Đó là một giai thoại được nhiều người tấm tắc lưu truyền cách đây chưa lâu lắm.
Thời lượng kiểm tra là mười lăm phút, với đáp số đúng “gì” là “hoa” và “bùn”. Kinh ngạc thay, tỉ lệ đoán đúng là vô cùng xuất sắc, nó tương đương như là tỉ lệ học sinh đã đỗ trung học năm nay (2010), xấp xỉ khoảng 90%.
Thực ra, bài toán trên sẽ là rất khó nếu thí sinh đã lớn tuổi, cái tuổi trưởng thành chứa chấp nhan nhản những toan tính chứng khoán, những mưu mô hoạn lộ hoặc tệ hơn, những so đo cò kè tình yêu. Còn ở bọn trẻ con, sẽ thật dễ dàng, bởi sâu xa như Bác Hồ từng nói “trẻ em như búp trên cành”.
Với cái nhìn đầy ắp nụ tươi non, bọn chúng chỉ thấy, một cái gì đã đẹp mà lại chẳng thể bị dung tục vấy bẩn thì đương nhiên cái ấy phải là “hoa”. Tất nhiên, nó sẽ là “hoa” gì thì phải tra từ điển cái đã.
Theo từ điển thì “hoa” nói chung có vài nghĩa. Ở từ nguyên Hán Việt đại loại nó là “Sắc tạp loạn – Đẹp tốt – Văn vẻ – ả đào hoặc đĩ” (Đào Duy Anh). Còn ở từ nguyên thuần Việt thì ở danh từ nó là “Cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có mầu sắc và hương thơm”. Và là “Hòn dái gà đã luộc, theo cách gọi kiêng tránh”.
Khi ở động từ nó lại là “khua, múa”. Khi ở tính từ thì nó là “Trạng thái tối sầm, quáng loá cả mắt do mệt mỏi hoặc bị kích thích mạnh” (Nguyễn Như Ý chủ biên – NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, thứ hoa vẫn hay được yêu thích rồi nồng nhiệt bàn luận luôn chỉ là non tơ hoa lá, một khái niệm thăm thẳm trong veo mà thi ca nhạc họa thường nồng nàn tôn vinh như biểu trưng phẩm chất cốt cách của một người, “người ta là hoa của đất”, thậm chí thăng hoa thành của cả một dân tộc.
Người Nhật coi hoa Anh Đào là quốc hoa, Bulgaria là “xứ sở của hoa Hồng” còn Hà Lan là “đất nước của hoa Tuy Líp”… Ở ta cũng kha khá nhiều người hân hoan đi tìm “quốc hoa”, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn loay hoay chưa thấy.
Tại cuộc hội thảo công phu về đề án quốc hoa Việt Nam diễn ra tại Hà Nội (16/06) với sự tham gia của Viện Nghiên cứu rau quả, các chuyên gia băn khoăn đưa ra mấy “óp-sần”. Hoặc sen, hoặc mai, hoặc đào, hoặc tre… Giáo sư Lê Văn Lan, người lừng danh trên nhiều show truyền hình thì chọn hoa sen. “Sen cũng gần gũi với tính cách giản dị của người Việt.
Đất nước ta cũng “rũ bùn đứng dậy sáng loà” như hoa sen vươn lên từ bùn trong thơ Nguyễn Đình Thi” (TT và VH – số 168). Đại loại ý kiến giáo sư phảng phất uyên bác trùng với đề toán đố đã dẫn. Nguyên nhân chưa tìm được quốc hoa thì có nhiều và theo đám chủ quán bán rượu nó khá đơn giản, bởi ở ta chưa có quốc tửu. Văn hoá phương Đông hay cho hoa song đôi với rượu, “quốc tửu” chưa có thì việc kiếm tìm được “quốc hoa” là thiên nan vạn nan.
Có một mặc định lãng mạn ở hội họa, đó là những thiếu nữ đương xuân (thỉnh thoảng có thiếu phụ đương thì) luôn được các họa sĩ trân trọng đặt cạnh bình hoa. Cứ thử vào bảo tàng Mỹ Thuật mà xem, cạnh vô vàn người đẹp đang lớn là hoa huệ, hoa loa kèn, hoa sen, hoa súng…
Thiếu nữ hoặc ngồi hoặc nằm hoặc mông lung cười hoặc lơ ngơ buồn bên hoa (trừ những loại hoa có tên quá dân giã như cứt lợn hay mõm chó) là chủ đề của không biết bao nhiêu họa phẩm kinh điển. Ngay cả đương đại hội họa ở ta bây giờ, nguyên tắc “tứ quý” để cho tranh pháo bán chạy vẫn phải “chim, hoa, cá, gái”.
Qua đấy thì nôm na thấy, hoa và thiếu nữ lúc nào cũng thượng phong chiếm phân nửa thị phần. Thế nhưng so với văn thơ cũng ở chủ đề này, hội họa chưa là cái đinh gì, nếu miễn cưỡng trích dẫn thì nhiều lắm chỉ xin đưa một giai thoại mang tính a dua. John Milton (1608 – 1674), thi hào người Ăng Lê vĩ đại với tác phẩm khét tiếng “Thiên đường đã mất” hơn một lần ngậm ngùi nói: “Vợ tôi là một bó hồng không hoa”.
Bỗng dưng phải cay đắng nức nở ví von như vậy, có lẽ hôn nhân của thi sĩ đẫm đầy bất hạnh bạc bẽo nên tua tủa sinh gai góc. Thường thì trái tim của những đàn ông đa cảm lương thiện rất dễ bị đâm thủng bởi gai của hoa hồng, nhất là loại hồng bạch mang vẻ ngây thơ mong manh trong trắng. Có phải thế chăng mà bên buôn bán kinh doanh coi thuật ngữ “hoa hồng” là phí bắt buộc phải trả cho một tay “cò” sau khi thương vụ đã lắt léo thành công.
Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, thiếu nữ luôn được rưng rưng gọi là “tuổi hoa”. Bọn họ chính là những đoá hoa tinh khiết được giời đất chắt chiu hiến tặng cho đời. Thứ đặc sản vô giá này rất cần phải được nâng niu. Vì thế ngay từ hồi mẫu giáo, rất nhiều đàn ông đã bị dạy học thuộc bài hát “Ra vườn hoa em chơi, em không hái một bông hoa nào. Hoa chúm chím nhìn em hoa cười…”. Thiếu nữ cười bên hoa luôn là long lanh hoàn hảo đẹp.
Nên chăng, trong lúc chờ đợi các giáo sư đi tìm ra được quốc hoa, chúng ta hãy khuyến khích những thiếu nữ mới lớn khi chụp ảnh kỷ niệm đỗ cao trung học nên đội nón lá tre, mặc áo dài mầu hoa đào, tay chúm chím cầm hoa sen và mủm mỉm đi lại quanh chậu mai vàng.
Minh họa: Mớ