Chị Thu Liên, một độc giả của Đẹp, tâm sự: Tôi có hai đứa cháu ruột – một là gái 4 tuổi và một là trai 6 tuổi. Tôi rất quý hai cháu và luôn quan tâm đến việc dạy dỗ chúng. Nhưng có một điều khiến tôi lo âu là chúng thường xuyên cãi vã, thậm chí đánh nhau! Tại sao lại như vậy? Bố mẹ chúng đâu có nêu gương xấu – em trai và em dâu tôi sống rất hòa thuận.
Còn tôi và cậu em (tức bố của hai cháu bé) hồi nhỏ cũng không có chuyện choành chọe nhau. Chỉ có điều là khoảng cách về tuổi giữa tôi và em trai nhiều hơn – 11 năm. Khi cậu em trai ra đời, tôi cảm thấy mình đã người lớn lắm rồi: tôi giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc em… Sau đó, khi em lớn lên, tôi còn giúp cậu ấy học hành.
Đến bây giờ, cậu ấy vẫn là người ruột thịt thân thiết nhất với tôi. Liệu những đứa cháu tôi có “thù địch” nhau mãi hay không? Chúng tôi phải làm gì ngay từ bây giờ để giúp chúng? Bạn cũng mang nỗi băn khoăn tương tự chị Liên? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất chuyện “gà cùng một mẹ” mà cứ đá nhau và rút ra cách ứng xử phù hợp.
Trung dung trước “đấu đá”
Việc anh chị em trong nhà trêu chọc, cãi vã, thậm chí lăn xả vào nhau không phải là điều quá kinh khủng. Đây là xung đột nội tâm trong mỗi đứa trẻ và chúng hoàn toàn có thể tự giải quyết với nhau mà không cần đến sự phân xử của người lớn. Bởi vậy, tốt nhất là phụ huynh hãy đứng ở vị trí trung lập, không can thiệp vào cuộc “nội chiến”.
Đừng lầm tưởng nếu bạn không làm “quan tòa” thì sẽ gay to, rằng nhất thiết phải trừng phạt “bị đơn”, vỗ về “nguyên đơn”. Hãy để các con được trải nghiệm khả năng tự làm rõ các vấn đề cũng như tìm ra cách ứng xử khả dĩ.
Bạn chỉ không nên đứng ngoài cuộc khi “nội chiến” đã đến hồi nguy kịch. Lúc ấy, bạn cần tuyên bố với chúng đâu là giới hạn cho phép và chú ý theo dõi để đảm bảo giới hạn đó được tuân thủ.
Lớn phải nhường bé?
Bản thân cuộc cãi vã không đáng sợ. Quan trọng là cách giải quyết ra sao và cần đạt được thỏa thuận nào. Nếu như đã vào vai trọng tài thì cha mẹ phải hết sức công minh. Thường thì trẻ lớn hơn hay bị kết án là “đầu têu” và sẽ bị quở phạt nhiều hơn với lý do: “Con lớn hơn!”.
Đừng quên rằng trong bất cứ cuộc “hỗn chiến” nào cũng phải có đôi bên tham gia. Nếu đứa trẻ bị trừng phạt một cách bất công – chỉ vì lớn hơn (theo nguyên tắc: lớn phải nhường bé, lớn phải biết cách ứng xử hơn chứ đừng có “to đầu mà dại”…), thì khi trưởng thành, trẻ cũng chẳng thiết tha với vai anh, vai chị nữa bởi suốt thời thơ ấu, cái vai ấy đã kéo theo bao phiền toái rồi.
Vậy nên, nếu cứ xài nguyên tắc “lớn nhường bé” mà phân xử, bạn sẽ làm hỏng vai trò làm anh, làm chị của con sau này, sẽ “chém từ gốc” một mối quan hệ ruột thịt có thể sẽ là chỗ dựa vững chãi nhất cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Yêu nhau lắm, cắn nhau đau
Bạn đừng quá lo lắng khi trẻ gây gổ với nhau. Tình cảm con người vốn đầy mâu thuẫn – một mặt vẫn yêu thương, quyến luyến, nhớ nhung, mặt khác lại muốn xúc phạm, thậm chí gây đau đớn cho người mình yêu quý.
Việc đứa lớn nhéo tai đứa bé chỉ là một cách để xả nỗi tức giận, ấm ức tức thời theo bản năng chứ không có nghĩa là nó sẽ coi em như “kẻ thù”. Thì trẻ con khác người lớn chúng ta ở chỗ chúng chưa kiểm soát được bản thân, chưa biết che giấu cảm xúc nên mới hồn nhiên để lộ ra ngoài như vậy.
Con vẫn là trẻ nít
Nhiều trẻ chẳng mừng rỡ gì trước thông tin sắp có em. Bởi vì đứa bé ấy sẽ là đối thủ của nó trong cuộc chiến giành tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ. Nó sẽ chẳng thể độc quyền sở hữu những món đồ chơi yêu thích, những lời ngọt ngào và nhất là vòng tay ấm áp của mẹ nữa.
Bây giờ, mối quan tâm của mẹ trước hết là dành cho cái kẻ cứ suốt ngày khóc oe oe, tè dầm và ngậm ti kia! Bởi vậy, từ khi có thêm con nhỏ, bạn cần chú ý đến đứa con lớn hơn để nó không cảm thấy mình bị “ra rìa”. Đừng quên âu yếm, cưng nựng con, sắm cho con những món đồ chơi hay quần áo mới. Thực ra, con chỉ lớn hơn so với em bé mới sinh thôi. Còn về bản chất, con vẫn là trẻ nít mà.
Tin ở Freud
Các nhà tâm lý cho rằng, so với các cô bé, các cậu bé “khổ sở” hơn với vấn đề “cạnh tranh” trong gia đình. Theo lý thuyết của Sigmund Freud (cha đẻ của ngành Phân tâm học) về phức cảm Ê-đip thì lúc 7-8 tuổi, ở các bé trai thường xuất hiện dục vọng vô thức đối với mẹ mình nên chúng rất khát khao được gần gũi mẹ.
Chúng sẽ có cảm giác thù địch, ghen tị với cha. Chúng nhìn người cha như một kình địch và thầm mong có thể “phế truất” cha, hòng chiếm lấy vị trí của ông. Hãy hình dung, trong tâm trạng nặng nề như thế, trước mắt cậu bé lại xuất hiện thêm một kẻ cạnh tranh nữa được gọi là “em bé”. Mà kẻ cạnh tranh mới này lại được mẹ đặc biệt chăm chút, thương yêu! Trong mắt cậu con trai, lúc này mẹ đích thị là một… kẻ phản bội.
Còn theo lý thuyết của Freud về phức cảm Electra (dục vọng vô thức của bé gái đối với cha) thì bé gái thường dễ vượt qua gánh nặng tình cảm kiểu này hơn. Lý do là sau ba tuổi, bé gái sẽ tách khỏi mẹ và quay sang thân thiết với cha hơn.
Khi đó, nếu con gái có được người cha tốt ở bên cạnh để an ủi, vỗ về, để cùng trò chuyện, đưa đi chơi… thì sự xuất hiện của “kẻ cạnh tranh mới” sẽ không thành vấn đề với cô con gái nữa.
Nói chung, một bé gái đang lớn, đặc biệt cần có cha ở bên. Cha là người đàn ông đầu tiên trong đời con và nữ tính của con sẽ được hình thành chính nhờ sự nâng niu, khích lệ của cha.
Cha càng dành nhiều thời gian cho con gái thì đời sống tâm sinh lý của con sau này càng an lành hơn. Nếu không có cha, thì ông bà nên đảm đương nhiệm vụ này để phần nào bù đắp cho đứa cháu gái đang thiếu sự chăm chút của mẹ.
Chị gái là mẹ hiền
Ngoài ra, bé gái còn có cơ hội rất thú vị để vào vai “người mẹ nhỏ” khi nhà có em bé. Giống như trong câu chuyện của chị Thu Liên kể trên: Chị lớn không chỉ giúp mẹ việc nhà mà còn chăm nom em bé, giúp em học… Cảm thấy mình khôn lớn, biết làm những công việc mà bố mẹ vẫn làm chính là điều khiến những đứa trẻ là anh là chị rất phấn khởi.
Hãy giao cho con đảm đương những công việc nho nhỏ (tự thu dọn đồ chơi, xếp áo quần cho em, dẫn em đến trường…) và đừng tiếc lời khen ngợi mỗi khi con làm tốt. Điều quan trọng nhất ở đây là để con cảm thấy mình quả là hữu ích cho gia đình.
Tuy nhiên, xin nhắc nhỏ: Bạn đừng bao giờ dùng mệnh lệnh hay đòn roi để ép con làm việc. Lúc đó, con sẽ cảm thấy mình giống như… nô bộc và không thể hào hứng đâu.
Mẹ ơi, đừng quên con!
Việc mẹ sinh em bé rất dễ gây sốc cho đứa con lớn. Bởi dù muốn, dù không, lúc này em bé cũng được bố mẹ coi là “số 1” và đứa lớn tự nhiên thành “số 2”. Trẻ đâm ra ghen tị với em bé, bắt đầu có thái độ tức tối, thù ghét em. Và chính từ đó, những choành chọe, xung đột sẽ nảy sinh.
Bạn cần hiểu rõ “nguồn cơn” của vấn đề như vậy mà cảm thông hơn với đứa con lớn. Thay vì quở trách hay trừng phạt, hãy nhẹ nhàng chia sẻ cùng con: “Bây giờ đúng là quá bận với em, bố mẹ không quan tâm được nhiều đến con, làm con tủi thân. Nhưng như thế không có nghĩa là bố mẹ quên con, không yêu thương con nữa.
Thực ra, chỉ vì bây giờ đang là thời điểm khó khăn với cả nhà mình. Em lớn lên rồi thì mọi việc sẽ ổn thôi”. Những lời tâm tình như vậy sẽ giúp trẻ vơi đi buồn phiền và những cuộc choành chọe với em nhờ thế sẽ chấm dứt.