Dế mèn phiêu lưu ký


Không chỉ là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài, “Dế mèn phiêu lưu ký” còn đi đầu và là đại diện cho cả nền văn học trẻ em Việt Nam. Tác phẩm xuất hiện lần đầu tiên năm 1941 trong bản in của NXB Tân Dân với cái tên “Con dế mèn”.

Năm 1954, nhà văn Tô Hoài sửa chữa lại, đưa vào các đoạn bị Pháp kiểm duyệt (trong một số bản in hiện nay, những đoạn thêm này đều được chú thích rõ), và viết thêm toàn bộ hành trình chu du thiên hạ của Dế mèn và Dế trũi sau này.

Từ đó, tác phẩm chính thức mang tên “Dế mèn phiêu lưu ký”, và đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.

Tác giả: Tô Hoài
Minh hoạ: Bút Chì

Tô-mếch lại lên đường ra đi

Ca-rích hay Xê-muy-en Pinh, hay những cậu con trai phố Pan có thể làm tôi hồi hộp đến tắc thở ở những đoạn truyện gay cấn, nhưng Tô-mếch là người đầu tiên bắt tôi dành dụm từng đồng tiền nhỏ nhoi để lần đầu tiên ngượng ngập đi đến hiệu sách mua quyển sách thứ nhất cho riêng mình trong đời.

Giờ đây, khi đi mua sách đã không còn ngượng ngập nữa, xem lại các thông tin về cuốn sách hồi ấy, tôi mới biết nó được in vào năm 1988. Tôi hoàn thành công cuộc dành dụm tiền lẻ để sở hữu quyển sách không lâu sau khi sách xuất bản, nghĩa là khi ấy tôi ở vào quãng 8 hay 9 tuổi.

Người bán hàng ở cái hiệu sách nằm chơ vơ trên một lối đi không xa bờ mương ao hồ, nơi giờ đây trở thành một phố đặc biệt đông người ở Hà Nội, có vẻ mặt như thế nào tôi không còn nhớ, nhưng tôi vẫn thầm biết ơn vì người chủ hiệu sách đó đã không tỏ thái độ gì trước mớ tiền lẻ dày cộm tội nghiệp mà trao ngay cho tôi niềm mơ ước ấy: Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen.

Tô-mếch trở thành người bạn của tôi, trung thành và thân thiết hơn cả những thằng bạn đồng học. Cậu bé được miêu tả như thế này: “Tô-mếch Vin-mốp-xki là một thiếu niên người Ba Lan. Em không sợ nguy hiểm nhưng cũng không thích bị lâm nguy vì nhẹ dạ, những kinh nghiệm tích lũy được trong những cuộc chu du khắp thế giới đã khiến em sớm trở nên thận trọng và chín chắn”.

Tôi cũng có mong muốn chiến thắng bọn trẻ con ngoài đời trong đủ thứ trò chơi, nhưng tôi cũng mong muốn sở hữu những kinh nghiệm phiêu lưu như Tô-mếch bên cạnh anh thủy thủ đồ sộ Nô-vi-xki và cô bạn gái người Úc Xan-li. Trước khi tới nước Mỹ để rồi sát cánh bên Tia Chớp Đen, Tô-mếch đã là nhân vật trong hai tập truyện trước đó, Tô-mếch ở xứ sở Cănguru và Tô-mếch ở lục địa đen, cả hai đều đã được dịch sang tiếng Việt.

Lai lịch của Tô-mếch mãi gần đây tôi mới biết. Thật là sung sướng cái thời được tận lực chìm đắm vào những trang sách mà không cần biết tới tên tác giả, tên dịch giả hay bất cứ thứ chi tiết gì thuộc về lĩnh vực “cận-văn bản”. Sự mơ mộng hình như gắn liền với những khoảng trống của hiểu biết.

Cha đẻ của Tô-mếch là một nhà văn tên tuổi của Ba Lan, An-phơ-rết Scla-rơ-xki (Alfred Szklarski), và Tô-mếch và thủ lĩnh Tia Chớp Đen chỉ là một trong rất nhiều cuộc phiêu lưu khác của cậu bé, “một xê-ri”, như ngày nay người ta thường nói.

Lời giới thiệu trong sách của dịch giả (Nguyễn Hữu Dũng) cho biết bộ sách rất được bạn đọc trẻ tuổi Ba Lan yêu quý này có tới mười tập, trong đó Tô-mếch còn phiêu lưu đến tận Siberia, Ai Cập, Alaska…, đều là trong những cuộc săn bắt thú hiếm cung cấp cho các vườn bách thú và đoàn xiếc dưới sự chỉ huy của ông Vin-mốp-xki cha cậu, một nhà cách mạng bị Sa hoàng truy đuổi.

Thời ấy ở Việt Nam, thiếu thốn thì thiếu thốn rất nhiều nhưng không thiếu những câu chuyện hấp dẫn kiểu như thế này. Bên Ba Lan anh em chắc hẳn sự tình về mặt kinh tế-xã hội cũng tương tự với nước ta nên người ta không ngừng viết ra những tác phẩm thật là thu hút.

Ở mảng truyện thiếu nhi, ngoài Tô-mếch còn có những truyện như Hiệp đầu 0:1. Tác phẩm không thiếu nhi lắm thì có cái tên quan trọng Tadeuz Dolega-Mostowicz, tác giả của những quyển nổi tiếng như Thầy lang và nhất là Đường công danh của Nikôđem Đyzma một thời làm sôi nổi tâm trí người đọc Việt Nam, thậm chí còn được so sánh với Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

Dolega-Mostowicz là một nhà văn trước Thế chiến thứ hai, thuộc vào hàng những tên tuổi lớn khác của văn chương Ba Lan mà người Việt Nam đọc rất nhiều, như Adam Mickiewicz nhà thơ yêu nước, rồi đặc biệt là Henryk Sienkiewicz, cũng là tác giả của một bộ truyện thiếu nhi danh tiếng: Trên sa mạc và trong rừng thẳm.

Về sau này, người Ba Lan vẫn không ngớt hiện diện trong đời sống văn hóa Việt Nam, ngoài Kazik ở Mỹ Sơn còn là những nhà văn như Stanislav Lem tác giả Solaris, gần đây hơn thì là nhà thơ nữ được giải Nobel Văn chương Wislawa Szymborska hay Ryszard Kapuscinski.

Mùa nào thức nấy, thời nào nhà văn nấy, Ba Lan hay các nước khác cùng khu vực địa lý, Hungary, Séc… là một nguồn thức ăn tinh thần không hề nhỏ cho người Việt Nam, dù sống ở thời bao cấp hay đã thoát được khỏi nó.

Những gì đọc từ nhỏ chi phối cái nhìn sau này của mỗi con người. Ai hồi nhỏ quá mê Đường công danh của Nikôđem Đyzma hẳn sẽ nghĩ văn chương phải luôn hài hước, sâu cay, và buồn cười. Vì đã lỡ đánh bạn với một chàng thiếu niên như Tô-mếch nên sau này khi đọc các nhà văn khác của Ba Lan, sự trong sáng và những phẩm chất tốt đẹp của con người vẫn là nền tảng cái nhìn của tôi: ngay cả khi đọc nhà văn hiểm hóc như Witold Gombrowicz.

Ngay cả khi đọc những tác phẩm khủng khiếp nhất của ông như Ferdydurke và nhất là Pornografia, tôi vẫn tin vẫn có một Tô-mếch lẩn khuất đâu đó giữa những sự trần trụi kia, một Tô-mếch lại lên đường ra đi, Tô-mếch người sống trong thiên nhiên hoang dã, làm bạn với các loài vật và không bao giờ từ nan để giúp đỡ người khác.

“Giai đoạn Tô-mếch” của tôi cũng sẽ trôi qua không lâu sau khi khởi đầu, vì một thời gian sau đó tôi đã phát hiện ra một tương ứng hoàn hảo của Tô-mếch trên lưng ngựa để thay thế: các nhân vật của Jules Verne.

Tôi không đọc truyện cổ tích cho tới tuổi mười bảy. Quãng thời gian ấy, tôi mới bắt đầu biết đến những câu chuyện tuyệt đẹp nhưng đau lòng của Andersen, những Bà chúa tuyết, những Cô bé bán diêm, còn trước đó, niềm vui khám phá của tôi đã tìm được ở một ngọn nguồn khác hẳn: những cuộc phiêu lưu của các cô bé cậu bé gốc Đông Âu.

Trong phòng trưng bày của chỉ một cá nhân tôi, cậu thiếu niên Tô-mếch (Tomek) người Ba Lan có một vị trí danh dự. Cậu là người can đảm, cậu là người tốt bụng, cậu là người mưu trí, và với riêng tôi, cậu còn là người dẫn tôi vào một thế giới mới.

Bài: Nhị Linh



From the same category