy sự phát triển!”
Nhưng vấn đề là mấy ai được “phê” như Đức Thịnh và thứ tưởng tượng, nếu một tài năng trẻ như Đức Thịnh, mà còn đi được ra ngoài, thì còn có thể cho hy vọng đến mức nào? Gia đình trẻ, công việc tại sân khấu kịch Phú Nhuận, những cơ hội trước mắt, những đơn đặt hàng… – bấy nhiêu đã đủ lấy đi của Thịnh bao nhiêu thời gian tâm trí.
Và sân khấu xã hội hóa, dù thoáng đến đâu, “chiêu hiền đãi sỹ” chịu chơi đến đâu đi nữa thì trong bài toán doanh thu của họ, có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến chuyện cử người đi “sang bển”. Mà các suất học từ trên rót xuống – nếu có – thì cũng còn lâu mới về tay các đoàn xã hội hóa. Đến đoàn nhà nước mà gần 30 năm nay còn dài cổ chờ!
Vỏ trái đất đứt gãy thì sinh ra núi lửa. Núi lửa tàn phá cảnh quan, nhà cửa, nhưng lớp nham thạch mà nó để lại lại giúp mùa màng bội thu. Nhưng đứt gãy thế hệ thì sao, nhất là trong nghệ thuật?
“Để bồi đắp lực lượng kế cận, nhà hát chúng tôi thường để ý cử người đi học, năm chừng 2 – 3 người. Sau lứa Anh Tú, Lê Khanh…, giờ lại đến lượt Đức Khuê, Xuân Tùng… ghi tên khoa Đạo diễn – Trường ĐH Sân khấu điện ảnh” – ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc NH Tuổi Trẻ cho hay.
Bên cạnh những nỗ lực tự thân của các nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn thỉnh thoảng cũng tổ chức những khóa tập huấn (kéo dài một tháng), định kỳ ba năm một lần cho mỗi loại hình, dành cho đối tượng học viên là những diễn viên trẻ từ 30 tuổi đổ lại.
“Thái độ chủ quan của không ít ngôi sao trẻ, chưa đi đường dài đã vội bằng lòng với năng khiếu sẵn có mà chưa chú ý đến sức nặng của hành trang, dẫn đến sự thui chột tài năng do bản năng dần bị ăn mòn… quả đáng báo động!” – ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn lo ngại.
“Sự say mê là điều tôi ít nhìn thấy ở nhiều diễn viên trẻ hiện nay – NSND Lê Khanh cũng chia sẻ – Vì vậy, mỗi một lần nhà hát cho dựng một vở kịch kinh điển, tôi lại hy vọng các em sẽ phần nào lấy lại được sự đam mê từ những lời thoại có cánh, những câu chuyện giàu kịch tính, từng một thời làm nên lòng yêu nghề ở thế hệ chúng tôi.
Đó âu cũng là một cách để chúng tôi cùng “đi học” lại!”. Đầy tâm huyết trong việc mời các đoàn kịch nước ngoài sang VN với hy vọng giúp khán giả lẫn giới làm nghề có dịp mở mang tầm mắt, đạo diễn Lê Quý Dương – người trẻ hiếm hoi trong giới sân khấu sử dụng thành thạo ngoại ngữ cũng như có một cái nhìn “mở” sau nhiều năm tác nghiệp tại Australia nói: “Khoan bàn đến chuyện đi học nước ngoài! Đến đoàn nước ngoài tới VN, mà không ít diễn viên trẻ ở ta còn quen tâm lý ngồi nhà đợi giấy mời, vậy thì… học cái gì?”
Chỉ vì ngồi đợi giấy mời, không ít người làm nghề đã bỏ qua cơ hội “mở mắt” khi được xem những vở kịch ngoại được nhập nguyên chiếc như thế này. |