Gangnam Style có gì mà sốt thế?

Không phải Xì-lâu, chả phải Cha chả, Híp hóp, chỉ là xì-tin Gangnam, loăng quăng vỗ đập, phi cưỡi, như lên đồng tay bắn súng lục tay bơi thuyền rồng…

 

Style là Xì-tin, Gangnam là tên một quận xịn của thủ đô Seoul, chỉ địa danh phía nam con sông. Gangnam Style nhại phong cách tay chơi quận nhà giàu, kệch cỡm chả thèm giống ai.

Tay rapper Park Jae Sung (viết tắt thành niick PSY) nghĩ ra trò này để giễu lớp nhà giàu mới nổi ở quận Gangnam, bằng hình ảnh thằng béo nhà quê thô kệch mà hơi tý vỗ ngực xì-tin Gangnam.

Không có gì. Là không có gì tỏ ra chuyên nghiệp. Chỉ từ một bài hát như ngớ ngẩn với những động tác ngẩn ngơ, múa may ngốc nghếch, ăn mặc kỳ cục, có mỗi từ khoe khoang của thằng béo “Oppan Gangnam Style” (Anh có xì-tin Gangnam) mà cứ nhại đi nhại lại.

Dân Hàn ngó nghiêng, từ khoái rồi sốt, lũ lượt hoa chân múa tay. Giờ thì khắp châu Á, cả Âu, Mỹ, từ quan chức LHQ đến đám tù nhân Phi, từ gầy rộc đến mũm mĩm, chả no cơm ấm cật cũng giậm giựt chân tay hua theo “Gangnam Style” như mốt.

Thế thôi mà bao quận, phường, quân khu nhà giàu khắp nơi, từ Hoàn Kiếm, Ba Đình cho đến Tây, Ta, Tầu, Tưởng không làm được đấy.

Giangnam có giàu, ăn chơi đú đởn cũng chả bằng các kinh đô ánh sáng, sòng bạc Âu Mỹ. Xa hoa, hoang tàn… cũng chả bằng những nơi quen xì-tin sĩ, thích “thể hiện”, hay tức nhau tiếng gáy là vung tiền mua một chốc vui.

Thế tại sao họ dấy lên được phong trào quần chúng sôi động, tạo sức sống, niềm vui, tự hào?

Hỏi thì phải hỏi lại: Tại sao phim Hàn, nhạc Hàn, thời trang Hàn trăm hoa đua nở, hút khách?

Cứ cho là họ có chủ trương, chính sách đúng đắn, đưa văn hoá làm ngoại giao, lấy ngoại giao văn hoá phục vụ kinh tế…Vấn đề là triển khai thế nào, các khâu phối kết hợp đồng bộ ra sao mà đạt hiệu quả cao, tạo phong trào sâu rộng?

Có cái khác tý. Có thể chỉ là đơn giản hoá, quần chúng hoá, gần gũi, giao lưu, lôi người xem cùng vào cuộc. Không sân khấu hoành tráng, mà ở sân trường, công viên, trên xe bus, trong phòng tập thể dục, có khi trong nhà vệ sinh …

Không loè loẹt, khỏi “lộ hàng”, chả nuột nà, chải chuốt bóng bẩy, xa cách…cứ thô mộc thế thôi mà hút.

Có thể người xem chán ngấy các trò õng ẹo, chảnh choẹ, nên khoái “bình dân học vụ” gần gũi. Nó tạo tương phản, và sự “bất cần” nhập phe này tạo hiệu quả. Nghệ tưởng như không nghệ mới tài, cũng như hài giả nghiêm.

Đơn giản như đang giỡn, chả thấy tính chiến đấu, tính tư duy… Nội cái tính quần với tính chân cũng đủ làm nên sự khác biệt.

Trần Giang Phương


From the same category