Với giấc mơ đã trở thành hiện thực của mình, Đàm Vĩnh Hưng dễ khiến một người thợ cắt tóc muốn… vứt kéo để chuyển sang cầm mic – như cái cách ngày xưa người ta “vứt bút lông đi, viết bút chì”. Nhất là khi những “công thức đổi đời” của “bác Xiến Tóc” này xem ra cũng đâu khó “thuổng”: “Chiêu thức gì cũng dùng, trang phục kiểu nào cũng dám mặc, nhạc gì cũng hát, hình tượng nào cũng thử nghiệm…” – nói như Dương Triệu Vũ, “đệ tử ruột” của Mr Đàm. “Nhưng vấn đề là tôi đã làm trước mất rồi!” – Đàm Vĩnh Hưng cười tinh quái.
“Sợ nhất là… súng giả”!
Câu của Dương Triệu Vũ, có thể hiểu: Đàm Vĩnh Hưng là kẻ “điếc không sợ súng”?
À, “điếc không sợ súng” thì là đúng rồi nha! Nhưng thứ nhất là Đàm Vĩnh Hưng không bị “điếc”. Và thứ hai là Hưng cũng rất chi là “sợ súng”!
Vậy anh sợ loại súng nào nhất: súng liên thanh, súng giảm thanh hay… súng bắn keo?
Tôi sợ nhất là… súng giả. Sợ nhất là phải xem người ta “diễn” ở ngoài đời. Gặp phải loại súng này tốt nhất là nên tránh đạn và lánh nạn.
Anh từng nói anh sợ cái nghèo, và đó cũng chính là một động lực để anh riết róng hơn với “giấc mơ đổi đời” của mình. Vậy cái nghèo – theo anh – có phải là… một loại súng?
Nó chính xác cũng là một loại súng đáng sợ, vì những loạt đạn từ nó lắm khi cũng gây tổn thương ghê gớm cho chính… người cầm súng.
Đúng là dùng câu “điếc không sợ súng” thì vừa trúng vừa… oan cho Đàm Vĩnh Hưng! Nhưng quả thực là, khi nhìn vào con đường của anh, người ta dễ nghĩ: cách đi đúng đường, có khi lại chính là… cố tình đi lạc?
Chọn những gì người khác không chọn, làm những gì người khác không làm – đó là cách tôi “đi đường”. Tôi muốn tạo ra những con sóng mà để mình cưỡi lên nó chứ không phải để nó phủ lên đầu mình.
Khác người – nếu là bằng cá tính sáng tạo, thì dĩ nhiên là miễn bàn! Nhưng anh biết là trong làng nghệ ở ta, chả thiếu gì chiêu “khác người” chỉ đơn thuần là một “trò hoắng”!
Hoắng hay không thì tôi không cần biết. Chỉ cần biết là một khi anh đã đứng trên sân khấu, anh phải biết dùng đủ mọi cách gây sự chú ý tập trung cao độ vào mình, có như vậy thì giọng hát của anh mới được người ta lắng nghe, bộ đồ của anh mới được người ta ngắm kỹ. Mà muốn người ta chú ý, thì rõ ràng là anh phải có được điểm gì khác với người khác chứ, một cái gì người ta ít ngờ tới nhất!
Tôi lấy ví dụ: Trong một chương trình ca nhạc được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi được coi là sang trọng và đêm diễn đó theo tôi biết là có không ít khán giả quan chức, đạo mạo, thế nên hầu như tất cả các ca sĩ tham gia chương trình đều chọn những bài hát nghiêm ngắn, “hàn lâm”, suốt từ đầu bài đến cuối bài chỉ dám… đứng yên một chỗ.
Nhưng đến lượt tôi (mà tôi thì hay được chọn hát cuối), tôi nghĩ: Tại sao cứ phải “nghiêm trọng hóa” thế này, sao không thử chùng lại, nghe một cái gì… “bình dân” hơn đi, đời thường dân giã hơn đi? Thế là tôi quyết định “ấn” một bài khác hẳn, và tôi nói thẳng luôn: “Từ đầu giờ, tôi thấy không ai chọn cái bài như tôi đang định hát, nên tôi mong quý vị sẽ muốn nghe bài này”.
Rồi tôi tương hẳn một bài… nhạc sến. Khi hát, tôi cũng không chịu đứng yên trên sân khấu mà nhảy xuống giữa khán phòng, đến tận từng hàng ghế của khán giả – điều rất ít ai làm khi biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Và kết quả là thay vì đi lạc đường, tôi đã cán đích!
Khác người như thế thì cũng không… khó mấy nhỉ?
Có những cái nhìn thì không khó, ấy vậy mà không phải ai cũng dám làm và biết tính toán. Làm nghề này, muốn thắng, trước hết anh phải là một nhà tâm lý học. Phải biết chui vào bụng người ta xem người ta cần gì, muốn gì, nói gì làm gì thì sẽ được người ta để ý và thích. Nhìn thấy cái bụng của người ta rồi thì lại phải biết tìm những lời lẽ chui được vào tai người ta. Màn giới thiệu bài hát vì vậy là điều tôi hết sức dụng công.
Về khoản “chào hàng” tiết mục thì anh đúng là một thầy phù thủy: Cùng một “Xin lỗi tình yêu” nhưng ở chỗ này thì anh “xin lỗi” kiểu này, ở chỗ khác, anh lại… cám ơn kiểu khác. Sao anh không chọn một phương án “chuẩn không cần chỉnh” nhất?
Việc gì tôi phải xài lại chiêu cũ trong khi tôi thiếu gì chiêu mới? Chẳng hạn, tới chỗ có đông khán giả trẻ và nữ, thì tôi phải chọn chị em làm nhân vật chính, với một câu chuyện rất dễ khiến phụ nữ mủi lòng: “Hưng được chính nhạc sĩ thổ lộ, ca khúc này ra đời từ một câu chuyện tình có thật, nhưng cô gái đã không may qua đời, và anh đã viết bài hát này tặng cô – như một lời xin lỗi với người đã khuất…”.
Nhưng tới chỗ có nhiều khán giả nam đứng tuổi hơn, tôi lại nói: “Cánh đàn ông chúng ta thì khó mà tránh khỏi những lúc… say xỉn. Vì vậy Hưng muốn tặng bài hát này cho những ai trót nhậu say nhưng vẫn muốn… được vợ mình tha thứ.
Chị em thì vốn dĩ luôn thích được nghe các anh xin lỗi. Với bản tính vị tha của người phụ nữ Việt Nam thì Hưng lại càng tin rằng chắc chắn, các anh sẽ được tha thứ và… mở cửa cho vào nhà, sau khi “xin lỗi tình yêu”…”. Đấy nhé, thế là vẹn cả đôi đường: Nói thì nói là “tặng nam” nhưng lại ngầm ý là tặng nữ, thế nên anh em nghe thì ấm bụng, mà chị em thấu thì lại mát lòng…
Anh… được đấy, “ăn dỗ thế thì chết con nhà người ta”! Nhưng thế chẳng hóa ra, nói quan trọng hơn… hát à?
Hát hay nói, thì ăn thua, vẫn là ở cái đầu và cái tai của mình. Ca sĩ thì trăm anh chẳng anh nào chịu nhận là mình hát dở. Thế nên việc biết được mình dở ở chỗ nào mới là quan trọng.
Thế cái tai của anh bảo anh dở chỗ nào?
Tôi bị ngắn hơi.
Chỉ thế thôi sao?
Tôi không ngu mà đi “khai” hết đâu nha!
Vậy anh “xin lỗi” khán giả bằng cách nào?
Tôi lấp liếm nó bằng kỹ thuật chia hơi, và diễn tả cảm xúc theo hướng kịch tính hơn một chút, để mỗi quãng nghỉ sẽ giống như một tiếng nấc, một lời than thở, nghẹn ngào…
Thề với anh là từ giờ tôi sẽ không tin đàn ông “xin lỗi” và nghẹn giọng!
“Khán giả gần nhưng cũng xa lắm!”
Vậy điểm mạnh có khi là biết che giấu điểm yếu đấy nhỉ? Câu này thì cấm anh “nghẹn giọng” đấy nhé!
Câu này đúng mà! Và tôi phải công nhận là tôi biết che rất giỏi, bằng một cái đầu biết tính toán. Phải tính nát nước đấy, chứ không phải đơn giản là cứ lao đầu vào khán giả là được họ thích đâu! Khán giả gần lắm, nhưng cũng xa lắm! Mình giỏi lắm thấy được những khán giả ở gần mình, chứ dễ gì nhìn thấy được khán giả ở xa mình.
Vậy sao hôm nay anh lại không “đậy” nó nữa, điểm yếu ấy?
À thì là vì ngoài đời không chơi súng giả!
Sợ khán giả ở xa, vậy sao năm nay, vẻ như kế hoạch “tổng tiến công” của anh lại thiên về hướng “Bắc tiến”?
Là vì tôi đã từng không ít lần đến gần khán giả Bắc và thấy họ không xa mình. Tôi đã từng được khán giả Thủ đô vỗ tay rần rần không kém gì Sài Gòn, thậm chí còn hơn, dù trước đó tôi nghe nói khán giả phía Bắc thường không “bốc” bằng. Đi đâu tôi cũng được mọi người từ già trẻ lớn bé xin chữ ký, từ người bán trà, bán thơm hay anh xe ôm đều nhận ra tôi. Ôi tôi ngạc nhiên ghê lắm, và thấy hạnh phúc dễ sợ!
Anh bảo anh có cái đầu tính được hết mà, sao anh còn thấy ngạc nhiên?
Gây ngạc nhiên cho khán giả là một chuyện, ngạc nhiên vì khán giả lại là một chuyện khác. Nghề này không được ngạc nhiên thì còn gì vui! Chẳng hạn, có những album vừa phát hành được một, hai tuần, vậy mà tôi mới hát nửa chừng, liều mình chĩa mic về phía khán giả, đã lập tức có người… hát thế. Có bận tôi đang “Xin lỗi tình yêu”, bỗng có một khán giả lớn tuổi nhao lên sân khấu đòi… “xin lỗi” giùm… Đó thực sự là những món quà thú vị!
Có sự khác nhau về gu thưởng thức Bắc – Nam không, theo anh?
Các bài hit thì nhìn chung là đều được thích như nhau, có vênh thì cũng chỉ vênh chút xíu! Chẳng hạn như ca khúc “Nửa vầng trăng” thì cả fan Hà Nội lẫn Sài Gòn đều thích, nhưng Hà Nội xem ra còn thích hơn, phải nói là thích khủng khiếp! “Cho vừa lòng em” với fan Hà Nội cũng là “number one”! Sài Gòn thì lại khoái “Giã từ” hơn…
Chưa thật chắc chắn, nhưng cũng có thể tạm chốt: những bản nhạc dance sôi động + những bản nhạc xưa rất dễ vừa tai khán giả “đàng ngoài”. Tôi thậm chí còn tự thấy mình là chiếc cầu nối hiệu quả giữa khán giả trẻ với nhạc xưa, nhạc sến.
Tôi là khán giả Bắc đây, tôi đâu có thích!
Nhưng chị có thuộc về số đông không? Tôi cần số đông!
Anh thăm dò thị hiếu đám đông bằng cách nào, hay phải đợi lên sân khấu mới biết được?
Lên sân khấu thì là lúc mâm đã dọn ra rồi, phải biết tính từ lúc đi chợ chứ!
Thế tự anh “đi chợ” hay có người “đi chợ” hộ?
Tự tôi chứ, cái này phải tự mình làm là tốt nhất! Tôi thăm dò thị hiếu trên taxi, trong quán cafe, để ý xem họ mở nhạc gì cho khách. Tôi vào cả các hàng băng đĩa, hỏi mấy tay bán đĩa lậu xem dạo này người ta hay mua đĩa nhạc loại gì, đĩa nào bán chạy nhất.
Ngồi ăn quà vặt, tôi cũng tranh thủ hỏi chuyện người ngồi cạnh… Gì chứ về khoản lê la thì tôi chăm lắm nha! Phải chăm dò la thì mới mong đo được bụng người ta! Đo được tâm lý khán giả là cái quan trọng nhất!
Chọn cho đệ tử ruột của mình nghệ danh Dương Triệu Vũ, chiêu của anh là gì?
Nghe cái tên này chị có thấy nó vừa lạ vừa quen không? Vì để phân biệt được nó với một cái tên nổi tiếng khác: Lương Triều Vỹ, buộc lòng người ta chỉ còn cách… nhớ nó. Một cái tên đồng âm, đâu có ai thổi còi chuyện bản quyền đâu, vậy thì sao mình không tranh thủ nó?
“PR cũng là một kiểu la làng”
Tôi nghe nói anh không chỉ giỏi dò la mà còn giỏi… “la làng” nữa, động đến anh là ngang đụng ổ kiến lửa?
Đúng đấy, tôi sẵn sàng chấp nửa cái đầu để bảo vệ bằng được chính kiến của mình, để cãi cho đến khi thắng thì thôi! Mà mình cãi thì kiểu gì cũng thắng! Cái cảm giác cãi thắng này nó sung sướng lắm nghe! Tôi sợ nhất là bị chửi mà cứng họng không cãi lại được, quê lắm!
Thế nên khi tôi nâng cấp cái nhà mới mua, tôi cũng phải tìm đủ mọi cách thuê bằng được cái nhà bên cạnh, để được thoái mái đập phá ầm ầm bên trong mà không bị hàng xóm chửi. Ra phi trường hay vào bệnh viên, mà đụng phải chuyện chướng tai, là tôi cũng sẵn sàng gào lên cho cả đám đông nghe thấy, tôi không ngán đâu, tôi làm mấy lần rồi đó!
Lúc ấy anh không ý thức mình là người của công chúng sao? Có phải là kiếm củi ba năm đốt một giờ không: trên sân khấu thì ra sức chiều lòng khán giả, ra ngoài đời thì… sẵn sàng đánh mất hình ảnh không thương tiếc?
Người của công chúng thì… mất quyền công dân à? Người của công chúng thì cũng là con người. “Con người” còn quan trọng hơn “người của công chúng”. Vậy thì khi mình không được đối xử công bằng như một con người, thì mình phải la lên cho người ta biết mà thôi đi chứ? Hay ít nhất, cũng được hả dạ ngay lúc đó!
Showbiz Việt gần đây cũng không hiếm những kiểu la làng không phải để “đòi làm người (thường)” mà là để được làm người nổi tiếng! Anh có nghĩ la làng cũng là một kiểu PR?
Nói đúng hơn PR cũng là một kiểu la làng, nhưng là la làng theo cách khác. Muốn la làng cũng phải biết cách!
Khi chúng tôi thực hiện chùm bài này, đã có ít nhất hai vị khách mời xin được từ chối nói về phần “khuất sáng” của anh. Lý do là họ không muốn động chạm. Điều đấy phải chăng là vì cái “văn hóa la làng” của anh đã mặc nhiên được coi là một “thế lực”?
Góp ý chân thành, và quan hệ đủ thân thì tôi nghe chứ! Chẳng hạn như Hồng Ngọc, cô ấy đã từng nói: “Em thấy lo cho anh…”. Nhưng nói thật là trong làng nghệ này, những tình bạn thật sự và những câu nói chân thành như thế không nhiều.
Mà buồn thay, là đầy rẫy những trò nói xấu, hạ bệ nhau, không bao giờ hài lòng về nhau và chịu thừa nhận tài năng của nhau. Nhưng thôi nói cho cùng, hậu trường nghề nào thì cũng có những chuyện chơi xấu, khác chăng là trong giới nghệ sỹ thì dễ bị lộ chuyện hơn thôi.
Bản thân tôi cũng bị dính nhiều rồi, dù có nhiều khi tôi chỉ là người đứng giữa, nhưng nghe trái tai quá, tôi cũng phản pháo lại luôn. Cho bõ tức. Cho họ chừa bớt cái tật ấy đi! Nhưng đó là chuyện của cách đây bốn năm, còn giờ thì tôi lớn hơn rồi!
Giờ anh chuyển sang “mũ ni che tai”?
Không, tôi vẫn phản pháo, nhưng không phản pháo theo kiểu giật đùng đùng nữa. Giờ, nếu nói sai nhẹ, thì tôi không chấp, hoặc cùng lắm thì… mình cũng đi nói xấu họ, ăn miếng trả miếng (cười). Còn nếu như sai nặng, thì phải gọi điện hỏi thẳng, phải tìm cách xả ra bằng được! Khéo như Hồng Nhung thì tôi chịu.
Hồng Nhung là number one về khéo, chưa bao giờ chê ai hết trơn! Tôi với bà Lam (ca sĩ Thanh Lam – BT) hơi giống nhau về hành xử bản năng. Bà Lam còn hiền hơn tôi. Tôi thì cái gì cũng phải nhảy cẫng lên mới thỏa!
Đã bao giờ anh nghĩ lại: Thực ra có nhất thiết phải thế không? Lẽ ra ở tuổi anh, cũng bắt đầu phải điềm đạm dần đi là vừa!
Điềm đạm thì an toàn hơn, có thể lắm, nhưng lại không được đã! Cãi nhau thắng cũng là một niềm vui! Chẳng ai muốn phải mang một “tội lỗi” rõ ràng trước mặt thiên hạ cả, vậy thì tại sao không cãi cho mình được trắng án? Con kiến nó bò trên chân mình, không đập nó, tới khi nó chui vào tai rồi thì nằm khóc à?
Có cách nào chui được vào tai anh mà không bị đập chết không?
Có: Khóc! Tôi sợ nhất là khi mình cãi, người ta không đấu lại mình mà lại lặng lẽ khóc. Trời ơi thế là mình tiêu liền! Lại phải “xin lỗi tình yêu” thôi! Đấy, thế cho nên, đừng bao giờ đem sức mạnh ra dọa Đàm Vĩnh Hưng, vì thích kiểu nào có kiểu đó. Đem nước mắt ra thì tôi thua.
Đã có ai từng “dính chưởng” của anh mà sau đó gương vỡ lại lành được không?
Nóng mấy thì đúng là cũng có lúc phải nguội. Có điều, xong thì xong, nhưng để có lại tình cảm trọn vẹn như xưa thì không bao giờ có nữa. Vì vết nứt đó làm mình và họ phải dè chừng nhau hơn. Mà dè chừng thì khó mà chơi với nhau cho chân thành được!
“10 năm nay tôi chưa bao giờ dám chào khán giả qua quýt”
Vũ Hà – người bạn thân thuở cơ hàn từng có cùng xuất phát điểm với anh (thậm chí còn đi trước anh một bước) nhưng cuối cùng lại bị anh bỏ xa về vị trí và cán đích ngoạn mục. Sự so sánh này theo anh có nên đặt ra không?
Mỗi người có một số phận riêng và một đích đến riêng, nên không thể nói mình cán đích của mình thì có nghĩa là người kia thất bại. Còn tùy thuộc người ta có dễ vội bằng lòng hay không.
Hà có cách làm của Hà, Hà “điên” lắm, nhưng cũng là một style riêng, có khán giả riêng. Biết đâu Hà thấy nhiêu đó là đủ rồi, xung quanh hò hét cổ vũ là vui rồi. Nhưng tôi thì tôi muốn nhìn thấy những khán giả ở xa hơn.
Anh nghĩ mình có khả năng nhìn thấy những khán giả ở xa?
Yes!
Dù đã nhìn thấy rõ mồn một con đường của anh, tôi vẫn không khỏi tự hỏi vì sao một anh thợ cắt tóc lại có thể trở thành ngôi sao của làng giải trí vẻ như dễ dàng đến thế! Để biết đấy không phải là mơ, anh lý giải nó thế nào?
“Tổ đãi” – yếu tố đầu tiên, tôi cho là thế! Vì có những may mắn, tôi nghĩ chỉ có thể là do nhờ có sự bảo bọc của tổ nghiệp. Một khi ngài đã gọi đúng tên ai thì không sức mạnh nào cản trở được, trừ khi người đó quá kiêu ngạo, sống buông thả và xem thường tổ nghiệp. Muốn không làm ngài giận, ngài tức lên đòi lại thì mình phải ráng mà làm cho giỏi.
Ngày hôm nay phải khác hôm qua. Cái đầu thì phải không ngừng tính, nhưng cái tâm lý thì phải giữ cho ổn định. Tâm lý của mình có vững, mình mới nắm bắt được tâm lý người. Về khoản này thì tôi cam đoan: Trên sân khấu tôi là một con quỷ. Vì tôi biết rất rõ mọi mánh khóe, chiêu thức, không rõ là do ai chỉ cho mà tự dưng tôi biết chắc là chỉ cần xoay ba bước thôi là tôi gặp khán giả.
Tôi biết được màu sắc đó sẽ thế nào, trang phục đó phải ra sao, một bộ đồ công chúa thì phải đúng là của một cô công chúa, tôi cũng biết chỗ nào mình hát dở và cách nào để che giấu nó, băng qua nó… Lấy mình làm tâm điểm, tôi vẽ ra các vòng tròn đang quây quanh mình và cố công thoát ra từng vòng một.
Hồi còn hát song ca với Vũ Hà, tôi luôn thấy Hà hơn tôi rất nhiều thứ: giọng Hà sáng hơn, gương mặt cũng sáng hơn, tóm lại cái gì cũng hơn hết. Tôi lại nhìn sang Phi Hùng, Lâm Chí Khanh…, thăm dò xem mình có chút gì hơn được người ta không, rồi tôi tìm cách thoát ra khỏi cái vòng thứ nhất đó.
Càng thoát được ra ngoài, lại càng thấy nhiều vòng to hơn, bủa chặt hơn và mình chỉ có một cách duy nhất là lần lượt vượt qua các cửa ải. Nhìn những ngôi sao đang lên, mình lại phải giải được bài toán: vì sao bài hát ấy trở thành bài hit, vì sao hình tượng đó lại được công chúng tung hô, cần phải cư xử với khán giả thế nào… Cứ thế mà dần dần phá vây, vượt ải!
Thế khi ra đến vòng to nhất, anh bớt run hơn hay lại càng run?
Tại sao tôi lại phải run, khi mà lúc đó, tôi đã có được trong tay một cơ số bài hit, giọng hát cũng sáng rõ hơn, một độ nhạy sân khấu cao và trang phục biểu diễn được đánh giá là lôi cuốn… Đi hát ở quán bar, phòng trà, ít ca sĩ nào dám thay đồ hai lần, nhưng tôi thì tôi làm. Và khi hát xong, dù mệt đến mấy, bao giờ tôi cũng nán lại chào từng người để cảm ơn họ. 10 năm nay chưa bao giờ tôi dám chào khán giả qua quýt!
Anh có tin câu: “Người tính không bằng trời tính”?
Cũng có trường hợp đó, đúng! Nhưng vẫn phải dựa vào sức người là chắc ăn nhất! Cái gì có “khoa học” thì nó phải hơn chứ! Đến mưa nhân tạo mà người ta còn làm được cơ mà, ngưng mưa hay tạo mưa, chỉ cần bắn mây là xong!
Cái cách anh “bắn mây” xem ra cũng có khó học đâu nhỉ, sao vẫn chưa thấy có Đàm Vĩnh Hưng thứ hai?
Vì đơn giản, Đàm Vĩnh Hưng đã làm trước mất rồi và nếu anh “copy”, thì khán giả sẽ loại trừ anh ngay lập tức. Cái gì cũng cần thời gian, đâu phải làm phát ăn ngay dễ dàng thế được!
Vậy nếu không sợ bị “thuổng”, anh có thể tiết lộ kinh nghiệm để làm nên một bài hit?
Để dễ bề trở thành một bài hit, ca khúc đó trước hết phải có giai điệu đẹp, dễ nghe và nên thuộc tông thứ, trầm buồn với những điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, cảm xúc mỗi lúc một đẩy dần lên, ca từ thì phải làm cho khán giả thấy được mình trong đó…
Và sau khi đã túm được nó trong tay rồi thì việc còn lại là PR cho nó, bằng một sự tập trung cao độ nhất. Phải hát nó liên tục, phủ sóng nó khắp nơi: ra CD + kèm video clip tặng kèm, từ quán bar phòng trà đến sân khấu live show, trên TV, và kể cả đi tỉnh… Và mỗi lần lại phải tạo cho nó một hình hài mới, một cách gây chú ý mới, phải tung ra đủ mọi chiêu cho người đến sau không còn gì mà… hát nữa.
Đã có bài nào anh đánh hơi là hit mà nó lại không chịu hit cho không?
Chưa bao giờ! Nhưng lại có trường hợp ngược lại: không nghĩ là hit mà tự dưng nó lại thành hit, chẳng hạn như bài “Giới hạn nào cho chúng ta” – ca này tôi quá bất ngờ luôn!
Anh thường gắn cánh sau lưng để bay trên sân khấu. Anh có nghĩ ít nữa, khi tuổi đã “ngả chiều”, đôi cánh ấy dễ thường không hợp nữa?
Có hề gì! Lúc ấy cánh trắng giả sử mà không hợp nữa, thì mình thay bằng cánh đen, ai cấm? Nhưng Đàm Vĩnh Hưng thì phải có cánh! 50 tuổi vẫn phải có cánh!
Những câu hỏi ngắn
Phá cách bằng hàng hiệu – đó là mạo hiểm hay an toàn? Sáng tạo “để đời” là gì? Thích được gọi là gì? Cả Việt Nam cũng chí có 4 người được gọi là diva thôi đấy! Nghề tay trái anh có thể làm, ngoài cắt tóc? Câu nói anh thích nhất? Thay chữ “tình” vào chữ “tiền” có được không? Nghĩa là người giàu không bao giờ lo… thất tình? Mua hay bán cảm giác theo anh đáng buồn hơn? Có bóng đại gia sau căn hộ penhouse của anh không? Được anh yêu thì được gì? Bị anh ghét thì mất gì? Có đủ gan đánh đổi sự nghiệp để lấy tình yêu không? “Tình yêu vĩnh cửu” là món xa xỉ sao? |