Mỗi ngày hoặc ít nhất vài lần trong tuần, bạn vẫn thường nhấm nháp một ly cam vắt, cốc sinh tố bơ hay cầm trên tay lon nước quả đóng hộp. Một khi đã xem nước hoa quả là thức uống hàng ngày, bạn cần quan tâm nhiều hơn để biết loại nào nhiều dinh dưỡng, loại nào nên hay hạn chế dùng, dùng khi nào và cân bằng dưỡng chất cho hợp lý.
Cân bằng dinh dưỡng giữa nước hoa quả và các loại rau, củ, quả khác
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, khoảng ¾ số người hiện nay không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về hàm lượng dưỡng chất cần có từ rau, củ, quả mỗi ngày. Do đó, việc bổ sung dưỡng chất từ các loại nước hoa quả là cần thiết.
Tác dụng chính của nước hoa quả là tăng sức đề kháng nhờ hàm lượng vitamin và dưỡng chất cao, tăng cường sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa ung thư và nhiều chứng bệnh khác, làm đẹp da, ngăn chặn các dấu hiệu lão hóa… Đặc biệt, trong nước hoa quả chứa hàm lượng chất chống oxy hóa như vitamin E, beta caroten, vitamin C, polyphenol… có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do, nhờ đó giảm nguy cơ mắc các tổn thương và bệnh nguy hiểm như ung thư, Alzheimer, tim mạch, huyết áp…
Tuy nhiên, dù giàu dinh dưỡng đến mấy, nhiều tác dụng đến mấy, nước hoa quả vẫn không thể thay thế các loại rau, củ, quả tươi trong bữa ăn hàng ngày.
Các loại nước quả thường có hàm lượng đuờng, carbon cao, ít chất xơ hơn hoa quả nguyên trái. Do đó, kết hợp được cả rau quả tươi và nước ép là cách thức hiệu quả nhất cho cơ thể.
Mỗi loại hoa quả lại có thành phần dinh dưỡng khác nhau, có tác dụng ngăn ngừa các bệnh mãn tính và nguy hiểm khác nhau. Vì vậy, nếu kết hợp được nhiều loại hoa quả, rau củ, bạn sẽ ngăn ngừa được nhiều bệnh, mang lại cho cơ thể một sức khỏe toàn diện.
Bạn nên tự chế biến các loại nước hoa quả tại nhà vì rất nhiều cái lợi như: kiểm soát được lượng calo, tối đa hóa tác dụng của nước quả, tăng chất dinh dưỡng theo ý muốn bằng cách lựa chọn và kết hợp nhiều loại hoa quả khác nhau, đa dạng các loại nước uống bằng các món xay, ép, nghiền, sinh tố…
Không phải chỉ có lợi
Không nên lạm dụng nước hoa quả vì hầu hết đều nhiều calo và đường tự nhiên. Loại đường này lâu tiêu hóa hơn, nhất là trong nước quả đóng hộp. Hạn chế lớn nhất của nước hoa quả là làm mất một số chất dinh dưỡng trong phần vỏ, cùi và hạt trái cây nên không đủ để cung cấp toàn bộ năng lượng cho bạn.
Nếu lạm dụng nước quả sẽ dễ bị béo phì vì trong một nghiên cứu cho thấy, cùng một loại hoa quả (dưa hấu và nước dưa hấu, cốt dừa và cùi dừa), cùng một lượng tương đương, những người sử dụng nước ép tiêu thụ lượng calo cao hơn 20% so với nguời dùng quả tươi.
Một vấn đề nữa là do nước hoa quả chứa một lượng đường lớn nên thường làm tăng cân. Vì vậy, trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều sản phẩm nước hoa quả được quảng cáo là có tác dụng làm giảm cân mà vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng, loại bỏ độc tố trong cơ thể…
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ trong nước quả có những chất giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể, và hoa quả không thể cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho con người. Nếu nạp quá ít calo, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy đói, chóng mặt, buồn nôn, nặng hơn là bị khó thở, nổi mụn, viêm xoang. Chính vì vậy, bạn không nên chỉ dùng các loại nước quả giảm cân mà phải cân bằng dinh dưỡng với các bữa ăn khác trong ngày.
Nên uống loại nào?
Nước lựu
Hàm lượng các chất chống oxy hóa trong nước lựu là cao nhất so với các loại nước trái cây khác (kể cả trà xanh, nước nho, cam, việt quất), có tác dụng làm tăng cholesterol LHD tốt, giảm cholesterol LHD xấu, nhờ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Trong nước ép của lựu còn chứa polyphenol – chất chống oxy hóa có tác dụng phòng ngừa bệnh về tim mạch, ngăn chặn lão hóa, bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư.
Ngoài ra, nước lựu còn chứa hàm lượng vitamin B2, sinh tố B, niaxin, vitamin C, canxi và photpho, làm giảm quá trình hình thành mảng bám trong các động mạch, ngăn ngừa sự hình thành tế bào ung thư da, có khả năng hạ huyết áp ở những người huyết áp cao.
Đặc biệt, tất cả những gì có trong trái lựu đều là vũ khí chống ung thư vú tuyệt vời (dầu hạt lựu, nước ép, vỏ lựu, nước lựu lên men). Khả năng phòng chống và ngăn chặn bệnh của dầu hạt lựu là lớn nhất (tới 87%), nước ép lên men là 42%.
Nước cam
Đây là loại phổ biến nhất và cũng được nhiều người ưa chuộng nhất. Nước cam giàu vitamin C và P, kali, folacyn, canxi, hóa chất thực vật, limonoid, có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm mỏi mệt, tăng cường độ đàn hồi của thành mạch, chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, giải độc, lợi tiểu, có khả năng phát huy tác dụng trong các trường hợp xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và phòng ngừa một số bệnh ung thư.
Với trẻ em, nước cam giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy chiều cao, khả năng phát triển đồng đều và ổn định cả về thể chất lẫn trí não.
Nước nho
Trong nho chứa hàm lượng resveratrol – chất có khả năng chọn lọc và tiêu diệt các tế bào ung thư lớn, có khả năng chống lại bệnh tim, Alzheimer và giảm thiểu các tổn thương não liên quan đến đột quỵ.
Nho có tác dụng giúp gan đào thải lượng độc tố có hại trong cơ thể, có lợi cho quá trình tái tạo máu, hàm lượng nước, kali cao, giàu chất xơ – tốt cho hệ tiêu hóa và bài tiết. Nước nho ép còn có tác dụng giảm huyết áp và giảm LDL – cholesterol không có lợi, tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ nghẽn mạch máu.
Bạn nên chọn nho đỏ hoặc nho tím vì các loại này có hàm lượng dinh dưỡng cao (có hoạt tính chống oxy hóa cao gấp 3 lần so với nước ép bưởi, cam, cà chua và táo). Nước ép nho đỏ có ảnh hưởng trực tiếp lên phản ứng đông máu, vừa làm tăng nồng độ các chất kháng oxy hóa và giảm các gốc tự do trong hệ tim mạch.
Đừng quên những điều này
– Nên tự pha chế nước hoa quả tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh vừa có thể tự cân bằng giữa các loại hoa quả khác nhau.
– Trừ khi vỏ hay hạt hoa quả không sử dụng được, nếu bạn chọn mua được hoa quả sạch, nên xay/ép cả vỏ của trái cây như táo, nho. Với cam thì dùng cả phần cùi. Những trái như nho/lựu thì xay cả hạt vì chứa rất có rất nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất nằm trong vỏ, hạt.
– Nên uống ngay nước hoa quả sau khi chế biến, không để lâu vì lượng đường trong nước sẽ lên men hoặc sản sinh ra một số chất mới, không có lợi cho cơ thể.
– Nếu bạn đang mắc một chứng bệnh nào đó thì nên lưu ý khi uống nước quả. Ví dụ, nếu đang bị các bệnh về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy thì tuyệt đối không uống các loại nước quả chua như: chanh, cam, táo, nho, dâu đất. Các loại quả này chứa rất nhiều chất hữu cơ làm tăng axit dạ dày, khiến chứng viêm loét nặng thêm.
– Nếu bạn bị tiểu đường thì hạn chế uống nước nho vì loại này chứa nhiều đường glucose và năng lượng.
– Nếu bạn đang bị tiêu chảy thì không nên uống nhiều nước quả cùng lúc mà phải pha loãng và uống từng ít một.