Chuyện xạ với hương

Ắt hẳn không có câu châm ngôn nào cũ mòn như “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Ngay cả việc gõ lại nó cho bài viết, tôi còn cảm thấy ngại. Ừ thì hữu xạ tự nhiên hương, biết rồi khổ lắm.

Thế mà trong thực tế (lại cũng biết rồi khổ lắm) có quá nhiều nghịch lý diễn ra khiến câu châm ngôn kia trở thành mất linh, tỷ như chẳng cần xạ cũng vẫn hương (hoặc làm nhiều người nhầm tưởng là hương); rồi có những “xạ” cứ ngủ mãi trong bóng tối, nhiều khi mãn đời chả ai biết. Thế là thế nào?

Cuộc sống của họ không hoàn toàn thuộc về họ. Cuộc sống của họ thuộc về công chúng, những con người đã đưa họ lên đỉnh của vinh quang, danh vọng.

Hay là xạ cũng cần “chiến lược” thì mới tỏa được hương? Và thậm chí, có cả chiến lược cho đồ đồng nát tỏa hương nữa?

Có thể người ta vẫn nghĩ tôi đã giúp nhiều người trở nên nổi tiếng; và như thế, hẳn tôi phải nắm giữ cái bí quyết, cái chiến lược “xạ hương” ấy. Không! Tôi xin khẳng định, tôi chưa từng giúp cho ai nổi tiếng cả.

Tôi chỉ, bằng những phương pháp giáo dục nhất định, giúp một số nghệ sĩ phát triển tài năng có thực của họ, mở ra cho họ khả năng nhận thức xấu đẹp, hay dở; và tránh cho họ những hành vi bất cẩn, nhảm nhí khi họ còn trong tầm quản lý của tôi.

Thế tức là tôi không biết làm thế nào để nổi tiếng.
Hơn nữa, tôi luôn luôn cho nổi tiếng là một tai họa.

Ở mức độ nhẹ nhất, nổi tiếng khiến ta lười đi. Tôi có quen biết những người mà khi còn vô danh, họ cực kỳ siêng năng, cầu tiến. Nhưng chỉ sau một sáng ngủ dậy thấy mình nổi tiếng, họ không vận động nữa.

Họ nhanh chóng tìm ra một hệ thống tiểu xảo để hoạt động với tư cách người nổi tiếng – việc này giống hệt như nắm được trong tay vài quân bài may mắn, cứ thế mà trộn ngẫu nhiên cũng ra được dăm bảy nước bài đỏ. Không cần làm gì thêm, chỉ cần mài cái may ra mà ăn, để mà tận hưởng sự nổi tiếng.

Đáng lo ngại hơn, là khi nổi tiếng một cách dễ dàng, người ta không sống thực được nữa. Chẳng phải bản chất người ta là giả dối, cũng chẳng phải người ta cố tình lừa mọi người, mà vì người ta không quen được với cái bóng quá to của mình.

Lúc nào nhìn cái bóng cũng lừng lững, quá khổ, người ta hãi; rồi một cơ chế bảo vệ tự nhiên nào đó khiến người ta phải biến hình để xứng với cái bóng ấy. Người ta phải gồng mình lên, làm những chuyện kỳ dị, nói những điều xảo ngôn, để mà đỡ sợ. Như trẻ nhỏ sợ ma thường cố nói to vậy.
Tôi trông những tấm gương như thế, chỉ thấy tội.

Tôi đã trót dông dài, giờ quay lại chuyện xạ và hương. Tôi thiết nghĩ, sở dĩ có những làn hương giả tỏa ra được từ đống đồng nát, vô tài vô tướng, ấy là vì truyền thông cả tin quá.

Vụ việc, thông tin chưa kiểm chứng đã vội tin. Rồi bơm rồi thổi. Nói hẹp trong giới ca nhạc Việt bé tẹo thôi, không hiểu lấy đâu ra lắm “hiện tượng” với lại “ấn tượng” đến thế, ngày nào cũng có, như cỏ sau mưa? Hết “tài năng âm nhạc” lại đến “hiện tượng nữ nhạc sĩ”, chưa xong “gương mặt nổi bật” đã thấy lù lù “nghệ sĩ mới của năm”!

Rồi bạn này diva chưa kịp hoàn hồn, lại bạn kia idol. Rồi tùy tiện gán người này indie rock người kia world music, đọc mà ngỡ như đang đọc bản dịch tổng kết nửa thế kỷ âm nhạc toàn cầu của tạp chí Rolling Stone!

 
 Cuộc thi Vietnam Idol.

Thế còn những người có tài năng thực sự mà cứ cam phận vô danh mãi, thì sao? Chẳng sao cả. Họ không tỏa sáng là vì họ chưa đủ sáng để tỏa. Những người có khiếu văn nghệ đôi chút thật ra nhiều lắm; và lúc hoạt động nghiệp dư, có thể họ có một ít tác phẩm tốt.

Nhưng chính vì hoạt động nghiệp dư (đây là lựa chọn tự nguyện, khi họ đã có nghề nghiệp vững chắc khác), họ không đủ hơi sức và thời gian để làm nghệ thuật đúng mức độ nó đòi hỏi.

Và dĩ nhiên, không chuyên chú như vậy, khó trông đợi ở sự đều tay của họ. Họ chỉ có thể tỏa hương khi chịu hy sinh – vứt bỏ nghề nghiệp đang có để dốc lòng theo nghệ thuật – như nhiều tấm gương nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ lớn trên thế giới đã từng có.

Nói đi cũng phải nói lại, cái công nghệ lăng xê – tức là chiến lược biến xạ thành hương như tôi nói ở đầu bài – không đáng chê trách. Bài hát Việt phát hiện Lê Minh Sơn, là điều tốt (còn nếu – tôi nói “nếu” – sau đó Sơn bớt tốt đi là tại Sơn). Sao Mai Điểm hẹn đem lại Phương Linh, Hà Anh Tuấn là điều tốt. Music Faces lăng xê thành công Hồ Ngọc Hà là điều quá tốt.

Ngay cả khi cuộc lăng xê không thành như mong đợi, nhân tố không nổi tiếng được như mong đợi, thì cũng vẫn lành mạnh nếu (lại “nếu”) những người lăng xê thấy rõ ràng rành mạch và tin tưởng vào khả năng có thực của nhân tố mình nuôi dưỡng.

Bởi suy cho cùng, lăng xê tức là giúp tài năng hiển lộ, giúp một gương mặt nào đó tìm thấy công chúng của họ; và ở chiều ngược lại, giúp cho công chúng có thêm một hình tượng văn nghệ mới. “Để có cái mà nghe”, như nhiều bạn trẻ đã yêu cầu cá nhân tôi.

Vậy thì cứ để hữu xạ tự nhiên hương hay là không như thế, đó là lựa chọn của bạn.
Phần tôi, tôi tin vào điều này: sự nổi tiếng là phần thưởng ắt có cho sự hy sinh và nỗ lực của chúng ta cho một điều lớn hơn, có ý nghĩa hơn bản thân chúng ta.

Bài: Quốc Bảo

From the same category