Cách đây hơn 5 năm, tôi có viết bài báo “Giải mã hiện tượng Quang Dũng”. Lúc ấy Dũng đang nổi như cồn và khi gặp tôi, Quang Dũng có bắt tay cảm ơn. Tôi hỏi, anh nghĩ sao về bài báo đó. Dũng khá điềm tĩnh và trả lời, “có lẽ Dũng cần thêm thời gian để suy nghĩ trước khi phản hồi những điều anh nói”.
Sau này, tôi vẫn theo dõi những thông tin về ca sĩ này, và rất ấn tượng với cách nói chuyện “Dũng cần thêm thời gian”. Kể cả lúc thành công nhất lẫn khi im tiếng nhất, Dũng tỏ ra khá điềm đạm, và rất lành với những phản ứng của dư luận cũng như người đối diện.
Ấn tượng tốt đẹp nhất tôi dành cho Quang Dũng không phải là âm nhạc anh mang lại. Dũng ấm và có độ rền, ở những tác phẩm nào đó, giọng hát cũng rất tình tứ và lãng mạn – Đúng. Nhưng cái cách Dũng sống trong làng giải trí này như một ngôi sao mới là hay, rất lành tính – không bao giờ tỏ ra bon chen.
Một cuộc sống vừa đủ để người ngoài nhìn ngắm và tò mò, một vài sự liều lĩnh nghề nghiệp táo bạo… nhưng không phải là một kẻ lớn tiếng, thích la làng với dư luận. Thời điểm nổi danh, Dũng cũng bị khá nhiều mũi nhọn chĩa vào, nhưng tôi không nhìn thấy những điều qua tiếng lại từ anh, cũng không bắt gặp những câu trả lời phỏng vấn đanh thép, tự tin thái quá dựa vào vị trí là một người có danh vị hoặc có tiền.
Có rất nhiều người cảm nhận giống tôi về Quang Dũng, trong đó có nhiều người khá gần với Dũng như Thanh Thảo, Trần Thu Hà, Phương Thanh… Luôn là người biết mình biết ta, với thế mạnh là gương mặt điển trai nhưng khá… quê, Dũng tạo được một ngoại hình hiền lành đáng tin cậy. Diện mạo ấy dễ gây cảm tình với tất cả mọi người, từ khán giả đến những cộng sự…
Con đường đi của một ngôi sao ca nhạc như Dũng cũng không cần thiết phải quá nhiều bon chen và cạnh tranh, lại càng bồi đắp cho Dũng hình ảnh hiền lành ấy… Hãy nhìn ngược lại, chưa thiếu một sân khấu nào mà Dũng chưa đặt chân, hầu hết các nữ ngôi sao cũng ít nhất một lần cùng anh hát song ca, lĩnh vực điện ảnh, truyền hình anh cũng đã thử sức… Rõ ràng, anh đã nhận được rất nhiều tình cảm từ mọi người.
Là một người khởi đầu từ bàn tay trắng, lại lặn lội từ một tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp, tôi tin là Dũng chịu ơn nhiều người để có được thành công như ngày hôm nay. Khi còn là ca sĩ của phòng trà Đồng Dao, giọng hát bản năng của chàng thanh niên Thái Văn Dũng cũng không có gì đặc biệt hơn so với hàng loạt những cái tên Thanh Long Bass, Đức Minh, Quang Minh…
Họ cùng giống nhau là vẫy vùng trong một vùng âm nhạc trữ tình, tiêu biểu cho màu sắc âm nhạc phòng trà của Sài Gòn… Dũng không an phận nằm im như một thợ hát – một nghệ sĩ phòng trà Sài Gòn hàng đêm. Hay người ta đã chọn anh như một gương mặt tiêu biểu cho dòng âm nhạc ấy, đơn giản bởi anh hiền lành, dễ mến hơn là anh hát hay hơn những người khác…
Tôi tin là lý do thứ hai thuyết phục hơn. Nên nhớ là giai đoạn 2000 – 2003 lúc đó, thế hệ âm nhạc Làn sóng xanh bắt đầu thoái trào, làn sóng mới của những ca sĩ Hà Nội đã lặng… Người làm văn nghệ Sài Gòn đang cố gắng tìm kiếm những gì đặc trưng nhất, mới mẻ và mang hồn vía của văn nghệ nơi đây.
Quang Dũng hoàn toàn khác, không quá bài bản học thuật, nhưng cũng không quá nhí nhố thị trường. Dũng thành danh cùng thời với hai cái tên khác, nói ra là đủ để thấy sự khác biệt tuyệt đối: Ưng Hoàng Phúc và Nguyễn Phi Hùng. Hai gương mặt kia cũng rất tiêu biểu cho một sự thành công trong showbiz Sài Gòn, họ trưởng thành nhờ công nghệ lăng xê bắt đầu mở ra rộng rãi trong đời sống giải trí của thành phố sôi động này.
Trong một khía cạnh nào đó, Dũng cũng dựa nhiều vào công nghệ đó, bởi có nhiều bàn tay đã chìa ra với Dũng để kéo anh lên. Nhưng cái cách đi lên của Dũng, người xem có thể yên tâm, rằng anh ta đi lên bằng chính cái mình có. Một giọng hát khỏe khoắn, riêng biệt và nhất là sự nam tính trong thể hiện, đối trọng với với các giọng hát ướt, yếu, và nhão nhan nhản thị trường bấy giờ.
Trở lại với bài báo cách đây 5 năm của tôi, khi ấy tôi có một nhận định là Quang Dũng khá khôn ngoan trong những bước chân đầu tiên của mình. Có rất nhiều nhận định Dũng là một bản sao của danh ca Tuấn Ngọc, nhưng chính Tuấn Ngọc đã từng phủ nhận điều này với tôi.
Song, không thể chối từ là Quang Dũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ giọng hát này bởi xét cho cùng, Tuấn Ngọc là biểu tượng của cả một phong cách và trào lưu âm nhạc trữ tình Dũng theo đuổi. Cái khôn ngoan nhất khi bước vào showbiz là Dũng chưa hát ngay những bài hát nổi danh và gắn liền với Tuấn Ngọc (ngược lại, rất nhiều ca sĩ phòng trà lại chọn những tác phẩm như thế này để trình bày).
Dũng đã chọn những tác phẩm nổi tiếng khác, được người nghe yêu mến qua những giọng ca nữ. Từ bệ phóng là hai bài hát riêng là “Vì đó là em” (Diệu Hương) và “Biển nghìn thu ở lại” (Trịnh Công Sơn) (và trường hợp may mắn hi hữu, Dũng đột nhiên thành công với bài “Còn ta với nồng nàn”, bởi lúc ấy Bằng Kiều đã bị cấm hát và lưu hành băng đĩa ở Việt Nam)… hầu như các ca khúc thành danh sau này vốn đã gắn với những giọng nữ khác được Dũng khôn ngoan thể hiện lại.
Ví dụ “Còn đó chút hồng phai” của Cẩm Vân, “Vô tình”, “Chờ em nơi thềm trăng”, “Bình yên” của Trần Thu Hà, “Cám ơn một đóa xuân ngời” của Mỹ Linh, “Hãy về với em” của Phương Thanh… Những sự thay đổi thái cực từ giọng nữ sang nam khiến cho bài hát được sống khác biệt, ít bị so sánh với người đi trước mà vẫn ghi dấu ấn một cách nhanh chóng. Dũng làm được một điều mà ít người làm được là biến cái của người ta thành cái của mình.
Ở đây chưa hẳn đã là một sự phá cách về nghệ thuật trình diễn, mà đơn giản là một sự khôn ngoan… Điều này lý giải tại sao Dũng nhanh chóng thành công ở nhạc Trịnh như vậy, trước hết là không thể so sánh anh với Khánh Ly (như áp lực thường thấy từ những người nghe cực đoan đối với các nữ ca sĩ khi hát nhạc Trịnh), và sau đó là Dũng quá phù hợp để thể hiện một thái cực dương tính, đàn ông cho những tác phẩm tự sự mà từ trước người ta quen đã nghe từ cực âm.
Nhưng nếu như đặt cho Quang Dũng một bài toán về một sự phá cách chắc chắn Dũng sẽ không bao giờ làm được. Kỹ thuật cá nhân và giọng hát bản năng của anh không đủ lực để làm khác. Tất nhiên có thể cố thủ mà nói rằng, điều này làm nên bản sắc và phong cách Quang Dũng thì không sai. Nhưng phải nhìn nhận rõ ràng là Dũng khó mà làm khác được.
Anh đã từng thất bại khi hát nhạc Hoa với Thanh Thảo, cũng đã thử sức với nhạc tiết tấu nhanh như bản latin rộn ràng với “Vì yêu” hát lại của Kasim hay lần song ca “Nắng thủy tinh” (bản upbeat remix) với Trần Thu Hà… Dũng không thể chối từ rằng anh cũng đã hơn một lần muốn thay đổi chính mình, muốn tăng nhịp độ bài hát, muốn đẩy tiết tấu cho tiết mục, muốn bay nhảy và lượn lờ với chính mình…
Hay như “kế hoạch lớn” khi kết hợp với Hồng Nhung đã không thành công như mong muốn bởi người nghe thấy Dũng quá đơn điệu, yếu thế khi kết hợp với một diva sành sỏi. Dũng hát bè và kết hợp xuyên suốt dự án 2 CD, 1 liveshow này khá đơn điệu.
Nhiều người nhận định, ở dự án này Hồng Nhung muốn lấn sân vào đối tượng khán giả lớn tuổi và trung thành của Dũng, ngược lại, Dũng có thể vịn vai của Hồng Nhung để bước lên một đẳng cấp cao hơn trong làng âm nhạc. Nhưng rõ ràng, kỹ thuật âm nhạc vẫn níu chân Dũng lại.
Giọng hát ấy đã đóng khung anh trong một sự hạn chế nhất định, mà chỉ khu trú ở đó, anh mới an toàn… Cũng may mà mảnh đất nhạc trữ tình mà Dũng đang đóng đô cũng đủ rộng, và may mắn tới mức, những mạo hiểm liều lĩnh như thời scandal “Như chiếc que diêm” của anh cũng đã được nới đai an toàn.
Nếu như trước đây, Dũng có thể bị tuýt còi nếu như quá ham một tác phẩm hợp giọng thì nay những xét duyệt cũng đã nhẹ nhàng hơn, cơ hội cho anh phục cổ những tác phẩm âm nhạc xưa cũ dễ dàng hơn.
Việc bị giới hạn trong một lối hát là ưu điểm đó, nhưng cũng chính là nhược điểm của Quang Dũng. Điều này lý giải ngay tại sao Đàm Vĩnh Hưng đã nhanh chóng lên ngôi và thành công hơn nhiều lần Quang Dũng. Mr. Đàm cũng đi vào đường của Dũng, cũng hát cover, cũng hát nhạc xưa phục cổ… nhưng cá tính của Đàm Vĩnh Hưng mạnh hơn, quẫy đạp bài hát mạnh mẽ hơn.
Khi mà người nghe đã qua thời muốn nghe lại những bài kỷ niệm – bằng những người hát mới, trẻ, đẹp như Quang Dũng, chắc chắn họ sẽ lại muốn thấy một diện mạo khác, không cần quá cao siêu về âm nhạc mà chỉ đơn thuần là khác… Họ có Đàm Vĩnh Hưng. Mà Mr. Đàm thì làm quá tốt điều đó. Thời điểm này, Dũng đã không còn ở vị trí cao nhất trong sự nghiệp của anh.
Cả hai thị trường trong và ngoài nước, vị trí đó đã bị thay thế bởi Đàm Vĩnh Hưng. Sự đa dạng của Đàm Vĩnh Hưng trong cả tính cách và nhạc mục đã đẩy Quang Dũng xuống phía sau. Với làng giải trí, đôi khi yếu tố đa màu sắc lại gây hấp dẫn cho khán giả (bản chất số đông là mau no chóng chán). Với Dũng, sự bền bỉ một màu thay vì đã chốt giữ anh lại ở một vùng âm nhạc riêng, rất khó để chia sẻ với miền âm nhạc khác.
Tôi đã từng nghe thông tin về dự án mới Quang Dũng làm CD acoustic với nhạc sĩ Thanh Phương, khá hoảng… Bởi tôi không tin Dũng có thể làm cả một album mộc mạc từ đầu đến cuối với một tiếng đàn guitar. Giọng hát Dũng một màu, ít biến hóa về xử lý chỉ có thể hát hay một bài hát giản dị với guitar chứ khó mà thuyết phục được người nghe cả một CD. Nói thật, Dũng không phải là Mr Đàm để anh vùng vẫy trong cả một album âm nhạc.
Mong sao, Dũng cứ giữ mình là như vậy, cũng chẳng cần phải cố để đi theo trào lưu của người nghe – mau no chóng chán, cũng chẳng cần phải tô màu sắc thêm cho mình bởi anh đang là anh- Quang Dũng, chứ không phải Tuấn Ngọc, càng không phải Mr Đàm.
Vĩ thanh: Khi đặt title cho bài viết này về Quang Dũng, tôi phì cười. Đúng là Quang Dũng không phải là Mr Đàm. Thứ nhất, Đẹp vừa chọn Mr Đàm là nhân vật “Đẹp +…” số trước, và bây giờ là Quang Dũng.
Hai giọng hát khá đặc biệt và hoàn toàn khác nhau. Thứ hai, tôi tin phản ứng nếu như Đàm Vĩnh Hưng là nhân vật của bài báo này anh ấy sẽ lên tiếng ngay lập tức. Còn Quang Dũng, chắc anh ấy sẽ lại bắt tay và… “Dũng cần thêm thời gian”.