Chế biến

Điều quan trọng nằm ở chỗ thói quen ăn uống sai hay đúng, hợp lý hay không hợp lý lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người. Việc lặp đi, lặp lại một lối sống đã hạn chế sự hứng thú của bạn với việc ăn uống cũng như hiệu quả tự nhiên của các loại thức ăn.

Vì vậy, xem xét và điều chỉnh kịp thời để đạt được chế độ dinh dưỡng khoa học là việc rất cần thiết. Sự điều chỉnh ở đây không chỉ là những thay đổi về các món mà còn ở cách bạn phối hợp các loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn, thay đổi thói quen ăn uống chưa đúng, thậm chí là thay đổi cả cách bạn đang nghĩ và thực hiện việc thay đổi đó.


Thay đổi cách nấu và kết hợp thực phẩm

1. Khi thay đổi chế độ ăn, bạn đừng nghĩ rằng thay đổi là bỏ cái nọ, thêm cái kia mà cũng có thể là tăng cái nọ, giảm cái kia và lấy cái nọ bỏ cái kia.

Ví dụ, bạn giảm lượng thịt thì tăng lượng rau và hoa quả (5-9 phần trái cây và rau mỗi ngày). Hoa quả nhiều chất xơ, lại dễ cho cảm giác no nhờ khả năng thay thế các chất béo trong một bữa ăn, lợi ích về sức khỏe thì khỏi bàn cãi.

Nếu bạn thích và thường xuyên sử dụng một loại thực phẩm nào đó, bây giờ cần thay thế bằng những thực phẩm khác thì không nhất thiết phải từ bỏ hoàn toàn, vì tâm lý chung, khi muốn từ bỏ một điều yêu thích, bạn sẽ tìm cách khác để bù.

Chuyện ăn uống cũng vậy. Sẽ thật nguy hiểm nếu lượng thức ăn bạn bù lại còn nhiều hơn lần trước. Thay vào đó, bạn chia nhỏ số lần và giảm lượng thức ăn đó đi. Thay vì ăn cả hộp bánh thì chỉ cần vài lát.

2. Thay đổi cách kết hợp thức ăn: Bạn nên đa dạng hóa cách chế biến các món như nướng, xào, rim, kho. Thỉnh thoảng, bên cạnh các bữa tươm tất, bạn có thể chuẩn bị một bữa thật đơn giản.

Trong tủ lạnh luôn có sẵn một số món ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Việc này có 3 tác dụng: tiết kiệm thời gian và công chế biến; thay đổi khẩu vị cho mọi người; hạn chế việc gọi điện đến các cửa hàng thức ăn nhanh như gà rán KFC, bánh pizza…

3. Tăng cường gia vị: Gia vị sẽ giúp tăng hương vị cho món ăn, kích thích vị giác. Bạn hãy thử các loại gia vị mới, chẳng hạn như với các món hay sử dụng mayonnaise, bạn thay bằng mù-tạt.

4. Lưu ý khi kết hợp thức ăn: Tránh kết hợp tinh bột và acid, acid và carbohydrate (không dùng bơ, nước cam, nước chanh, nước bưởi hay giấm trong các bữa ăn nhiều tinh bột và đường), thức ăn protein cao (thịt, cá, trứng hoặc phô-mai) với chất có hàm lượng tinh bột cao (khoai tây, ngũ cốc, bánh mì), protein và chất béo, protein và đường (trái cây).

>> Một số thói quen khác mà bạn có thể thay đổi
– Chuyển sang dùng các sản phẩm sữa ít béo.
– Chuyển sang dùng các loại cà-phê sữa, tăng cường uống cà- phê sữa gầy thay vì sữa béo, nhiều kem; tích cực uống sữa nóng thay vì sữa lạnh.
– Sử dụng chảo chống dính, sáp mỡ để giảm lượng dầu.
– Hạn chế uống rượu, tối đa chỉ 1-2 ly nhỏ/ngày.


1. Rửa rau

Nguyên tắc cơ bản là rửa dưới vòi nước chảy. Tuyệt đối bỏ thói quen rửa sạch vài nước rồi đem cắt rau, xong lại rửa lại thêm lần nữa. Việc cắt rau rồi mới rửa vừa khiến mất vitamin, vừa làm cho lượng chất hóa học tồn dư còn lại ngấm vào rau dễ dàng hơn.

2. Rán

Nhiều người có thói quen đợi dầu, mỡ nóng già mới chế biến thực phẩm. Nhiệt độ cao khiến dầu mỡ sản sinh ra peoxit và các chất gây ung thư, cũng như làm hỏng những chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Tốt nhất là nên để nồi, chảo thật nóng, cho mỡ hoặc dầu ăn vào và cho thực phẩm vào để nấu ngay.

Rất nhiều gia đình, đặc biệt là có người già, thường bỏ hoàn toàn cách chế biến thực phẩm với mỡ. Họ chỉ dùng dầu ăn. Tuy nhiên, mỡ cũng có giá trị của nó vì chứa các axit béo cần thiết cho cơ thể. Do đó, bạn nên thay đổi quan điểm, nên dùng dầu và mỡ luân phiên.


Tùy vào thể trạng và tình hình sức khỏe của các thành viên trong gia đình mà phân bổ lượng dầu hay mỡ tương ứng phù hợp. Ví dụ, trong nhà có người già mắc bệnh mỡ trong máu thì số lần dùng dầu là chủ yếu, thỉnh thoảng kết hợp bữa dùng mỡ. Nếu gia đình có các thành viên đang tuổi hoạt động và thời tiết giá rét thì nên dùng mỡ nhiều hơn dầu để tăng cường thể lực.

3. Nấu

Với tất cả các loại rau, đợi nước sôi mới thả vào và nấu càng nhanh càng tốt để tránh mất đi lượng vitamin sẵn có trong rau.

4. Luộc

Luôn bỏ nước luộc thịt hoặc luộc xương đầu tiên.
Khác với rau, phải nấu nhanh, các loại thức ăn có nguồn gốc động vật, lại nên hầm nhừ thì tiêu hóa mới tốt.


Lưu ý


1. Hạn chế tối đa các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng đều có đặc điểm chung là nhiều muối, chất phụ gia, chất bảo quản và chất tạo màu…
Giò chả: Có lượng muối cao, chứa hàn the.
Thịt nướng, thịt chế biến sẵn ở chợ: Không rõ nguồn gốc, không nên sử dụng.

2. Hoa quả, ăn lúc nào?
Thay vì thói quen ăn hoa quả sau bữa cơm, vào lúc tráng miệng, bạn nên ăn khoảng 1 tiếng trước bữa ăn hoặc sau bữa chính để các vitamin và dưỡng chất được hấp thụ tốt nhất. Tuy nhiên, ăn loại nào trước hay sau lại cần tìm hiểu kỹ.

Ví dụ, với những quả như dứa, có vị chua và kích thích tiêu hóa nhờ chất anbumin, hoặc đu đủ có tác dụng tương tự thì nên dùng sau bữa ăn. Nhưng ngược lại, một số quả khác như chuối, táo, bơ… thì dùng trước bữa ăn lại rất tốt.

3. Uống trà sau khi ăn
Một tách trà nóng sau khi ăn là thói quen của đa số người Việt với mục đích làm sạch miệng nhờ độ chát của trà. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, trà gây ức chế quá trình phân giải các chất dinh dưỡng trong thức ăn, hạn chế khả năng tiêu hóa của dạ dày, giảm khả năng hấp thụ sắt trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt.

Bài: Yến Trang


From the same category