Tổng thống Barack Obama là vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, là đại diện xuất sắc thứ hai của Đảng Dân chủ tái đắc cử trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Trong rất nhiều những kỳ tích mà ông đã làm dành cho nước Mỹ, chính bản thân ông cũng là một niềm tự hào của đất nước này.
Hoạt động tích cực của ông trên chính trường và sự yêu mến mà người dân Mỹ dành cho ông đã làm thay đổi nền văn hóa Mỹ đương đại. Nước Mỹ vốn luôn đề cao sự tự do và bình đẳng nhưng thực sự người Mỹ gốc Phi vẫn luôn phải chịu đựng sự kỳ thị chủng tộc. Kể từ ngày Obama trở thành tổng thống của nước Mỹ, ông đã đem lại niềm hy vọng mới cho toàn dân tộc và đặc biệt là cho những người Mỹ da màu này.
Quả thực vị thế của người Mỹ gốc Phi trong cộng đồng đã được cải thiện. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là qua phim ảnh và các phương tiện truyền thông.
Khi nước Mỹ lần đầu tiên có một vị tổng thống gốc Phi, hãng Walt Disney đã kỷ niệm sự kiện này bằng việc xây dựng hình ảnh một nàng công chúa da màu đầu tiên trong lịch sử phim hoạt hình Hollywood.
Nàng công chúa da đen đầu tiên trong lịch sử phim hoạt hình Walt Disney
Trước đây, các vị công chúa, hoàng tử trong các bộ phim hoạt hình luôn có màu da trắng muốt. Điều này đã dẫn tới những tranh cãi rằng liệu các hãng phim hoạt hình có bỏ quên mất đối tượng là những em bé Mỹ gốc Phi, các em cũng có những giấc mơ cổ tích của mình, tại sao không bao giờ các em được thấy những nhân vật giống như mình xuất hiện trên phim?
Những nàng công chúa da màu từng xuất hiện trong lịch sử phim hoạt hình chỉ vỏn vẹn có nàng Pocahontas – một thổ dân da đỏ và nàng Jasmine trong câu chuyện cổ tích Aladdin mang vẻ đẹp của vùng Trung Đông. Cuối cùng, người ta đã được thấy nàng công chúa Tiana xinh đẹp trong bộ phim hoạt hình “Hoàng tử ếch”.
Nàng Tiana trong phim hoạt hình “Hoàng tử ếch”
“The Cleveland Show” là loạt phim hoạt hình chiếu trên truyền hình rất được các bạn trẻ tuổi teen tại Mỹ yêu thích. Phim đã giành được nhiều giải Teen Choice Award chứng tỏ một cách tư duy mới của giới trẻ Mỹ về vấn đề đa dạng văn hóa và chủng tộc. “The Cleveland Show” có nội dung khá giản dị, kể về cuộc sống của một gia đình da màu đặc biệt với ông bố Cleveland Brown và bà mẹ Donna Tubbs đều là những người có con riêng. Họ cùng nhau vun đắp cho một mái ấm chung. Cho đến nay, loạt phim đã chiếu liên tiếp 4 kỳ trong suốt ba năm qua và vẫn duy trì tỷ lệ người xem ở mức cao.
“2012” là một tác phẩm của điện ảnh Mỹ, sản xuất năm 2009, làm về đề tài ngày tận thế của trái đất. Trong phim, diễn viên da màu Danny Glover đã vào vai Tổng thổng Thomas Wilson với những lời phát biểu hùng hồn và xúc động khiến người ta không khỏi liên tưởng tới tới ông Obama.
Tuy Thomas Wilson không phải là vị tổng thống da màu đầu tiên xuất hiện trong các bộ phim giả tưởng của Mỹ nhưng diễn xuất của ông khi đó đã gợi người ta nghĩ tới ông Obama – người vừa dành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử năm 2008. Là vì đạo diễn của phim đã cố tình tạo ra một tổng thống Thomas Wilson nhang nhác Obama hay vì ông Obama có sức truyền cảm quá lớn khiến người dân gặp vị tổng thống anh hùng nào trên phim cũng cảm thấy có nét giống với Obama?
Tổng thống Thomas Wilson trong phim “2012”
Trong địa hạt phim truyền hình, hiếm khi người ta thấy nhân vật chính là những người Mỹ gốc Phi, thường họ chỉ xuất hiện trong những vai phụ, làm nền cho các diễn viên da trắng tỏa sáng. Tuy vậy, đạo diễn J. J. Abrams là một trong những vị đạo diễn đầu tiên thay đổi “luật bất thành văn” này. Ông đã đưa hai nhân vật chính gốc Phi vào bộ phim truyền hình hành động “Undercovers” của đài NBC. Trong đó, hai diễn viên Gugu Mbatha-Raw và Boris Kodjoe vào vai các điệp viên CIA thông minh, tài giỏi, siêu ngoại ngữ và có “thân thủ phi phàm”.
“Hawthorne”, bộ phim truyền hình ăn khách năm 2009 có sự tham gia của nữ diễn viên Jada Pinkett Smith – vợ của nam diễn viên Will Smith. Trong Hawthorne, Jada vào vai Christina Hawthorne, một y tá trưởng ở bệnh viện. Cô là một phụ nữ tài giỏi và nhân hậu, hết lòng quan tâm chăm sóc bệnh nhân và giúp đỡ chia sẻ với đồng nghiệp. Truyện phim xoay quanh những nỗ lực vượt lên khó khăn trong công việc và cuối cùng đấu tranh để có được hạnh phúc của cô y tá cần mẫn.
Không chỉ dừng lại ở phim hoạt hình và phim truyền hình, các show truyền hình thực tế cũng chứng kiến sự thay đổi rõ nét. Những show truyền hình thực tế như “Basketball Wives”, “Strange Love”, “The Surreal Life” hay “Flavor of Love” đều là những chương trình gameshow có tỉ lệ người xem rất cao tại Mỹ. Chúng được coi là những “hiện tượng” của gameshow truyền hình bởi chưa khi nào các nhân vật chính là người Mỹ gốc Phi lại có sức cuốn hút người xem tới như vậy.
Theo Dân trí