Siêu rẻ và siêu… rởm
Theo khảo sát tại nhiều phiên chợ ở vùng nông thôn, giá cả các mặt hàng chăn ga gối đệm có dán mác “na ná” Hàn Quốc được bày bán đổ đống với đủ các loại giá trên trời dưới biển.
Tại chợ Nhống (An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình) chăn, gối được chở đến và bán trực tiếp trên các xe tải lớn, nhỏ với giá rất mềm. Một bộ chăn, ga và 2 gối hiệu Eveton (nhái của Everon) có giá từ 300.000 – 500.000 đồng.
Trong khi đó trọn bộ này của chính hãng do Everon sản xuất dao động trên dưới 3.000.000 đồng, tùy vào từng chất liệu. Đệm cứng nhãn hiệu nhái cũng chỉ có giá 500.000 – 1.000.000 đồng trong khi hàng chính hãng có giá không dưới 4.000.000 đồng/sản phẩm; ruột gối nhái chỉ có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/chiếc trong khi hàng thật có giá từ 80.000 – 100.000 đồng.
Chị Trần Thị Hải Yến cũng mua được một bộ chăn, ga, gối nhãn hiệu Hacovic tại chợ Đọ (Ninh Giang, Hải Dương) với giá 350.000 đồng. Nhưng, 2 chiếc gối dùng được ít ngày móc ruột mang ra phơi thì thấy toàn vải vụn, xốp dẻo và có cả… vỏ xốp trắng thường được dùng để bọc hoa quả. Sau đó, chị Yến phải vứt ruột gối đó đi không dám dùng nữa.
Chủ hiệu Thiên Quốc tại chợ Vồi (Thường Tín, Hà Nội) thật thà cho biết: “Hầu hết hàng của gia đình tôi đều nhập từ làng nghề Trát Cầu (Tiên Phong, Thường Tín). Trước đây, một số sản phẩm gối cửa hàng nhập về bán sau đó bị khách hàng mang đến “bắt đền” vì ruột làm bằng phế liệu, tôi cũng đem trả lại lô hàng đó cho xưởng”.
Đi tìm “công nghệ” nhái
Tìm đến làng nghề Trát Cầu – “đầu mối” của nhiều lái buôn chăn, ga, gối đệm ở tứ xứ, chúng tôi thấy được không khí nhộn nhịp, tấp nập người và xe chở hàng. Khắp làng, đâu đâu cũng thấy rác thải vải vụn, xốp loại không sử dụng được mang ra đổ bừa bãi khắp các con mương quanh làng. Mùi khét lẹt bốc lên từ những bãi rác đang được đốt vây lấy không khí.
Ông H.T.T đang lúi húi nhặt vải vụn được các xưởng loại ra đổ tại một… đống rác ven đê cho biết: “Vải này vẫn còn dùng tốt, các xưởng sản xuất lớn thường bỏ đi nhưng mấy xưởng nhỏ lại đi nhặt về, làm sạch rồi nhét vào các ruột gối bán giá rẻ cũng tiết kiệm được khối”. Ông T cũng cho biết, trong làng chỉ các gia đình có đầu tư máy móc công nghệ cao mới làm hàng chất lượng cao, còn lại các hộ sản xuất nhỏ lẻ toàn làm hàng nhái, với nguyên liệu rẻ bán về các vùng nông thôn.
Không biết công nghệ “Hàn Quốc” được áp dụng vào làm chăn, gối ở Trát Cầu nhiều đến đâu nhưng dọc đường vào làng, tất cả các cửa hiệu đều có biển quảng cáo “Chăn, ga, gối, đệm Hàn Quốc chính hãng” với các thương hiệu như: Coshyhan, Hansan, Vikosan, Hacovic, Eveton, Vihana… Khi được hỏi về ý nghĩa của nhãn hiệu sản phẩm, nhiều hộ sản xuất tiết lộ: “Chỉ đặt giống tên…Hàn Quốc cho dễ bán”.
Nói về việc xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong cho biết: “Hiện cả xã có khoảng 1.200 hộ làm nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm nhưng chỉ có khoảng vài chục hộ làm ăn lớn tự đi đăng ký thương hiệu, còn lại không mấy hộ quan tâm. Nhưng cái dở là ở chỗ họ toàn đăng ký tên thương hiệu giống Hàn Quốc nên cả làng mới bị mang tiếng là làm hàng nhái”.
Trong khi đó, khi đặt vấn đề về việc quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề và thương hiệu nhái, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong từ chối trả lời, lý do đưa ra là: “Không nắm bắt được thông tin mảng làng nghề, đã giao cả cho Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế chịu trách nhiệm”. Nhưng Phó Chủ tịch xã thì… không thể liên lạc được!.
Theo Tùng Anh – Ngô Xuân