Dùng ý chí làm phim sẽ đánh mất cảm xúc

So với năm “Chuyện của Pao” làm nên chuyện, so với năm 2009 “tưng bừng chiêng trống” của người cũ Đỗ Hải Yến, đạo diễn “Chuyện của Pao” có một năm lặng lẽ hơn bao giờ, như thể anh vừa tấp xe vào một trạm dừng để tiếp xăng…

Tôi hiểu: Một đạo diễn theo đuổi dòng phim nghệ thuật ở ta (vốn kén khán giả và không dễ kêu gọi nhà tài trợ) mà mất một, hai năm “im ắng” thì hoàn toàn là chuyện bình thường. Gieo thì mới lâu, chứ gặt thì nhanh lắm, và là bề nổi! Tuy nhiên, với anh, trong năm qua, hẳn có nhiều nguyên nhân hơn thế?

Tôi nghĩ tôi đã mất không chỉ 1 mà là 2 năm cho những xáo trộn riêng tư và cùng với những khó khăn khách quan khác, nhiều dự án làm phim của tôi (trong đó quan trọng nhất là “Kiên”) đã bị đảo lộn và gián đoạn. Hai năm vừa qua vì vậy có thể nói là một quãng chùng trễ nãi của tôi.

Nhưng không sao! Hai năm dù sao cũng chỉ là một quãng ngắn trong một đời người và một người đàn ông thì không thể để hai năm ấy trì níu chân mình. Không thể ngồi mãi một chỗ và găng co mãi với đời sống với những bài toán được – mất. Đời người sống được là bao mà cứ phải găng co mãi với đời?

Không găng co mà phải mất tới những hai năm sao, có lãng phí quá không?

Có những quãng nghỉ, biết đâu là cần thiết? Làm phim nghệ thuật, không vội mà được! Sốt sắng quá chỉ tổ làm nản chí! Đây, tôi quen rồi, vì với con đường khó này, luôn luôn anh cần phải thích nghi với thử thách: thất bại sẽ nhiều hơn thành công. Để có được “Chuyện của Pao” thành công, trước đó, tôi đã phải “cancel” bao dự án mình tâm huyết.

“Kiên” – lẽ ra cũng đã được bấm máy từ 2006 nhưng vì năm đó lại chính là “mùa gặt” của Pao, chúng tôi gần như mất trọn năm đó và còn vắt sang cả năm sau cho gần hai chục LHP lớn, nhỏ – một hạnh phúc nhưng một mặt cũng hết sức mệt mỏi… Còn sau đó, 2007, 2008 thì lại có quá nhiều chuyện xảy ra khiến mọi việc đành phải ngưng trệ và sang tận cuối 2009, mới khởi động được lại.

Nói như quảng cáo là “mình không thể nào tập trung được nữa”?

Chính xác là như vậy! Tôi thậm chí đã có lúc phải nghĩ đến chuyện lao đầu qua cửa kính!

“Kiên”, nghe nói còn gặp khó ở khâu kiếm tìm tài trợ? Dự án này ngốn tiền đến thế sao?

“Kiên”, cũng như các phim đã và sẽ làm của tôi, không được làm với quan niệm: Phải có tiền mới hay! Tại sao phim cứ phải tốn nhiều tiền mới hay? Tôi không đồng ý với quan niệm ấy. Tại sao không cố gắng suy nghĩ ngược lại? Chẳng phải đã không ít bộ phim có kinh phí thấp nhưng vẫn gây sửng sốt đấy sao? Đầu tư chất xám mới là quan trọng nhất! Tôi cũng không muốn gọi người giúp bỏ tiền ra làm phim là nhà tài trợ, gọi là nhà đầu tư có hơn không.

Và đầu tư thì có nghĩa là phải tính đến chuyện lấy lại được tiền, hay ít nhất, thu lại được cái gì khác. Khác chăng là ở VN mình: Nhà nước quá ưu ái các đạo diễn điện ảnh, cho tiền làm phim mà không đòi lại cái gì. Chứ ở đời, mấy ai cho không ai cái gì, trừ khi là cùng lý tưởng. Nhưng tìm được một người có cùng lý tưởng làm nghề khó lắm! Hầu hết, tôi thấy đều là giả tạo, ngụy biện!

Nghe đâu anh đã mất hơn 500 triệu chỉ riêng cho việc xây dựng và di chuyển bối cảnh trường quay “Kiên” còn gì! Đâu thể “tay không bắt giặc” được?

Chuyện phải dỡ bỏ, di chuyển trường quay “Kiên” là chuyện không may, “cực chẳng đã”, không nên “cộng cả cục” vào kinh phí cho phim. Tuy nhiên, “tay không bắt giặc” thì không ổn rồi, vì làm gì bây giờ mà chẳng phải đầu tư, khác chăng là ít hay nhiều!

Và để đỡ phải đau đầu ở khoản “đầu vào”, anh đã ngả mình nhiều hơn cho phim truyền hình?

Đúng là hiện tại tôi đang ôm cùng lúc đến 4 dự án phim truyền hình, với vai trò tổng đạo diễn. Trong đó, có hai cái đã khởi động. Nhưng dù vậy, ưu tiên lớn nhất của tôi trong năm nay vẫn phải là “Kiên”, vì Kiên đã đợi tôi quá lâu rồi! Sau khi ổn định trường quay tại TP.HCM – bối cảnh chính của câu chuyện, “Kiên” sẽ chính thức được bấm máy.

“Người cũ” của anh – Đỗ Hải Yến có nói rằng: Chỉ có thể đánh giá một đạo diễn sau ít nhất ba đầu phim vì đó là lúc phong cách của họ mới thực sự được định hình. “Chuyện của Pao” vì vậy hẳn là chưa thể đủ để “chấm điểm” anh?

Xin cho phép tôi được miễn bình luận những phát ngôn của người khác và không trả lời những câu hỏi liên quan đến Yến. Năm mới, tôi nghĩ tốt nhất là nên gác lại chuyện cũ.

Có thể hy vọng: Nếu 2009 là của… “Chơi vơi” thì 2010, 2011 sẽ là của… “Kiên”?

Mỗi năm, ta làm được quá ít phim cho nên chuyện một phim mới trong năm giành được sự ưu ái của giới truyền thông, tôi nghĩ cũng là chuyện dễ hiểu. Ngay cả chuyện phim VN đi dự LHP quốc tế, tôi cũng không cho là chuyện quá to tát và ghê gớm.

Vì mỗi năm trên thế giới có chừng hơn 500 LHP lớn nhỏ, trong đó chỉ có chừng hơn 300 LHP chính thức và số LHP tầm cỡ, có giá trị lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Do đó, chỉ sợ không có tiền mà đi dự LHP thôi!

Chẳng phải “Chuyện của Pao” cũng đã từng trải qua “cơn say” LHP sao?

Tham dự LHP dĩ nhiên là cần thiết cho việc giúp quảng bá nền điện ảnh của một đất nước cũng như cơ hội được cọ xát, thăng hoa… Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế buồn: Phim của những nước nghèo rất ít khi có cơ hội được chú ý tại những LHP “chiếu trên”, nhất là để lọt vào bảng tranh giải chính thức.

Trừ khi là anh biết cách PR, tiếp thị hơn người và đó là cái mà ta còn phải học dài. Phải hiểu rằng đấy là để quảng bá cho một nền điện ảnh của một quốc gia chứ không phải chỉ là nơi giúp cá nhân anh tỏa sáng. Về điều này, tôi thấy điện ảnh Hàn Quốc họ làm tốt hơn ta rất nhiều, khi họ luôn đi dự LHP theo nhóm (chừng 3-4 đạo diễn một, với những phim giống nhau và dự những LHP khác nhau, người này “nói đỡ” cho người kia…).

Tuy nhiên, nếu làm phim mà chỉ chăm chắm đến chuyện đi dự LHP nên lúc nào cũng phải cố gò cho vừa khuôn với tiêu chí của nó – dùng ý chí để làm phim như vậy – tôi e, sẽ rất dễ bỏ quên hoặc đánh mất cảm xúc…

Thực hiện: Thiên Ân


From the same category