Hãy thử nghe những lập luận rất hợp lý của ông.
1. TS Neil Stanley. Giáo sư Trường ĐH Surrey, chuyên gia hàng đầu về… ngủ, Chủ tịch Hội nghiên cứu ngủ thế giới đã nêu lên vấn đề mà nhiều người rất đồng tình.
Ông khẳng định: Ngủ chung thường không ngon giấc vì bị ảnh hưởng bởi sự trở mình, động đậy của các cặp vợ chồng, người này cựa mình, người kia cũng phải thay đổi tư thế ngủ.
Đặc biệt khó chịu khi một trong hai người có “bệnh” như nghiến răng, đi tiểu vặt hoặc “chồng hen lại lấy vợ hen, đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi”. Đấy là chưa kể đến sự đụng chạm cơ thể, kích thích người ta “bỗng dưng muốn… ấy” đơn phương, làm người kia bị gián đoạn giấc ngủ, bực mình và nếu tần số của những lần quan hệ do “hoàn cảnh đưa đẩy” ấy mà vượt quá khả năng thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra còn chuyện những ông (hay bà) thi sĩ hứng lên khi đột nhiên tìm được câu thơ xuất thần, dựng “đối phương” dậy để chia sẻ hoặc nhà khoa học, thoảng có ý tưởng, hét lên “eureka !” làm người đồng sàng bừng tỉnh.
Ông Stanley nói: “Khi giấc ngủ kém chất lượng vì những nguyên nhân “vớ vẩn” như trên, rất có hại cho thể lực, tinh thần, hệ thần kinh và cuộc sống tình cảm của hai người. Nó có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch với biết bao nhiêu hệ lụy, gây tình trạng suy nhược của cơ thể, thiếu khả năng hô hấp… Về mặt tinh thần, nhiều khi nó là nguyên nhân “gặm nhấm” hạnh phúc gia đình, dẫn đến ly hôn, thậm chí là… tự tử.
Theo ông, để bảo đảm sức khỏe, chúng ta cần ngủ 7,5 tiếng một đêm (Nhật Bản còn cho rằng cần đến 8 tiếng mới là đủ). Nhưng ở Anh, 1/3 người lớn thường ngủ ít hơn 5 tiếng. Mà tình hình không chỉ riêng Anh. Quỹ giấc ngủ quốc gia Mỹ (National Sleep Foundation) cũng đưa ra số liệu, 81% người Mỹ trưởng thành bị rối loạn giấc ngủ, trong số này 47% cho rằng có thể vì lý do ngủ chung.
Một điều mà khiến gần một nửa số cặp vợ chồng “ngủ không yên” thì cũng đáng suy nghĩ lắm chứ!
Xin trích nguyên văn lời khuyên của Giáo sư Stanley: “Thèm ngủ hoặc muốn ngủ đủ giấc là giấc mơ của mỗi người trong thời đại công nghiệp hiện nay. (…) Chúng ta sẽ rất thích thú nếu được ngủ chung giường với người bạn đời và ai cũng biết sự ôm ấp vuốt ve có tác động tích cực đối với sức khỏe cảm xúc (emotional health). Nhưng một giấc ngủ có chất lượng cũng quan trọng không kém đối với sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần.
Như vậy, để có sức khỏe cảm xúc, bạn phải giữ được sự cân bằng, hài hòa giữa tình cảm yêu thương và giấc ngủ ngon. Thể hiện tình yêu vào lúc đầu óc minh mẫn nhất và sau đó ngủ riêng ra là giải pháp đúng đắn cho cả những cặp vợ chồng đứng tuổi và những lứa đôi trẻ tuổi”.
Như vậy, vấn đề mấu chốt, theo ông Stanley là mỗi cặp vợ chồng cần biết cách điều chỉnh giấc ngủ, tư thế ngủ để cùng có những đêm ngon giấc và để có cuộc hôn nhân bền vững lâu dài. Xử lý linh hoạt giấc ngủ chính là một trong những kỹ năng giữ gìn mối quan hệ giữa hai người.
Nhiều khi không nhất thiết phải là phòng riêng, bạn có thể nghĩ đến một phòng ngủ hai giường, hay một cái giường đôi thật rộng.
Để lập luận của mình thêm thuyết phục, TS Stanley viện đến cả lịch sử. Ông cho rằng người ngày xưa không ngủ chung. Chỉ khi có cuộc cách mạng công nghiệp (thế kỷ 19) người ta mới đổ xô về các đô thị để làm việc và sống chen chúc trong khoảng không gian chật hẹp nên đành phải ngủ chung giường, chứ đâu phải… truyền thống” để bảo tồn?
Và hiện nay, việc xây dựng nhà cao tầng khiến người ta có điều kiện ở thoải mái hơn thì phòng ngủ riêng (chứ không chỉ giường ngủ riêng nữa) đã là giải pháp tự chọn của những cặp vợ chồng trên 70. Điều này khiến họ an tâm hơn về quan hệ hôn nhân của mình.
Không những thế, thực tế đã khiến người ta tự rút ra cách sống thích hợp: khi trẻ ngủ chung giường, nhưng đến tuổi trung niên, bố trí thêm một phòng ngủ dự trữ để tránh, khỏi phải lúc nào cũng “đồng sàng”.
Ở phương Đông, vợ chồng thường ngủ chung khi chuyện yêu đương, ân ái còn như một sự đam mê. Lớn tuổi dần, “chuyện ấy” không mặn mà như trước nữa, nhất là khi phụ nữ đã mãn kinh và các đứa cháu nội ngoại bắt đầu xuất hiện trong gia đình, các cặp vợ chồng đứng tuổi thấy cần phải “tế nhị” và “ngượng” khi nói đến chuyện yêu đương, thì chẳng phải ai hướng dẫn cũng thường tách ra ngủ riêng..
2. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ. Người viết bài này quen hai cụ M và H. Cụ ông 76, cụ bà 73. Thỉnh thoảng hai cụ đi du lịch, chỉ thuê một buồng đơn nơi khách sạn. Tiếp tân rất thông cảm, nghĩ là hai ông bà già nghèo, tiết kiệm nên đồng ý. Nhưng hôm đó, Hội hưu lão thành cách mạng mời hai cụ một chuyến đi Vũng Tàu chơi.
Đoàn bố trí cho hai cụ buồng đôi khách sạn 5 sao hẳn hoi. Sáng, ghé vào phòng đánh thức hai cụ dậy để đi sớm, thấy một giường vẫn nguyên vẹn, ga trải giường vẫn phủ nghiêm chỉnh.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, cụ ông hiểu ý, tủm tỉm cười: “À, bọn tớ ngủ chung. Năm mươi năm nay, quen thế rồi. Nằm riêng, cóc ngủ được”. Khi nghe bảo ngủ riêng ở phương Tây là cách bảo đảm hạnh phúc, cụ ông cười khà khà, ngâm nga: “Mặc ai tiếng bấc tiếng chì/Ngủ chung là nhất, cần gì ngủ riêng”. Cụ bà phì cười, tâm đắc.
Trường hợp này thì… đố ông bác sĩ, thậm chí viện sĩ nữa, thuyết phục nổi hai ông bà già ấy đấy!